Wednesday, November 26, 2008

The Hoax ...

Vụ lừa đảo văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ


Vào tháng 4/2007, bộ phim "Vụ lừa đảo"(The Hoax) của đạo diễn Lasse Hallstrom do diễn viên gạo cội Richard Gere đóng vai chính, khi được trình chiếu đã trở thành một bộ phim ăn khách của điện ảnh Hollywood. Sở dĩ bộ phim thu hút sự quan tâm của công chúng vì không chỉ đề cập đến nhà tỉ phú kỳ bí Howard Hughes mà còn lật lại một vụ án lừa đảo văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ.

CLIFFORD MICHAEL IRVING là một nhà văn, sinh năm 1930 tại Tp New York. Irving có thời làm cho báo The New York và sống tại Ibiza (Tây Ban Nha). Nhưng phải đợi đến năm 1969, Irving mới bắt đầu được biết tiếng tại Mỹ khi tác phẩm Fake của ông được Nhà xuất bản (NXB) McGraw Hill phát hành.

Thế nhưng tiền bạc thu được từ phát hành sách vẫn không đáp ứng được nhu cầu ăn tiêu xa hoa của Irving, vợ con và cả những nhân tình của ông ta. Vì vậy Irving quyết định làm một vố lớn để kiếm tiền nhiều hơn và cũng để được nổi tiếng hơn, đó là giả mạo tự truyện của tỉ phú Hughes.

Đối với người Mỹ, Howard Hughes không chỉ là một người giàu có mà còn là một nhân vật bí hiểm. Ông còn là nhà sản xuất phim có tác phẩm từng đoạt giải Oscar và là tay ăn chơi khét tiếng từng sở hữu rất nhiều người đẹp. Sau năm 1958, Hughes bỗng dưng lui về sống ẩn dật tại một địa điểm bí mật ở Tp Las Vegas và một đảo nhỏ tại quần đảo Bahamas ở Trung Mỹ. Tỉ phú Hughes còn được cho là mắc chứng tâm thần, thù ghét công chúng và bất cứ khi nào phát hiện ai viết về mình đều tìm cách ngăn chặn.

Clifford Irving

Tháng 7/1970, tại Tp Ibiza, nơi Irving đang sinh sống cùng vợ người Đức gốc Thụy Sĩ tên Edith Sommer, Irving tình cờ gặp lại nhà văn và là bạn cũ tên Richard Suskind. Sau đó cả hai âm mưu tạo ra một cuốn tự truyện giả mạo của Hughes vì cho rằng do đã rút hẳn khỏi đời sống xã hội từ lâu và hoàn toàn giấu mặt, nên chắc chắn nhà tỉ phú kỳ quặc này sẽ không bao giờ lên tiếng.

Theo phân công, Suskind tiến hành thu thập mọi tài liệu, tư liệu liên quan đến cuộc sống và con người của Hughes, còn Irving giả viết các bức thư - bắt chước nét chữ của Hughes nhờ đã từng đọc và thu thập được các bức thư tay của Hughes được đăng trên tạp chí Newsweek. Ngoài ra, Irving còn giả giọng nói của Hughes để trả lời các cuộc phỏng vấn nhà tỉ phú này do chính Irving thực hiện.

Vào tháng 1/1971, Irving liên hệ với NXB McGraw Hill và cho biết tỉ phú Hughes bị chinh phục bởi cuốn tiểu thuyết "Fake" của mình nên đã cho phép Irving viết cuốn tự truyện về cuộc đời của ông ta. Để chứng minh là sự thật, Irving đưa cho Ban giám đốc NXB danh tiếng này 3 bức thư tay do Hughes viết, trong đó có bức thư cho phép Irving viết tự truyện cho mình và yêu cầu Irving và nhà xuất bản phải giữ hoàn toàn bí mật cho đến khi bắt đầu phát hành.

Tuy nhiên, NXB McGraw Hill chỉ tin rằng đây là sự thật khi mời Công ty Osbourn, chuyên giám định các thư viết tay, kiểm tra các bức thư được cho là của tỉ phú Hughes và cho rằng đây đúng là những bức thư thật do tự tay Hughes viết ra.

Không chần chừ, McGraw Hill liền thảo ngay hợp đồng với Hughes, Irving và NXB. Theo đó, McGraw Hill sẽ chi số tiền mua bản quyền lên 765.000 USD, trong đó Irving được hưởng trọn 100.000 USD, phần của Hughes là 665.000 USD.

Vốn đã có trong tay nhiều thông tin và tài liệu về cuộc đời và cuộc sống của tỉ phú Hughes. Một thuận lợi khác cho công việc lừa đảo của Irving là việc Irving tình cờ phát hiện một nhà báo người Mỹ tên James Phelen trong suốt một thời gian dài thu thập được nhiều thông tin có thật về cuộc đời của Hughes để viết thành một cuốn sách. Không biết vì lý do gì, Phelen lại bỏ dở công việc này.

Tháng 11/1971, khi cuốn tự truyện (giả) đã hoàn thành, Irving liền gửi bản thảo cho NXB McGraw Hill kèm theo nhận xét viết tay giả mạo của Hughes. Để kiểm tra, McGraw Hill mời Frank McCullock, một chuyên gia về tỉ phú Hughes, người từng nhiều lần gặp gỡ và phỏng vấn nhà tỉ phú này trước năm 1958, nhằm xác định chi tiết của cuốn tự truyện là có chính xác và có thật hay không.

Sau khi McCullock xác nhận đó hoàn toàn là sự thật, McGraw Hill liền tổ chức họp báo tuyên bố sẽ xuất bản cuốn tự truyện của Hughes vào tháng 2-1972 và thanh toán số tiền còn lại cho Irving và Hughes. Theo yêu cầu của Hughes thông qua người đại diện là Irving, McGraw Hill chuyển phần tiền 665.000 USD vào một tài khoản mở tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ đứng tên một phụ nữ tên Helga Hughes. Thật ra, Helga Hughes chính là tên giả mạo của Edith Sommer, vợ của Irving.

Chỉ một tuần trước khi cuốn tự truyện được xuất bản, tỉ phú Hughes bỗng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp báọ. Tại cuộc họp báo, Hughes đã vạch mặt Irving, tuyên bố chưa từng gặp mặt nhà văn này, không ủy quyền cho ông này viết tự truyện và cuốn tự truyện là giả mạo. Sau đó, Chester Davis, luật sư của Hughes đã khởi kiện NXB McGraw Hill và Irving về tội giả mạo và lừa đảo. Riêng cảnh sát Thụy Sĩ cũng vào cuộc khi phát hiện ra vụ giả mạo tên Helga Hughes của Ediht Sommer để rút số tiền 665.000 USD. Ngoài ra, Irving còn bị James Phelen kiện về việc đã đánh cắp nhiều tư liệu về Hughes của mình.

Vào ngày 13/3/1972, Tòa án Tp New York tuyên phạt Ivring 17 tháng tù giam, Suskind 6 tháng tù giam và Sommer 2 tháng tù giam. Số tiền 765.000 USD cũng được Irving, Suskind và Sommer hoàn trả lại cho NXB McGraw Hill.

Sau khi ra tù, Irving tiếp tục viết sách. Năm 1999, cuốn tự truyện giả mạo về cuộc đời của tỉ phú Hughes được bí mật xuất bản và trở thành một cuốn sách bán chạy. Vào tháng 7/2005, khi bộ phim "Vụ lừa đảo" bắt đầu được quay tại Puerto Rico và New York, Irving chấp thuận làm cố vấn kỹ thuật cho bộ phim.

Hiện Irving đang sinh sống tại Tp Aspen, bang Colorado

Hà Văn (Theo Crimes Magazine)


Lập ra "quốc gia ma" để lừa đảo
Thứ sáu, 21/11/2008, 15:13 GMT+7

Từ đầu năm 1986, xuất hiện trên vài tờ báo ở Mỹ và một số quốc gia châu Á, châu Âu những mời gọi đầu tư tài chính, hợp tác kinh doanh du lịch, ngân hàng, tuyển dụng lao động... của một quốc gia lạ hoắc có tên gọi “Nước tự trị Melchizedek” (Dominion of Melchizedek - DoM) do David Pedley và con trai là Mark Pedley lãnh đạo.

mcdonald.jpg

Richard McDonald

DoM thực chất chỉ là một “quốc gia ma” được cha con Pedley lập ra để... lừa đảo.

Để tạo lòng tin, vào tháng 5/1986, DoM còn cho công bố Hiến pháp quốc gia do David Pedley soạn thảo và biên soạn dựa theo các giáo định trong Thánh kinh.

DoM còn cho công bố danh tính các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của quốc gia, trong đó David Pedley giữ chức vụ cố vấn tối cao, Richard James McDonald, một luật sư hành nghề ở bang California, làm “tổng thống” còn Mark Pedley làm “thủ tướng”.

Đến năm 1987, DoM còn thông báo lãnh địa và chủ quyền trên một số đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Một thời gian ngắn sau, DoM còn cả gan công bố một phần Nam Cực cũng thuộc chủ quyền của mình! Điểm đặc biệt là tuy những công bố chủ quyền lãnh thổ này không được các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc công nhận nhưng không hiểu vì sao một số quốc gia châu Phi như Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso lại vội vã công nhận chủ quyền của DoM. Đây chính là điều kiện để cha con nhà Pedley tổ chức lừa đảo, lường gạt tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ cả tin.

David Pedley sinh ngày 8/4/1929 tại thành phố Daly, bang California của Mỹ. Từng tốt nghiệp Đại học California, nhưng David lại bị tù tội nhiều lần do lừa đảo, lường gạt tiền bạc của nhiều người. Năm 1975, David cùng con trai là Mark thành lập một công ty kinh doanh bất động sản ở thành phố San Francisco.

Đến năm 1981 cả hai phải bỏ trốn sang Mexico khi công ty kinh doanh bất động sản bị phá sản, nợ nần lên đến hàng chục triệu USD. Năm 1986, Mark bỗng tuyên bố làm “thủ tướng” của DoM, một quốc gia vô danh do hai cha con nhà Pedley thành lập rồi sau đó thuê McDonald làm tổng thống.

Vào đầu năm 1990, xuất hiện trên nhiều tờ báo châu Á, trong đó có cả tờ The Nation của Thái Lan, các quảng cáo tuyển dụng lao động cao cấp làm việc tại một quốc gia có tên gọi “Nước tự trị Melchizedek” với thu nhập cao ngất trời. Người đứng tên tuyển dụng là John Gillespie, một người Australia có địa chỉ liên lạc tại thủ đô Canberra của Australia. Điều kiện để được ký kết hợp đồng làm việc tại DoM là phải đóng một số tiền thế chân lên đến 3.500 USD và sẽ được hoàn trả sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động.

david.jpg

David Pedley (giữa) trong thời gian đào tẩu sang Mexico

Bị tác động bởi những quảng cáo hấp dẫn về điều kiện làm việc và lương bổng, hàng ngàn người Philippines, Trung Quốc và Bangladesh vội vã nộp tiền vào tài khoản của Gillespie để được giữ chỗ làm mà không biết đã rơi vào một âm mưu lừa đảo. Sau khi thu được một số tiền lên đến nhiều triệu USD, Gillespie biến mất tăm. Thực ra Gillespie là một tên tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp được cha con nhà Pedley thuê mướn.

Đến giữa thập niên 90 thế kỷ XX, hai cha con nhà Pedley chuyển sang một hình thức lừa đảo khác là kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đầu tư tài chính vào DoM thông qua hoạt động của hai ngành du lịch và tài chính, ngân hàng. Để tạo lòng tin nơi các nhà đầu tư, hai cha con nhà Pedley bỏ một số tiền lớn để quảng cáo trên tạp chí Forbes và báo The Washington Post.

Ngoài ra, cả hai còn thành lập một lô ngân hàng, công ty tài chính ma để liên doanh đầu tư với nước ngoài. Theo điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), có đến hơn 350 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã lọt vào bẫy lừa đảo của hai cha con nhà Pedley.

Năm 1997, FBI bắt đầu tổ chức điều tra về DoM và hành vi lừa đảo, lường gạt của hai cha con nhà Pedley khi Kênh truyền hình CBS của Mỹ cho phát hình rộng rãi một phóng sự điều tra liên quan đến sự tồn tại của DoM và những thủ thuật lừa đảo, lường gạt tiền bạc của hai cha con nhà Pedley cùng với những nhân vật liên quan như trùm lừa đảo người Australia John Gillespie và Tổng thống tự phong Richard McDonald. Biết sẽ bị lật mặt nên hai cha con nhà Pedley lại đào tẩu sang Mexico.

Trong khi Mark bị trục xuất về lại Mỹ do giấy thông hành hết hạn và bị FBI bắt giữ thì David lại lẩn trốn tại nhiều bang của Mexico và đến năm 1998 ra đầu thú với Cảnh sát Mexico. Trong khi chờ đợi được dẫn độ về Mỹ để điều tra, xét xử thì David đột tử do bị trụy tim.

Nghi vấn về cái chết bất thường của David, FBI tìm cách lấy dấu vân tay của xác chết được cho là của David để xác định danh tính nhưng bị gia đình cự tuyệt. FBI cho rằng đây là một vụ giả chết để trốn tội của David có sự giúp đỡ của nhà chức trách Mexico và chắc hẳn David vẫn còn sống.

Mark Pedley sau khi thụ án 7 năm tù giam về tội lừa đảo, lường gạt được trả tự do vào năm 2005 nhưng hiện đang bị quản thúc để lao động kiếm tiền trả nợ cho những cá nhân và đơn vị bị hai cha con hắn ta lừa đảo và lường gạt. Năm 2000, FBI chính thức thông báo DoM chỉ là một “quốc gia ma” được thành lập để lừa đảo lòng tin nhằm chiếm đoạt tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ.

Theo V.H


Philippines: Vụ lừa đảo khảo cổ ngoạn mục nhất thế giới

Cảnh sinh sống của "Bộ tộc cổ" Tasaday.

Tìm được những bộ tộc sống từ thời xa xôi nhất trong lịch sử nhân loại là một mơ ước nóng bỏng của các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế. Vào tháng 8/1971, Manuel Elizalde, một nhà nhân chủng học người Philippines thông báo rằng đã phát hiện trên một đảo nhỏ ở vùng Mindanao một bộ tộc cổ sống từ thời kỳ đồ đá, chưa từng biết đến văn minh hiện đại là gì.

Theo mô tả được dẫn chứng bằng ảnh chụp và cả phim tài liệu ngắn thì bộ tộc cổ này có tên gọi Tasaday, mặc những chiếc khố làm bằng lá, để tóc dài, sống trong hang động và ăn uống bằng động thực vật săn bắn và hái lượm được trong rừng. Elizalde còn cho biết thêm là đã phát hiện ra bộ tộc cổ Tasaday khi đến vùng Mindanao để nghiên cứu khảo cổ tại đây.

Trong khi Liên Hiệp Quốc đánh giá cao về phát hiện này thì các nhà khoa học, nhà báo đổ xô đến Philippines để thu thập thông tin và đưa tin. Tuy nhiên, tất cả họ đều không được phép vì cả Elizalde và Chính phủ Philippines đều nêu lý do phải bảo vệ cuộc sống của họ trước sự quấy rối của các nhà báo, nhà khoa học và khách du lịch.

Về nhân thân, Manuel Elizalde sinh năm 1940 tại thủ đô Manila của Philippines trong một gia đình giàu có. Đam mê khảo cổ từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp trung học, Elizalde theo học ngành nhân chủng học tại Đại học Harvard, Mỹ và sau khi tốt nghiệp quay về lại quê nhà làm việc tại Bộ Văn hóa Philippines cho đến khi tuyên bố đã phát hiện bộ tộc cổ Tasaday.

Manuel Elizalde và một người Tasaday.

Vào tháng 4/1972, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ra quyết định thành lập Cơ quan Bảo tồn các bộ tộc thiểu số (PANAMIN) và giao cho Elizalde phụ trách. Và để phòng tránh việc bộ tộc cổ Tasaday bị quấy rầy bởi sự tò mò của người dân Philippines, du khách, các nhà khoa học và nhà báo nước ngoài, Tổng thống Marcos còn ký quyết định thành lập Khu Bảo tồn Tasaday với diện tích 182km2, có binh lính ngày đêm tuần tra canh gác để tránh sự xâm nhập của người lạ. Bất cứ ai muốn vào khu bảo tồn đều phải được PANAMIN cấp giấy phép.

Chỉ có 4 trường hợp các nhân vật nổi tiếng, các phương tiện truyền thông được trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc rất giới hạn với bộ tộc cổ Tasaday dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên PANAMIN. Đó là việc vào tháng 6/1972, một phóng viên của Hãng thông tấn Mỹ AP và nhà báo Kenneth MacLeish của tạp chí National Geographic được đích thân Elizalde hướng dẫn tiếp xúc với một nhóm nhỏ người thiểu số của bộ tộc Tasaday.

Vào tháng 8/1972, đến lượt phi công huyền thoại người Mỹ Charles Lindberg và nữ diễn viên điện ảnh người Italia Gina Lollobrigida cũng được đích thân Elizalde hướng dẫn tiếp xúc với một nhóm người của bộ tộc cổ Tasaday.

Mục đích của các chuyến viếng thăm và làm phóng sự này là nhằm kêu gọi sự tài trợ, ủng hộ tài chính của cộng đồng quốc tế dành cho Chính phủ Philippines mà trực tiếp là PANAMIN để bảo tồn bộc tộc cổ Tasaday. Và thế là chẳng bao lâu sau tiền bạc từ các tổ chức bảo tồn quốc tế, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, từ chính phủ nhiều quốc gia, từ các nhân vật giàu có và nổi tiếng... liên tục rót vào quỹ bảo tồn bộ tộc cổ Tasadya do PANAMIN quản lý. Kèm theo đó, Elizalde bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế vinh danh vì sự phát hiện của Elizalde quả rất xứng đáng mang tầm vóc thế kỷ.

Đến năm 1983, Elizalde bỗng nhiên biến mất khỏi Philippines. Tổng thống Marcos một mặt ra lệnh truy tìm Elizalde cho bằng được, mặt khác bưng bít việc Elizalde đã bỏ trốn mà không quên ẵm theo một số tiền lớn lấy từ ngân quỹ của PANAMIN (đây là số tiền mà cộng đồng quốc tế và người dân Philippines quyên góp cho việc bảo tồn bộ tộc cổ Tasaday).

Vào năm 1986, sau khi Tổng thống Marcos bị lật đổ, nhà nhân chủng học kiêm nhà báo người Thụy Sĩ Oswald Iten cùng một nhà báo người Philippines tên Joey Lozano đã lặn lội đến Mindanao để thu thập thông tin về bộ tộc cổ Tasaday và bất ngờ khi phát hiện rằng, những gì mà người dân Philippines và cộng đồng quốc tế biết về sự tồn tại của bộ tộc cổ Tasaday mà Elizalde và Chính phủ Philippines loan tin đều là sự lường gạt.

Người Tasaday cổ thực ra là người thiểu số T’Boli, cách đây hàng trăm ngàn năm quả thật chỉ ở trong hang động, mặc khố làm từ lá cây, để tóc dài chấm vai... giống như những gì mà Elizalde mô tả với mọi người, nhưng đến thập niên 70 của thế kỷ XX họ đã biết sống trong nhà có điện và đồ dùng gia dụng, nghe đài, đi xe máy, mặc quần jean và áo thun...

Khi được Iten và Lozano phỏng vấn, người dân Tasaday khai nhận rằng vào năm 1971, Elizalde đã dùng tiền bạc và cả đe dọa để buộc họ giả làm người tiền sử sinh sống trong hang động, mặc khố bằng lá cây, mang tóc dài giả rồi chụp ảnh, quay phim. Sự thật về cái gọi là bộ tộc cổ Tasaday lập tức lan truyền khắp thế giới và khiến mọi người phẫn nộ.

Tổng thống Corazon Aquino cho mở một cuộc điều tra để truy tìm Elizalde, thủ phạm của vụ lừa đảo và phát hiện nhân vật độc đáo này bỏ trốn đến quốc gia Trung Mỹ Costa Rica cùng với số tiền 20 triệu USD lấy từ ngân quỹ của PANAMIN. Tại Costa Rica, Elizalde mua một đồn điền rộng lớn để trồng chuối và cà phê xuất khẩu. Năm 1987, trước đề nghị của Chính phủ Philippines, Costa Rica tiến hành trục xuất mà không bắt giữ Elizalde. Sau một thời gian tạm trú tại Mexico và Mỹ, cuối cùng Elizalde phải quay về lại Philippines để đầu thú.

Khai báo với nhà chức trách, Elizalde thú nhận đã chia chác số tiền lớn lấy từ ngân quỹ của PANAMIN cho bà Imelda Marcos, vợ của Tổng thống Ferdinand Marcos khi ông này còn đương chức. Năm 1983, do việc chia chác số tiền lấy từ ngân quỹ PANAMIN không theo như ý muốn của bà Imelda Marcos, Elizalde do bị đe dọa bắt giữ và thủ tiêu nên đã bỏ trốn đến Costa Rica. Bị một tòa án ở thủ đô Manila tuyên phạt 10 năm tù giam vào tháng 10/1988 nhưng không hiểu vì sao chỉ thụ án được 9 tháng, Elizalde đã được trả tự do.

Vào ngày 18/5/2000, Manuel Elizalde, thủ phạm của vụ lừa đảo khảo cổ được đánh giá là ngoạn mục nhất thế kỷ XX qua đời tại ngôi nhà của mình ở Mikata, khu dành cho người giàu có sinh sống của thủ đô Manila

Văn Hòa (Theo The New York Times)

Giả mạo nhân viên phản gián Anh để lừa đảo

Robert Freegard

Vào ngày 3/9/2005, kênh truyền hình Channel Five của Anh đã cho trình chiếu bộ phim tài liệu có nhan đề "Gã điệp viên đã đánh cắp cuộc đời tôi" kể về vụ án giả mạo nhân viên Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) đề lừa đảo cả tình và tiền của nhiều người gây chấn động nước Anh...

Thủ phạm tên Robert Freegard đã bị một tòa án ở thủ đô London tuyên phạt tù chung thân về tội bắt cóc, lừa đảo và chiếm đoạt tiền bạc vào ngày 23-6-2005. Số nạn nhân của Freegard lên đến 9 người và số tiền bị hắn chiếm đoạt lên đến gần 1 triệu bảng Anh.

ROBERT HENDY-FREEGARD sinh ngày 1/3/1971 tại Hodthorpe, một ngôi làng nhỏ gần TP Whirtwell, tỉnh Derbyshire, cách thủ đô London 300km về phía đông. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp trung học, Freegard bỏ đến thành phố cảng sầm uất Newport để kiếm công ăn việc làm.

Nhờ có mã đẹp trai và tài ăn nói nên hắn ta được nhận vào làm việc tại quán rượu The Swan nổi tiếng tại TP Newport.

Trong thời gian làm việc tại đây, Freegard quen biết 3 khách hàng tên Sarah Smith, Maria Hendy và John Atkinson đều là sinh viên đang học tại Đại học Harper Adam ở TP Newport. Biết 3 người này là con cái những gia đình khá giả nên Freegard tìm cách chiếm đoạt tiền bạc của họ.

Đầu năm 1993, Freegard tiết lộ với Atkinson rằng hắn ta đang làm nhiệm vụ của một điệp viên MI-5 đội lốt nhân viên phục vụ tại quán rượu The Swan để điều tra, theo dõi hoạt động của tổ chức Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA) hoạt động tại thành phố Newport. Sau đó Freegard còn đưa cả ba về nhà trọ của mình để cho họ xem các tài liệu (giả) điều tra của MI-5 về hoạt động của IRA không chỉ tại TP Newport mà cả tại Đại học Harper Adam.

Tại đây, Freegard tuyên bố sẽ tuyển dụng cả ba làm mật báo viên cho MI-5. Tưởng là chuyện có thật nên cả ba đóng góp tiền bạc để Freegard mở các khóa huấn luyện nghiệp vụ phản gián cho họ mà không biết đã bị lừa.

Suốt nhiều năm liền, cả ba nạn nhân đã gom góp đến 300.000 bảng Anh cho Freegard, riêng Maria Hendy, một trong ba nạn nhân còn trở thành tình nhân của Freegard trong suốt 8 năm liền và sinh hạ hai đứa con. Năm 1999, biết rõ bộ mặt lừa đảo của Freegard, Hendy định tố cáo nhưng sau đó đành từ bỏ ý định do bị Freegard dọa sẽ bắt các con và giết chết.

Đến tháng 6/1996, Freegard làm quen với Ann Baker, 23 tuổi, thư ký một công ty có văn phòng đặt tại TP Newport, là khách hàng quen thuộc của quán rượu The Swan. Freegard tìm cách tán tỉnh người phụ nữ trẻ này và tiết lộ là điệp viên của MI-5.

Thời gian sau, Freegard buộc Ann Baker cắt đứt quan hệ với các người thân để bảo đảm sinh mạng của những người này khỏi bị IRA sát hại. Cả tin, người phụ nữ trẻ tội nghiệp răm rắp làm theo các yêu cầu của Freegard, và rút tiền bạc từ sổ tiết kiệm, kể cả vay mượn khắp nơi.

Năm 1999, Freegard bí mật rời TP Newport, bỏ rơi các nạn nhân của hắn, lên thủ đô London kiếm việc làm và cũng để tiếp tục lừa đảo.

Vào tháng 3/2000, khi đang làm nhân viên giao nhận tại một cửa hàng bán xe hơi ở khu Chiswick, phía tây thủ đô London, Freegard làm quen với một nữ khách hàng tên Caroline Cooper, là luật sư. Freegard tiết lộ với Cooper là hắn ta đang làm nhiệm vụ của một điệp viên MI-5 và muốn tuyển người phụ nữ này làm mật báo viên với điều kiện phải chi một số tiền lên đến 40.000 bảng Anh để tổ chức các khóa huấn luyện. Cả tin, Cooper không chỉ trao tiền mà trao cả tình cho kẻ lừa đảo siêu hạng này. Freegard còn hăm dọa sẽ giết chết Cooper nếu để lộ thông tin làm mật báo viên cho MI-5 ra ngoài.

Đến tháng 5/2001, Freegard làm quen với một nữ chuyên viên tâm lý người Mỹ tên Kim Adams, 32 tuổi, đến thủ đô London để tham dự một hội nghị quốc tế chuyên ngành. Hắn ta tiết lộ là điệp viên MI-5 có nhiệm vụ thâm nhập các tổ chức tội phạm và cả tổ chức khủng bố để phá từ bên trong.

Sau thời gian tán tỉnh, Freegard hứa sẽ lấy cô ta làm vợ với điều kiện phải làm mật báo viên cho MI-5 và không báo cho gia đình bên Mỹ biết. Chỉ trong thời gian ngắn, Freegard đã “mượn” của Kim Adams 180.000 bảng Anh. Thời gian sau, biết được bộ mặt thật của Freegard, Kim Adams tìm cách thoát thân nhưng bị Freegard khống chế đem nhốt tại một ngọn hải đăng ở thành phố Plymouth.

Đến tháng 3/2002, Freegard tìm cách tiếp cận với nạn nhân thứ 7 là một chủ cửa hiệu kim hoàn tại TP Sheffield. Hắn ta báo cho người chủ cửa hiệu kim hoàn biết ông đang bị IRA theo dõi và hắn, một điệp viên MI-5 đang làm nhiệm vụ "ngăn chặn tội ác" của nhóm IRA này. Sau đó hắn quyết định tuyển dụng ông làm mật báo viên và giao nhiệm vụ cho ông ta tiến hành thu thập thông tin khắp nơi.

Trong thời gian làm việc với Freegard, người chủ cửa hiệu kim hoàn này đã chi 57.000 bảng Anh cho Freegard để hắn tổ chức bảo vệ an ninh cho công việc kinh doanh của ông!.

Nạn nhân thứ 8 của Freegard là nữ giám đốc điều hành một công ty kinh doanh tại TP Sheffield tên Jacqueline Kluger. Trong một lần đến TP Sheffield để tiếp thị kiểu xe hơi mới của Hãng Rover vào tháng 6/2002, Freegard tình cờ làm quen và tán tỉnh Kluger. Người phụ nữ trẻ này đã mê tít Freegard khi hắn ta tiết lộ là điệp viên của MI-5 đến TP Sheffield để thực hiện nhiệm vụ điều tra về một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Chỉ trong thời gian ngắn, Freegard đã cuỗm của Kluger một số tiền lớn, “mượn” luôn chiếc xe hơi BMW đời mới của cô rồi biến mất.

Vào tháng 9/2002, biết được gia đình của nạn nhân thứ 6 của mình là chuyên viên tâm lý Kim Adams vừa trúng một số tiền lớn khi chơi xổ số, Freegard viết thư báo là Kim Adams đang bị bệnh nặng và cần một số tiền lên đến 20.000 USD để trị bệnh. Bỗng nhiên nhận được thông tin về con gái sau thời gian im hơi lặng tiếng tại Anh, do nghi vấn nên gia đình Kim Adams liền báo tin cho Cục Điều tra liên bang (FBI) nhờ xác minh truy tìm tông tích con gái mình. Để làm sáng tỏ sự thật, FBI quyết định phối hợp với cảnh sát Anh để điều tra.

Không biết rằng cả FBI và cảnh sát Anh đang điều tra về mình, Freegard tiếp tục ra tay lừa đảo.

Nạn nhân lần này là một phụ nữ trẻ làm việc tại một ngân hàng ở TP Newcastle tên Margaret Miller. Freegard tiết lộ với Miller hắn ta là một nhân viên săn lùng tội phạm của Scotland Yard đến TP Newcastle để truy tìm hai kẻ khủng bố người Hồi giáo. Cũng với thủ đoạn tán tỉnh và hứa hẹn, Freegard đã lừa lấy của người phụ nữ trẻ này 36.000 bảng Anh rồi biến mất.

Vào tháng 2/2003, cảnh sát Anh và FBI quyết định giăng bẫy để bắt giữ Freegard khi để cho gia đình của chuyên viên tâm lý Kim Adams liên hệ với Freegard và báo cho hắn ta biết sẽ mang theo tiền đến Anh để giúp con gái điều trị bệnh.

Chiều ngày 28/2/2003, khi bà Nancy Adams, mẹ của Kim Adams gặp mặt Freegard tại một nhà hàng nhỏ bên ngoài sân bay Heathrow thì các nhân viên điều tra ập vào bắt giữ hắn ta. Lục soát căn hộ của Freegard, các nhân viên điều tra thu giữ nhiều chứng cứ chứng minh cho hành vi lừa đảo của hắn. Và khi vụ bắt giữ “vua lừa đảo” Freegard được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng thì các nạn nhân của hắn ta mới té ngửa và đồng loạt khai báo với cảnh sát.

Vào ngày 23/6/2005, tên tội phạm lừa đảo có biệt danh “Bậc thầy múa rối” đã bị tòa án Blackfriars Crown Court ở thủ đô London tuyên phạt tù chung thân về các tội bắt cóc, lừa đảo và chiếm đoạt tiền bạc

Văn Hoà (theo Crimes Magazine)


No comments: