Tuesday, November 11, 2008

Có thể mất cơ hội vì cà vạt màu xanh và tím


Ảnh: Daily Mail.
Ảnh: Daily Mail.

Những người thích cà vạt màu tím thường bị đánh giá là kiêu căng, thích phô trương. Họ có thể thất bại trong một cuộc phỏng vấn xin việc ngay trước khi nói chuyện với nhà tuyển dụng.

Nhiều nghiên cứu trước đây khẳng định màu sắc và kiểu dáng của cà vạt có thể nói lên nhiều điều về tính cách của người đàn ông.

Peckham Rye, một công ty sản xuất cà vạt của Anh, thuê các chuyên gia tâm lý thăm dò ý kiến của 2.000 nam giới về màu sắc cà vạt mà họ ưa thích, cảm giác khi đeo chúng và suy nghĩ của họ về cà vạt của những người khác. Những người tham gia cũng được hỏi về những chiếc cà vạt mang lại cho họ nhiều may mắn nhất.

Kết quả cho thấy những người thích cà vạt màu tím thường bị đánh giá là kiêu căng, lòe loẹt và cầu kỳ. Trong những cuộc phỏng vấn xin việc, các nhà tuyển dụng có xu hướng loại ứng cử viên đeo cà vạt tím ngay trước khi anh ta ngồi xuống.

Những chiếc cà vạt màu xanh lục cũng gây nên cảm giác khó chịu với người xung quanh. Cà vạt màu hồng nên được bỏ lại trong tủ quần áo vì chúng chỉ thích hợp với những anh chàng ủy mị - đối tượng luôn tìm kiếm sự cảm thông hoặc ngưỡng mộ từ người khác.

Bất kỳ ai nghĩ rằng cà vạt nhiều họa tiết hoặc lắm màu sắc sẽ giúp họ chiếm được cảm tình của người khác cũng nên nghĩ lại.

Cà vạt kẻ sọc lớn hoặc nhiều chấm tròn to cũng gây cảm giác khó chịu ở người khác, nhất là khi chúng được gắn với một chiếc áo sơ mi kẻ sọc.

Các chuyên gia tâm lý nhận xét rằng, nhìn chung những người đeo cà vạt đều muốn có một diện mạo thể hiện rằng họ quan trọng, quyến rũ hoặc dễ gần.

Theo các nhà nghiên cứu, việc chọn cà vạt nên được coi trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chấn động vì khủng hoảng tài chính, nhất là đối với những người muốn tìm việc làm. Những màu sắc nên được ưu tiên gồm đỏ, vàng, nâu sẫm vì chúng khiến người khác nghĩ rằng bạn là người kiên định, có ảnh hưởng, điềm đạm và tôn trọng người khác.

V.L (theo Daily Mail)



Căng thẳng có thể gây ngứa

Ảnh:
Ảnh: ocsupport.org.uk.

Stress kích hoạt tế bào miễn dịch ở da chuột khiến chúng cảm thấy ngứa ngáy. Cơ chế tương tự có thể xảy ra ở người.

Ngứa vẫn là một hiện tượng bí ẩn đối với giới khoa học. Do lớp da là "phòng tuyến" đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lây nhiễm nên đó là nơi các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus. Mặc dù vậy, đôi khi tế bào miễn dịch ở da phản ứng thái quá, dẫn đến các bệnh viêm nhiễm ngoài da như viêm da, vẩy nến.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái căng thẳng, lo âu có thể gây nên nhiều bệnh, từ cảm cúm tới ung thư.

Theo tiến sĩ Petra Arck của Đại học Y khoa Berlin (Đức), stress có thể khiến bệnh ngoài da trở nên trầm trọng bằng cách tăng số lượng bạch cầu. Để kiểm tra giả thiết này, Petra cùng các cộng sự gây căng thẳng ở chuột rồi theo dõi hàm lượng bạch cầu ở da của chúng. Kết quả cho thấy số lượng bạch cầu tăng lên khi chuột bị stress và chúng chạy lung tung vì ngứa. Trong thử nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu vô hiệu hóa hai protein có chức năng thu hút bạch cầu tới da có tên là LFA-1 và ICAM-1. Họ nhận thấy số lượng bạch cầu vẫn tăng lên khi chuột rơi vào trạng thái căng thẳng.

"Điều này chứng tỏ stress đã kích hoạt tế bào miễn dịch, tạo điều kiện cho các bệnh ngoài da phát triển và làm trầm trọng hơn các bệnh ngoài da sẵn có. Cơ chế tương tự có thể xảy ra ở nhiều động vật, trong đó có con người", nhóm nghiên cứu kết luận.

Việt Linh (theo Livescience)

No comments: