"... Các nghiên cứu đã cho thấy tiền đóng vai trò “cực kỳ nhỏ bé” đối với hạnh phúc thực sự của một người. Thực ra, tình cảm và cuộc sống gia đình thường bị hy sinh với danh nghĩa là vì gia đình..."
Một tỉ phú ở Seattle (trước đây là ông chủ của tôi) cách đây vài năm đã vướng vào một vụ rắc rối tiền bạc khi việc kinh doanh không thuận lợi.
Ông phải bán hòn đảo riêng và tống khứ chiếc du thuyền (vốn là một trong những chiếc lớn nhất thế giới) đi, và ông thành người nghèo- một- cách- tương- đối.
![]() |
|
Ông chủ cũ của tôi, một ông trùm điện thoại di động, nay đã tụt xuống cuối bảng xếp hạng những người giàu nhất của tạp chí Forbes. Ông chỉ còn lại vài trăm triệu (USD) và ông không được vui.
Dù nhà tư bản này - cũng như những người khác trong bảng xếp hạng - giàu kinh khủng, tiền có vẻ chẳng bao giờ giúp họ thấy thanh thản. Họ biết tiền có thể mất đi nhanh đến mức nào, và điều này khiến họ tự hỏi “Tại sao đủ lại không thực sự là đủ?”
Những người thừa hưởng gia tài cũng bị câu hỏi này ám ảnh. Một người bạn tôi từng là cố vấn cho Nelson Rockefeller nhớ lại rằng từng nghe thấy ông này không ít lần than phiền.
Tài sản cá nhân của Rockefeller trị giá khoảng 3 tỉ USD. Khi được hỏi phải cần nhiêu tiền để cảm thấy thoải mái, Rocky (gọi thân mật tên Rockefeller) ngập ngừng giây lát rồi tuyên bố: “Bốn tỉ hẳn là đủ.”
Đế chế Rothschild cũng gặp vấn đề tương tự. Khi làm việc cho Business Week, tôi cũng đã có dịp gặp riêng chi nhánh Pháp, Anh và Thụy Sĩ của tập đoàn này. Tôi đã choáng váng khi thấy họ cãi nhau về việc họ đã tự biến tài sản khổng lồ của họ thành một tài sản tí hon.
Một thành viên của chi nhánh Thuỵ Sĩ đã tâm sự với tôi nỗi bực tức của anh ta đối với một người họ hàng, người đã để mất nhiều tiền vào bất động sản ở Pháp. “Để làm được,” anh ta nói, “anh phải cố gắng thực sự.”
Tôi ngờ rằng chẳng có cái gọi là “đủ tiền”. Thực ra, rất nhiều người cực giàu đồng ý rằng càng có nhiều tiền thì họ lại càng phải lo lắng. Những câu chuyện như thế được kể lại trong một cuốn sách rất hay, cuốn “Richistan”, của Robert Frank.
Frank dẫn lại lời một nhà tư bản Mỹ mà tên chỉ được đề vỏn vẹn là George, nói rằng ông này và các tỉ phú khác (thống kê mới nhất của Forbes là 1.125 tỉ phú) quay cuồng trong một thứ cảm giác pha trộn giữa tham lam và sợ hãi. “Nếu người ta cứ lo lắng thì đó là một phần động lực thúc đẩy họ,” George nói. “Chúng tôi lúc nào cũng lo”.
Rõ ràng là làm triệu phú không còn đủ nữa. Forbes cho biết đã có trên 8 triệu người Mỹ trong danh sách này, nên vấn đề hiện nay chỉ là tỉ phú, giống như một sàn đấu thể thao. Vài đối thủ của Microsoft rất vui mừng nhìn Bill Gates bị hất khỏi vị trí dẫn đầu năm vừa rồi; thay vào đó là tỉ phú Warren Buffett (62 tỉ USD) và Carlos Slim Helú, ông trùm điện thoại di động người Mexico (60 tỉ USD). Gates hiện ở vị trí thứ ba, với 58 tỉ USD.
Tỉ phú không phải chỉ có người Mỹ. Người Ấn Độ, người Nga và người Trung Quốc cũng đang ngày một đông lên trong danh sách những người cực giàu.
![]() |
Nhưng kèm theo sự giàu sang là cả những mối lo không nhỏ. Các chuyên gia nghiên cứu tâm lý người giàu cho biết: Vấn đề đang nổi lên là cách tiêu dùng phung phí phân biệt người cực giàu với những người khác.
Vấn đề thứ hai là họ buộc phải tiếp tục kiếm nhiều tiền hơn nữa. Giáo sư tâm lý Paul Wachtel tại New York đã viết về vấn đề này trên tạp chí Psychoanalysis, một bài có tên là "Full Pockets, Empty Lives" (Ví đầy, đời trống rỗng).
Wachtel thừa nhận rằng tiền bạc có thể là một biểu tượng của thành công, nhưng ông chỉ ra rằng đố kỵ và ích kỷ là những động lực ẩn sau việc kiếm thêm tiền.
“Cái giá của việc lấy tiền và vật chất làm mục tiêu chính trong đời rất đắt,” ông viết. Các nghiên cứu đã cho thấy tiền đóng vai trò “cực kỳ nhỏ bé” đối với hạnh phúc thực sự của một người. Thực ra, tình cảm và cuộc sống gia đình thường bị hy sinh với danh nghĩa là vì gia đình.
Wachtel cho rằng lòng đố kỵ đã nuôi dưỡng tính ích kỷ: “Chúng ta hẳn không chỉ muốn những cái người khác có mà muốn nhiều hơn cái người khác có, hoặc nhiều hơn, với nhiều mục đích hơn.”
Tôi đã nói chuyện với giáo sư Wachtel và hỏi ông xem văn hoá người giàu sẽ dẫn tới đâu. Những người có thu nhập lên tới sáu chữ số gặp nhiều vấn đề khi muốn kiếm nhiều hơn nữa. Ông nói: “Họ biến thành nô lệ, phục vụ mức độ vật chất mà tự họ đã lao vào. Đó là một guồng máy không hề có niềm vui.”
Ông cũng có vài lời khuyên cho những người giàu không vui. “Nếu 5% những người giàu nhất có thể làm việc chỉ bằng hai phần ba hiện nay, và kiếm được bằng hai phần ba hiện nay, cuộc sống của họ sẽ giàu hơn nhiều đến mức không thể tính được,” ông nói. “Họ sẽ nhận ra rằng thời gian còn quý hơn tiền nhiều.”
No comments:
Post a Comment