Trong Binh thư yếu lược Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từ đầu thế kỷ XIII đã nói rõ về yếu tố quyết định làm nên chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh là con người: “Thế người là chúa thánh, tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt tuân mệnh, lương thực và giáp trụ đầy đủ, chắc chắn”. Điều này đã trở thành truyền thống trong lịch sử đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo
Ở thế kỷ XX, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh càng thêm khẳng định quy luật con người là nhân tố quyết định thắng lợi, trong đó phải kể đến chúng ta đã đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy vừa xứng đáng với “đạo làm tướng” vừa có tài cầm quân. Để tìm hiểu và làm rõ hơn vấn đề này ngày 10 tháng 3 năm 2008, một ngày đầu xuân đẹp trời ấm áp, ngày kỷ niệm chiến thắng Buôn Mê Thuột mở đầu cho đại thắng mùa xuân 1975, đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội do Đại tá - nhà văn Ngô Vĩnh Bình làm trưởng đoàn đến chúc mừng và hỏi chuyện Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo - Vị Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên nổi tiếng năm xưa, ông cũng là một trong những nhân chứng sống của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ. Năm 24 tuổi ông được quân đội điều về Hải Phòng thay tướng Nguyễn Bình vào Nam nhận nhiệm vụ mới. Năm 27 tuổi về Thanh Hóa làm nhiệm vụ thay tướng Nguyễn Sơn - vị “lưỡng quốc tướng quân” nổi tiếng. Năm 28 tuổi là Tư lệnh Quân khu Bốn... Liên tục trong hai cuộc kháng chiến ông được quân đội tin tưởng giao cho nhiệm vụ chỉ huy các trận đánh lớn mang tầm chiến lược, mà chiến dịch Tây Nguyên đầu năm 1975 chỉ là một.
Người mở cổng căn biệt thự số 69 đường Phùng Chí Kiên - Hà Nội đón chúng tôi không ai khác chính là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Tất thảy chúng tôi đều bối rối. Bối rối vì một vị tướng tài năng như ông đã 88 tuổi mà lại đích thân ra cổng đón tiếp những người lính của mình. Không hề một chút quan cách, ông thân mật bắt tay từng người, chỉ lối mọi người vào căn phòng khách còn ông đi sau cầm gậy “đe” hai con chó đang hung hăng sủa để bảo vệ chúng tôi.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình thay mặt đoàn tặng hoa và chúc mừng ông nhân ngày Kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ông mời mọi người ngồi và lại lụi hụi tự tay mình pha trà mời khách rồi nói như “phân bua”: “Cậu công vụ của tôi đi vắng, còn bà nhà tôi lại mệt...”. Tôi nhìn lướt nhanh căn phòng nhỏ hẹp chẳng khác những căn phòng khách của mọi nhà bình dân bao nhiêu, một bộ bàn ghế cũ, một bộ ấm chén đã cũ và hai tủ sách đầy ngăn nắp, sạch sẽ. Ở vị trí trang trọng nhất của căn phòng là Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước ký tặng ông.
Mở đầu câu chuyện, nhà văn Ngô Vĩnh Bình thưa: - Thưa Thủ trưởng, với tư cách là người chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và tư cách nhà nghiên cứu lịch sử quân sự xin Thủ trưởng đánh giá lại những quyết sách, những sáng tạo ở tầm chiến lược như căn cứ vào đâu để chọn Tây Nguyên là địa bàn quyết chiến chiến lược, và quân ta đã chọn thời cơ chiến lược như thế nào?
Vị tướng già không cần suy nghĩ, ông nói ngay, nói nhanh nhưng rõ ràng và khúc chiết: - Lịch sử đánh giặc của dân tộc ta là lịch sử đánh và thắng giặc bằng mưu kế. Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch. Điều địch để giành chủ động mà chủ động luôn là mạch sống của tác chiến. Đến đầu năm 1975 thế và lực của chúng ta đã mạnh lên rất nhiều nên Quân ủy Trung ương đặt ra yêu cầu tiêu diệt chiến lược với phương châm: đánh chỗ yếu, tránh chỗ mạnh, nhưng chỗ yếu phải là nơi đầu não của địch. Nhìn vào chiến trường miền Nam lúc bấy giờ thì rõ ràng rừng núi là nơi địch yếu hơn, do vậy ta chọn Tây Nguyên, và chọn đánh vào một trong những vị trí đầu não của địch ở Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột...
Ban Mê Thuột 11.3.1975
Tôi ngạc nhiên nhìn ngắm một cụ già gần 90 tuổi da dẻ hồng hào, khuôn mặt quắc thước và rất ấn tượng với đôi lông mày rậm dài trắng như cước xếch ngược lên. Không phải một người gần 90 tuổi nói mà âm lượng ấy chỉ có thể có ở người tuổi trung niên. Nhưng cứ tinh ý ta sẽ tìm thấy trong giọng nói dứt khoát, mạnh mẽ ấy một thứ quyền uy của trí tuệ mà ta chỉ cảm thấy chứ không sao lý giải nổi.
... Các đồng chí ạ, thời thế tạo anh hùng. Lịch sử dân tộc ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo ra anh hùng Hồ Chí Minh. Cái tài của cụ Hồ thể hiện trước hết ở việc nhìn người, chọn người. Cụ đã chọn đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy quân đội phải nói là thiên tài. Còn tài năng của đồng chí Võ Nguyên Giáp là tài ở tầm chiến lược, rất tài. Anh Văn chính là người chỉ ra hồn cốt của chiến dịch Tây Nguyên xuân 1975. Tôi cũng rất vinh dự được Quân ủy và Đại tướng tín nhiệm giao cho nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch lịch sử này.
Ông dừng lại mỉm cười, một nụ cười thật hiền. Tôi giật mình vì mải nhìn ông hơn là nghe ông nói. Nhớ ra mình sẽ phải là người chấp bút cho câu chuyện, tôi vội hỏi: - Thưa Thủ trưởng, xin Thủ trưởng nói cụ thể hơn về cách cài thế chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên...
Vị Thượng tướng nói ngay: - Như tôi đã nói, mưu cao nhất là mưu lừa địch. Kế hay nhất là kế điều địch. Ta chủ trương kìm chân hai sư đoàn quân ngụy ở lại đồng bằng bằng cách điều sư đoàn 2 về mặt trận Tây Huế và sư đoàn 4 về mặt trận Đồng Nai. Thế là địch buộc phải hút theo hai sư đoàn này. Về phía ta, để cho chắc thắng, ta tăng cường cho Tây Nguyên 2 sư đoàn, trước đây đã có 3 sư đoàn, tổng cộng là 5 sư đoàn để tạo thành một “quả đấm chiến lược”. Biết tập trung binh lực, và có khả năng để tập trung binh lực cho những đòn đánh chiến lược chính là một trong những điều then chốt nhất của nghệ thuật cầm quân.
Ông ngừng lại nhấp ngụm nước trà đã nguội, rồi trầm tư: - Các đồng chí nên nhớ, lừa được địch cũng không phải dễ. Phải có lực lượng. Mấu chốt là phải có lực lượng. Có lực lượng mới có thể lừa địch...
Vâng. Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng phải cần có lực lượng. Chưa có lực lượng chưa thể nói đến bất kỳ sự thay đổi nào. Nhất là trong chiến tranh với quy luật muôn thuở: mạnh được yếu thua thì lực lượng đóng vai trò quyết định. Tôi hiểu đó là một chân lý mà bằng cả cuộc đời binh nghiệp của mình Thượng tướng đã rút ra.
... Rồi ta lại điều địch về Plâycu. Địch đánh hơi Buôn Ma Thuột có dấu hiệu bị tấn công bèn điều trung đoàn 45 về Buôn Ma Thuột nhưng ta lại đánh mạnh Plâycu nên địch lại phải kéo “thằng 45” về Plâycu ứng chiến.
Nhân một thoáng ông ngừng lời, tôi vội hỏi: - Thưa Thủ trưởng, như vậy chúng ta thắng địch nhờ cách lựa chọn chiến trường, nhờ mưu lừa địch, kế điều địch để tạo ra thời cơ chiến lược. Vậy giả sử ta không chớp được thời cơ thì tình hình sẽ như thế nào?
- Chúng ta sẽ thắng nhưng dai dẳng và thương vong sẽ nhiều. Trong chiến tranh tạo ra thời cơ và biết chớp thời cơ là tối quan trọng. Thời cơ là “mưu phạt” cũng là “tâm công”. Chớp được thời cơ sẽ tạo ra đột biến về chiến lược để thay đổi cục diện chiến trường. Và như vậy quân ta sẽ phấn khích hơn, tin tưởng hơn còn đối phương thì sa vào tâm lý hoảng loạn.
- Thưa Thủ trưởng, xưa nay có nhiều cách kết thúc chiến tranh như đánh tiêu diệt chỉ huy làm cho quân địch như rắn mất đầu, đánh tiêu diệt chiến lược và đàm phán hòa bình, xin Thủ trưởng bình luận về cách mà chúng ta đã kết thúc chiến tranh năm 1975? Nhà văn Ngô Vĩnh Bình đưa ra câu hỏi.
- Cách kết thúc chiến tranh phụ thuộc vào tình thế cuộc chiến và phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người cầm quân. Cách tiêu diệt chủ soái quân địch sẽ kết thúc chiến tranh nhanh. Cách đàm phán hòa bình tiết kiệm được xương máu. Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn chúng ta chọn cả hai cách tiêu diệt chỉ huy và tiêu diệt chiến lược. Chúng ta bắt sống được chỉ huy cao nhất của quân ngụy và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đấy là cách kết thúc chiến tranh hợp lý nhất trong hoàn cảnh bấy giờ. Chính nhờ có tài cầm quân khôn ngoan phối hợp nhiều hướng tiến công mà chúng ta đã kết thúc chiến tranh một cách ngoạn mục, giải phóng một thành phố lớn như Sài Gòn nhưng vẫn còn nguyên vẹn không để xảy ra nhiều mất mát đau thương như nhiều người đã tưởng tượng trước đó.
Đúng. Muốn giành được chiến thắng trọn vẹn phải có tư tưởng đánh tiêu diệt gọn. Tôi đã được học điểm này trong nhà trường quân sự, hình như từ những trang sách của ông. Tôi cứ tâm đắc điều này với tư tưởng đánh tiêu diệt một cách triệt để của Bác Hồ khi Người nêu ra luận điểm quân sự này một cách hết sức giản dị dễ hiểu: “Đối với một người, làm thương tổn 10 ngón tay không đau đớn bằng cắt đứt hẳn đi 1 ngón tay. Về quân sự cũng vậy, đánh bại 10 sư đoàn không bằng trừ diệt 1 sư đoàn”. Điều đó càng chứng tỏ rằng Bác Hồ của chúng ta là một nhà cầm quân tài ba. Nhân nói đến người chỉ huy, câu chuyện chuyển sang một chủ đề khác. Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm thưa: “Cháu nhớ một câu nói nổi tiếng, hình như của hoàng đế Napôlêông nước Pháp: Đã là người lính thì ai cũng mơ mình sẽ là một vị tướng. Để trở thành một vị tướng cần có những điều kiện gì? Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta đã có những vị tướng xuất chúng, xứng tầm với thời đại. Ngày nay phẩm chất của người làm tướng tất yếu phải có những yêu cầu mới để phù hợp. Họ phải làm gì để trau dồi “đạo làm tướng” thưa bác?”
- Tôi là lính Cụ Hồ. Tôi thấy Cụ đã nói rất hay rất đủ về phẩm chất của người làm tướng, ở đây tôi chỉ xin nhắc lại. Cụ nói thế này: Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là: Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh. Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung. Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa là tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao. Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống. Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng...
Tôi sửng sốt về trí nhớ của ông. Chả là trước khi đến đây tôi phải đọc đủ thứ sách để giắt lưng một ít kiến thức làm vốn cho cuộc nói chuyện, trong đó có đọc về “nhiệm vụ của người làm tướng”, cụ thể là trong bài Nói chuyện tại Hội nghị Quân sự lần thứ năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh in trong Hồ Chí Minh toàn tập. Tôi thấy ông nhắc lại gần đúng với nguyên văn.
... Tất nhiên mỗi thời mỗi khác nhưng về bản chất của người làm tướng phải luôn làm đúng theo lời Cụ Hồ dạy. Thời nay cũng phải vậy. Theo tôi, người tướng thời nay còn phải luôn cập nhật những kiến thức mới không thể khác được. Nếu chiến tranh xảy ra sẽ không phải chiến tranh như kiểu thời chúng tôi nữa mà sẽ là chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh hạt nhân... Tôi lấy thí dụ, thời đại ngày nay là thời đại của không quân, hải quân. Đối với các nước đang phát triển còn nghèo thì chưa thể có máy bay tàng hình nhưng phải có tên lửa công nghệ cao để đối phó. Chính tôi là người đề xuất với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh... Ý tưởng ta phải góp tiền để mua tên lửa hiện đại có thể bắn hạ máy bay tàng hình và các ông ấy đã ủng hộ tôi... Rồi tiến tới chúng ta phải có những hạm đội mạnh để bảo vệ vùng biển của nước ta, xứng đáng vị thế của một quốc gia biển. Nhưng xét đến cùng, chiến lược khôn ngoan tài giỏi nhất là làm sao để tránh được chiến tranh. Chúng ta hãy nhớ lại những giờ phút căng thẳng nhất, khi Bác Hồ phải quyết định cho phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946. Người đã phải cân nhắc ghê gớm, chắc chắn rằng không còn có một cơ hội nào khác để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước nên phải kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc cứu Tổ quốc.
Tôi kịp nhận thấy thoáng một chút đăm chiêu vương trên khuôn mặt hiền hậu và rất sáng của người tướng già. Giọng ông trầm xuống... ... Tôi cũng biết có một số cán bộ chỉ huy trong quân đội ta hiện nay ít chịu rèn luyện, tu dưỡng, có cả một số vị tướng chưa xứng đáng với đạo làm tướng, cũng quân phiệt hối lộ, cũng ăn chơi, cờ bạc, rượu chè và có cả trai gái nữa..., lại không chịu học hành. Tuy đó chỉ là số ít, là rất cá biệt thôi, nhưng cũng làm cho dân, cho cấp dưới phiền lòng, thậm chí mất lòng tin đấy. Thời tôi viết cuốn Tổ tiên ta đánh giặc là viết trên đường hành quân, ở Trường Sơn Đông, tựa lưng vào cây, kê giấy lên đùi để viết, xung quanh là bom nổ, là phi pháo giặc... Tôi viết không phải chỉ để phổ biến kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên cho cấp dưới, mà viết để tự học, tự suy ngẫm tu dưỡng bản thân mình nữa.
Giọng ông chợt sôi nổi hơn nhưng cũng da diết hơn: ... Cái khó nhất hiện nay là sĩ quan chỉ huy không có kinh nghiệm chiến đấu. Cũng là hợp qui luật thôi, vì đã có một thế hệ sĩ quan sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Nhưng dù không có chiến tranh để thử thách thì người chỉ huy vẫn dứt khoát phải qua rèn luyện thực tiễn. Muốn thế phải có tập trận, phải có diễn tập. Huấn luyện thời bình phải có diễn tập... Có thế mới nhận ra điểm mạnh để phát huy, nhìn ra sai sót để sửa...
Không muốn để ông mệt bởi những cảm xúc vừa đến, tôi dè dặt hỏi: “Thủ trưởng đã học qua những trường lớp nào? Thủ trưởng có lời nhắn gửi gì đến thế hệ các sĩ quan tương lai đang học tập, nghiên cứu ở các trường sĩ quan, đại học, học viện quân đội?”.
- Năm 1941 tôi là học viên trường quân sự Hoàng Phố, Trung Quốc. Năm 1962 tôi nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh, sau này có học bổ túc quân sự ở Liên Xô (cũ). Cũng nhờ được đi học nước ngoài kết hợp với tự học mà tôi thông thạo 2 ngoại ngữ Pháp - Trung Quốc, do vậy tham khảo được nhiều sách quân sự nước ngoài. Học gì thì học, cái học được nhiều nhất vẫn là thực tế. Không có thực tế chiến đấu không thể có sáng tạo. Ví dụ ở chiến trường Tây Nguyên, nhờ có lý luận soi vào thực tế chiến trường mà chúng tôi đề ra cách đánh vận động tấn công bao vây liên tục kết hợp chốt mà thực tiễn chiến đấu của quân ta ở đồi 875 đã chứng minh cách đánh này rất có hiệu quả. Nghề của tôi là nghề đánh giặc nên tôi phải nghiên cứu về lịch sử chiến tranh kết hợp với kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy trên chiến trường từ đó mà đúc kết thành lý luận. Cả một đời binh nghiệp, đến nay đã 88 tuổi tôi thấy thế này, sự thành bại của chiến tranh mà có lẽ đối với bất kỳ công việc gì thì cái quyết định vẫn là con người. Do vậy học làm người sĩ quan trước hết là học cách làm người rồi mới học đến chuyên môn, cái không thể thiếu là ngoại ngữ và cập nhật kiến thức hiện đại như tôi đã nói ở trên...
Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Ông ngừng lại, cầm máy. Nghe xong ông nói với chúng tôi lát nữa sẽ có học viên đến hỏi một số vấn đề lý luận về chiến dịch Tây Nguyên để làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật quân sự. Chúng tôi đành xin phép cáo từ. Ông lại tiễn chúng tôi ra cổng. Xe chạy, tôi vẫn thấy ông đứng đó. Có lẽ ông đứng chờ người học trò của mình... NGUYỄN THANH TÚ
Hoàng Minh Thảo: Vị tướng hiền minh Ngày cập nhật: 09/09/2008 14:14 Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ( tên thật Tạ Thái An) sinh năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng năm 1937. Tháng 3-1975, ông là Tư lệnh chiến dịch Tây nguyên và là chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị về đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự Việt Nam. Ông được phong giáo sư ngành khoa học quân sự năm 1986, Nhà giáo nhân dân năm 1988. Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vừa từ trần tối 8-9-2008 tại Bệnh viện Quân y 108 ( Hà Nội ), hưởng thọ 87 tuổi. Báo Bình Dương điện tử xin giới thiệu bài viết về ông của tác giả Vũ Cao Phan. Nếu bạn được tiếp xúc với con người này thì ngay từ lần đầu tiên, khuôn miệng biểu cảm, chiếc cằm quả đoán và đặc biệt là đôi mắt sắc với hàng mày rậm hình lưỡi mác vểnh ngược lên một cách dứt khoát, dữ dội của ông sẽ mách bảo bạn rằng đây hẳn là một nhà chỉ huy quân sự. Đúng vậy, như là ông được sinh ra để đảm lãnh công việc ấy: 20 tuổi được Bác Hồ cử đi học quân sự ở Trung Quốc; 24 tuổi trở thành Tư lệnh Chiến khu (Quân khu), vị tư lệnh trẻ tuổi nhất của quốc gia độc lập chưa đầy một tháng tuổi. Từ đó cuộc đời ông, tên tuổi ông - Hoàng Minh Thảo - hoàn toàn gắn với quân đội, với chiến tranh. Ba mươi năm, đi qua dư trăm trận - khởi đầu là chỉ huy Trung đội tập kích đồn Pò Mã (Lạng Sơn) thắng lợi, tháng 5-1945; kết thúc trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch chiến lược tiến công Tây Nguyên đại thắng lợi, tháng 3-1975 - đâu là phong cách chỉ huy Hoàng Minh Thảo? Câu trả lời ở ngay mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mà ông tham dự, chỉ huy. Từ những trận giao thông chiến vang dội Đường 5 thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp đến những cuộc đối đầu ác liệt những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây nguyên, sơ đồ tác chiến của ông luôn luôn là: xác định mục tiêu - dự kiến tình huống - xây dựng lực lượng, thế trận - liên tục công kích giành chiến thắng. Trong sơ đồ đó, tâm lực ông in đậm ở công đoạn dự kiến và loại trừ bớt các tình huống (được ông gọi một cách hình tượng là gạn lọc tình huống) bằng mưu kế tác chiến và nghi binh với mục đích duy nhất là tạo nên một thế trận có lợi, giành yếu tố bất ngờ - một nửa của thắng lợi. Và ông luôn thành công. Được đào tạo trong môi trường Hoàng Phố vốn coi trọng học thuyết quân sự cổ điển Tôn Ngô là một lý do; chiến đấu trong một quân đội cách mạng trưởng thành từ lượng ít, thế yếu luôn phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh là một lý do nữa; nhưng có lẽ điều chủ yếu khiến trên dưới, bạn bè gọi ông một cách trìu mến là ông "mưu kế, thế, thời" chính là sự say mê và dấu ấn để lại trong lĩnh vực đấu trí này. Thật là xác đáng khi cấp trên đặt ông vào nơi đắc địa Tây nguyên. Tây nguyên với những bình sơn nguyên bao la đủ khả năng triển khai bộ đội lớn, vũ khí nặng rất thuận lợi cho tác chiến trận địa như đã được chứng tỏ trong năm 1972 và nhất là trong năm 1975. Nhưng nơi đây, với trùng trùng núi cao rừng dày cũng là nơi lý tưởng cho việc thi mưu bày kế trong tác chiến vận động - loại hình tác chiến sở trường của quân đội ta. Chiến dịch Đắc Tô 1967, ta triển khai phục kích hai tầng, Mỹ hùng hổ dùng trực thăng đổ quân bọc vào sau lưng lực lượng phục kích của bộ đội ta thì chính chúng lại rơi ngay vào bẫy vu hồi sâu, cả một tiểu đoàn dù Mỹ bị tiêu diệt. Chiến dịch Đắc Siêng 1970, chiến dịch Đắc Tô 1972, với kế "điệu hổ ly sơn" dụ địch đánh vào mục tiêu giả, để trống lực lượng, ta nhanh chóng công kích vào mục tiêu đã lựa chọn giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Nói đến chiến dịch Tây nguyên 1975 thì không thể không đề cập đến cả một chiến dịch nghi binh lừa địch, gạn lọc tình huống đặc sắc diễn ra trước đó khiến kẻ địch ở phút cuối đã như bị trói chân trói tay. Mười năm chiến đấu ở Tây nguyên, do muôn vàn khó khăn, chỉ duy nhất một lần một chiến dịch nhỏ được Hoàng Minh Thảo triển khai ở phía Nam. Nhưng ông luôn đau đáu hướng này. Phải chi có đủ lực lượng, phải chi tập trung được lực lượng đủ lớn, đủ mạnh để không chỉ giải phóng Buôn Ma Thuột mà còn có thể đánh dài ngày, đánh bại lực lượng phản kích chắc chắn phải lên đến hàng sư đoàn của địch. Một chiến dịch như vậy sẽ không chỉ có tác động chiến lược vì tính chất đắc địa của Buôn Ma Thuột mà còn có thể dẫn đến bùng nổ chiến lược nếu được cộng thêm vào đó một yếu tố cực kỳ quan trọng: đẩy địch vào thế chủ quan, bất ngờ và do đó trở nên hoang mang, mất tinh thần. Nhưng phải có thời cơ. Và thời cơ ấy đến. Năm 1973, được triệu tập ra Hà Nội họp chuẩn bị cho chiến cuộc 1975, trước những điều kiện thuận lợi xuất hiện, ông đã đề xuất với Tổng tư lệnh về một chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột với những luận cứ sắc bén. "Tôi rất tán thành", Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ký của mình . Trong cách nhìn của Đại tướng, đấy không chỉ là nhãn quan của một người chỉ huy thực tiễn trên chiến trường mà còn là nhãn quan "của một người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự". Vậy là từ Quân khu V, tháng 2/1975, sau khi mục tiêu Buôn Ma Thuột đã được xác định, Hoàng Minh Thảo một lần nữa được điều động trở lại Tây nguyên trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, một chiến dịch rồi sẽ khiến rung chuyển toàn bộ chiến lược địch như sau này chúng ta được biết. Nhà giáo, nhà khoa học Nếu Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự khi trong hơn ba mươi năm được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của quân đội ta: Trường trung, cao quân sự, Học viện Quân sự, Học viện Quốc phòng, ngay từ những năm tháng đầu tiên các cơ sở này được thành lập. Hàng vạn cán bộ trung, cao cấp quân đội - nhiều người trong đó giữ các cương vị lãnh đạo quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đi qua môi trường này vẫn ghi nhớ cách làm việc khoa học cũng như các bài giảng trực tiếp sinh động, có sức thuyết phục cao của ông. Đặc trưng công tác đào tạo và nghiên cứu của ông là gắn chặt với thực tiễn. Lĩnh vực mà ông hứng thú và dồn nhiều tâm huyết nhất là nghệ thuật quân sự - công nghệ tiến hành chiến tranh. Ngay tại chiến trường, ông thường xuyên cập nhật các tình huống diễn biến, phân tích động thái và quy luật hoạt động của địch, giải bài toán lực lượng để từ đó đề xuất cách đánh hay hình thức chiến thuật thích hợp, ném trả lại tác chiến, tạo nên sức sống mới. Có lẽ không nhiều người biết rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta đã phát kiến ra ba hình thức chiến thuật mới thì hai trong số đó: “Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt” và “Chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục” được hình thành từ chiến trường ác liệt Tây Nguyên. Neil Sheehan, tác giả Mỹ trong “Sự lừa dối hào nhoáng” đã nhận xét đây là những chiến thuật “đánh vào đầu rắn”, “lúc nào cũng mới vì sử dụng bất ngờ”, được sáng tạo và dẫn dắt bởi “một trong những tướng tài nhất của cộng sản là Hoàng Minh Thảo ”. VŨ CAO PHAN | |
No comments:
Post a Comment