Sa Thải Cả Ban Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết
- VNN
Theo nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội, cả Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vừa bị thải hồi, sau khi cơ quan lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc CSVN (MTTQVN) bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật đối với họ ngày thứ năm 23-10-2008 vừa qua.
Ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập, và ông Đăng Ngọc, Phó Tổng biên tập báo này cùng bị xử lý bằng hình thức "cảnh cáo" và "chuyển công tác". Tin tức cho biết, trong tuần sau, cơ quan báo sẽ được sắp xếp lại dưới sự chủ trì của ông Vũ Trọng Kim, Tổng thư ký mới của Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc CSVN. Ông Vũ Trọng Kim là Tổng thư ký mới của MTTQVN, thay thế ông Hỳnh Đảm, sau khi ông Phạm Thế Duyệt bị cho thôi chức và ông Huỳnh Đảm, Tổng thư ký của ông Duyệt thay thế vị trí Chủ tịch.
Được biết, hai ông Dũng và ông Ngọc bị kiểm điểm và kỷ luật vì đã cho đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của MTTQVN các bài viết:
1/ Bài tham luận của Linh mục Nguyễn Thiện Cẩm - Ủy viên Ủy Ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đoàn kết công giáo, bài này được đọc tại Hội nghị của Ủy ban trung ương MTTQVN được tổ chức ở TP.HCM đầu năm 2007, báo trích đăng và rút tiêu đề "Cần phải xóa bỏ bao cấp về chính trị?".
2/ Một số bài của nhà báo lão thành Thái Duy, và nhà báo Hữu Nguyên, nội dung góp một số ý kiến xung quanh một số vấn đề bức xúc về chính trị trong nước.
3/ Đăng thư góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị không đập bỏ Hội trường Ba Đình.
Ngoài ra, Ban biên tập báo còn bị kiểm điểm về việc đã sửa măng-sét của báo từ "Cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam" thành "Diễn đàn của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam" khi ông Dũng bắt đầu làm Tổng biên tập báo. Riêng ông Lý Tiến Dũng còn bị kiểm điểm về việc đã gửi đơn kiến nghị về một số việc bất bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương (lá đơn này đã được đưa lên một số trang web nước ngoài).
Chưa biết ai sẽ thay thế Ban biên tập báo này, và hai ông Dũng, Ngọc sẽ được điều chuyển đi đâu.
Báo Đại Đoàn Kết là hậu thân của báo "Cứu Quốc", cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh ra đời năm 1941. Lúc bấy giờ, Đảng cộng sản chỉ là một thành viên của Tổng bộ Việt Minh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa năm 1945. Tổng biên tập đầu tiên là ông Trường Chinh, tiếp đó là ông Lê Quang Đạo.
Tin giờ chót cho biết, đến chiều ngày 27-10-2008 MTTQVN đã chính thức thông báo về việc miễn nhiệm toàn bộ ban biên tập báo Đại Đoàn Kết. Ông Lý Tiến Dũng (TBT) và ông Đăng Ngọc (PTBT) sẽ phải thuyên chuyển công tác khác kể từ 1-11-2008. Ông Đinh Đức Lập - Phó Ban Tuyên Huấn UBMTTQVN sẽ được điều động về làm Quyền TBT.
Hai ông Dũng và Ngọc nhiều khả năng sẽ không còn được làm báo nữa sau vụ thuyên chuyển này.
Thư của TBT báo Đại Đoàn Kết Lý Tiến Dũng
Hôm 14.1, Diễn Đàn có giới thiệu trong mục Thấy trên mạng bài viết mang tựa đề Phó ban tuyên giáo trung ương bị..."tố", của một blog trong nước (dẫn theo Viet-studies), trong đó tác giả thuật lại việc tổng biên tập tờ Đại Đoàn Kết, ông Lý Tiến Dũng, phản ứng với cấp trên về việc báo Đại Đoàn Kết bị ông Hồng Vinh, phó trưởng ban Tuyên giáo, phê phán việc tờ báo đã dám đăng thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối vụ phá hội trường Ba Đình. Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại toàn văn để bạn đọc làm tài liệu tham khảo. Báo Tuổi Trẻ hôm nay mới đưa tin ông Hồng Vinh vừa được điều động sang làm phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thông tin đối ngoại trung ương và phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết ông vừa được cho về nghỉ hưu...
Hà nội, ngày 10 tháng 12 năm 2007
Kính gửi:
- Đ/c Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
- Đ/c Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
- Đ/c Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương
- Đ/c Phạm Thế Duyệt, Bí thư Đảng Đoàn Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam
Tôi ký tên dưới đây là Lý Tiến Dũng, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết, đảng viên 26 tuổi Đảng. Xin kiến nghị về một số vấn đề không bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong quá trình kiểm điểm một số việc theo thông báo của Văn phòng Trung ương, tôi có nhận được văn bản số 46-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó ban Hồng Vinh ký. Văn bản này đóng dấu “Mật”, nêu một số vấn đề về báo Đại Đoàn Kết, và nhận xét về Ban biên tập báo. Một văn bản với những lời lẽ ngây ngô về chính trị, lại rất hách dịch chụp mũ (kiểu thường thấy ở những người có kiến thức rất hạn chế, nhưng lại thích thể hiện quyền lực) che giấu một động cơ thiếu minh bạch. Đồng thời với việc này, một số người còn yêu cầu truy cứu lý lịch và quy trình bổ nhiệm tôi vào cương vị Tổng biên tập. Việc đào bới xoi mói lý lịch đảng viên như vậy, theo tôi, là thiếu tôn trọng sự quản lý của Đảng Đoàn, của Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và tập thể báo Đại Đoàn Kết, nếu chưa muốn nói là vô nguyên tắc và trịch thượng. Những hành vi đó thật không thích hợp khi xử lý loại công việc đảng vụ như thế này. Tôi đã ở trong nghề báo hơn 15 năm, cộng với quá trình làm công tác chính trị khi còn ở Quân đội Nhân dân Việt Nam, tính ra cũng đã gần 25 năm, chưa bao giờ thấy một cơ quan tham mưu cho Đảng lại có cách hành xử kém cỏi như vậy.
Cách thể hiện ý tứ, chữ nghĩa như trong công văn 46-BC/BTGTW là điều không nên có trong các văn bản phát xuất từ cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là tham mưu về tư tưởng lý luận, thường xuyên phải làm việc với đội ngũ trí thức, những người có học và có quá trình cống hiến. Đặc biệt khi nhận xét về công tác quản lý của Đảng Đoàn, Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và những người được Đảng Đoàn, tập thể tín nhiệm cử giữ cương vị đứng đầu Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận, mà tiền thân của nó là tờ báo Cứu Quốc, nay đã 66 tuổi, càng rất không nên sử dụng một phong cách ngôn ngữ hồ đồ như vậy.
Trước hết, xin được nhắc lại một sự việc liên đới trực tiếp đến người đã ký văn bản số 46-BC/BTGTW này, để các đồng chí suy nghĩ và cân nhắc. Con người này, đã từng vì lợi ích cá nhân, cản trở báo chí không cho đăng tải tin tức về một vụ hiếp dâm trẻ con (vụ án Lương Quốc Dũng) thì không thể có tư cách giáo dục tư tưởng đối với người khác, huống chi là giữ vị trí quản lý báo chí. Công luận không hiểu được vì sao một con người đầy tai tiếng như vậy, đã quá tuổi nghỉ hưu, mà vẫn được sử dụng, lại còn tiếp tục được giữ vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương ??!
Đất nước ta đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải về tư tưởng, lý luận, báo chí và truyền thông. Đảng và Nhà nước đang huy động tất cả tinh tuý của đội ngũ trí thức, những người tâm huyết với sự nghiệp này để cùng nhau kiến giải và tìm ra định hướng tốt nhất cho công cuộc đổi mới đất nước. Anh em làm báo chúng tôi cũng đang góp tay góp sức vào công việc ấy. Tôi nghĩ kiểu đe nẹt, ngăn chặn báo chí một cách vô lối như trường hợp không cho đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, bằng động tác nhắc nhở “dù là ai cũng không được đăng, phát” (Bản thông tin công tác tuần số 39 của Ban Tuyên giáo Trung ương) là điều không nên. Cho đó là “kỷ luật thông tin” lại càng không nên. Là người có học, biết trọng đạo lý, tâm huyết với lý tưởng từ ngày vào Đảng, tôi có đủ lòng tin để nghĩ rằng trên đất nước này, bây giờ và mãi mãi sau này, không ai có thể quở trách chúng tôi vì đã đăng bức thư của một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đảng Cộng sản Việt Nam không giáo dục các đảng viên của mình thấy việc hợp với đạo lý mà không làm. Đảng cũng chẳng bao giờ muốn các đảng viên của mình ra mệnh lệnh hoặc tuân thủ mệnh lệnh một cách máy móc, như những người máy. Tôi được biết để tạo thêm lý do “nghiêm trọng” cho việc xúc tiến kiểm điểm và “xử lý” báo Đại Đoàn Kết vừa qua, anh Hồng Vinh còn gửi kèm theo công văn số 46 một số đơn nặc danh, vu cáo Ban biên tập báo nhiều điều, trong đó có việc “tập hợp lực lượng”, “liên hệ với những người có vấn đề về chính trị”, gặp gỡ Câu Lạc bộ Thăng Long… Đây là lối chụp mũ vô tổ chức lẽ ra không nên có trong một cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương.
Nhân đây, tôi cũng xin phản ánh: Dư luận hiện nay trong nhân dân, trong đội ngũ trí thức, văn nghệ, báo chí… ngày càng nhiều và bất lợi, khi chúng ta quy tụ về để giữ các vị trí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương quá nhiều những người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác. Tôi tin vào sự cân nhắc, lựa chọn của Đảng, nhưng nếu thực sự có quá nhiều dư luận phản ánh thì Trung ương cũng nên xem lại, bởi vì để như vậy vừa gây khó cho đồng chí Bí thư Trung ương phụ trách Trưởng Ban, vừa làm tăng thêm sự thiếu nể trọng trong tất cả các lực lượng đang làm việc dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, một bộ máy tham mưu giúp việc cho Đảng có độ dày truyền thống từ trong chiến tranh, và qua bao thăng trầm của công cuộc Đổi mới.
Sức mạnh của Đảng chỉ có được từ lòng tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo đất nước. Trong thời bình, mà nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập hiện nay, lãnh đạo càng ít mệnh lệnh, càng tăng cường phương pháp thuyết phục, nhất là đối với những người có tri thức, thì chắc chắn vị thế của Đảng sẽ ngày càng cao hơn trong lòng dân tộc. “Mệnh lệnh”, hay “kỷ luật thông tin” được nhân danh để sử dụng một cách thiếu thận trọng, hàm hồ, lồng ghép cá nhân vào đó chính là một biểu hiện ấu trĩ về chính trị, chính là làm suy yếu chứ không phải tăng cường sức mạnh của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó chỉ làm thất vọng những người có tâm huyết với sự nghiệp Đổi mới, và làm chỗ dựa cho những kẻ xấu, bất tài, hám danh lợi quyền chức, làm suy yếu tinh thần cộng sản trong Đảng.
Mấy lời đóng góp và kiến nghị thẳng thắn, nếu có chỗ nào không phải, rất mong các đồng chí bỏ qua. Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ để ngày càng phục vụ tốt sự nghiệp Đổi mới của toàn Đảng, toàn dân.
Người kiến nghị,
Lý Tiến Dũng
TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT
Bảo tồn và tiếp tục sử dụng hội trường Ba Đình, chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội và không xây dựng tại khu Di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu
Diễn Đàn đăng dưới đây toàn văn bài viết mới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài này đã được công bố ngày 1.11.2007 trên báo Đại Đoàn Kết (cơ quan của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam) với lời toà soạn như sau : « Vừa qua, trong dư luận xã hội có lan truyền tin cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết bức thư rất tâm huyết đề nghị Trung ương xung quanh chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhưng thư không được các báo đăng. Để giải toả những bức bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm đến vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã đến văn phòng của Đại tướng, được xem hai bức thư gần đây gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và bức thư dưới dạng ý kiến để đăng báo mà Đại tướng muốn đưa ra công luận. Chúng tôi xin đăng toàn văn ý kiến này, với mong muốn các tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước nên tham khảo như một sự trăn trở, day dứt của một vị khai quốc công thần trước chủ trương nói trên, dù ngành xây dựng đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội khoá 11 biểu quyết đa số ». Sự thật là thượng tuần tháng 10 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN và Bộ Thông tin Truyền thông đã chỉ thị cho các báo không được đăng tải các ý kiến về việc xây Nhà Quốc hội nữa, viện cớ là « đã có quyết định rồi ». Việc báo Đại Đoàn Kết đã phải phá rào chứng tỏ lênh cấm này gây ra bức xúc trong giới báo chí và, nghiêm trọng hơn, quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình và xây Nhà Quốc hội trong Khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu gây ra phẫn nộ như thế nào trong dư luận, chứ không riêng gì giới sử học và các nhà cách mạng lão thành.
Theo những thông tin chúng tôi đã phối kiểm, đây là một quyết định đã được thông qua một cách hấp tấp và thiếu minh bạch trong Bộ chính trị cách đây một năm. Với một lí do cực kì đơn giản và hết sức đáng phẫn nộ là : ông Nông Đức Mạnh đã tin nhảm, nghe lời hươu vượn của đám nịnh thần về cái gọi là "long mạch" ở khu này. Rồi từ đó là một dây chuyền mệnh lệnh dẫn tới cuộc bỏ phiếu tháng 6 vừa qua của khoá Quốc hội mãn nhiệm kì. Thi hành quyết định này, phải nói dứt khoát, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng về chính trị, một tội ác về văn hoá và lịch sử, bất kính với tiền nhân và vô trách nhiệm với thế hệ mai sau.
Có những sai lầm không thể nào sửa chữa, thậm chí càng sửa càng sai. May thay, sai lầm về xây nhà Quốc hội chưa thuộc loại ấy. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ chính trị ĐCSVN có đủ thời gian để huỷ bỏ quyết định này, lấy lại uy tín đã bị sứt mẻ. Các đại biểu mới được bầu của Quốc hội có cơ hội để tỏ ra xứng đáng là "cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước". Ít nhất, cũng không lặp lại sai lầm của Quốc hội gần ba mươi năm trước đây đã "vì kỉ luật" mà "nhất trí" bỏ phiếu thay thế Quốc ca.
Bài Tiến quân ca cuối cùng đã được bảo vệ. Khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình nhất định phải được bảo tồn nguyên vẹn.
DIỄN ĐÀN
Ngay từ đầu, khi đặt vấn đề xây dựng Nhà Quốc hội, tôi đã có ý kiến đề nghị với đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là cần bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình – một di tích không thể thiếu của bề dày lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tôi có đề nghị hai phương án :

Khu vực quảng trường Ba Đình với : (1) ở giữa là Khu di tích 18 Hoàng Diệu (với góc bên trái, phía dưới, là Hội trường Ba Đình đang bị đe doạ phá đi), (2) dọc bên phải là khu quân đội cũ với Tổng hành dinh Quân đội nhân dân đặt trên nền điện Kính Thiên cũ), (3) ở ngoài bản đồ, mép dưới, cuối đại lộ Hùng Vương là một địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng Nhà Quốc hội, song dự án này đã âm thầm bị huỷ bỏ.
-
Nếu thật sự cần thiết phải xây dựng ngay Nhà Quốc hội lúc này thì nên chọn một vị trí khác, địa thế rộng rãi hơn. Lúc ấy tôi được biết Chính phủ đã có phương án xây dựng Nhà Quốc hội ở khu vực phía Nam quảng trường Ba Đình và chủ trương bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu kể cả Hội trường Ba Đình.
-
Chúng ta đang cần tập trung nguồn lực để xây dựng đất nước và chúng ta vừa xây dựng khu Mỹ Đình khá khang trang hiện đại nhưng sử dụng còn hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị nên nghiên cứu cách vừa sử dụng Hội trường Ba Đình vừa sử dụng khu Mỹ Đình để Quốc hội làm việc, hội họp mà chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội ngay lúc này.
Đến tháng 10-2006, tôi rất bất ngờ và sửng sốt được biết Bộ Chính trị và Chính phủ lại chỉ đạo cơ quan nghiên cứu trình Quốc hội phương án xây dựng Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và tôi đã viết thư ngay tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét lại chủ trương này.
Đến 20-2-2007, tôi đã viết bài đăng báo Nhân Dân và báo Hà Nội Mới nêu ý kiến, thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cần phải giữ gìn, tu bổ bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành xưa và các di tích cách mạng kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, trụ sở Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân…[có thể đọc bài này trên mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam]
Vừa qua, tôi được biết ngành xây dựng lại vẫn đưa ra phương án làm Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và hơn thế nữa còn đề nghị phá bỏ cả Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội trên khuôn viên ấy, có lấn ra xung quanh, với lý do Hội trường Ba Đình đã xuống cấp, sửa chữa rất tốn kém và đã được Bộ Chính trị, Chính phủ đồng ý trình ra Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết với đa số đồng ý (1). Lý do mà các đồng chí nêu lên không thể biện minh được. Đã là di tích lịch sử mà xuống cấp thì phải tu sửa, bảo tồn chứ không phải phá bỏ đi. Hội trường Ba Đình là một di tích cực kỳ quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Là nơi đã diễn ra 7 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nơi họp và làm việc của Quốc hội từ khoá II liên tiếp cho đến ngày nay, nơi đã diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt – một kiểu Hội nghị Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ… Ấn tượng sâu sắc nhất là tại đây, Bác Hồ đã từng tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và cuối cùng, đây là nơi toàn Đảng, toàn dân ta đã tiến hành lễ tang Bác, cả nước vô cùng xúc động hướng về Hội trường Ba Đình lịch sử để tiễn biệt Bác ra đi với niềm tiếc thương vô hạn. Di tích lịch sử vô giá ấy sao chúng ta có thể xoá bỏ đi được.

Toàn bộ Khu di tích 18 Hoàng Diệu (bên trái là Quảng trường Ba Đình): góc dưới, trái là phạm vi Hội trường Ba Đình. Khi trình Quốc hội, "Ban dự án" đã lập lờ đính kèm bản đề nhằm xây lấn (vùng có đường viền xanh đậm), khi bị phanh phui thì nói chữa là... "vẽ nhầm".
Về mặt kiến trúc, đây còn là một hội trường lớn nhất, đẹp nhất của kiến trúc Việt Nam thời bấy giờ.
Chúng ta nghĩ thế nào khi thấy cần phải bảo tồn Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) mà lại quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình ?
Hiện nay, mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên. Nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao, nhà khoa học đề nghị Quốc hội cân nhắc lại và ngay trong Quốc hội vẫn còn trên 30 đại biểu biểu quyết không tán thành phá bỏ Hội trường Ba Đình.
Riêng tôi, một lân nữa xin nêu lại ý kiến dứt khoát không nên làm nhà Quốc hội tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và tuyệt đối không được phá bỏ Hội trường Ba Đình.
Tôi đồng ý với ý kiến của anh Võ Văn Kiệt đã nêu trên báo Thanh Niên là nếu Hội trường Ba Đình xuống cấp thì tu sửa lại. Chúng ta có đầy đủ khả năng làm được việc ấy.
Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc lại, bàn lại chủ trương này. Trước khi bàn cần lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân. Hiện nay Ban dự án đang trình bày các mô hình Nhà Quốc hội để lấy ý kiến của nhân dân trong cả nước, tôi đề nghị cần lấy cả ý kiến nhân dân về ý định phá bỏ Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội lên vị trí ấy. Vấn đề này cũng nên đưa ra thảo luận trên báo chí để cán bộ và nhân dân được tham gia ý kiến. Trên cơ sở thu thập ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân, tôi đề nghị Bộ Chính trị có cuộc họp bàn lại vấn đề này. Đề nghị Quốc hội tổ chức một phiên họp toàn thể đặc biệt (không thể chỉ thảo luận ở tổ (2)) để bàn bạc, thảo luận thực sự dân chủ, phân tích kỹ những ý kiến khác nhau, lợi và hại của việc để và phá bỏ Hội trường Ba Đình, trước khi đi đến biểu quyết và có quyết định cuối cùng.
Đây là một chủ trương cụ thể, nhưng là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, lịch sử, văn hoá, tình cảm của nhân dân Thủ đô và của cả dân tộc. Chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng ta càng cần phải bảo tồn thật tốt toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình. Việc xây dựng Nhà Quốc hội không nên quá lệ thuộc vào thời gian làm chỉ kịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để quyết định vội, xây dựng vội, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ kiến trúc của công trình Thế kỷ quan trọng này.
Những nội dung đề nghị trên đây tôi đã có thư gửi đến Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngày 23 tháng 9 năm 2007.
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh ý kiến : lúc này ta cần tập trung tiền của và lực lượng để ra sức phát triển kinh tế văn hoá, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân mà chưa xây dựng Nhà Quốc hội. Quốc hội tiếp tục sử dụng Hội trường Ba Đình và khu Mỹ Đình (hiện chưa sử dụng hết công suất, còn lãng phí) để hội họp và làm việc. Công sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng cần được xây dựng khang trang, nhưng hãy chờ một thời gian nữa, khi đất nước thoát khỏi cảnh một nước nghèo, một nước kém phát triển rồi ta hãy xây dựng.
Trong lúc đó chúng ta tiếp tục nghiên cứu địa điểm xây dựng, chọn mô hình Nhà Quốc hội đáp ứng các yêu cầu của một công trình tiêu biểu của đất nước, có quy mô tương xứng, có chất lượng bền, đẹp vừa dân tộc vừa hiện đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
No comments:
Post a Comment