Khi một chính trị gia có tham vọng trở thành tổng thống Mỹ, việc đầu tiên người này phải làm là thành lập một ủy ban thăm dò, nhằm tìm hiểu triển vọng của mình trong mắt các cử tri và quyên tiền phục vụ cho chiến dịch vận động.

Vận động tiến cử
Mùa tiến cử là quãng thời gian các ứng viên cạnh tranh trong nội bộ mỗi đảng, nhằm trở thành người đại diện duy nhất của phe Cộng hòa hoặc Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Thông thường giai đoạn tiến cử này mở màn vào đầu tháng 1 của năm diễn ra bầu cử và kéo dài tới tận tháng 6 năm đó.
Trong giai đoạn này, cử tri tại mỗi trong số 50 tiểu bang của Mỹ bầu chọn ra các đại diện địa phương mình tới dự đại hội đảng toàn quốc của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, sự kiện sẽ được tổ chức mấy tháng sau đó. Nội dung chính của đại hội này là chọn ra ứng viên tổng thống duy nhất của đảng tranh cử tổng thống.
Cách thức chọn đại biểu tham dự đại hội đảng diễn ra khác nhau. Một số bang dùng các cuộc họp kín địa phương diễn ra ở nhà riêng, trường học hay các nơi khác (gọi làcaucus) để chọn ra những đại diện dự đại hội đảng và những người này đều tuyên bố rõ họ sẽ ủng hộ ứng viên nào. Ví dụ năm nay bang Iowa đã chọn hình thức caucus, mở màn năm bầu cử 2008.
Trong khi đó, một số bang khác lại sử dụng hình thức bỏ phiếu sơ bộ (gọi là primary). Cách này cho phép tất cả những cử tri có đăng ký bỏ phiếu được quyền chọn đại diện tham dự đại hội đảng, thay vì chỉ những đảng viên tích cực tham gia như trong các cuộc họp của hình thức caucus.
Thực chất của giai đoạn tiến cử với các hình thức caucus hay primary là cuộc vận động của các ứng viên, để tranh thủ sự ủng hộ từ phía cá nhân các cử tri. Để từ đó đại diện của những cử tri này sẽ đến dự đại hội đảng bỏ phiếu "chốt hạ" ứng viên cuối cùng ra tranh cử tổng thống.
Chặng cuối
Các đại hội đảng của phe Cộng hòa và Dân chủ thường được tổ chức vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và nội dung chính trong sự kiện này chính là chọn ra ứng viên đại diện của mỗi đảng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Những đại biểu dự đại hội đảng được lựa chọn qua các kỳ bỏ phiếu ở địa phương sẽ chọn ra ứng viên của mình. Tuy nhiên, từ kết quả tổng hợp từ các cuộc bỏ phiếu ở giai đoạn tiến cử, thì đến thời điểm diễn ra đại hội đảng thông thường người ta đã biết rõ ứng viên nào sẽ là người sẽ thắng.

Chặng cuối của cuộc vận động
Sau đại hội đảng, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa và Dân chủ mới bắt đầu trực tiếp đối đầu trong cuộc chạy đua. Họ sẽ chi những khoản tiền khổng lồ cho hoạt động quảng bá và cho một loạt các cuộc vận động ở các bang. Thời điểm này, một trong những hoạt động gây chú ý nhiều nhất là các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên.
Các ứng viên độc lập không thuộc đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ cũng có thể tiến hành tranh luận trên truyền hình nhưng không bắt buộc.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch vận động, các ứng viên sẽ tập trung vào các ''bang giờ chót'', tức các bang mà tại đó người ta vẫn không biết được ứng viên nào sẽ nhận được sự ủng hộ cho tới khi bầu cử diễn ra.
Ngày bầu cử
Bầu cử tổng thống ở Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên trong tháng 11. Về mặt kỹ thuật thì cá nhân các cử tri Mỹ (voter) không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri (Elector), tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia.

Bang đông dân nhất nước Mỹ California cũng là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất: 55 phiếu. Trong khi đó, một số bang nhỏ dân cư thưa thớt chỉ có 3 phiếu đại cử tri. Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiểu 270 phiếu trong Cử tri đoàn.
Cũng vì hệ thống bỏ phiếu này, một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông (popular vote) mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn là được, như trong trường hợp cuộc bầu cử hồi năm 2000 khi ông George Bush thuộc phe Cộng hòa thắng đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ.
Cụ thể năm đó ứng viên Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông George Bush. Tuy hơn, nhưng Al Gore vẫn phải nhường bước cho ông Bush vào Nhà Trắng, bởi ứng viên Cộng hòa này nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu. Bang quyết định chuyện thắng thua này là Florida, nơi mà toàn bộ 25 đại cử tri tại đây bỏ phiếu cho Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng viên chỉ là 537 lá.
Trước đó hơn một thế kỷ, tình thế trên cũng từng xảy ra trong bầu cử tổng thống Mỹ. Năm 1888, ứng viên Benjamin Harrison trở thành tổng thống Mỹ khi giành đa số phiếu đại cử tri trong Cử tri đoàn, trong khi thua đối thủ là Grover Cleveland về số phiếu phổ thông.
Theo BBC
Bầu cử tốn kém
04-11-2008 01:34:05 GMT +7
Vài ngày trước khi cử tri Mỹ đi bầu vị tổng thống (TT) thứ 44, báo chí và các nhà thống kê đã làm “bảng quyết toán” sơ bộ về chi phí của cuộc bầu cử, tính từ giai đoạn bầu cử sơ bộ năm 2007 đến nay.Tính đến cuối tháng 10, ứng viên Barack Obama của Đảng Dân chủ đã quyên góp cho quỹ vận động tranh cử tổng cộng 659,7 triệu USD so với quỹ 238,1 triệu USD của ứng viên Đảng Cộng hòa John McCain.
Tổng mức chi cho cuộc chạy đua đến trước ngày bầu cử của ông Obama là 593,9 triệu USD, hơn gấp đôi mức chi 216,8 triệu USD của đối thủ McCain. Như vậy, ông Obama còn tồn quỹ 65,8 triệu USD và ông McCain còn 21,3 triệu USD. Tính ra, một mình ông Obama đã tiêu tốn hơn cả tổng số tiền chi phí của cả 2 ứng viên Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc vận động tranh cử TT năm 2004. Các nhà thống kê ước tính tổng mức chi phí cho cuộc bầu cử TT năm nay và bầu Quốc hội Mỹ năm 2009 sẽ là 5,3 tỉ USD, tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Báo New York Times dí dỏm: “Tiền bạc có thể không quyết định cuối cùng ai thắng cử. Nhưng cách quyên tiền gây quỹ chi phí của ông Obama đã làm thay đổi nền chính trị Mỹ: từ nay phòng bầu dục Nhà Trắng sẽ chỉ dành cho ai có thể quyên góp được ngân quỹ 10 con số!”.
Có 3 nguyên nhân làm cho bầu cử TT ở Mỹ chi tiêu tốn kém. Thứ nhất, đất nước rộng lớn có 50 bang, ứng viên phải có nhiều tiền mới có thể chu du khắp các bang để vận động cử tri. Thứ hai, tiến trình bầu cử phải qua 2 giai đoạn kéo dài và tiêu hao tiền bạc: bầu cử sơ bộ và bầu cử chính thức. Thứ ba, chi phí quảng cáo để thu hút cử tri vì không có cơ quan truyền thông nào quảng cáo không công cho các ứng viên. Chơi nổi trội nhất từ xưa tới nay, ông Obama đã thuê làm một phim quảng cáo dài 30 phút tung lên 7 kênh truyền hình vào “giờ vàng” ngày 29-10, với chi phí từ 3 – 5 triệu USD. Bộ phim do đạo diễn nổi tiếng Davis Guggenheim, từng đoạt giải Oscar, chỉ đạo dàn dựng những cảnh ông Obama tiếp xúc với các gia đình đại diện cho từng thành phần dân chúng để bàn về các vấn đề bức xúc trong đời sống hiện nay. Trong phim có cảnh ông đứng phát biểu trước quốc kỳ Mỹ tại phòng bầu dục giả. Có hơn 30 triệu người Mỹ đã xem bộ phim này.
Ông Obama đã lập kỷ lục về chi quảng cáo truyền hình 207,4 triệu USD so với 119,9 triệu USD của ông McCain. Số lần quảng cáo ở các bang trong suốt thời gian vận động tranh cử là 145.000 lần, ngắn nhất chỉ vài phút. Nếu tính cả tiền thuê quảng cáo trên báo và pa nô thì tổng mức chi phí là hơn 280 triệu USD... Báo New York Times viết: “Chức TT Mỹ quả là đắt nhất thế giới!”.
Lời cảnh báo từ london
03-11-2008 23:58:33 GMT +7
![]() |
Thượng nghị sĩ Barack Obama |
Các nhà phân tích chính trị trên các phương tiện truyền thông Anh hầu như nhất trí chọn ông Barack Obama làm tổng thống. Trong trường hợp ngược lại, nếu liên danh McCain-Palin đắc cử, họ tiên đoán rằng nước Mỹ sẽ lãnh những hậu quả không mong muốn như đánh mất vai trò và hình ảnh của mình trên chính trường quốc tế
Jonathan Freedland, trên nhật báo The Guardian, nhận định: “Trong lòng tôi không quá lo lắng cho Obama như tôi đã từng có cảm giác này với các ứng viên Đảng Dân chủ John Kerry năm 2004 hay Al Gore hồi năm 2000. Obama là ứng viên tốt nhất, hơn cả hai người tôi vừa kể gộp lại. Hiện nay, mọi dấu hiệu cho thấy cơ hội (thắng cử) của Đảng Dân chủ là lớn nhất kể từ năm 1976. Thế nhưng tôi vẫn không thể xua đi nỗi lo canh cánh trong lòng”.
Thế hệ trẻ Mỹ sẽ yếm thế
Nếu giả dụ như McCain đắc cử thì nước Mỹ sẽ phản ứng như thế nào? Vẫn theo Freedland, nước Mỹ của Đảng Dân chủ một lần nữa sẽ chịu tang và cảm thấy bị hất ra khỏi đất nước của chính mình. Cả một thế hệ trẻ nước Mỹ – những người ủng hộ Obama – sẽ rơi vào tâm trạng yếm thế. Họ sẽ đi đến kết luận rằng chính trị thật ra không đưa họ đi tới đâu cả. Tệ hơn nữa , đông đảo người Mỹ gốc Phi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có một người Mỹ đen trở thành tổng thống Mỹ.
Còn thế giới sẽ phản ứng ra sao? “Đây chính là điều làm tôi kinh hãi nhất” – Freedland viết. Obama đã khiến cả thế giới si mê, điều mà, trong ký ức con người, chưa có chính khách Mỹ nào làm được. Nếu cuộc bầu cử ngày 4-11 diễn ra trên toàn thế giới, phần thắng chắc chắn thuộc về Obama.
![]() |
200.000 người Đức đã đến nghe Obama diễn thuyết ở Berlin |
Tháng 7 rồi, 200.000 người Đức đã đến nghe Obama diễn thuyết tại Berlin không chỉ vì uy tín của ông ta mà còn vì họ biết rằng Obama chống chiến tranh Iraq, thỏa mãn tình cảm của đa số nhân dân thế giới. McCain trái lại ủng hộ cuộc chiến này và rao truyền lời nói dối Saddam Hussein can dự vào cuộc tấn công khủng bố Mỹ ngày 11-9-2001.
Những người không phải là Mỹ cũng biết rằng Obama sẽ tôn trọng những cam kết và các định chế quốc tế khác hẳn McCain muốn biến Liên Hiệp Quốc trở thành một công cụ của Mỹ hay đại loại như vậy. Nếu người Mỹ chọn McCain, họ quay lưng lại với thế giới.
Cho tới nay, tình cảm chống Mỹ đã bị thổi phòng và hiểu sai. Trước hết chống Mỹ là chống Bush, chống lại nhà cầm quyền hiện hữu. Nhưng, nếu McCain đắc cử sẽ khác. Người châu Âu và những người khác có thể kết luận rằng sự bất đồng không chỉ giới hạn ở những người cầm quyền tại Washington mà mở rộng sang nhân dân Mỹ.
Obama và những thách thức
Bài xã luận của tờ Sunday Times số ra ngày 2-11 viết: “Cứ theo tình hình hiện tại dường như cử tri Mỹ sẽ chọn ông Obama vào ngày thứ ba này. Theo quan điểm của chúng tôi, đó sẽ là một sự chọn lựa đúng. Dĩ nhiên, vẫn có một nguy cơ. Trong khi chúng ta biết rõ quá khứ của ông Obama, chúng ta lại không biết trước ông ta sẽ hành động ra sao khi trở thành tổng thống.
Trong chiến dịch tranh cử mệt nhoài này, Obama tỏ ra là một người kiên định, trầm tĩnh và mực thước. Đây là những đức tính quan trọng cần có của một tổng thống. Ông ta không gây thù chuốc oán một cách không cần thiết. Ông ta rút kinh nghiệm nhanh trong lúc đi diễn thuyết. Ông ta có một dàn cố vấn dày dạn trận mạc.
Ông ta cũng chỉ huy chiến dịch tranh cử một cách tuyệt vời. Và trong quá trình này, ông ta tỏ ra mưu mẹo hơn hai thế lực tranh cử ghê gớm là phe Cộng hòa và vợ chồng Bill Clinton. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là ông Obama có được ma lực chính trị rất khó định nghĩa. Đó là khả năng kích động và truyền đạt cảm hứng.
Khi vị thế ông ta càng nhích đến gần Nhà Trắng thì ông ta càng bộc lộ phẩm chất và năng lực của một chính khách tài ba, có chừng mực. Ông ta không giống một chính khách theo chủ nghĩa bảo hộ tả phái và chủ trương tăng thuế theo bản năng mà giống một vị tổng thống tiềm năng biết phải làm gì để kiềm chế bớt những áp lực đó bên trong nội bộ đảng mình.
Dĩ nhiên, tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách to lớn. Tầm mức cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng và những biện pháp mà ông Bush tiến hành trong nhiệm kỳ cuối của mình sẽ làm cho nền tài chính Mỹ bị què quặt trong vài năm tới. Dẫu ông Obama có làm tổng thống trong hai nhiệm kỳ tới đi nữa thì ông ta vẫn phải loay hoay đối phó với di sản tài chính năm 2008 cho đến năm 2016. Ít nhất trong năm đầu ở Nhà Trắng, ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm về một cuộc suy thoái kinh tế vật vã.
(...) Là người mới trên chính trường quốc tế cũng có thể là một điều hay. Ít nhất trong thời gian đầu, ông ta sẽ được đón nhận với nhiều thiện chí lớn lao. Việc làm đầu tiên của ông sẽ là tái lập vị thế lãnh đạo của nước Mỹ, vượt qua sự mất mát về mặt đạo đức lãnh đạo vì sự thất bại của cuộc xâm lăng Iraq và những hậu quả của (nhà tù) vịnh Guantanamo.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề mà ông Obama phải đối mặt dễ làm ông ta nản chí. Ví dụ như làm thế nào để tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” do (cựu bộ trưởng quốc phòng) Donald Rumsfeld và ( phó tổng thống) Dick Cheney thiết kế mà không tỏ ra nhân nhượng những kẻ thù không đội trời chung? Giải quyết cái mớ bòng bong Afghanistan như thế nào? Mối đe dọa hạt nhân của Iran? Sự hiếu động của nước Nga? Thách thức của Trung Quốc và Ấn Độ đối với sức mạnh Mỹ? Mối đe dọa của biến đổi khí hậu?
(...) Ông Obama hứa hẹn một bước khởi động mới. Nếu ông ta thất bại, cái cảm giác vỡ mộng sẽ rất lớn. Ông ta có cơ hội để đem đến sự thay đổi. Hy vọng rằng ông ta sẽ nắm bắt được cơ hội đó”. Bài xã luận của Sunday Times đã gút lại như vậy.
No comments:
Post a Comment