Friday, October 24, 2008

Người nước ngoài bỏ giấc mơ đổi đời ở Nhật

13:45' 24/10/2008 (GMT+7)

Stenio Sameshima, người Brazil, tới Nhật năm ngoái, với dự định sẽ kiếm được số tiền kha khá khi ngành công nghiệp ôtô Nhật đang phát triển thịnh vượng. Nhưng thay vào đó, anh lại phải đang dành rất nhiều thời gian tới các hãng giới thiệu việc làm.

Chứng khoán Nhật giảm mạnh vì bão tài chính toàn cầu. (Ảnh: AP)

Khó khăn

Chàng thanh niên 28 tuổi này là một trong hàng trăm, có lẽ là hàng nghìn người nước ngoài nằm trong số những lao động đầu tiên ở Nhật mất việc làm khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, khiến nhu cầu ôtô, xe tải, xe máy sụt giảm mạnh.

Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng là bằng chứng đầu tiên của khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, rồi lan sang thị trường lao động Nhật Bản, và có thể trầm trọng hơn nhiều nếu bão tài chính toàn cầu trở nên mạnh hơn.

Tuần này, Sameshima, từng được đào tạo ở vị trí một giáo viên khoa học tự nhiên tại Brazil, đã ngồi hàng giờ đồng hồ để chờ đợi một công việc mới từ trung tâm giới thiệu việc làm của Chính phủ Nhật tại thành phố Hamamatsu. Anh nói, anh sẽ nhận bất cứ việc gì miễn có lương.

"Vì khủng hoảng tài chính, bạn phải chấp nhận mọi thứ", Sameshima, người gốc Nhật, di cư tới Brazil nhiều thập niên trước, cho hay, anh đã đọc kỹ thông báo cần tuyển nhân viên làm hộp cơm trưa bán cho các cửa hàng.

Chính phủ Nhật Bản không đưa ra con số người nước ngoài thất nghiệp, nhưng các quan chức và cơ quan việc làm địa phương thống kê rằng, có hàng trăm công nhân như Sameshima đã phải ra khỏi các công ty sản xuất hàng đầu của Nhật như Toyota, Honda, Yamaha.

Theo Bộ Y tế và Lao động Nhật, số người nước ngoài tới các trung tâm tìm kiếm, giới thiệu việc làm của Chính phủ tăng vọt - đạt 1.500 người/tháng như tháng 8, trong khi tỉ lệ người Nhật tìm việc làm vẫn duy trì như cũ. Các trung tâm này chỉ cung cấp tỉ lệ nhỏ công việc cho lực lượng lao động nước ngoài.

"Người nước ngoài cũng là đối tượng bị sa thải đầu tiên khi sản xuất của các nhà máy đình trệ", Tatsuhiro Ishikawa, một quan chức Bộ Lao động Nhật nói.

Xu thế này thể hiện rõ ở ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.

Cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô số một Toyota Motor Corp. đã sụt giảm mạnh khi không đạt mục tiêu tiêu thụ trên toàn cầu. Nissan, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba ở Nhật cũng vừa thông báo sẽ cắt giảm sản xuất nội địa.

"Số lượng các xe xuất xưởng giảm mạnh, vì thế không có thể có đủ việc làm cho người nước ngoài", Masahiro Morishita, người làm việc ở FujiArte, một cơ quan giới thiệu việc làm nhấn mạnh.

Nhật Bản bắt đầu hấp dẫn số lượng lớn nhân công nước ngoài cách đây 15 năm, khi lực lượng lao động trong nước thiếu hụt vì dân số già hóa. Tỉ lệ nhân công nước ngoài ở Nhật tăng hơn gấp đôi từ 370.000 người lao động hợp pháp năm 1996 lên 755.000 năm 2006.

Tìm kiếm các thông tin việc làm sau khi bị sa thải. (Ảnh: AP)

Hy vọng

Dĩ nhiên, điều kiện lao động tại Nhật khá bấp bênh. Người nước ngoài chủ yếu được thuê theo thời vụ, và dễ dàng bị sa thải. Họ sống trong nhà tập thẻ của công ty, nên cũng dễ mất chỗ ở khi thất nghiệp. Đó là chưa kể các rào cản ngôn ngữ.

"Yêu cầu tìm kiếm việc làm mới, là cần phải nói được tiếng Nhật", Alice Miho Miike thuộc Qũy trao đổi và thông tin quốc tế Hamamatsu nói. "Nhưng thậm chí cả người Brazil biết nói, đọc và viết tiếng Nhật giờ đây cũng đang mất việc".

Hamamatsu, cách tây nam thủ đô Tokyo 200km là khu vực có hơn 33.500 người nước ngoài, hơn nửa trong số này đến từ Brazil, rất nhiều người có giấy phép đặc biệt để làm việc tại đây vì gốc gác Nhật Bản của họ.

Trung tâm việc làm Hello Work tại Hamamatsu ngày càng đông người thất nghiệp tới tìm kiếm cơ hội khác.

Sameshima, là một ví dụ. Anh bị sa thải cuối tháng 9 sau sáu tháng làm việc trong một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở ngoại ô thành phố Nagoya.

"Tôi tới Nhật để kiếm một công việc ổn định, đảm bảo", Sameshima, người đến từ bang Minas Gerais của Brazil từ đầu năm 2007 nói. "Nhưng sản xuất trong nhiều nhà máy đã đình trệ".

Sau khi thất nghiệp, anh lại tới Hamamatsu tìm công việc ở nhà máy khác, và một lần nữa bị sa thải chỉ sau hai tuần làm việc.

Phụ trách trung tâm giới thiệu việc làm Hello Work Hamamatsu, đã giới thiệu hai công việc cho Sameshima ở mức lượng thấp hơn từ 20-40% so với số tiền anh kiếm được trước đây.

Và Sameshima, đã lên kế hoạch hồi hương vào cuối năm tới, với hy vọng tham gia kỳ thi tuyển để trở thành giáo viên trung học.

Nhưng nhiều người khác vẫn còn hy vọng. Daniele Tokuti, 24 tuổi đến Nhật cách đây ba năm cùng với chồng, người gốc Nhật Bản. Tuần trước, cô đã mất việc làm cùng 40 người nước ngoài khác trong một nhà máy của Yamaha. Nhưng Tokuti, đang mang thai sáu tháng, nói rằng, cô vẫn hy vọng sẽ đạt được giấc mơ gây dựng tại Nhật.

"Giờ đây, ở Brazil, mọi thứ không hề tồi", cô nhấn mạnh. "Nhưng tại Nhật, tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi vượt qua cơn khủng hoảng này, thì ở lại sẽ tốt hơn".

  • Kỳ Thư (Theo AP)

No comments: