-
Ngày nay, sau khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện và gây ảnh hưởng đến toàn nhân loại, bản thân Việt Nam cũng đã theo đuổi chủ nghĩa này hơn 50 năm ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam, đã xuất hiện những tư tưởng xét lại tính đúng đắn của chủ nghĩa Marx- Lenin khi hoàn cảnh áp dụng nó không còn là như trước; nhà nước, tư bản và người lao động đã không còn giống như những năm của thế kỉ 19 của Marx hay đầu thế kỉ 20 với cách mạng tháng 10 của Lê nin.
Về bản chất, những tư tưởng đó không phải là mới xuất hiện, những năm của thập niên 30, khi Trostky thành lập Quốc Tế 4, tán đồng sâu sắc với xã hội dân chủ và phương thức dân chủ, bênh vực cho nhân quyền, hay như sau những lần cải cách thất bại, những tư tưởng xét lại đã hình thành. Nhưng những tư tưởng đó nhanh chóng bị tẩy chay và đàn áp trong môi trường của các nước xã hội chủ nghĩa khi đó. Sau một loạt đổ vỡ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu hay Tiệp Khắc, nhu cầu muốn thay đổi thể chế chính trị lại được dịp bùng lên. Do bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa Marxist, sau đó là bị ràng buộc của các tư tưởng như tư tưởng của Mao Trạch Đông, Stalin, ở trong môi trường đầy rẫy tuyên truyền có lợi cho tập thể lãnh đạo và thân cộng sản, những người muốn thay đổi và cách tân đất nước đã rất phân vân khi chọn đường đi cho lí tưởng mà mình muốn theo đuổi. Trong khi đó, các tổ chức đấu tranh hiện tại hầu hết không có đường lối chính trị rõ ràng, những yêu cầu như dân chủ hay đa nguyên, đa đảng dễ được nhận thấy là có sự tác động của các thế lực bên ngoài. Đất nước vốn đã nhỏ yếu, nếu có bàn tay của các nước đàn anh trực tiếp nhúng vào chính trường thì dễ bị chia năm xẻ bảy, mất đoàn kết dân tộc, lợi ích của dân tộc bị đặt sau lợi ích của bản thân và đảng phái. Nhưng mặt khác, nếu không có cạnh tranh chính trị thì sẽ không có môi trường chính trị tốt. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, làm thế nào có cạnh tranh chính trị khi chỉ để duy nhất một đảng cầm quyền, nên chăng phải có một đảng tham chính hoặc đảng đối lập với chỉ một số ít ghế trong quốc hội để hạn chế quyền lực của đảng cộng sản và giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng ? Hay phải cải cách lại toàn bộ cách làm việc của quốc hội, để tỉ lệ đảng viên không chiếm tuyệt đại đa số và quốc hội không còn là bù nhìn của đảng? Ban thường vụ quốc hội sẽ phải giải tán vì các thành viên đều là các đảng viên cao cấp. Khi đó quốc hội sẽ có thực quyền, những phát ngôn của nhà nước là những điều dân muốn nói chứ không phải những điều họ phải nghe. Nhưng, một điều chắc chắn là đảng cầm quyền sẽ không muốn chia sẻ quyền lực và những nhà đấu tranh chính trị sẽ gặp phải không ít trở ngại và khó khăn.
Một điều quan trọng nữa, đó là chủ nghĩa cộng sản đã tồn tại lâu năm trên đất nước, muốn xóa bỏ hoàn toàn và nhanh chóng để xây dựng lại sẽ gây xáo động rất lớn đến mọi mặt của đất nước. Tuy rằng Liên Xô và một số nước XHCN trước kia đã làm được, nhưng hoàn cảnh áp dụng không giống như nhau, những hậu quả nếu không được dự đoán trước và chuẩn bị đầy đủ những phương án khắc phục sẽ vô cùng nghiêm trọng, hỗn loạn và mất định hướng là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, khi một học thuyết tuy không còn thích hợp để áp dụng cho thời điểm hiện tại nhưng đã ăn sâu vào trong tâm trí của người dân. Sự tôn sùng lãnh đạo, sợ hãi chính quyền và cam chịu đã làm thành gốc rễ không phải một sớm một chiều để xóa bỏ. Những người muốn đi ngược lại với thứ “tôn giáo” chết người đó hầu như đều bị hiểu lầm và xa lánh, bị coi như những thành phần phản động, phương hại đến lợi ích dân tộc. Khi lãnh đạo nhà nước toàn quyền kiểm soát thông tin thì những ý đồ cách tân đất nước sẽ không đến được với đa số người dân. Mặt khác, sẽ không có nhiều người đồng ý theo những cải cách quá đột ngột, vì những thứ quá mới sẽ gây ra tâm lí lo ngại cho người dân.Vậy giải pháp là gì? Không nằm ngoài những mục đích như tự do thông tin, minh bạch tài chính nhà nước, nâng cao dân trí và củng cố dân sinh, khi đó việc nhân dân thực sự làm chủ đất nước sẽ là nhu cầu tất yếu. Những yêu cầu như đa đảng đối với thời điểm hiện nay phải nói là chưa thích hợp. Cái đầu tiên nên có, đó là phương tiện thông tin đại chúng và những phân tích chính trị đúng hướng. Việc kỉ luật một số nhà báo và đề xuất thành lập báo chí tư nhân bị bác bỏ gần đây gây tâm lí bất bình cho nền tự do báo chí trong nước. Một tờ báo nằm ngoài sự kiểm duyệt của đảng không chỉ nói lên mong muốn tự do ngôn luận của các luồng thông tin hiện tại nhằm hạn chế tham nhũng, độc tài mà còn là công cụ phân tích lịch sử một cách công bằng, không bị sức ép, ảnh hưởng để phục vụ cho ý đồ chính trị của lãnh đạo nhà nước.
Trước những vấn đề phức tạp đó, thanh niên Việt Nam là những thành phần được tiếp cận nhiều và trực tiếp nhất với những luồng thông tin bên trong cũng như bên ngoài đã có những xu hướng phát triển khác nhau. Họ không phải trải qua chiến tranh nên ít bị ảnh hưởng tinh thần của cuộc chiến đó chi phối, lại được tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm hậu chiến của cả hai bên nên có cái nhìn khách quan hơn về vai trò của đảng cộng sản trong những năm chiến tranh. Từ đó đã phát triển nên nhiều cách nghĩ và hướng đi chính trị khác nhau.
Một trong những xu hướng đó là tôn vinh những giá trị đã mất của chủ nghĩa xã hội nguyên sơ, đó là chủ nghĩa anh hùng cá nhân, là sức mạnh của đoàn kết, vai trò của tập thể và những hi sinh. Những biểu tượng của khối này hay dùng thường là cờ đỏ búa liềm; các tượng đài, các anh hùng dân tộc, hình các nhà tư tưởng, lãnh tụ cộng sản như Karl Marx, Ăng ghen, Lê nin, chủ tịch Hồ Chí Minh, Fidel Castro và đặc biệt nhiều là hình ảnh của Che Guevara. Họ yêu nhạc Nga và sống nhiều với cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít của Liên Xô(cũ), những ngày như kỉ niệm cách mạng tháng 10 Nga thành công hay ngày chiến thắng phát xít thường được tổ chức trang trọng. Cũng phải nói rằng họ khá đoàn kết trong nội bộ, mang nhiều nhiệt huyết và lí tưởng. Một trong những câu nói của họ là: “Một người cộng sản chưa chắc đã là một đảng viên ĐCS, một đảng viên ĐCS chưa hẳn là một người cộng sản” . Tuy rằng những người đó cũng nhận thức rất rõ sự bế tắc và không khí ngột ngạt trong nước nhưng họ vẫn mang lập trường thân cộng sản, mong muốn phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa và xa lách chủ nghĩa tư bản. Mặc dù, những điều như thế vẫn dường như vẫn không nằm ngoài hoạt động tinh thần.
Tất nhiên, sẽ có một số lớn những người được “giáo dục” đầy đủ mang tâm lí bảo thủ, coi chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa toàn bích và nhà nước họ đang sống là nhà nước lí tưởng, coi toàn bộ việc làm của lãnh đạo là đúng đắn, cần thiết cho việc phát triển. Họ ngạc nhiên và xa lánh với những người đi ngược với lập trường của họ mặc dù không chịu tìm hiểu. Chúng ta đi nhanh qua những người này để đến với một xu hướng khác trong bài viết.
Đó là xu hướng trực tiếp truyền tin để gián tiếp bày tỏ quan điểm của nhiều blogger, những người này tiếp cận với thông tin nhanh nhạy nhất trên các diễn đàn, báo chí và các blog khác. Phương thức làm việc thường là: tiếp thu nhanh một thông tin, trình bày lại trên blog và thêm ý kiến của bản thân vào. Họ biết rõ xu thế phát triển của xã hội nhưng rất ít khi trực tiếp bày tỏ những quan điểm mạnh mẽ. Họ có thể là thành viên của những diễn đàn chính trị mở nhưng hiếm khi có những đề xuất táo bạo. Và tất nhiên, không tham gia một tổ chức đấu tranh nào do những người ở nước ngoài lãnh đạo. Có thể nói họ đang cố gắng giữ vị trí trung lập và chủ động làm cầu nối thông tin cho các cư dân mạng.
Một số khác lại mâu thuẫn sâu sắc với lãnh đạo nhà nước và cách thức điều hành đất nước hiện nay. Họ chọn những cách đấu tranh khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau, như là đấu tranh ôn hòa thông qua các website, diễn đàn, nhật kí trực tuyến hay là đấu tranh có xu hướng kích động bạo lực khi khai thác mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, sắc tộc với nhà nước. Khi bày tỏ quan điểm của cá nhân trên những trang mạng điện tử, ngoài việc phân tích những sai lầm của đường lối hay phương thức lãnh đạo, những người đấu tranh ôn hòa thường dựa vào những biến động thực tế bên ngoài để làm dẫn chứng. Và những dẫn chứng đó không phải là ít, ngoài ra những mâu thuẫn có liên quan đến quyền lợi của một số người hay một tổ chức thường được khơi gợi sâu xa, liên quan đến nhiều vấn đề như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tranh chấp quyền lợi giữa các công ty quốc doanh và các cá nhân. Nhưng thực tế cho thấy những tư tưởng đó vì không được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước nên không gây ảnh hưởng được với phần lớn nhân dân. Chúng chỉ được luân chuyển xung quanh một nhóm và mở rộng ra khá chậm, do vậy những tư tưởng tiến bộ cũng bị hạn chế phát triển theo.
Điều cần thiết hiện nay là báo chí phải được phát triển theo hướng tự do ngôn luận, không những là tiếng nói đích thực của nhân dân, hạn chế tham nhũng mà đó còn sẽ là môi trường tốt cho thế hệ trẻ học tập và bày tỏ quan điểm. Là sân chơi chính trị công bằng cho những tư tưởng khác nhau.
Mong rằng, với sự phát triển nhanh chóng và phong phú về thông tin hiện nay, độc quyền báo chí sẽ không còn tồn tại trong tương lai gần; những báo hình, báo nói, báo viết và báo điện tử trung thực sẽ là phương tiện cần thiết để “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh” như cụ Phan Bội Châu sinh thời từng mong muốn.
8/2008
NCN
Các thách thức tác động đến chính trị VN
Đấu tranh nội bộ tạm lắng trước trước các vấn đề kinh tế, tôn giáo và truyền thông khiến ý tưởng mở đại hội giữa kỳ không được hưởng ứng mà có thể chỉ có hội nghị trung ương Đảng cuối năm.
Vào 20/10 dự kiến Quốc hội sẽ họp để chuẩn bị các đề tài bàn thảo trong khi Đảng xem xét dư luận cho hội nghị trung ương ngay sau đó.
Đất đai và báo chí
Vấn đề đất đai, môi trường và báo chí liên quan đến các luật mới ra hoặc phải sửa đổi là những chủ đề lớn.
Hà Nội có vẻ như đã không soạn được một sách lược liền lạc ngay từ khi vụ việc nổ ra, dẫn tới các phát biểu khác nhau của các cấp lãnh đạo trung ương và thành phố.
Việc ồ ạt và gấp rút giải quyết cả hai điểm nóng Tòa Khâm sứ và Thái Hà gợi ý rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn, bất ổn mang tính dân sinh, tôn giáo càng khiến nhà chức trách dù ở phe nào cũng co lại và trở về dùng hệ thống an ninh để giải quyết.
Các chuyến thăm cao cấp như của Đại tướng Phùng Quang Thanh sang Nga và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sắp tới cũng đến Moscow cho thấy một động thái cân bằng quan hệ Đông Tây.
Cũng có tin nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang cân nhắc chuyện thăm Trung Quốc.
Nhìn ra bên ngoài, việc vận động quốc tế cho mô hình “tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị” của Việt Nam chắc vẫn còn thu hút được sự ủng hộ.
Nhưng trên thực tế, khi có biến động nội bộ, không một cường quốc nào có thể, hoặc có ý muốn giúp Việt Nam giải quyết việc riêng.
Các nước lớn trong Hội đồng Bảo an hiện cũng đang quá bận với những chuyện riêng nghiêm trọng của họ.
Việt Nam đã hội nhập quốc tế xa hơn mức các biện pháp ngăn ngừa, bao vây hay trấn áp còn hiệu quả như trước.
Nhưng Việt Nam lại hội nhập và cải tổ chưa đủ sâu để có hệ thống pháp luật và truyền thông hiệu quả, giúp được cho chính quyền gỡ rối.
Phân hóa quan điểm?
Theo bình luận của nhà báo người Singapore, Roger Mitton, trên trang Asia Sentinel hồi đầu tháng 8, chia rẽ giữa phe “quốc tế” và ”dân tộc” đang tăng lên.
Các vấn đề kinh tế và dân sinh nổi cộm làm cho mâu thuẫn thêm gay gắt dù trước mắt, các bên đều đồng ý “đoàn kết để vượt qua” các khó khăn.
Điều này thể hiện ở chỗ hội nghị trung ương gần đây không tạo ra thay đổi nhân sự gì, ngoài vụ một người thân cận với Thủ tướng Dũng ở Cà Mau bị mất chức.
Nhưng theo Roger Mitton, trong 14 thành viên của Bộ Chính trị thì xu hướng cởi mở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được ủng hộ hoàn toàn.
Nhà báo Roger Mitton, cho đến gần đây là phóng viên thường trú Hà Nội của Straits Times, nhận định chính các ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng và Hồ Đức Việt, Trưởng Ban Tổ chức, đã chống lại việc tăng quyền cho Thủ tướng qua chính phủ trong dịp thay đổi tháng 6 vừa qua.
Hai phó thủ tướng được coi là thân tín của ông Dũng - Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân, thuộc phái có học ở Tây Phương - đã không thể hiện được gì nhiều.
Đặc biệt, ông Nhân còn bị xem là thiếu hiệu quả trong việc cải tổ hệ thống giáo dục.
Một số nhà quan sát gần đây, như chuyên gia người Úc Carl Thayer trong bài viết hồi tháng Sáu, cũng cho rằng thế đứng của Thủ tướng Dũng không mạnh như hồi ông mới lên năm 2006.
Cách chọn lãnh đạo
Về phía Đảng, hiện câu hỏi đặt ra là trong Đại hội Đảng lần tới, ai sẽ là lá bài kế vị ông Nông Đức Mạnh, người đã tại vị hai nhiệm kỳ.
Theo suy đoán của Roger Mitton, ba ứng viên hàng đầu đều thuộc nhóm "bảo thủ", là các ông Hồ Đức Việt, Trương Tấn Sang và Phạm Quang Nghị.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị là người trực tiếp chỉ đạo vụ giải quyết hai điểm nóng ở Tòa Khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà.
Roger Mitton xếp ông Hồ Đức Việt và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào nhóm Nghệ An, có xu hướng không hòa thuận với Thủ tướng Dũng - một lý do vì sao ông Dũng muốn đề bạt các ông Hải và Nhân.
Đây là nhận định khó kiểm chứng vì trong thể chế cộng sản, các đảng viên ý thức được nguyên tắc đồng thuận vì tập thể nên chỉ bày tỏ khác biệt quan điểm ở chốn riêng tư.
Trong Bộ Chính trị 14 người, ông Hồ Đức Việt là một trong vài cái tên có triển vọng lên cao hơn nữa nhờ lợi thế là cháu ông Hồ Tùng Mậu và vị trí Trưởng ban Tổ chức trung ương, cho phép ông sắp đặt các vị trí trọng yếu trong Đảng.
Nếu không phải là ông Việt, một người khác có thể là Trương Tấn Sang.
Không thể đánh giá thấp khả năng vượt qua trở ngại của nhân vật này, nếu người ta nhớ những gì xảy ra với ông sau Đại hội Chín 2001.
Do scandal Năm Cam ở TP. HCM, ông bị điều ra Hà Nội cho chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, kém quan trọng hơn vị trí Bí thư Thành ủy mà ông đã giữ trong năm năm.
Nhưng đến năm 2006, tại Đại hội X, ông quay lại đỉnh cao chính trị, đứng thứ năm trong danh sách Bộ Chính trị đồng thời nắm chức Thường trực Ban Bí thư.
Đối với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, vụ Công giáo đòi đất tại Hà Nội là một thách thức lớn, không chỉ cho xu hướng muốn đối thoại với Vatican của Thủ tướng Dũng, mà cả cho phe của ông Nghị.
Nhưng điều cần lưu ý là trong Đảng hiện nay không có một nhân vật nào thực sự nổi trội hơn những người còn lại.
Vì lý do này, vai trò của các nhóm, thay vì của cá nhân, lại có thể là yếu tố chính quyết định nhân sự, thông qua việc đề nghị, vận động và cả gây sức ép của các nhóm này.
David Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, có bài phân tích dài trên tạp chí Asian Survey tháng Tám, đánh giá lại quá trình thay đổi lãnh đạo tại Đại hội X.
Chuyên gia người Singapore này thấy rằng việc ông Mạnh tái đắc cử chức Tổng Bí thư không phải là kết quả tất yếu, mà đã có một số nhóm vận động cho những người khác, như Nguyễn Văn An và Nguyễn Minh Triết.
Mặc dù các nhóm này không thành công, nhưng quá trình vận động và gây sức ép sôi động trước Đại hội chứng tỏ nay không còn một "đại nhân vật" có thể tự mình ấn định kết quả.
David Koh cũng lưu ý về cuộc bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 13 hồi tháng Giêng 2006, theo đó, 8 thành viên của Bộ Chính trị phải rời khỏi Ban Chấp hành, nghĩa là không thể tiếp tục tranh cử ở Đại hội X.
Tuy là "khảo sát" chứ không phải bầu cử, nhưng điều ngạc nhiên là các đại biểu đã bỏ phiếu loại cả Nguyễn Văn An, Phan Diễn, và Trần Đình Hoan - đều là những nhân vật được xem sẽ tiếp tục nắm quyền sau đại hội.
Dù có chạy đua hậu trường, Hội nghị 14 giữ nguyên kết quả "khảo sát" của Hội nghị 13 theo sau một cuộc bỏ phiếu nữa, cho thấy Đảng dùng "luật định" tập thể để quyết về nhân sự, và sức mạnh của Ban Chấp hành Trung ương đã tăng.
Sắp tới, trừ phi xuất hiện một nhân vật thực sự nổi trội, việc quyết định nhân sự cao cấp có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào lá phiếu của Ban Chấp hành Trung ương.
No comments:
Post a Comment