Thursday, October 23, 2008

Sự đạo đức giả trong tài chính



Thế giới đang phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn về tài chính, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Giáo sư Joseph E. Stiglitz - người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 - cho rằng: một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên chính là kiến trúc tài chính toàn cầu vẫn chưa hề có sự cải cách nào về mặt nền tảng trong suốt 10 năm qua (kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997). Lanhdao.net xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Joseph E. Stiglitz. Toàn bộ quan điểm trong bài là của tác giả.

Năm 2007 đánh dấu 10 năm cuộc khủng hoảng Đông Á, bắt đầu từ Thái Lan vào ngày 2/7/1997, lan rộng sang Indonesia vào tháng 10 và sang Hàn Quốc vào tháng 12. Rốt cuộc, nó trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo thêm cả Nga và các nước Mỹ Latinh như Brazil, và nhiều nước khác phải mệt mỏi trong nhiều năm tiếp theo: Argentina năm 2001 có thể được kể đến như là một trong các nạn nhân của nó.

Đã có rất nhiều các nạn nhân vô tội khác, bao gồm cả các quốc gia thậm chí không tham gia vào các dòng vốn quốc tế nhưng vẫn bị chìm sâu vào khủng hoảng. Thực tế, Lào cũng nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Mặc dù cuối cùng thì cuộc khủng hoảng nào cũng kết thúc, nhưng lúc đó không ai biết được các kỳ suy thoái và trì trệ tiếp theo sẽ còn sâu rộng và kéo dài bao lâu. Đó là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái.

Là Giám đốc kinh tế và Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, tôi đã đứng giữa sự xung đột và các cuộc tranh luận về nguyên nhân và những cách ứng phó về mặt chính sách sao cho phù hợp. Mùa hè và mùa thu năm 2007, tôi đã đi thăm lại các quốc gia bị ảnh hưởng, gồm Malaysia, Lào, Thái Lan và Indonesia. Thật ấm lòng khi chứng kiến sự phục hồi của họ. Các nước này giờ đang tăng trưởng với tốc độ 5% hoặc 6% hoặc hơn thế - không được nhanh như trong những ngày thần kỳ Đông Á, nhưng nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà mọi người có thể tưởng sau khi khủng hoảng xảy ra.

Nhiều nước đã thay đổi chính sách của mình, nhưng rõ ràng là theo những hướng khác biệt so với những cải tổ mà IMF yêu cầu. Người nghèo nằm trong số những người phải chịu gánh nặng nhất của cuộc khủng hoảng, khi mà tiền lương tụt hẳn xuống còn tỉ lệ thất nghiệp lại vọt lên. Khi các nước này phục hồi, nhiều nước đã tập trung nhấn mạnh vào "tính hài hòa", trong một nỗ lực khắc phục khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Họ coi trọng hơn việc đầu tư vào con người, khởi động các sáng kiến để nhiều công dân có thể được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận tài chính hơn, và tạo nên các quỹ xã hội để giúp phát triển các cộng đồng địa phương.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng sau một thập kỷ, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng IMF và Bộ Tài chính của Mỹ đã chuẩn đoán, kê đơn và tiên lượng sai lầm như thế nào. Vấn đề cơ bản chính là sự tự do hóa thị trường vốn còn non nớt. Bởi vậy, thật là mỉa mai khi nhìn thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa lại thúc đẩy việc tự do hóa thị trường vốn tại Ấn Độ - một trong hai nước lớn đang phát triển (cùng với Trung Quốc) nổi lên mà không bị tổn hại từ cuộc khủng hoảng năm 1997.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia không tự do hóa hoàn toàn các thị trường vốn lại có thể vận hành rất tốt. Nghiên cứu sau đó do IMF tiến hành đã xác minh được điều mà bất kỳ nghiên cứu nghiêm túc nào cũng thấy: tự do hóa thị trường vốn đem lại sự bất ổn, nhưng không tất yếu tăng trưởng. (Cũng trong nghiên cứu tương tự cho thấy: Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những nền kinh tế phát triển nhanh nhất)

Tất nhiên, Phố Wall (nơi các lợi nhuận của nó là hiện thân cho Bộ Tài chính Mỹ) thu lợi từ việc tự do hóa thị trường vốn: họ kiếm tiền khi các dòng vốn chảy vào, khi các dòng vốn chảy ra, và trong việc tái cơ cấu do hậu quả của sự tàn phá. Tại Hàn Quốc, IMF thúc giục bán các ngân hàng của nước này cho các nhà đầu tư Mỹ, ngay cả khi người Hàn Quốc đã điều hành nền kinh tế của chính họ một cách ấn tượng trong suốt bốn thập kỷ, với tốc độ tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn, và không hề có các bê bối do cơ chế vẫn xuất hiện thường xuyên trong các thị trường tài chính của Mỹ.

Trong nhiều trường hợp, các công ty của Mỹ đã mua các ngân hàng, nắm giữ các ngân hàng đó cho tới khi Hàn Quốc phục hồi, và sau đó bán lại chúng, thu về hàng tỉ tiền lãi. Trong khi vội vã để các phương Tây mua các ngân hàng, IMF đã bỏ quên một chi tiết: phải đảm bảo rằng Hàn Quốc có thể giữ lại được ít nhất một phần nhỏ của số lãi kia thông qua hệ thống thuế. Việc các nhà đầu tư Mỹ có sự tinh thông hơn trong lĩnh vực ngân hàng tại các thị trường mới nổi hay không có thể vẫn còn phải bàn cãi, nhưng việc họ có sự tinh thông hơn trong việc tránh thuế thì không cần thắc mắc.

Sự mâu thuẫn giữa lời khuyên của IMF/ Bộ tài chính Mỹ với Đông Á và những gì đã xảy ra trong thất bại cho vay tín dụng là hiển nhiên. Các nước Đông Á đã được yêu cầu nâng cao lãi suất, trong một số trường hợp tăng tới 25%, 40% hoặc cao hơn, gây nên sự vỡ nợ trên diện rộng. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu lại cắt giảm lãi suất.

Tương tự như vậy, các quốc gia bị mắc vào cuộc khủng hoảng tại Đông Á được nghe diễn thuyết về nhu cầu minh bạch hơn nữa và điều chỉnh tốt hơn nữa. Nhưng việc thiếu minh bạch lại đóng một vai trò trung tâm trong việc gặm nhấm tín dụng hồi mùa hè năm 2006, các khoản thế chấp bị sắt lát và thái nhỏ, rải ra khắp thế giới, đóng gói cùng với các sản phẩm tốt hơn, và giấu nhẹm đi như đồ ký quỹ, do đó chẳng ai biết rõ là người nào đang cầm trong tay cái gì. Và giờ đây lại có một màn hợp xướng cảnh báo về những sự điều chỉnh mới - những thứ được cho là cản trở thị trường tài chính (bao gồm cả sự khai thác từ chính những người vay tiền ngờ nghệch của họ - điều nằm trong gốc rễ của vấn đề). Cuối cùng, bất chấp mọi lời cảnh báo về xuống cấp đạo đức, các ngân hàng phương Tây vẫn phần nào được "tại ngoại" khỏi những vụ đầu tư xấu của họ.

Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, có một sự nhất trí rằng cần có sự cải cách căn bản đối với kiến trúc tài chính toàn cầu. Nhưng, trong khi hệ thống hiện hành có thể dẫn tới sự bất ổn không cần thiết và áp đặt các mức chi phí khổng lồ lên các nước đang phát triển, nó vẫn tạo ra lợi nhuận đáng kể. Thế nên không có gì ngạc nhiên nếu sau 10 năm nữa vẫn không có một cải cách căn bản nào. Và vì thế, cũng không ngạc nhiên rằng thế giới một lần nữa lại phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn tài chính toàn cầu, với những hậu quả còn chưa rõ ràng cho các nền kinh tế trên thế giới.

P.L~ ( theo vnn )

No comments: