Căn bệnh nghe có vẻ bình thường này thực chất là tiềm tàng của nhiều bệnh nguy hiểm khác, và đang gia tăng nhanh chóng, chiếm đến 1/4 số người trưởng thành vào giai đoạn 2003-2008, trong khi những năm 1970 chỉ là 2%.
![]() |
Đại hội tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17 quy tụ các chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới. Ảnh: T. An. |
Con số báo động này được các chuyên gia tim mạch Việt Nam đưa ra tại Đại hội tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17, đang diễn ra tại Hà Nội.
Tăng huyết áp là biểu hiện cho thấy cơ thể đang có nhiều biến đổi dẫn đến tăng áp lực trong mạch máu, chẳng hạn do dị dạng mạch máu, do lắng đọng các chất trong thành mạch (mỡ, các chất khác...), hoặc do tuổi cao làm mạch máu xơ đi, kém đàn hồi.
Bên cạnh những nguyên nhân nội tại hoặc tự nhiên như trên, một số lớn các ca tăng huyết áp lại phát sinh khi đời sống được cải thiện, kinh tế được nâng cao. Đó thường là do chế độ ăn thiếu cân đối (nhất là ăn quá nhiều đạm, mỡ, đường..., trong khi ăn ít rau, hoa quả), hoặc do áp lực công việc, stress trong cuộc sống. Chính vì vậy tăng huyết áp còn được gọi là bệnh của các nước công nghiệp phát triển.
Cũng theo các chuyên gia, người bị tăng huyết áp có thể có biểu hiện rõ ràng, như chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, đỏ mặt, tim đập nhanh..., nhưng cũng có thể không hề có biểu hiện ra bên ngoài (bệnh thầm lặng), mà phải đến khi đo huyết áp mới biết.
Tăng huyết áp nguy hiểm ở chỗ, vì hệ thống mạch máu phân bố rộng rãi khắp cơ thể, nên trục trặc mạch máu ở chỗ nào sẽ gây ảnh hưởng đến bộ phận cơ thể đó, chẳng hạn nếu xuất hiện ở não sẽ gây tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nếu bị ở dương vật có thể khiến đàn ông liệt dương...
Các chuyên gia cũng khuyến cáo tăng huyết áp là bệnh dễ dàng phát hiện, hoàn toàn có thể phòng tránh và kiểm soát được, nhưng khi có bệnh nhất thiết mọi người phải đi khám, chữa sớm, chữa đúng thuốc và tuân thủ đúng liều, bên cạnh việc ăn uống hợp lý.
Đây là lần đầu tiên, Đại hội tim mạch Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham gia của trên 1.000 bác sĩ, nhà nghiên cứu tim mạch trong khu vực. Tại đây, có khoảng 6 bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp được các chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước trình diễn điều trị bằng phương pháp can thiệp qua da, truyền hình thực tiếp từ Viện tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) đến trung tâm hội nghị. Nhiều phương pháp chẩn đoán, chữa trị mới các bệnh tim mạch cũng sẽ được giới thiệu.
T. An
Nếp cẩm rất tốt cho bệnh nhân tim mạch
![]() |
Gạo nếp cẩm. Ảnh: Vietbao.vn. |
Một nghiên cứu mới của Mỹ vừa phát hiện gạo nếp cẩm - một loại lương thực khá phổ biến tại các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam - có công dụng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với những bệnh nhân tim mạch.
Giáo sư David Capuzzi thuộc Trung tâm Y tế Jefferson Myrna tại Philadelphia, Mỹ, đã nghiên cứu trong 5 năm với khoảng 5.000 bệnh nhân bị tai biến tim mạch ở độ tuổi từ 18 đến 70 tại hơn 60 bệnh viện ở Trung Quốc. Số bệnh nhân này được cho dùng một loại thuốc có tên là Xuezhikang, được bào chế từ men của gạo nếp cẩm, chủ yếu chứa chất lovastatine và ergostérol.
Kết quả sau 5 năm điều trị cho thấy, tỷ lệ tái tai biến tim mạch đối với số bệnh nhân này đã giảm 45%. Sau phẫu thuật thông mạch, tỷ lệ tái tạo mạch máu tăng khoảng 30%.
Việc sử dụng thuốc Xuezhikang đã giúp khoảng 33% số bệnh nhân tim mạch tránh khỏi tử vong. Đặc biệt, nếu so với số bệnh nhân tim mạch không được sử dụng, thì tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc trên thấp hơn khoảng 66%.
Theo giáo sư Capuzzi, kết quả thu được với Xuezhikang là rất đáng khích lệ, vì đây là một sản phẩm thuần túy tự nhiên, ít gây phản ứng phụ, đồng thời không làm thay đổi huyết áp. Và vì thế, rất có thể trong thời gian tới, loại thuốc này sẽ được phổ biến trên thị trường.
(Theo TTXVN)
No comments:
Post a Comment