![]() | ![]() Tony Blair muốn George Bush vươn tay ra với thế giới để cùng chống khủng bố |
Ông Tony Blair đưa ra các ý tưởng này sau chuyến thăm tổng thống George W Bush vừa tái đắc cử. Ông nói nhiều đến quan hệ Anh Mỹ và muốn Hoa Kỳ không theo đuổi đường lối ngoại giao đơn phương.
Ông Tony Blair đã dùng thời gian tại bữa đại tiệc truyền thống ở Guildhall, Luân Đôn để trình bày diễn văn.
Ông cũng nói châu Âu không nên xa lánh Hoa Kỳ. Điều thú vị là bài diễn văn được đọc chỉ mấy hôm trước chuyến thăm Luân Đôn ngày 18.11.2004 của tổng thống Pháp Jacques Chirac, người vốn theo đuổi một đường lối ngoại giao khác hẳn ông Tony Blair.
Ông Chirac sang Anh để kỷ niệm 100 năm liên minh đặc biệt Entente Cordiale giữa hai nước.
Có chăng học thuyết Blair?
Nhấn mạnh lại vai trò của Anh là cầu nối giữa châu Âu và Mỹ, ông Tony Blair vạch ra một chiến lược vì dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu, coi các giá trị dân chủ là chất keo kết nối Hoa Kỳ với các nước bị coi là 'châu Âu cũ'.
Ông cũng cho rằng Liên Hiệp Quốc phải đẩy mạnh vai trò làm sao đảm bảo các quốc gia phải hoạt động bảo vệ chứ không được làm hại cho công dân của họ.
![]() | ![]() Tân Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice được coi là có quan điểm cứng rắn |
Thoạt nhìn, quan điểm của Tony Blair có vẻ như không khác bao nhiêu những nét chính Hoa Kỳ dưới thời George W Bush đưa ra. Nghĩa là phải coi dân chủ và nhân quyền là trên hết, và khi cần thì dùng bạo lực để thúc đẩy dân chủ cả ở những khu vực ngoài vùng văn hóa Âu-Mỹ.
Điểm chung của hai cách nghĩ này là coi dân chủ, nhân quyền là các giá trị tất yếu và phổ quát và phổ biến dân chủ là cách tốt nhất để chống khủng bố về lâu dài.
Nhưng điểm khác biệt chính là ở chỗ ông Tony Blair muốn Liên Hiệp Quốc phải có vai trò lớn trong việc cổ vũ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, còn phe bảo thủ ở Mỹ thì có vẻ như muốn Hoa Kỳ tự lo việc này với các đồng minh giai đoạn, Liên Hiệp Quốc nếu mềm yếu hay phức tạp quá về thủ tục thì xin cứ ngồi sang một bên.
Đây chính là điều khiến một số nhà bình luận gọi đó là 'học thuyết Blair'. Nếu đúng là như vậy và nếu Tony Blair cùng George W Bush làm được những gì họ muốn thì có lẽ thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi cơ bản trong hoạt động của Liên Hiệp Quốc vào những năm tới.
Xuất khẩu dân chủ Phương Tây?
Trên nguyên tắc, LHQ là tập hợp các quốc gia có chủ quyền. Những giá trị như dân chủ, nhân quyền dù được đa số các nước thành viên đồng ý về hình thức nhưng cách thực hiện thường tùy vào chính quyền của các nước đó.
Gần như không có nước thành viên nào phủ nhận nguyên tắc sinh hoạt chính trị dân chủ. Điểm khác biệt là đằng sau hai chữ 'dân chủ' ta có nhiều mô hình chính trị khác nhau.
Chẳng hạn dân chủ tập trung khác với dân chủ tư sản. Thậm chí có những nơi người ta nói đến dân chủ Hồi Giáo theo nghĩa các giá trị tôn giáo được lồng vào quy tắc hoạt động của nhà nước.
Nhưng có lẽ Tony Blair nói đến dân chủ tư sản kiểu truyền thống ở các nước Âu-Mỹ, nơi người dân được quyền bầu chọn là các nhà lãnh đạo chính trị và các quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo vệ.
Nhân quyền và chủ quyền quốc gia
Khi nói đến Liên Hiệp Quốc, người ta nghĩ đến chủ quyền quốc gia nhiều hơn nhân quyền. Ngoại trừ các nước châu Âu cùng tham gia Hội đồng châu Âu và đồng ý giám sát lẫn nhau về nhân quyền, các khối quốc gia khác trên thế giới không có cơ chế nào giống như vậy.
![]() | ![]() Chính quyền Indonesia bị một số nhóm ở Aceh cáo buộc vi phạm nhân quyền |
Liên Hiệp Châu Âu cũng có Tòa án Nhân quyền đóng ở Strassbourg, trong khi trên thế giới nếu tòa án của từng quốc gia có quyền hạn xét xử về vi phạm nhân quyền thì đó có vẻ như là tùy vào tình hình của nước ấy.
Cộng hòa Nam Phi, Indonesia, Rwanda từng có các toà án như vậy.
Như vậy mới chỉ có châu Âu là đồng ý để vấn đề nhân quyền trên cả quyền lợi của chính phủ cầm quyền từng nước. Vì một công dân châu Âu sống ở Hà Lan, Pháp hay Balan đều có quyền kiện chính chính quyền nước mình lên tòa án ở Strassbourg nếu thấy quyền con người của mình bị vi phạm.
Hoa Kỳ thì có một hiến pháp mạnh, rõ ràng và các quyền hiến định cũng như các tu chính án được diễn giải và bảo vệ trực tiếp.
Nay ông Tony Blair muốn Liên Hiệp Quốc phải cải tổ làm sao để các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ chứ không được làm hại cho công dân của họ.
Điều này có nghĩa là ông muốn LHQ chuyển trọng tâm từ chỗ vì các chính thể sang chỗ vì công dân.
Có thể nói đây là quan điểm khá mạnh xét theo luật quốc tế. Nó nhìn nhận một con người trước hết là một con người chứ không phải trước hết là công dân hay thần dân của một thể chế nào đó.
Bởi nhân danh chủ quyền quốc gia, đặc thù tôn giáo và văn hóa của riêng mình, nhiều chính phủ đặt quyền lợi và quyền làm người của công dân xuống mức thấp hơn quyền phán quyết của nhà nước.
Nói dễ nhưng khó thực hiện
![]() | ![]() Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói Tony Blair đừng nên phí thời gian với Bush |
Những vụ như bạo hành tù nhân Iraq, trại tù Guantanamo cũng khiến nhiều người khó tin vào vai trò gương cao ngọn đuốc dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ.
Các nước như Nga và Trung Quốc vốn giữ ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ có lẽ cũng sẽ không muốn liên minh Anh-Mỹ cổ xúy cho chiến lược dân chủ và nhân quyền của mình trên toàn thế giới.
Những nước muốn có ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an như Ấn Độ, Brazil và Nigeria cũng không phải là những quốc gia từ xưa đến nay mặn mà với liên minh Anh-Mỹ.
Nhìn chung, nhiều quốc gia muốn thế giới ở tình trạng đa cực hơn là đơn cực.
Thậm chí với chính Hoa Kỳ, viễn kiến của ông Blair nghe thật hấp dẫn nhưng người Mỹ chắc chắn sẽ không muốn mất thời gian đi qua ngả LHQ mỗi lần họ cần hành động nhanh để giải quyết nạn khủng bố, trừ khi chính LHQ cải tổ về thủ tục.
Ưu tiên hành đầu của chính quyền Bush những năm tới vẫn là an ninh quốc nội dù ông Bush có nói đến dân chủ và nhân quyền cho vùng Trung Đông.
Tuy thế cũng không thể loại trừ khả năng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ cùng Anh Quốc thúc đẩy LHQ cải tổ mạnh theo hướng họ đang cổ vũ trong những năm tới.
Tìm hiểu triết lý chính trị của Tony Blair
Dù thắng hay thua tại cuộc bầu cử nghị viện Anh Quốc tháng Năm năm nay, đảng Lao Động và nhân vật Tony Blair cũng đã đi vào lịch sử nhờ hai nhiệm kỳ liên tiếp trong tám năm qua.
Lên làm thủ tướng trong chiến thắng vang dội năm 1997 sau 18 năm cầm quyền liên tục của đảng Bảo Thủ, ông Tony Blair là người quyết định gần như mọi chuyện lớn tại Anh trong giai đoạn bản lề nối sang thế kỷ 21.
Vậy con người và triết lý sống của ông ta là gì? Những ý tưởng từ thời học đại học của Tony Blair tác động thế nào đến chính trị Anh và thế giới?
Tôn giáo và triết học
Bản thân Tony Blair sinh ra trong một gia đình theo Anh Giáo nhưng không phải là một người có đạo theo đúng nghĩa. Quan điểm tôn giáo của ông mang tính trung hòa và dễ chấp nhận các triết lý ngoài Anh Giáo.
Vợ ông, bà Cherie Booth là người theo Công Giáo La Mã và cả bốn con của họ đều theo đạo của mẹ. Tính ‘dễ dãi’ tôn giáo khiến Tony Blair thường cùng cầu nguyện với vợ con trong nhà thờ Công Giáo, khiến một số nhân vật của Anh Giáo phải lên tiếng. Ông còn thường đọc kinh Koran của đạo Hồi và tâm đắc với nhiều đoạn.
Người có ảnh hưởng mạnh nhất đến tư duy triết học của Tony Blair là triết gia John MacMurray của xứ Scotland (1891-1976), cựu chủ nhiệm khoa triết ĐH Edinburgh.
Ông cũng giảng dạy ở nước ngoài và nhiều trường khác ở Anh như London University College, Oxford v.v.
Khi là sinh viên ở Oxford năm 1970, Blair được một người bạn Úc là mục sư Anh Giáo giới thiệu đến giáo sư MacMurray và các sách của ông.
Trong lời giới thiệu cho một cuốn sách về John MacMurray năm 1996, chính Tony Blair đã viết:
John Macmurray không phải là một trong những triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Đây là điều thật đáng ngạc nhiên, vì các tác phẩm của ông dễ hiểu, viết hay và hơn hẳn nhiều tác giả mà tôi và các bạn sinh viên khác phải học trên trường đại học.
Blair cũng tin vào cách nhìn xã hội hiện đại của Macmurray:
Tôi nhận thất ông thật hiện đại, theo nghĩa rằng ông đã đối mặt với câu hỏi chính trị tối quan trọng của thế kỷ 21: đó là quan hệ giữa cá nhân và xã hội
Có thể nói Tony Blair đã tìm thấy trong triết học của John MacMurray lời giải đáp cho quan hệ riêng và chung của con người thời nay.
Triết học của MacMurray cho rằng cá nhân chỉ có thể thể hiện được mình đầy đủ nhất qua các quan hệ đối tác (partnership) và quá trình tương tác với cộng đồng.
Triết học đậm nét Scotland của ông còn tin rằng triết học phải tự vấn trong mối quan hệ với các suy tư xã hội và phải được áp dụng trong môi trường văn hóa rộng rãi hơn là các trường đại học.
Bản thân ông đã làm việc rất nhiều cho các chương trình truyền thanh phổ biến triết học đến người nghe bình thường.
Sự phân biệt Thiện-Ác rõ ràng cũng được nói là mang nét Thiên Chúa Giáo đặc trưng của dân Scotland vốn là những người miền núi cương trực và dứt khoát trong phân biệt bạn-thù.
Từ niềm tin đến hiện thực
![]() | ![]() Bộ trưởng Gordon Brown tuy đứng sau Tony Blair nhưng gần như toàn quyền quyết định các vấn đề kinh tế Anh |
Với Tony Blair, việc tìm ra câu trả lời cho cặp phạm trù Tôi-Xã hội hay Thiện-Ác sẽ được thể hiện trong nhiều quyết định chính trị, xã hội.
Trong cuộc chiến Kosovo năm 1999, lần đầu tiên, nước Anh do Tony Blair lãnh đạo đã đi trước cả Hoa Kỳ trong việc đưa quân NATO vào ngăn quân Serbia. Blair nhìn nhận việc cứu trợ nhân đạo cao hơn cả vấn đề chủ quyền của một nước.
Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, Tony Blair cũng muốn nói nhiều đến khía cạnh nhân quyền (lật đổ Saddam Hussein để cứu người dân Iraq khỏi một chế độ tàn bạo) nhưng cuối cùng bị sa lầy vào một lý lẽ khác là tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Lý lẽ này có vẻ như được Hoa Kỳ ưa thích hơn, nhất là trong bối cảnh sau vụ 9.11. Nay khi bị phê phán mạnh về quyết định đem quân vào Iraq, ông Blair cố gắng nhắc lại lý lẽ ban đầu là nhân quyền, vốn rất hợp với quan điểm và triết lý chính trị cơ bản của ông ta nhưng cử tri Anh không còn muốn nghe nữa.
Theo bình luận gia thiên hữu Michael Portillo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Bảo Thủ thì đáng ra mọi sự tốt đẹp hơn cho thủ tướng Blair nếu như ngay từ tháng Ba 2003, ông đừng ngại nhấn mạnh đến lý lẽ nhân quyền ở Iraq và nói thẳng với dân Anh rằng cần ủng hộ Mỹ vì quyền lợi anh ninh của Anh.
Thực ra, người Anh ai cũng biết quyền lợi chính trị và an ninh của nước họ đã gắn chặt với Hoa Kỳ kể từ Thế Chiến Hai, khi Winston Churchill đành phải hy sinh cả một đế quốc già cỗi để cứu lấy các đảo Anh và chịu vị thế ‘anh cả nhỏ bé’ của cậu em khổng lồ là Mỹ.
Đối tác tư bản và cộng đồng
![]() | ![]() Thuế bất động sản dưới thời chính phủ Lao Động tăng nhanh |
Trong các vấn đề xã hội, Tony Blair tin rằng đầu tư vào các cộng đồng dân cư không chỉ là vấn đề kinh tế-xã hội mà là nhiệm vụ gần như sứ mệnh. Nó cũng nằm trong niềm tin triết học của Blair là cá nhân thể hiện mình qua sinh hoạt cộng đồng.
Các khẩu hiệu tranh cử của New Labour năm 1997 là cải thiện hệ thống y tế công, thay đổi cơ cấu kinh tế và chống thất nghiệp. Với sự trợ giúp của Bộ trưởng Ngân khố Gordon Brown, một người Scotland thực thụ, Tony Blair và đảng Lao Động Mới đã thành công nhiều trong lĩnh vực này.
Điểm làm Tony Blair khác hẳn với các ý tưởng thiên tả thường thấy trong phe xã hội ở Pháp, Đức hay phe gốc cộng sản ở Đông Âu là sự thiếu vắng ảo tưởng về chủ nghĩa tập thể.
Con đường thứ ba
Một nhà xã hội học của Anh khác là Anthony Giddens đã tư vấn nhiều cho Tony Blair trong việc hoặch định ra các chính sách sau mang tên Con đường thứ Ba, không tư bản cũng không xã hội chủ nghĩa.
Nói một cách thật đơn giản thì Con đường Thứ Ba phủ nhận cái nhìn thù địch của phe tả truyền thống hay cộng sản đối với thị trường tư bản và các cơ chế của hệ thống kinh tế tư sản.
Tony Blair không hề ghét bỏ các đại công ty và rất quan tâm tạo môi trường cho thị trường tài chính Luân Đôn phát triển.
Chính phủ của New Labour cũng không nhăm nhe đánh thuế cao các công ty lớn mà chỉ phần nào yêu cầu giới doanh nghiệp lập đối tác cùng đầu tư vào các cơ sở công cộng (y tế, giáo dục) và các cộng đồng dân cư.
Về quan hệ với châu Âu, từ trước tới nay Tony Blair tin vào quan hệ đối tác giữa Anh với các nước EU khác, đồng thời đặt nhiều niềm tin vào quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ.
Nhưng ông ta đã không tính được hết sức mạnh của thái độ bài Mỹ ở các nước đồng minh như Pháp và Đức, điều thể hiện rõ trong chiến tranh Iraq và đã thất bại trong việc thuyết phục họ theo ông Bush.
Mặt khác, với quan điểm châu Âu ‘rộng nhưng không sâu’, Tony Blair nhiệt tình ủng hộ EU mở rộng với ý nghĩ không biến EU thành một nhà nước khổng lồ mà thành một siêu cường đa quốc gia.
Cũng vì thế, chính phủ Anh ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vì muốn một EU ‘loãng’ về văn hóa chứ không phải một khối đặc quánh quay quanh trục Pháp-Đức.
No comments:
Post a Comment