Khoa học là những gì xảy ra, được kiểm chứng chính xác giữa lý thuyết và thực nghiệm. Khoa học là khoa học. Ðừng bao giờ dùng cái từ khoa học tâm linh để làm bình phong che đậy cho những tà thuyết. Tinh thần của khoa học là thực nghiệm. Những người dùng từ khoa học để gán ghép cho những gì không chứng minh được đều là những tên hiếp dâm khoa học. Ðẻ ra những tà thuyết huyền hoặc ru ngủ con người.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Ðạo và Quả
![]() |
Ngay khi chúng ta không sống trong thế gian, chỉ sống trong ni viện, chúng ta cũng có nhiều tham vọng: muốn trở thành thiền giả thượng hạng, muốn có an định toàn hảo, muốn cách sống này tạo ra kết quả tốt. Lúc nào cũng có một điều gì đó để ta hy vọng.Tại sao thế? Bởi vì đó là điều sẽ xảy ra trong tương lai, không bao giờ có trong hiện tại.
Thay vì chú tâm vào hiện tại, ta lại cầu mong điều tốt đẹp hơn sẽ đến, có lẽ trong ngày mai. Thế nhưng khi ngày mai đến, ta lại mong đến ngày kế, vì nó cũng chưa đủ toàn hảo. Nếu ta thay đổi thói quen trong tư duy của mình và chú tâm vào cái đang hiện hữu, chừng đó ta sẽ tìm được một điều gì đó làm ta hài lòng. Nhưng khi ta chỉ tìm kiếm những gì chưa hiện hữu, mong rằng có thể toàn hảo hơn, kỳ diệu hơn, thỏa mãn hơn, ta sẽ không thể tìm được gì cả, bởi vì ta chỉ tìm kiếm cái mà nó không hiện diện ở đó.
Ðức Phật nói về hai hạng người, người tầm thường (phàm nhân, puthujjana) và người cao sang (thánh nhân, ariya). Dĩ nhiên ai cũng mong ước trở thành thánh nhân, nhưng nếu chúng ta chỉ mong cầu điều đó trong một tương lai nào đó, ta sẽ không đạt được. Sự khác biệt giữa một thánh nhân và phàm nhân là sự thực chứng về "đạo và quả" (magga-phala). Giây khắc đầu tiên khi tâm thức đạt đến trạng thái siêu thế này được gọi là Dự lưu (sotapatti) và người chứng nghiệm điều đó gọi là Dự lưu nhân (sotapanna), người nhập dong suối đưa đến Niết bàn.
Nếu ta đem điều đó vào lòng như là một mục tiêu cho tương lai, điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì ta không đem hết năng lực và sức mạnh để chú niệm từng giây khắc. Chỉ khi nào tâm chú niệm vào từng giây khắc thì chập tâm Ðạo (sát-na tâm Ðạo) giải thoát mới có thể xảy ra.
Yếu tố phân biệt một thánh nhân với phàm nhân là sự đoạn diệt ba kiết sử đầu tiên đã trói buộc ta vào luân hồi miên viễn. Ba kiết sử này là: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ (sakkayaditthi, vicikiccha, silabbatta paramasa). Người nào chưa phải là bậc Dự lưu thì người ấy vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến và hành động sai lầm vốn đem ta xa rời sự tự do và đưa ta vào trói buộc.
Hãy thử nhìn vào sợi dây "hoài nghi" trước. Ðó là ý tưởng vụn vặt lúc nào cũng ám ảnh trong đầu óc: "Chắc là có một pháp tu khác, dễ dàng hơn", hoặc "Tôi biết chắc là tôi có thể tìm được an lạc ở một nơi nào đó trong thế gian rộng lớn này". Khi nào vẫn còn sự nghi ngờ về con đường giải thoát khỏi thế gian và vẫn còn sự tin tưởng rằng những điều toại ý có thể tìm ra được trong thế gian, khi đó sẽ không có cơ hội để đắc quả thánh, bởi vì ta đang nhìn lầm hướng. Trong thế gian này với con người và vật chất, thú vật và sự chiếm hữu, quang cảnh và các tiếp chạm qua giác quan, không còn có một cái gì khác ngoài những gì chúng ta đã từng quen biết. Nếu còn có gì khác, tại sao chúng lại không được xác nhận, tại sao ta đã không tìm ra? Ðiều này thật hiển nhiên. Thế nhưng tại sao ta lại phải tìm kiếm chúng?
Dĩ nhiên là chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc và an bình, cũng như những người khác. Hoài nghi, anh chàng báo động, bảo: "Tôi chắc là nếu tôi thử tu tập một cách thông minh hơn là phương cách vừa qua, tôi sẽ được hạnh phúc. Còn có vài điều nữa mà tôi chưa thử qua." Có thể ta chưa tư mình lái chiếc máy bay của riêng mình, chưa thử sống trong hang động Hy Mã Lạp Sơn, chưa từng dùng thuyền chu du thế giới, chưa từng viết một quyển tiểu thuyết bán chạy nhất. Tất cả các điều này thật là huy hoàng để thực hiện trong cõi đời, nhưng chúng chỉ là những phí phạm thì giờ và năng lực.
Hoài nghi hiện rõ ra khi ta không biết chắc là trong bước kế tiếp, ta sẽ phải làm gì. "Khi tôi đến đó, tôi sẽ phải làm gì?" Ta chưa định hướng được. Hoài nghi là một kiết sử trong tâm khi chưa có được một sự minh bạch rõ ràng vốn bắt nguồn từ sát-na tâm nhập Ðạo. Tâm thức khởi sinh ngay trong giây khắc đó sẽ hủy diệt mọi hoài nghi bởi vì lúc đó, ta tự thực chứng được con đường. Cũng như khi ta cắn quả xoài, ta biết được ngay cái vị của nó.
Nhận thức sai lầm về tự ngã là một kiết sử gây nhiều tổn hại nhất và vây hãm phàm nhân. Nó chứa đựng ý tưởng chôn sâu trong tâm về "đây là tôi". Có thể cái ngã đó không phải là cái thân "của tôi", nhưng có "một người nào đó" đang hành thiền. Cái "một người nào đó" này đang muốn giác ngộ, muốn đắc quả Dự lưu, muốn được hạnh phúc. Tà kiến về tự ngã này là nguyên nhân của mọi vấn đề đang khởi sinh.
Chừng nào vẫn còn có ý tưởng có "một người nào đó", ta vẫn còn nhiều vấn đề. Nếu ở đó không có một người nào cả, thì ai đang gặp khó khăn đây? Tà kiến về tự ngã là gốc rễ tạo ra sư đau đớn, buồn rầu và than thở. Kèm theo với nó là sự sợ hãi và lo lắng: "Không biết tôi sẽ an toàn, hạnh phúc, thanh bình, tìm được cái tôi đang tìm kiếm, đạt được điều tôi mong muốn như là an lạc, giàu có và khôn ngoan không?". Những nỗi lo lắng và sợ hãi này được hỗ trợ bằng các kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ. Trong quá khứ, ta đã không bao giờ khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan, đã không thể đạt được điều mong muốn, đã không có cảm giác kỳ diệu. Do đó, đây là lý do mạnh mẽ để ta lo lắng và sợ sệt, chừng nào vẫn còn các tư tưởng sai lầm về tự ngã bao trùm.
Lễ nghi và cúng tế tự chúng không phải gây nhiều điều hại, chỉ khi nào ta tin tưởng đó là một phần của con đường đến Niết bàn thì mới có hại. Chúng không cần phải có tính tôn giáo, dù rằng ta thường nghĩ như thế. Những hành động như dâng hương hoa trên bàn thờ, quỳ lạy hoặc tham gia vào các cuộc lễ có thể tích tụ phước báo để tái sinh vào các cõi trời. Sự thành tín, kính trọng và biết ơn đối với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới là điều quan trọng. Nhưng ngay cả lòng tin này cũng không chỉ giới hạn vào các hoạt động tôn giáo. Mọi người đều sống với lễ nghi và cúng tế, cho dù có khi ta không ý thức về chúng. Trong sự tương giao của con người, có những cách thức quy định để giao tiếp với cha mẹ, con cái, vợ chồng. Ta phải xử sự thế nào trong công việc, với bạn bè, với người lạ, ta mong người khác đối đãi như thế nào, tất cả những điều này đều liên kết với những định kiến về sự đúng đắn và thích hợp trong một văn hóa và truyền thống nào đó. Không một điều nào có hàm chưa chân lý, bởi vì chúng chỉ là do tâm tạo ra. Ta càng có nhiều ý kiến, ta càng xa rời thực tế. Ta càng tin tưởng vào chúng, ta càng khó gỡ bỏ chúng. Khi ta tưởng ta là một loại người nào đó, ta sẽ có giao tiếp như thế trong mọi tình huống. Ðiều này xảy ra chẳng những trong phương cách ta chưng hoa trên bàn thờ mà ngay cả trong cách ta thù tiếp người khác, nếu ta làm theo một nghi lễ tiên định nào đó và không theo cách mà tâm rộng mở của ta sai khiến ta.
Ba kiết sử trên sẽ bị tiêu trừ khi chập Ðạo và chập Quả được thực chứng. Lúc đó sẽ có một sự thay đổi rõ ràng trong người đó, dĩ nhiên không thể nào thấy được qua hình dạng bên ngoài. Nhưng sự thay đổi nội tâm trước tiên là kinh nghiệm thực chứng đó sẽ làm tiêu tan tuyệt đối các hoài nghi về điều cần phải làm trong đời sống. Biến cố này hoàn toàn khác hẳn những gì đã biết từ trước, cho đến nỗi, người ấy sẽ thấy những gì đã tao ra đời sống của mình, từ trước cho đến nay, đều vô nghĩa. Không có việc gì trong quá khứ là quan trọng nữa. Ðiều quan trọng duy nhất là tiến hành với công phu tu tập để làm tăng trưởng sự chứng nghiệm này từ trong chập tâm Ðạo đầu tiên, để tái nghiệm và thiết lập vững chắc trong người ấy.
Các chập tâm Ðạo và Quả sẽ lại xảy ra cho những vị Nhất lai (sakadagami), Bất lai (anagami) và Giác ngộ (arahant, A la hán). Mỗi lần như thế, chúng chẳng những sâu đậm hơn mà còn kéo dài hơn. Ta có thể so sánh với các kỳ thi trong trường đại học. Nếu ta chọn một chương trình bốn năm để lấy bằng cấp, mỗi năm ta phải dự kỳ thi cuối năm. Ta phải trả lời các câu hỏi trong mỗi ky thi, dựa theo kiến thức ta đã thu hoạch được. Các câu hỏi trở nên sâu sắc hơn, khó khăn hơn trong các kỳ khảo hạch kế tiếp. Trong khi chúng chỉ liên quan đến cùng một chủ đề, chúng đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng hơn, cho đến khi ta tốt nghiệp và không cần phải trở lại trường đại học nữa. Sự phát triển tâm trí của chúng ta cũng như thế. Mỗi một chập tâm Ðạo là dựa theo chập tâm trước và có liên quan đến cùng một chủ đề, nhưng nó đi sâu hơn. Cho đến khi ta vượt qua kỳ khảo hạch cuối cùng và không cần phải trở lại nữa.
Chập tâm Ðạo không có tư tưởng hay cảm thọ trong đó. Nó không thể so sánh với các tầng thiền-na (jhana). Mặc dù nó dựa vào các tầng thiền vì chỉ có tâm định mạnh mẽ mới có thể đi vào chập tâm Ðạo, nó không có những tính chất như trong các tầng thiền - trong các bước đầu - như là hỷ, lạc, và an bình. Lúc sau, tâm chứng nghiệm một sự bành trướng, vô sở hữu và môt thay đổi về nhận thức. Chập tâm Ðạo không bao hàm các trạng thái tâm này.
Nó có tính không sinh hữu. Ðây là một sự nhẹ nhõm và thay đổi quan kiến về thế gian, hoàn toàn đến đỗi mà giờ đây người ấy hiểu được tại sao Ðưc Phật đã dạy về một sự phân biệt rõ ràng giữa một phàm nhân và Thánh nhân. Trong khi các tầng thiền na đem đến cảm giác nhất như, nhất thể, tâm Ðạo không có cảm giác đó. Chập tâm Quả, tiếp theo chập tâm Ðạo, là một chưng nghiệm đã thông hiểu và tạo ra một cái nhìn hoàn toàn mới lạ về sự hiện hữu.
Sự hiểu biết mới này nhận thức được rằng mỗi ý tưởng, mỗi cảm thọ đều là khổ (dukkha). Ngay chính ý tưởng cao sang nhất, cao thượng nhất cũng có tính chất đó. Chỉ khi nào không có gì cả, mới không có khổ. Không có cái gì, bên trong lẫn bên ngoài, hàm chứa tính chất toại ý hoàn toàn. Bởi vì có một nhận thức rõ ràng như thế, lòng ham muốn về bất cứ điều gì được loại bỏ. Mọi việc được nhìn theo bản thể chân thật của chúng, và không có gì có thể mang lại hạnh phúc như là những gì khởi sinh qua sự tu tập Ðạo và kết quả của nó.
Yếu tố Niết bàn không thể diễn tả thật sự như la hoan lạc, vì hoan lạc mang hàm ý có phấn khởi. Ta dùng chữ "hoan lạc" cho tầng thiền-na, bởi trong đó còn có một sự thích thú. Yếu tố Niết bàn không công nhận hoan lạc vì tất cả những gì khởi sinh đều xem là khổ. "Sự hoan lạc của Niết bàn" có thể làm cho ta có cảm tưởng rằng ta có thể tìm thấy hạnh phúc tuyệt đối, thật ra là điều ngược lại. Ta thấy ở đó không có gì cả và vì thế, không còn điều bất hạnh nữa, chỉ có an bình.
Nếu chỉ mong tìm kiếm Ðạo và Quả sẽ không đem chúng đến ta, bởi vì chỉ có sự tỉnh giác từng thời khắc mới có thể làm được điều đó. Sự chú niệm này dần dần sẽ giúp tạo một tâm định thật sự, trong đó ta có thể xả bỏ mọi tư tưởng và hoàn toàn hòa nhập vào đề mục. Lúc đó, ta có thể bỏ đề mục hành thiền. Ta không cần phải đẩy nó ra, nó sẽ rớt đi theo cách riêng của nó, và sự an định trong giác niệm sẽ xảy đến. Nếu cần phải có một tham vọng nào trong đời sống, thì đây là một tham vọng duy nhất có giá trị. Các loại khác không mang đến thành đạt trọn vẹn.
Ta cũng không cần phải tự ép buộc xả bỏ hoài nghi. Còn gì phải hoài nghi khi ta đã chứng nghiệm chân lý? Nếu ta tự đánh mình bằng một cây búa, ta cảm thấy đau đớn mà không thể nghi ngờ chi cả. Ta biết rõ như thế qua kinh nghiệm tự thân.
Chấp thủ vào lễ nghi và giới cấm sẽ kết liễu thú vị bởi vì khi ta đã chứng nghiệm được tâm Ðạo thì không còn trường hợp nào ta cần phải đóng tuồng nữa. Mọi vai trò chỉ là những cấu tử của hư ngụy. Ta có thể sẽ tiếp tục các lễ nghi vì chúng hàm chứa những phần kính trọng, biết ơn và thành tín. Nhưng không còn có các lễ nghi để ứng xử với người khác, với tình huống, và cũng không còn phải tạo dựng các câu chuyện về tự ngã, bởi vì các phản ứng của ta lúc đó là hoát nhiên với tâm rộng mở.
Xả bỏ tư tưởng sai lầm về tự ngã dĩ nhiên là một thay đổi sâu xa nhất, tạo ra tất cả các thay đổi khác. Ðối với vị Dự lưu, tà kiến về tự ngã không còn khởi sinh qua lý luận nữa, nhưng vẫn còn các cảm xúc về nó, vì chập tâm Ðạo xảy ra và biến đi rất nhanh. Nó chưa tạo một tác động tuyệt đối. Nếu nó làm được như vậy thì đã tạo ra quả Giác ngộ. Có những người có thể đắc nhanh như thế, như đã ghi trong kinh điển thời Phật còn tại thế. Cả bốn quả thánh có thể được chứng đắc ngay trong khi lắng nghe Pháp của Ngài.
Chập tâm Quả đầu tiên cần phải được tái sinh, đó cần phải tái lập nó nhiều lần, cho đến khi chập tâm Ðạo thứ hai khới sinh. Cũng như thể lặp lại những gì mình đã biết để khỏi quên, và từ đó tạo dựng thêm cái khác.
Ðiều cần thiết là ta phải luôn tự nhắc nhở trong mỗi thời khắc thức tỉnh rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường và không có bản thể thường tồn, thay đổi từng chặp. Cho dù ta có một trực kiến về vô ngã (anatta) hay chỉ có kiến thức về điều đó, trong trường hợp nào ta cũng phải đem điều đó vào trong tâm và sống với nó càng nhiều càng tốt. Khi ta tiếp tục làm như thế, các vấn đề thông thường sẽ khởi sinh ít đi. Nếu ta giác niệm về tính vô thường của mọi hiện hữu, các nỗi khó khăn của ta dường như không còn quan trọng nữa và quan kiến về tự ngã sẽ từ từ thay đổi.
Quan kiến ta có về chính ta là kẻ thù độc hại nhất cua ta. Mỗi người tạo ra một cá tính, một mặt nạ để mang, và ta không muốn thấy những gì phía sau mặt nạ đó. Ta cũng không cho phép người thấy những điều đó. Sau khi đắc tâm Ðạo, sự che giấu đó không còn nữa. Cái mặt nạ, sư sợ hãi và xua đuổi hiện ra rõ ràng. Ðể đối trị hữu hiệu, ta phải luôn nhớ rằng thật ra không có ai ở đó, chỉ có các hiện tượng mà thôi. Cho dù cái nhìn trong tâm vẫn chưa ổn cố đủ để chứng minh điều đó, sự xác định như thế giúp tháo lỏng các bám thủ, chấp dính và làm ta chấp thủ ít chặt chẽ hơn.
Ðịnh hướng của sự tu tập chắc chắn là hướng về quả Dự lưu. Tuy nhiên, không có gì để chứng đắc, mà tất cả cần phải được xả bỏ. Nếu không làm như thế, chập tâm Ðạo sẽ không xảy ra, và ta tiếp tục sống như trước: bị khổ não hành hạ và ràng buộc, trải qua các sự khen chê, được mất, sang hèn, vui buồn. Các vấn đề thông thường - tạo ra bởi cái "ngã" - sẽ lại sinh ra, rồi cứ thế sinh ra mãi. Sự thay đổi thật sự chỉ đến khi nào có được một thay đổi rốt ráo về phương thức ta nhìn về ta. Nếu không, các khó khăn vẫn tồn tại như cũ vì đó là do một người như xưa tạo ra chúng.
Có chánh niệm trong và ngoài lúc hành thiền là phương cách tu tập để mang lại kết quả. Có nghĩa là giờ nào làm việc ấy, chú ý qua thân và trong tâm. Khi nghe pháp, chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền, chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không kiểu cách, không phán đoán. Ðó là để cho tâm ý được quen dần trong sự sống từng giây khắc. Làm như thế thì chập tâm Ðạo mới xảy ra. Không phải ở một tương lai xa xôi, mà có thể xảy ra ngay trong lúc này và tại nơi đây. Không có lý do gì mà một thiền sinh có đủ trí khôn, khỏe mạnh và quyết tâm, lại không thể đạt được điều đó với lòng kiên nhẫn và trì chí.
Chúng ta đã nghe về sự chán chường và lạnh nhạt là những bước trên đường đến giải thoát và tự do. Chúng không thể có ý nghĩa và tác động nếu không có một quan kiến về một thực tế hoàn toàn khác biệt, một thực tế không nằm trong sự đa dạng của thế gian. Khi ta ngồi thiền mà bắt đầu suy luận, đó là cám dỗ cửa sự đa dạng hóa và bành trướng, phóng tâm (papanca). Yếu tố Niết bàn là một, không đa dạng. Ta có thể nói nó không hàm chứa những gì ta biết. Cho đến khi thấy được như thế, thế gian tiếp tục đặt tên cho nó, nhưng ta không cần phải tin như thế. Ðó là một công tác khó khăn. Ta phải tự cảnh giác luôn, nếu không sẽ bị cám dỗ lôi cuốn. Ta không nên ngạc nhiên khi ta không tìm thấy hạnh phúc; sự đa đoan, đa dạng không thể tạo hạnh phúc, chỉ tạo vọng mống.
Chắc chắn là ta có thể chứng nghiệm khoái lạc qua các giác quan. Ta sẽ được nhiều dịp như thế nếu ta tạo nghiệp lành. Thức ăn ngon, phong cảnh đẹp, đối tác dễ thương, âm nhạc du dương, sách hay, nhà cửa thoải mái, không có tật bệnh khó chịu. Nhưng những điều này có đem lại một hạnh phúc toàn bích không? Nó đã không xảy ra trong quá khứ, tại sao nó sẽ phải xảy ra trong tương lai? Ðạo và Quả mang lại hạnh phúc vì chúng không hàm chứa hiện tượng. Tánh Không không thay đổi, không trở nên khó chịu mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để chao động nó.
Khi người ta nghe hoặc đọc về "Niết bàn", người ta nói ngay là: "Làm thế nào mà tôi có thể không mong muốn gì cả?". Khi ta đã thấy mọi thứ ta muốn chỉ là để trám đầy sự trống rỗng bên trong và đều bất toại ý, lúc đó là lúc ta không muốn gì cả. Ðiều này vượt qua sự "không mong cầu" vì giờ đây ta chấp nhận rằng trong thực tế không có gì đáng để sở hữu. Không mong muốn điều gì sẽ giúp ta có thể thực chứng được rằng thật ra không có gì cả - chỉ có một sự yên lặng và an bình.
Ni sư AYYA KHEMA
BÌNH ANSON lược dịch
Có nhiều người đồng ý rằng tôn giáo không có gì ngược với khoa học. Nhưng họ lại bảo chỉ có khoa học mới có giá trị về phương diện trí thức cũng như về phương diện hành động. Còn tín ngưỡng chỉ là một não trạng lạc hậu, nếu không hẳn là mê tín dị đoan, thì cũng chỉ là một cách giải thích mơ hồ về những điều mà ánh sáng khoa học chưa soi dọi tới, nhưng rồi nay mai khi khoa học tiến bộ, sẽ được khoa học giải đáp thôi!
Hơn nữa tôn giáo cũng chỉ là thuốc phiện thoa dịu đau khổ tất nhiên của cuộc sống dành cho những tâm hồn uỷ mị tìm cách trốn chạy những đau khổ phải có ở đời. Còn những tâm hồn sáng suốt và dũng cảm thì chỉ bằng lòng với ánh sáng của khoa học trong nhận thức và với hiệu năng của kỹ thuật trong đời sống hành động chứ không chạy trốn vào một thế giới huyền ảo nào cả. Họ cho thế giới của tín ngưỡng là thế giới của uỷ mị vẩn vơ, nếu không thần thoại thì cũng chỉ là huyền thoại! Thường thường những người này cũng có một thái độ tương tự đối với triết học và nhất là đối với siêu hình học.
Thiết tưởng không ai phủ nhận khoa học đã đem lại cho nhân loại nhiều kiến thức về ngoại giới (một em bé lên sáu ngày nay biết rất nhiều về vũ trụ mà Platon hay Lão Tử hay các tiên tri Do Thái không biết) và đã phục vụ con người rất nhiều về cuộc sống vật chất cũng như văn hoá. Con người cũng tự hào về ngành khoa học kỹ thuật và nên cố gắng tiến xa mãi trên con đường ấy. Tuy nhiên tự hào khác với tự mãn! Và nhất là lại không nên tưởng rằng thái độ suy tôn khoa học ấy là một thái độ của tinh thần khoa học. Vì vậy trước hết ta phải ý thức:
Thái độ suy tôn khoa học, cho khoa học độc tôn, không phải là hậu luận tất yếu của tinh thần khoa học, là chỉ là một thái độ triết lý của khoa học, về tri thức luận, mà ta gọi là “duy khoa học”.
Tinh thần khoa học là một phương pháp sưu tầm, làm việc theo những nguyên tắc của khoa học thực nghiệm, phát kiến sự kiện, thiết lập qui luật, đề nghị học thuyết lý giải các sự kiện vật chất và văn hoá. Còn nói rằng khoa học sẽ lý giải tất cả mọi vấn đề tri thức, sẽ giải quyết mọi vấn đề hành động, là vượt ra ngoài phạm vi khoa học, gán cho khoa học một giá trị quá sức mà khoa học (trong phạm vi của mình) không bao giờ vơ lấy cho mình cả. Quan niệm duy khoa học ấy, dù là một khoa học gia nổi tiếng đề ra, cũng không dựa trên nền tảng khoa học mà chỉ dựa hơi khoa học vì lúc ông ta tuyên bố như vậy, ông ta không làm việc với những phương pháp khoa học mà làm việc với tư cách một nhà lý luận học, một nhà triết học suy tư về triết lý khoa học, về tri thức luận.
Quả vậy, khoa học bao giờ cũng phải dựa vào sự kiện và kiểm chứng: mà sự kiện thì chỉ cho ta thấy khoa học lý giải được NHIỀU sự vật chứ chưa có sự kiện nào cho thấy và kiểm chứng rằng khoa học sẽ lý giải TẤT CẢ sự vật và giải quyết TẤT CẢ mọi vấn đề. SẼ là một cái gì còn phải CHỜ được kiểm chứng mới có giá trị khoa học. Nếu chưa thì có khác gì một niềm tin như sẽ thấy linh hồn bất tử sau khi chết, sẽ thấy thiên đàng, hoả ngục sau ngày tận thế v.v… Với cái SẼ, giả sử gì mà chẳng được.
Còn nếu khiêm tốn hơn, mà bảo rằng mình chỉ tin vào khoa học và chỉ chờ vào ánh sáng hiệu năng của khoa học, thì cũng tốt thôi! Có điều chỉ xin những người ấy hãy sáng suốt và liêm khiết trí tuệ nhận định rằng đó chỉ là một thái độ có thể là rất đúng nhưng nếu đúng thì không phải vì như thế mới hợp với tinh thần khoa học, vì tinh thần khoa học chỉ nằm trong phạm vi tìm kiếm lý giải sự kiện chứ không lan sang vấn đề giá trị độc tôn của khoa học. Do đó rất nhiều nhà khoa học trứ danh vẫn không tự mãn (tuy vẫn tự hào) với ánh sáng của khoa học và hiệu năng của kỹ thuật mà còn có những suy nghĩ về tôn giáo mà không thấy mình thiếu tinh thần khoa học.
Thực vậy, một khoa học gia sau khi ở phòng thí nghiệm ra, ý thực được sự bất lực của khoa học về vấn đề sự khổ, sự dữ, sự chết, mà có nỗ lực suy tư triết học hay đời sống tín ngưỡng để tìm ánh sáng soi rọi các vấn đề ấy, không hề đi ngược với khoa học, vì tinh thần khoa học không ngăn cản mà cũng chẳng khuyến khích ai suy tư triết học hay sinh hoạt tôn giáo, tương tự như khoa học không cấm ai, cũng chẳng khuyên ai nghe nhạc, ngâm thơ hay… yêu đương cả!
Thích suy tư triết học hay không? Thấy cần hay không? Đó là một vấn đề sống, thuộc triết lý về nhân sinh quan chứ không thuộc về khoa học, không hề hấn gì đến tinh thần khoa học cả!
Cầu nguyện để tìm sự kết hiệp giữa bản thân mình với Đấng Siêu Việt. Điều đó không phản khoa học, chỉ khi nào cầu nguyện để xin Đấng Siêu Việt làm giùm cho bài toán vật lý mới là phản tinh thần khoa học (mà cũng là ngược với một đức tin trưởng thành, chính đáng nữa). Sau khi đã tìm hiểu vì sao các chất hoá học hàm chứa trong các loại phân lại giúp cho cây hoa hồng trổ hoa thêm thơm đẹp, suy tư thêm để tìm hiểu sự sống thực vật là gì; hoặc nhận thấy nơi hương sắc của muôn loài như là “Vết chân” của Ngôi Hai Sáng Tạo in lên cây cỏ theo cái nhìn của thánh Bonaventura, thánh Gioan Thánh Giá, rồi cất tiếng hát bài ca Mặt Trời của thánh Phanxicô Khó Khăn để ngợi khen Thiên Chúa; hoặc một nhà chính trị xã hội học sau khi đã nhờ ánh sáng của các khoa học lịch sử, kinh tế xã hội để phân tích tình hình nào đó của thời thế hành động có hiệu năng hơn về bình diện tự nhiên, vẫn có thể suy nghĩ về ý nghĩa của thế sự thăng trầm và nếu có đi đến một sử quan như của Augustino, của Bossuet, của Daniélou, của Maritain hay của Marx, của Tonby thì cũng là việc thuận tình hợp lý chứ không có gì là trái với tinh thần khoa học cả. Thậm chí có đọc lời cầu nguyện theo Kinh Hoà Bình (tục truyền của thánh Phanxicô) để xin Thiên Chúa ban cho mình trở nên khí cụ hoà bình dưới sự thúc đẩy của Thần Linh Thánh Ái cũng không có gì là trái với tinh thần khoa học cả. Hoặc có ca bài Quốc Tế Ca của đệ Tam Quốc Tế hầu khích lệ tinh thần của mình cũng như các bạn đồng chí thì cũng vậy thôi.
Tất cả những thái độ ấy, có khác nhau là khác nhau ở niềm tin, ở thái độ nhân sinh và vũ trụ quan, chứ không phải là một bên có tinh thần khoa học, một bên không; vì tất cả những niềm tin, những nhân sinh quan khác nhau ấy đều bắt nguồn từ một cái gì ở ngoài (hoặc ở trên) phạm vi khoa học thuần tuý.
Không phải vì tu sĩ Mendel hát những thánh vịnh ngợi khen các kỳ công của Thiên Chúa trong tạo vật mà giá trị về thuyết di truyền của ông kém giá trị hơn những quan niệm của Lyssenkô về vấn đề này. Không phải vì Daniel Rops tin vào sự quan phòng trong các biến cố lịch sử, mà công trình khảo sát sử học của ông kém phần giá trị hơn của H.Lefebre vì ông này ca bài Quốc tế. Không phải vì Teilhard de Chardin tin rằng vạn vật đồng quy hướng thượng về chung điểm omega mà giá trị khoa học cổ sinh vật học của ông kém giá trị. Vì sao? Vì suy tư triết học hay niềm tin tôn giáo không phải là dấu chỉ một não trạng lạc hậu mà ánh sáng của khoa học đủ sức để đẩy lui: quan niệm như vậy chỉ là thành kiến tương tự như thuyết “tam trạng” của Auguste Comte.
Theo thuyết này thì trí não nhân loại qua ba giai đoạn, ba trạng thái:
1. Thần thoại (mà Auguste Comte đã lầm đồng hoá với tôn giáo. Trong một bài nói chuyện khác, chúng ta sẽ vạch rõ sự sai lầm này);
2. Siêu hình;
3. Thực nghiệm.
Giai đoạn đầu, loài người có xu hướng lý giải sự vật bằng những thần linh. Thí dụ: thần sấm, thần sét v.v…
Giai đoạn hai lý giải sự vật bằng những khái niệm trừu tượng. Thí dụ: âm, dương, hàn, nhiệt v.v…
Và giai đoạn thứ ba lý giải sự kiện bằng qui luật hằng đều. Theo Auguste Comte, hai giai đoạn đầu chỉ là thời ấu trĩ của trí tuệ, chỉ có giai đoạn ba mới là trưởng thành, chính xác và đúng đắn.
Nếu theo quan niêm này thì một anh sinh viên năm thứ nhất khoa học, có lập trường khoa học sẽ trưởng thành hơn Pascal, hơn Teilhard de Chardin, hơn Mendel vì các ông ấy còn tin vào Thiên Chúa; hơn Bergson, hơn Merleau Ponty vì hai ông này còn suy tư triết học.
Nhìn thoáng qua ta thấy thuyết của Auguste Comte có vẻ đúng, vì quả thực đầu tiên con người có cái nhìn thần thoại về vũ trụ, rồi sang giai đoạn thứ hai suy tư triết học chiếm ưu thế, và hiện nay thì khoa học thực nghiệm có vị trí vô cùng quan trọng.
Nhưng phân tích kỹ càng và sâu xa ta sẽ thấy niềm tin tôn giáo, suy tư triết học và khảo sát khoa học là đối tượng của ba xu hướng khác nhau của tâm trí con người. Ba xu hướng ấy vận dụng trên ba bình diện khác nhau, và có thể đồng thời hiện diên trong một thời đại và nơi một con người. Có lẽ lúc đầu cả ba đều cùng hoạt động nhưng chưa ý thức được sự khác biệt về bình diện nên tất cả được xếp chung một trật trong một hệ thống kiến thức duy nhất, rồi dần dần với sự tiến bộ của kiến thức càng ngày người ta càng thấy rõ sự phân hoá ra từng bình diện, chứ không có sự thay thế hay sự đẩy lùi của giai đoạn sau xoá bỏ giai đoạn trước.
Khoa học thực nghiệm trong thời Thượng và Trung cổ quả có bị kìm hãm trong những hệ thống nặng tính cách thần thoại hoặc siêu hình, nên ở giai đoạn mới phát triển này cần phải đấu tranh để giành cho được sự độc lập của mình. Nhưng thái độ duy khoa học là thái độ bành trướng bá quyền; sau khi giành được độc lập chủ quyền lại muốn lấn át địa hạt của triết học và tín ngưỡng.
Xét cho cùng, các nhà duy khoa học có thể bị kết tội tương tự như những nhà duy thần học hay duy siêu hình thời trước, nghĩa là những người có cái não trạng “duy” muốn ngành của mình lên nắm quyền “bá chủ” mọi sinh hoạt con người. Và nếu như vậy thì thật ra đó cũng chỉ là một não trạng “trung cổ” (tuy là đảo ngược) chứ đâu có tiến bộ gì! Có lẽ chính vì thế mà phần đông các khoa học gia thứ thiệt không có thái độ duy khoa học, trái lại họ rất khiêm tốn, rất liêm khiết trí thức, không miệt thị siêu hình và tôn giáo, cũng không cậy dựa vào uy tín khoa học mà biện hộ cho triết thuyết hay tín ngưỡng của họ nếu họ có suy tư triết học hay sinh hoạt tôn giáo.
Chúng ta đồng ý rằng khoa học là kiến thức có giá trị vững chắc nhờ vậy mà đã đem lại những áp dụng có hiệu năng về kỹ thuật (lên cung trăng, chữa bệnh nan y v.v…). Nhưng trên bình diện trí thức, khoa học sở dĩ được vững chắc là nhờ đã TỰ HẠN CHẾ, TỰ GIỚI HẠN lãnh vực của mình chỉ khám phá một khía cạnh của sự vật vô cùng phong phú huyền nhiệm mà thôi. Thí dụ: sở dĩ khoa quang học vững chắc là nhờ đã tự hạn chế, gác một bên những gì là huyền nhiệm của muôn màu muôn sắc.
Còn triết học siêu hình và tín ngưỡng, sở dĩ không vững chắc bằng vì suy tư triết học đáp ứng nhu cầu muốn đào sâu tận căn nguyên cội rễ của sự vật, muốn có cái nhìn tổng hợp toàn bộ, toàn diện của sự vật; vì tín ngưỡng phải đáp ứng nhu cầu tìm ý nghĩa rốt cùng của nhân sinh và vũ trụ, và nhất là ý nghĩa của cuộc đời con người cá nhân, cũng như cả và nhân loại qua thăng trầm của thế sự cũng như qua vui buồn sướng khổ vinh nhục của con người có sinh bệnh lão tử, nhưng có yêu đương hạnh phúc, có sa ngã lỗi lầm, nhưng cũng có hy sinh tận tuỵ v.v…
Khoa học rất vững vàng, nhưng thái độ duy khoa học gần như một sự lựa chọn dập tắt mọi thao thức về trí thức cũng như về cuộc sống của con người, giản lược vào một bình diện duy nhất, là bình diện đối vật (objectal chứ không phải là objet objectif khách quan) dồn nén mọi xu hướng mọi khao khát của con người biết đưa mắt lên cao, đào sâu vào cái huyền nhiệm vô cùng của bất cứ sự vật gì, dầu chỉ là hạt sương lấp lánh dưới ánh triều dương trên ngọn cỏ hèn mọn.
Nếu khoa học khám phá được bí mật của vũ trụ và của con người về bình diện đối vật thì triết học và tín ngưỡng nâng cao, đưa xa tâm trí vào cái huyền nhiệm của vạn vật và nhất là của con người có ngã vị, có ý thức, có tự do của một chủ thể sống với những ngã vị, những chủ thể khác.
Thế kỷ XX có thể tự hào về tiến bộ khoa học và kỹ thuật nhưng đã biết gì về vẻ đẹp của những đoá hoa, nắm được ý nghĩa gì trong một nụ cười, trong một giọt lệ, trong một nghĩa cử cao đẹp, hay một hành vi tồi bại, trong thế sự thăng trầm của hai cuộc thế chiến, trong cái lo âu khắc khoải của bao nhiêu tâm trí từ những nhà lãnh đạo các quốc gia, các vị lãnh đạo tinh thần, các nhà tư tưởng, bác học, văn hoá cho đến những bận rộn trong cuộc sống hàng ngày của ngàn triệu sinh linh đang vật lộn kiếm miếng cơm manh áo, hay một chân trời sống cho xứng với phẩm giá của một con người đồng loại với những kẻ đã khám phá ra bí mật của vật chất cực vi cũng như cực đại, đơn chất cũng như phức hợp (tế bào não).
Thái độ tự hào về trí năng của con người là một điều phải vì đó là một yếu tố của ý thức nhân phẩm nơi mình và nơi kẻ khác, nhưng tự mãn tự tôn và nhất là độc tôn, lại còn dựa vào “thành quả” của bao nỗ lực kiên trì, của bao khoa học gia khiêm tốn liêm khiết, của bao lao công của các giới kỹ thuật đủ mọi trình độ (từ kỹ sư cho đến công nhân lao động đơn giản) thì cần phải xét lại, xem một thái độ như vậy có giá trị gì về khoa học cũng như về nhân sinh.
Ta có thể hỏi, tại sao với sự tiến bộ và thành công rực rỡ của khoa học kỹ thuật, cuộc sống tinh thần và văn hoá của con người ở thế kỷ XX này vẫn bị dằn vặt tuy đời sống vật chất có phát triển và đầy đủ tiện nghi hơn trước? Chẳng phải vì đã giản lược kích thước con người “linh ư vạn vật” vào một chiều kích của đối vật, đánh mất đi chiều kích ngã vị chủ thể của mình, của tha nhân, và vì mãi chúi đầu chúi mũi vào bí mật của vạn vật mà quên đi huyền nhiệm của sự hữu (Existence-Être) sao? Chẳng phải đó là điều mà triết gia Bergson nhắc đến khi ông nói “nhân loại thế kỷ XX cần được bổ sung bằng một mảnh tâm hồn” (un supplément d’âme) sao?
Vì vậy, ta có thể xét lại thuyết Tam trạng của Auguste Comte mà suy nghĩ về vấn đề này: nếu thời cận và hiện đại có một sự phát triển về kiến thức khoa học (thực nghiệm) kèm theo hiệu năng của kỹ thuật, thì chẳng phải sự phát triển ấy đã đem lại một sự mất thăng bằng nào đó, một sự đui chột nào đó về khía cạnh sâu xa huyền nhiệm của vũ trụ, của lòng người? Tiến bộ hay thoái vị?!? Hay tiến mặt này phải trả giá bằng sự thụt lùi về mặt khác!? Nếu thế thì vai trò của văn nhân, nghệ sĩ, triết gia và thiền sư, tu sĩ, đạo nhân có lẽ không phải chỉ là những người ủy mị viễn vông, yếm thế, trốn đời, mà có lẽ… Chỉ hỏi thôi, câu trả lời chúng ta hãy sáng suốt, can đảm vạch trần chân tướng của chính bản thân của cuộc sống loài người với trăm nghìn vấn đề về mọi mặt và xin mỗi người hãy tự tìm lấy cho mình.
Nhưng dầu có trả lời bằng cách nào thì cũng xin có đủ sáng suốt và liêm khiết trí tuệ mà ý thức rằng đó là một cách nhìn, một cách lựa chọn thái độ trước vũ trụ, trước cuộc đời. Ai cũng có quyền tự do cả, chỉ xin đừng dựa hơi vào khoa học chẳng những không thêm vinh quang cho khoa học mà chỉ còn làm cho kẻ thức giả mỉm cười! Mỉm cười vì suy cho cùng cũng chỉ là một lý thuyết giới hạn trong phạm vi lý thuyết trừu tượng, tranh luận suông, chứ ai thì cũng có một cuộc sống thực tế và đời sống ấy đòi hỏi ta phải đối diện với đời sống vũ trụ bao la với tha nhân và với chính bản thân, phải giải quyết cho chính mình, cho kẻ khác trăm ngàn vấn nạn về tri thức cũng như về hành động.
Nói cách khác, ai rồi cũng phải có một thái độ sống, phải đặt cho đời mình cũng như toàn bộ vũ trụ nhân sinh một ý nghĩa nào đó (ngay những kẻ chủ trương thuyết hư vô hay phi lý thì cũng đã gán cho mọi sự một ý nghĩa đó là sự vô nghĩa của tất cả). Mà đã bước sang lãnh vực ý nghĩa của vũ trụ nhân sinh thì còn đâu là thái độ duy khoa học nữa, vì đã suy tư triết học hay ít ra cũng đã chọn lựa, dù là vô ý thức, một thái độ trước cuộc đời rồi; mà hễ nói tới thái độ sống là đã vượt ra ngoài phạm vi phòng thí nghiệm khoa học rồi.
Trong căn bản, thái độ sống nào cũng được xây dựng trên cơ sở của một niềm tin cả, chứ không phải chỉ riêng cuộc sống của các tín đồ tôn giáo mới xây dựng trên niềm tin vì cuộc sống bao giờ cũng vượt quá tầm kiến thức chính xác thực nghiệm cả. Bước lên chiếc phi cơ đã là bao hàm niềm tin phi cơ không gãy cánh lưng trời rồi! Chỉ có khác nhau là tin vào cái gì, tin vào ai mà thôi!
* * *
Những suy nghĩ trên đây có thể bị hiểu lầm là chúng ta đã nhân danh đức tin để phủ nhận giá trị của lý trí và của khoa học. Vì vậy chúng ta cần xác định rằng khoa học là một sản phẩm rất có giá trị của công lao tích luỹ của bao nhiêu khối óc đã dày công tìm tòi nghiên cứu, và những áp dụng kỹ thuật của khoa học đã biến đổi rất nhiều cuộc sống của con người trong môi trường thiên nhiên và xã hội. Ta có thể tự hào về trí tuệ của nhân loại mà mượn lời của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên mỗi loài tạo vật mà nói rằng: “Và Thiên Chúa thấy là tốt”, và ta cũng có thể cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con người có một khả năng cao quý như lý trí để khám phá những kỳ công của Ngài. Ta chỉ phê phán thái độ triết lý “duy khoa học” và thái độ dựa hơi vào giá trị, vào uy tín của khoa học để biện hộ cho một quan niệm triết học và một vấn đề thuộc luận lý học, tri thức luận, tức là về vấn đề vị trí của khoa học trong toàn bộ tri thức của con người. Và như vậy chính là ta bảo vệ giá trị đích thực của khoa học bằng cách phân biệt chính nó với cái triết thuyết lợi dụng nó, xuyên tạc nó và do đó ngược lại với nó, đó là triết thuyết duy khoa học.
Ngoài ra, không những nhờ vậy ta tránh được thái độ tự ti mặc cảm trước thành quả của khoa học kỹ thuật hoặc thái độ lên án khoa học, mà trái lại ta còn có thể có một cái nhìn tích cực hơn về mối tương quan giữa đức tin Kitô giáo và khoa học.
Thực vậy, nhiều sử gia về tư tưởng chẳng hạn như nhà bác học kiêm triết gia P.Duhem, đã đi đến nhận xét như sau: mặc dầu một vài sự kiện lịch sử như vụ án Galilê, làm cho ta có cảm tưởng đức tin trái với sự tiến bộ khoa học, nhưng nếu đào sâu suy kỹ thì thấy trong căn bản, chính môi trường văn hoá Thiên Chúa giáo lại thuận lợi cho sự phát sinh ra tinh thần thực nghiệm của khoa học vì lý do chính sau đây:
A/ Trong bài trước ta đã thấy nơi những trang đầu của Sáng Thế Ký, vũ trụ vật chất được phi linh hoá. Chính nhờ vậy mà con người được giải thoát khỏi thái độ “thần thoại” mà Auguste Comte đã phân tích: người Thiên Chúa giáo từ xa xưa đã biết không có thần sấm, thần mưa v.v… đã biết trăng sao tinh tú, cầm thú thảo mộc, tất cả chỉ là tạo vật, chỉ là sự vật được đặt dưới chân con người để con người khai thác tìm hiểu, chứ không thờ lạy chúng. Người tín hữu Thiên Chúa giáo từ xa xưa đã nhìn vũ trụ như một toà nhà do Cha mình tạo nên, mình là con, mình có quyền, có khả năng lục lọi, khám phá, sử dụng, quản lý trong khi các dân tộc khác vẫn còn đắm chìm trong bóng tối của thần thoại. Và đó là mầm sống của khoa học kỹ thuật. Nên nhớ rằng người được xem như thuỷ tổ của khoa học thực nghiệm là Roger Bacon, một tu sĩ dòng Phanxicô (con cháu của vị thánh làm bài thơ ca ngợi anh mặt trời, chị nước, chị trăng, anh sao v.v…). Suy cho kỹ ta sẽ thấy rằng con cháu của vị thánh đã ý thức được sâu xa về mầu nhiệm của vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo (nên là anh em của con người) lại là ông tổ của phương pháp khoa học thực nghiệm không phải là ngẫu nhiên, mà là đúng như nhận xét của Duhem cái nhìn của Thiên Chúa giáo về vũ trụ vật chất như là những sự vật thụ tạo đã giải thoát con người khỏi trạng thái thần thoại, là điều kiện để khoa học có thể phát triển.
B/ Trong bài trước ta cũng đã lưu ý là giữa nỗ lực suy tư thần học (khác với triết học duy tâm suy lý trừu tượng) với duy tâm khoa học thực nghiệm có cái gì tương tự, đó là TÔN TRỌNG SỰ KIỆN, dù sự kiện ấy thế nào ta cũng không phủ nhận cách tiên quyết. Trong Thánh Kinh Tân Ước ta thấy có hai người có tinh thần rất gần với “trạng thái duy nghiệm” đã được Auguste Comte đề cao, đó là thánh Tôma khi ngài nói: “Có được thọc tay vào các vết thương của Giêsu mới tin Giêsu sống lại!” (xem Gioan 20,25). Có lẽ không có ai có tinh thần thực nghiệm như vậy ở cái thế kỷ của ngài. Còn thánh Phêrô (ông già chài lưới vô học chứ không phải nhà triết học hay thần học) thì tuyên bố: “Các ngài bảo tôi đừng làm chứng về Giêsu Kitô làm sao được, vì tôi không thể phủ nhận những điều tôi đã chứng kiến: tai nghe, mắt thấy, tay sờ” (xem TĐCV 2,32; 3,15; 4,17-20).
Nền tảng đức tin của chúng ta xây dựng trên sự kiện duy thực, và cũng nên lưu ý rằng triết học của Giáo Hội có xu hướng duy thực theo truyền thống của Aristote chứ không theo truyền thống duy ý (Idéalisme) của Platon. Vì vậy đối với người Kitô giáo sự hiện hữu của vũ trụ vật chất là CÓ THẬT chứ không phải chỉ là sự hình dung của tâm trí loài người hoặc tâm trí một đấng thần linh siêu nghiệm nào cả! Cây thập giá, các đinh đóng vào tay, chân Chúa Giêsu là CÓ THẬT, máu và mồ hôi, nước chảy ra từ cạnh sườn của Ngài là CÓ THẬT, và thánh Gioan đã ghi chú rõ là người đã CHỨNG KIẾN THỰC SỰ mầu nhiệm cứu độ trên đỉnh đồi Golgotha (xem Gioan 19,35) là một ngọn đồi có thật, dưới một thời điểm có thật mà bất cứ nhà địa lý và sử học nào cũng có thể khảo sát và tìm kiếm được.
Khởi đầu chương 2 Tin Mừng theo thánh Luca là một cách biên niên của một tài liệu lịch sử. Còn sách Công Vụ Các Tông Đồ lại toàn là địa danh với nhân danh sử học, mà khảo cứu thì tha hồ! Từ Phêrô giáo hoàng tiên khởi cho đến Gioan Phaolô II, là một chuỗi dây nhân chứng liên tục tài liệu đầy đủ, ai có thời giờ, có khoa sử học thì tha hồ mà khảo sát phê phán!
Và có thể nói, đại cương Thánh Kinh là một tài liệu lịch sử ghi chép sự kiện Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người. Abraham, Moise, Đavít, - Phêrô, Phaolô… Gioan Phaolô II đều bị Thiên Chúa gọi (như Ngài gọi Samuel vậy!) và hầu hết đều sợ, đều có ý muốn thoái thác cả, chứ không phải là những nhà suy tư, mơ mộng bóp đầu bóp trán nặn ra Thiên Chúa đâu! Vì vậy, có kẻ đã táo bạo nói:”Thiên Chúa của Thánh Kinh là một sự thực hiện hữu, mà phần lớn chứng nhân đã đạp phải như đạp phải cái đinh, nhiều khi muốn Ngài đừng có cho ổn, nhưng khốn nỗi Ngài hiện hữu ‘thù lù’ như cái đinh muốn phủ nhận, muốn trốn cũng không được chứ đâu phải là một ý tưởng, một phóng đại, một hình dung của tâm trí con người tạo ra!”
Quả vậy, những chân lý như Thiên Chúa Ba Ngôi, Giêsu phục sinh, Mình và Máu trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội thừa biết là chỉ làm cho người ta khó chấp nhận, bỏ đi e có lẽ sẽ có nhiều người theo đạo hơn, nhưng làm sao được! Vì đó là sự kiện, đâu có phải do các Tông đồ suy tư tạo ra mà là do Phêrô, Tôma v.v… đã CHỨNG KIẾN THỰC NGHIỆM giao cho Giáo Hội phải bảo tồn và lưu truyền. Còn ai muốn nghĩ sao thì nghĩ: sự kiện là vậy đó! Hiểu sao đó thì cố gắng mà tìm hiểu lấy: khoa học thực nghiệm cũng vận dụng tương tự như vậy. Và nếu chúng ta đọc kỹ những lời tuyên bố của chính Chúa Giêsu thì cũng sẽ thấy một tinh thần tương tự: Ngài cũng phải làm chứng về sự thật, về những điều mà Ngài nhận từ Thiên Chúa Cha, chứ không phải tự chính mình Ngài suy tưởng, mơ mộng viễn vông mà “DỰNG ĐỨNG” nên đâu! Và theo chân Chúa Giêsu, các thánh Tông đồ, các vị tử đạo hay nói chung các kẻ LÀM CHỨNG về Thiên Chúa đều đi đến chỗ thà chết chứ không thể nói ngược lại những điều mình đã nhận thức được và có nhiệm vụ phải LÀM CHỨNG (làm chứng nhiều hơn là chứng minh một chân lý trừu tượng vì đây là một sự kiện cụ thể. Về ý nghĩa của hai từ cụ thể và trừu tượng, xin xem phần chú giải).
C/ Ngược lại, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nếu không rơi vào cạm bẫy của thuyết duy khoa học cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để con người trưởng thành hơn trong tương quan với Thiên Chúa Cha cả về hai mặt nhận thức cũng như hành động. Vì tự bản chất sự tiến bộ này vốn là điều tốt, nó thể hiện cái sứ mạng mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho con cái của Ngài là được vinh dự tự mình tiếp tục hoàn chỉnh sự nghiệp tạo dựng của Cha mình. Do đó với viễn tượng này, ngay cả khẩu hiệu “Vắt đá thành nước, thay trời làm mưa” tuy mặc hình thức vô thần và khá ngạo nghễ, nhưng nó vẫn có giá trị nói lên quyền làm chủ thiên nhiên nằm trong cái sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người để tiếp tục hoàn chỉnh và cải biến vũ trụ vật chất này.
Qua Thánh Kinh, ta thấy rằng sự hiểu biết về Thiên Chúa và cách đối xử của con người với Thiên Chúa Cha, cũng qua một quá trình từ ấu trĩ đơn sơ đến trưởng thành chín chắn. Thí dụ từ quan niệm một Thiên Chúa quốc gia (Bien National) đến một Thượng Đế phổ quát, một đời sống duy luật nhãn tiền đến một đời sống đạo đức, nội tâm, có chiều hướng siêu nhiên, liên hệ đến đời sau v.v…
Ngay các Tông đồ cũng vậy, sống cận kề Chúa Giêsu đêm ngày, mà mãi sau khi Chúa Giêsu về trời vẫn còn có phần nào ấu trĩ, phải đợi khi Thánh Linh ngự xuống mới hiểu được nhiều điều mà trước đó vẫn chưa lãnh hội nổi. Giáo Hội trong cuộc lữ thứ trần gian cũng có một sự tiến triển tương tự cho đến ngày Chúa trở lại. Đức tin cũng cần phải chín muồi hơn, sâu sắc hơn.
Thí dụ trong thời kỳ khoa học và kỹ thuật chưa phát triển, khi cầu nguyện phần “xin xỏ nhờ cậy” (khác với đức trông cậy) thường chiếm quá nhiều. Nay khoa học kỹ thuật phát triển, có thể để chúng ta dễ ý thức được sâu xa hơn: cầu nguyện chủ yếu là để con vâng ý Cha chứ khộng phải để Cha làm điều con muốn và gương mẫu là lời cầu của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Chẳng như ý con, một như ý Cha” (xem Mt 14,36; 26,39; Lc 22,42).
Nào có khác gì tương quan cha con ở trần gian, con càng lớn, càng tự lập, đạo hiếu càng sâu hơn, vì không còn là để cậy nhờ vào cha mới hiếu thảo với cha, mà trái lại sẽ phụng dưỡng cha với thái độ hiến dâng vô cùng!
Chẳng phải như vậy ý niệm Chúa quan phòng sẽ sâu sắc, phong phú hơn là quan niệm một Ông Chúa Trời, cứ đợi người ta kêu cầu rát cả cổ mới chịu chạy xuống tra tay can thiệp từng vụ một y như kiểu cửa quyền chờ người ta “năn nỉ”, thậm chí phải “trà nước” mới giải quyết cho sao? Và đỉnh cao của cầu nguyện chẳng phải là ở chỗ không “xin xỏ” mà còn đến chỗ quên mình, không ý thức rằng mình cầu nguyện đó sao?
Một thí dụ khác: Khái niệm “mầu nhiệm” trong một nền văn minh mà khoa học kỹ thuật tiến bộ, sẽ được hiểu sâu sắc hơn. Thực vậy, có thể vì trình độ khoa học còn thấp mà “mầu nhiệm” đôi khi bị lẫn lộn với “bí mật” của vũ trụ, và Thiên Chúa được xem như là đáp số chung cho những gì mà con người chưa tìm hiểu được, hay nói cách khác, khi đó Thiên Chúa được xem y như là thùng chứa “chỗ bí” của con người. Mầu nhiệm đâu phải như thế! Chẳng hạn ngay khi khoa thực vật đã lý giải được sự sinh sôi nảy nở của một hạt giống thành cây, đâm hoa kết quả (tức là tất cả bí mật của nó đã được khám phá) cái MẦU NHIỆM CỦA SỰ HIỆN HỮU của một cánh hoa hé nở dưới ánh bình minh rung rinh điểm giọt sương mai vẫn còn nguyên vẹn. Khoa sinh vật học đã khám phá bí mật của sự thụ thai đẻ trứng, nở thành gà con, nhưng cái mầu nhiệm của một con gà mái ấp ủ đàn con, can đảm xông lên chiến đấu chống lại quạ đen, vẫn còn y nguyên. Đó là chưa nói đến tình mẫu tử nơi con người. Còn từ ngữ “mầu nhiệm” mà thánh Phaolô dùng trong các thư của ngài thì lại càng không phải bí mật vũ trụ mà là chương trình của tình yêu cứu chuộc.
Trong môi trường khoa học tiến bộ khái niệm “nguyên nhân” khi chỉ về Thiên Chúa cũng được hiểu sâu hơn, vì nếu Thiên Chúa là nguyên nhân vạn vật thí không phải là nguyên nhân theo kiểu cái trứng là nguyên nhân con gà, rồi con gà lại là nguyên nhân cái trứng, - để bị dồn vào chỗ bí: Nguyên nhân đầu tiên là gì? Thiên Chúa không phải là cái mốc đầu tiên của một chuỗi dây xích theo chiều ngang, mà Ngài hiện diện nơi từng nguyên tử để giữ nguyên tử ấy trong sự hiện hữu từng giây phút một hầu khỏi rơi vào hư vô.
Có thể có những chuyến bay vũ trụ giúp ta ý thức hơn từ ngữ “trên trời”. Tuy rằng khi cầu nguyện ta vẫn ngước mắt trông lên, hoặc giơ hai tay lên cao, nhưng nhà phi hành Nga đầu tiên đã nói cho chúng ta biết Chúa không có ở trên trời cao; và có lẽ nhờ đó mà ta hiểu thấm thía câu nói của thánh Augustinô: “Ngài ở sâu thẳm trong tôi, hơn chính sự sâu thẳm của tôi nữa”.
Như vậy, từ Albert Legrand, Roger Bacon cho đến G.Mendel, Teilhard de Chardin qua bốn, năm thế kỷ khoa học và kỹ thuật phát triển, giữa đức tin và khoa học THỰC NGHIỆM thuần tuý, không có gì là mâu thuẫn cả. Và có thể nói đức tin Kitô giáo tự nó (nghĩa là không bị lẫn lộn với các triết truyết duy tâm, duy linh) với truyền thống tôn trọng sự kiện, mọi cái nhìn duy thực, với quan niệm phi linh hoá vũ trụ vật chất chính là môi trường thuận lợi cho khoa học kỹ thuật phát triển. Và ngược lại, một nhà bác học quen TÔN TRỌNG SỰ KIỆN (dù là những sự kiện xem ra khác thường) dễ đi đến chỗ chấp nhận sự kiện vĩ đại: Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.
Chúng ta không rơi vào việc dại dột dựa hơi khoa học để nói rằng khoa học chứng minh có Thượng Đế. Chúng ta chỉ cần xác định: nhân danh khoa học mà phủ nhận Thượng Đế là việc, nếu không nói là phản khoa học, thì ít nhất cũng ngoài phạm vi khoa học, để đặt Thượng Đế vào bình diện triết học của nó. Chúng ta cũng chưa đi đến kết luận cho thuyết vô thần là sai mà chỉ cần nhớ rằng:
1- Khoa học không bàn đến vấn đề có hay không có Thượng Đế;
2- Nhân danh khoa học để chứng minh hay phủ nhận Thượng Đế là sai!
3- Giữa tinh thần khoa học thực nghiệm và thái độ chấp nhận sự kiện cứu độ và suy tư thần học có điểm tương tự.
4- Có thể môi trường Kitô giáo thuần tuý tạo điều kiện cho óc khoa học kỹ thuật phát minh và phát triển.
5- Người có tinh thần thực nghiệm thực sự và không bị một triết thuyết nào, ngay cả thuyết duy khoa học chi phối, sẽ dễ chấp nhận sự kiện cứu độ, nhờ không bị thành kiến tiên quyết nào ràng buộc cả;
6- Và cuối cùng NẾU thuyết vô thần có đúng đi nữa thì cũng đúng vì luận cứ triết học, hữu thể học chứ không phải vì luận cứ khoa học.
Vậy ta không có gì phải sợ hãi đố kỵ và cũng không để cho thuyết duy khoa học làm lung lay đức tin của mình.
Vấn đề lý trí cũng vậy! Ý thức giới hạn của các loại “lý” không phải là kìm hãm dồn nén yêu sách chính đáng của lý trí, dập tắt ánh sáng của lý trí, nhưng trái lại là đưa yêu sách ấy đi xa hơn, lên CAO hơn, đào SÂU hơn, mở RỘNG hơn. Và như vậy càng ngày càng phát hiện ra cả một giai tầng (hiérachie) về các loại
”lý” càng lúc càng sắc bén hơn, uyển chuyển hơn, linh hoạt sống động hơn thay vì cứng rắn, khép kín, chết cứng trong một loại “lý” độc nhất.
Tự tín nhưng khiêm cung trước SỰ KIỆN trước Thực hữu, đó mới là thái độ chân chính của lý trí. Lý trí là một năng khiếu, một dụng cụ để khám phá từ từ: từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu, từ đơn giản đến phức tạp, cái vô cùng tận của thực hữu, dù là thực hữu của một ngọn cỏ.
Cũng nên cần biết rằng các loại lý, các nấc thang của tri thức không bao giờ ngược nhau, nhưng các bình diện càng lên cao hay càng đào sâu thì càng phức tạp, càng tinh tế hơn. Một định luật khoa học không ngược với một định luật toán học nhưng phức tạp hơn, tràn ra ngoài những định luật toán học, vì đối tượng của nó phức tạp hơn, phong phú hơn. Một thực tại sinh lý không ngược với các định luật lý hoá nhưng bao hàm những định luật ấy trong một phức hợp rắc rối hơn. Một xu hướng tâm lý vẫn dựa trên những thực hữu sinh lý nhưng kéo dài những định luật sinh lý đi lên, hay ăn sâu vào một phức hợp rắc rối hơn v.v… cứ thế mà đi lên mãi cho đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Và mỗi lần vượt qua một nấc thang tri thức khác, thì lý trí lại phải vươn lên, mở rộng, mài sắc, tinh vi hoá, uyển chuyển hoá đến độ phải giằng co giữa những căng thẳng gần như phải đứt ra vỡ tung ra, khác nào như con chim, phải mổ cho vỡ cái vỏ trứng ra mới bay cao lên được để thấy cả bốn phương trời bao la bát ngát. Và có thoát khỏi vỏ trứng, con chim mới định vị được cái vỏ trứng mà xưa nay mình tưởng là cả vũ trụ chỉ là một tù ngục giam hãm mình trong tối tăm chật hẹp, che mất ánh sáng của thực hữu và chân lý muôn trùng diệu vợi.
Có thể nói rằng đức tin là ánh sáng vượt lên, bao trùm mọi tia sáng nhỏ. Đức tin không nói gì ngược lại những khám phá đích thực của lý trí, không dồn nén những yêu sách chính đáng, đúng mức của lý trí. Trái lại, đức tin mời gọi lý trí lên cao, đào sâu mở rộng tầm nhìn vượt khỏi mọi giới hạn. Và rồi đến một lúc nào đó thì chính những mầu nhiệm đức tin sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn một phần nào (tức là khám phá ra một phần nào) cái lý của nhiều vấn đề đã từng làm bao tâm trí đông tây kim cổ băn khoăn thắc mắc, mà vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
Thí dụ: Quen suy niệm về mầu nhiệm thánh giá sẽ hiểu được phần nào (tìm thấy phần nào cái lý) của sự khổ, sự dữ. Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể có thể giúp ta thấy rõ hơn đôi chút tương quan mật thiết kỳ lạ giữa vật chất và tâm linh. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đem lại một ánh sáng nào đó cho ta hiểu sâu hơn về ngã vị và tình yêu. Người ta thường ví đức tin như mặt trời, nhìn thẳng vào thì quáng mắt (vì mắt yếu chứ không phải vì mặt trời tối!) nhưng chính nhờ ánh sáng của mặt trời mà mọi sự đều được soi tỏ, tức là trở nên có lý.
Thánh Augustinô nói: “Tin để hiểu, hiểu để tin”. Thực vậy, giữa đức tin và lý trí có một tương quan biện chứng. Nếu biết vận dụng cho đúng, hai ánh sáng ấy sẽ nương nhau mà lên cao, cao mãi, mở rộng, rộng mãi, đào sâu, sâu mãi vô cùng vô tận như chính sự vô cùng vô tận của Đấng thực hữu đã mặc khải mình là HỮU (xem Xh 3.14; Ga 8,24 v.v…).
Và chẳng phải một yếu tố của phúc lạc đời sau là yêu sách của lý trí sẽ được thoả mãn tràn đầy sao: “Ta sẽ thấy được Thiên Chúa không phải như qua một tấm gương mờ, nhưng Ngài thế nào ta sẽ được thấy y như vậy.” Thánh Phaolô đã hứa chắc như thế (1Cr 13,12). Lý trí còn có yêu sách nào cao xa hơn thế nữa không? Thiết tưởng những khiếu nại của phái duy lý chật hẹp, thiển cận khác nào một đứa bé chẳng biết cha mẹ đã dành riêng cho mình cả một kho tàng châu báu vô tận mà đi vòi vĩnh những cái không đâu.
Trên đây là một vài ý tưởng vội góp ý với bạn. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp chia sẻ với nhau sâu sát hơn. Hẹn bạn thư sau.
Tác giả: Nguyễn Khắc Dương
No comments:
Post a Comment