Wednesday, November 5, 2008

Chiến thắng của Obama: 3 bài học cho giới kinh doanh

04:18' 06/11/2008 (GMT+7)

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Barack Obama của đảng Dân chủ. Và trong khi chúng ta tin John McCain là một công dân Mỹ tuyệt vời với cương lĩnh tranh cử về kinh tế của ông phù hợp hợp hơn với kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực tự do thương mại, chính sách thuế và tạo công ăn việc làm, chúng ta cùng đặt hy vọng vào tân Tổng thống Barack Obama.

Nếu quan điểm là một nước Mỹ dành cho mọi người như ông đã từng cam kết một cách mạnh mẽ, thì chắc chắn nó sẽ phục vụ lợi ích của hàng triệu những chủ doanh nghiệp nhỏ làm việc chăm chỉ và các doanh nhân đang đóng góp tích cực cho sức mạnh và tương lai của nước Mỹ.

(Ảnh AP)


Đủ về chính trị

Bài báo này nói về những bài học mà các lãnh đạo doanh nghiệp có thể rút ra từ thất bại của McCain và chiến thắng của Obama. Bởi vì thậm chí với những khác biệt giữa một chiến dịch tranh cử và một công ty, ba nguyên tắc lãnh đạo quan trọng chồng chéo lên nhau. Và dựa trên những nguyên tắc này mà chiến thắng tuyệt đối của Obama đã được hình thành.

Bắt đầu với nguyên tắc lớn nhất của lãnh đạo: một tầm nhìn rõ ràng và nhất quán. Nếu bạn muốn kích động mọi người bạn không thể chỉ đơn giản lặp lại thông điệp của mình. Bạn cũng không thể gây bối rối hay làm người khác sợ. Ví dụ, chính sách y tế của McCain thực sự rất tốt. Nhưng những gì ông nói về nó là quá đỗi phức tạp.

Ít sai lầm

Trong khi đó, thông điệp của Obama rất đơn giản và mạnh mẽ. Ông nói về những thất bại của George W. Bush. Ông nói về những thay đổi, hy vọng và y tế cho mọi người. Hết lần này tới lần khác ông đã vẽ nên một bức tranh của tương lai mà điều đó làm mọi người hứng thú. Ông cũng đưa ra một ví dụ hoàn hảo cho các lãnh đạo doanh nghiệp: bám chặt vào một số điểm nhất định, lặp lại chúng liên tục và thu hút mọi người.

Nguyên tắc lãnh đạo tiếp theo nghe có vẻ quen thuộc: sự điều hành. Trong cuốn sách đầu tiên của cùng tác giả, Larry Bossidy và Ram Charan đã đưa ra một trường hợp mà việc điều hành không phải là điều duy nhất một người lãnh đạo cần để có quyết định đúng nhưng không có nó sẽ là một vấn đề. Cuộc bầu cử lần này đã chứng minh cho quan điểm của họ. Trong gần 2 năm chạy đua khốc liệt nhóm vận động tranh cử của Obama phạm rất ít sai lầm. Từ lúc bắt đầu, các cố vấn tốt nhất của ông, và những trợ thủ của ông luôn được chuẩn bị, nhanh nhẹn và ở đâu cần thì họ có mặt. Ngược lại, nhóm vận động của McCain, tỏ ra khập khiễng do thiếu tính gắn kết của các cố vấn và ít tiền hơn, đã không thể cạnh tranh nổi với đối thủ.

Một bài học khác về sự điều hành, có lẽ lớn hơn, có thể rút ra từ việc ông Obama vượt qua bà Hillary Clinton trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Bà nghĩ bà có thể giành thắng lợi theo cách cũ bằng cách tập trung vào những bang lớn như New York, Ohio, California và nhiều bang khác. Ông ấy lại đưa ra một công thức bất ngờ khác để giành lợi thế, thường không được lưu tâm trong các cuộc họp kín.

Nhiều đồng minh có vị trí cao

Sự tương thích doanh nghiệp không thể giống nhau. Vì thường các công ty nghĩ rằng họ đã gắn chặt với sự điều hành bằng một “lộ trình định sẵn” cũ kỹ rồi hoàn thiện nó. Nhưng việc giành chiến thắng trong sự điều hành nghĩa là bạn đã có một lộ trình hoàn hảo và việc tìm ra các khách hàng mới và mở rộng thị trường. Bạn không thể đánh bại đối thủ của mình bằng những qui tắc cũ kỹ; để trưởng thành bạn phải nghĩ ra trò chơi mới và đánh bại đối thủ của mình bằng chính trò chơi đó.

Cuối cùng, cuộc bầu cử lần này đã làm tăng giá trị của bạn bè ở những vị trí quan trọng. Ngay từ đầu, Obama đã giành được sự ủng hộ của truyền thông mà giới này thường làm giảm những tranh cãi liên quan tới ông ấy. Trong khi đó, sau cuộc bầu cử sơ bộ, ông McCain bắt đầu có những bước khởi động. Cuối cùng, không ai có phủ nhận rằng quan hệ của ông Obama với giới truyền thông đã tạo nên sự khác biệt.

Với tư cách là một lãnh đạo doanh nghiệp, bạn không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của ban lãnh đạo. Mỗi lần bạn cố gắng đưa ra một sự thay đổi, một số người khác sẽ phản đối. Họ có thể chống đối bạn trong các cuộc họp, thông qua báo chí, hay với sự lẩn tránh đối đầu với bạn. Và bạn sẽ cần bày tỏ quan điểm của mình trên tất cả những điều nêu ở trên. Nhưng sau cùng nếu ban lãnh đạo của bạn ủng hộ bạn thì bạn có thể chuyển bại thằng thắng.

Đó là lý do tại sao bạn cần phải bắt đầu bất kì sáng kiến lãnh đạo nào với “những người bạn cao cấp” thân cận với bạn, thuyết phục họ bằng cá tính và chính sách của bạn. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Nếu bạn muốn duy trì ban lãnh đạo như đồng minh của mình, bạn đừng làm họ ngạc nhiên. Hãy nghĩ về việc lựa chọn phó tướng của McCain, bà Sarah Palin. Góp nhặt mọi thứ để tạo thành câu chuyện, giới truyền thông đã không bị bất ngờ.

Chắc chắn các chuyên gia sẽ phân tích kỹ cuộc bầu cử này trong những năm tới. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp có thể rút ra những bài học ngay từ bây giờ. Bạn có thể có những ý tưởng chiến thắng nhưng bạn cần nhiều hơn thế để giành chiến thắng trong một cuộc chơi.

  • Nhật Vy (Theo Business Week, Time)

    Phân tích nguyên nhân chiến thắng của Obama
Tân Tổng thống Obama.

Cách đây 2 năm, cái tên Barack Obama vẫn còn rất mờ nhạt trên chính trường nước Mỹ. Nhưng với một chiến dịch tranh cử nhạy bén, thông minh, được tổ chức tốt; một khoản tiền tranh cử kỷ lục và một môi trường chính trị thuận lợi, Thượng nghị sĩ nhỏ nhoi của bang Illinois đã vươn lên vị trí quyền lực nhất thế giới.

Chiến dịch tranh cử của Obama sẽ là một khuôn mẫu cho những ai muốn trở thành người thay thế ông sau 4 năm nữa.

Ngay cả các chiến lược gia của Đảng Cộng hoà - đối thủ của ông Obama – cũng phải thừa nhận chiến dịch tranh cử của ông Obama là hoàn hảo.

Tiền là yếu tố then chốt. Ông Obama đã xây dựng được một mạng lưới những nhà tài trợ rộng khắp cả nước qua các cuộc bầu cử sơ bộ. Vì thế, ông đã từ chối những khoản đóng góp công để không phải chịu giới hạn quyên góp tiền như đối thủ McCain của mình.

Một đội ngũ đông đảo những người hậu thuẫn

Với sự giúp đỡ của người sáng lập ra Facebook - Chris Hughes - người đã vô cùng sáng tạo khi nghĩ ra cách quyên tiền tranh cử qua Internet - chiến dịch tranh cử của ông Obama cuối cùng đã thu hút được hơn 3 triệu nhà tài trợ. Họ đã đóng góp cho ông khoảng 650 triệu USD – lớn hơn khoản tiền quyên góp được của cả hai ứng cử viên tổng thống cộng lại trong mùa bầu cử năm 2004.

Ông Obama đã quyên góp được số tiền lớn gấp 4 lần của McCain và nhận được sự ủng hộ của một đội ngũ đông đảo những nhân viên chiến dịch tranh cử và những người tình nguyện. Họ đã phát triển và khai thác một cơ sở dữ liệu các thông tin khổng lồ về những nhà tài trợ và cử tri tiềm năng ở mỗi bang.

Bất kỳ ai “ghé” qua website của Obama đều được yêu cầu đăng ký tên và cung cấp thông tin. Và bất kỳ ai làm việc này thì đều được kêu gọi đóng góp tiền hoặc làm những công việc tình nguyện khác. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn sau đó, kêu gọi họ đóng góp thêm tiền và thêm sự giúp đỡ.

Chiến dịch gây quỹ ấn tượng lấy gốc từ dân kiểu như trên đã giúp ông Obama có thể trang bị đầy đủ cho mình trong “cuộc chiến truyền hình” với McCain.

Quảng cáo trên truyền hình là nhân tố quyết định của một chiến dịch tranh cử do sức lan toả rộng khắp của nó. Và ông Obama không hề gặp khó khăn khi mua giờ phát sóng trên các hãng truyền hình nổi tiếng.

Chiến dịch tranh cử vượt trội

Trong những tuần cuối cùng trong chiến dịch tranh cử, ông Obama đã chi tiền nhiều hơn ở tỉ lệ 4/1 so với ông McCain ở một số bang dao động. Nhóm tranh cử của ông còn tiếp tục khai thác Internet, đưa các quảng cáo tranh cử của ông Obama lên mạng.

Họ thậm chí còn mua các vị trí trống ở trên các trò chơi video để đưa quảng cáo lên đó. Ông Obama còn đủ nguồn lực để tiến hành chiến dịch tranh cử ở những bang gọi là “pháo đài” của Đảng Cộng hoà, buộc ông McCain phải dàn trải nguồn lực hạn chế của mình, khiến ông này không còn đủ lực cho các bang dao động.

Ngoài ra, nhóm tranh cử của ông Obama còn rất thông minh trong việc thúc đẩy cử tri đi thực hiện quyền của mình. Họ đã thêm vào hơn 300.000 người cho danh sách cử tri của riêng bang Florida . Nhận ra rằng với nhiều người đi bỏ phiếu cùng lúc, các điểm bỏ phiếu có thể sẽ quá đông, khiến các cử tri phải đợi lâu dẫn đến nản lòng, nhóm tranh cử của ông Obama đã đặt ưu tiên cho việc bỏ phiếu sớm ở những bang được phép. Kết quả là số cử tri đi bỏ phiếu sớm đã đạt mức kỷ lục – hơn 29 triệu cử tri ở 30 bang.

Tất cả những biện pháp trên đã phát huy hiệu quả, tất nhiên là bởi vì sức hấp dẫn của Barack Obama với tư cách là một ứng cử viên. Ông là một nhà hùng biện siêu việt – người có thể giao thiệp và thuyết phục đám đông giống như cựu Tổng thống Bill Clinton trước đây.

Hình ảnh của ông Obama cũng rất ổn: một người đàn ông tự lập có một gia đình hạnh phúc với một ngôi nhà và một chiếc xe hơi. Hình ảnh đó hoàn toàn đối lập với Thượng nghị sĩ John McCain, người đã ly dị người vợ đã chờ đợi ông qua suốt cuộc chiến tranh Việt Nam để cưới một nữ tỉ phú và không thể nhớ mình có bao nhiêu ngôi nhà.

Ứng cử viên chống Bush

Thượng nghị sĩ Obama có thể kết nối sâu sắc hơn với nhiều khối cử tri khác nhau. Ông gây ấn tượng với những cử tri trẻ tuổi, thuyết phục được các cử tri có nguồn gốc Do Thái, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - những người luôn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà trong quá khứ, và tất nhiên là giành được tình cảm của những cử tri da đen.

Thông điệp nhất quán, duy nhất của ông Obama về sự thay đổi có sức thu hút đặc biệt đối với cử tri khi cứ 10 người Mỹ được hỏi thì có 9 người tin rằng đất nước “đang đi sai đường".

Ông Obama cũng dễ dàng có thể đặt ông vào vị trí một ứng cử viên chống Bush. Uy tín của Tổng thống Bush đã sụt giảm nghiêm trọng, xuống thấp hơn cả tỉ lệ ủng hộ dành cho tổng thống bị xa lánh như Richard Nixon. Thông điệp mà ông Obama liên tục đưa ra là John McCain đã ủng hộ Bush trong gần 90% thời gian ông này cầm quyền.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy nhiều người tin tưởng ông Obama có thể ổn định nền kinh tế tốt hơn là ông McCain. Và cơn bão tài chính ập xuống đã đem lợi nhiều lợi thế chính trị cho ông Obama. Đây chính là môi trường thuận lợi giúp ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ngoài ra, ứng cử viên Obama cũng liên tục cam kết sẽ giúp đỡ những người nghèo khổ nhất sau 8 năm lãnh đạo của Tổng thống Bush. Cam kết này thích hợp hơn trong thời điểm hiện nay, đối lập hẳn với cam kết cắt giảm thuế làm lợi cho người giàu của ông McCain.

Làm lu mờ lợi thế của đối thủ

Lợi thế lớn nhất của ông McCain so với ông Obama được xem là sức mạnh chính trị do ông này đã từng là một anh hùng chiến tranh và có kinh nghiệp nhiều thập kỷ về đối ngoại.

Tuy nhiên, ứng cử viên Obama đã tỏ ra rất khôn ngoan khi làm lu mờ lợi thế này của ông McCain bằng cách lựa chọn chuyên gia đối ngoại kỳ cựu - Thượng nghị sĩ Joe Biden, làm bạn liên danh để bù đắp cho sự thiếu hụt kinh nghiệm của ông.

Đồng thời, ông Obama cũng nhấn mạnh rằng khả năng phán đoán, suy xét quan trọng hơn kinh nghiệm.

Ông Obama đã kêu gọi đưa ra lịch trình rút quân khỏi Iraq, bảo vệ biên giới Afghanistan bằng các cuôc tấn công vào bên trong lãnh thổ Pakistan khi được yêu cầu và đàm phán với các kẻ thù của Mỹ. Chậm rãi và dần dần, chính quyền Bush đã chấp nhận những ý tưởng trên. Trong khi đó, ứng viên McCain lại trở nên tự cô lập mình khi tiếp tục phản đối những ý kiến này.

Trên đây là tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” giúp ứng cử viên Obama giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ McCain để trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ và là tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Khác biệt là sức mạnh

Nhưng trên hết, ngay cả thế mạnh cao nhất của ông McCain với tư cách một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế hàng chục năm cũng đã bị lu mờ. Lựa chọn của ông Obama về người liên danh vào chức vụ ứng viên Phó tổng thống, chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu, Thượng nghị sĩ Joe Biden, đã thu hẹp khoảng cách kinh nghiệm. Ông Obama cũng nhấn mạnh khăng khăng rằng quan điểm đánh giá còn quan trọng hơn kinh nghiệm và suốt quá trình chiến dịch tranh cử, các đồng thuận chính trị về khía cạnh này ở công chúng có vẻ đã chuyển dịch dần sang quan điểm này của Obama.

Ông Obama đã kêu gọi thiết lập một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi Iraq, bảo vệ các biên giới của Afghanistan bằng việc tiến hành các cuộc tấn công nằm bên trong lãnh thổ Pakistan khi được yêu cầu và tiến hành đối thoại với các kẻ thù của Hoa Kỳ. Và rồi một cách chậm rãi và lặng lẽ, chính Chính quyền của ông Bush đã phải đi tới chấp nhận các quan điểm trên của ông Obama, và trong ông John McCain thì đã ngày càng bị cô lập hơn khi tiếp tục phản đối ông Obama.

Ông Barack Obama còn nói ông không "trông giống như các vị Tổng thống khác được in hình trên đồng đôla." Mặc dù đây là một ngụ ý về mầu da của mình, ông Obama đã tỏ ra có nhiều khác biệt so với các tầng lớp chính trị quý tộc truyền thống, và trong một năm mà nhiều người Mỹ khao khát đổi mới, những khác biệt này đã trở thành một phần sức mạnh của ông Obama.

BBC

Hải Yến - (Theo BBC, CNN)

“Giấc mơ Mỹ” đã thành hiện thực


Tân Tổng thống Obama.

Lịch sử sẽ nhớ đến Barack Obama vì sự thay đổi mà ông đã mang lại cho thế giới. Với tư cách là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Obama đã viết lên một chương mới trong lịch sử lâu đời của nước này.

Obama sinh năm 1962 tại Hawaii . Cha của Obama là một người gốc Kenya , giành được học bổng sang Mỹ học và cưới một phụ nữ da trắng làm vợ. Tuy nhiên, do cuộc hôn nhân không hạnh phúc nên cha Obama đã bỏ hai mẹ con khi Obama mới chỉ là cậu bé 2 tuổi. Obama theo mẹ sang Indonesia . Cuộc sống của họ rất thiếu thốn, khổ sở. Obama đã từng phải lang thang trên đường phố, đánh nhau, thậm chí đã sử dụng cả cocain lẫn hút cần sa. Tuy nhiên, Obama không vì thế mà rơi vào cuộc đời tăm tối.


Sau khi quay về Hawaii , Mỹ, Obama đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Với nỗ lực phi thường và ý chí quyết tâm của mình, Obama đã tốt nghiệp Đại học Columbia danh tiếng với bằng cử nhân chính trị học chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Ông tiếp tục sự nghiệp học hành ở khoa Luật tại Havard rồi trở thành người phụ trách da đen đầu tiên được bầu làm Chủ tịch tạp chí Harvard Law Review trong lịch sử hơn 100 năm của Harvard. Ra trường, ông quay trở lại vùng người nghèo ở Chicago với tư cách luật sư để bênh vực cho những đồng bào cùng màu da. Rồi ông trở thành Thượng nghị sỹ của bang Illinois vào năm 1996 và giữ cương vị đó 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Obama là Thượng nghị sĩ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Mỹ và là Thượng nghị sĩ da màu duy nhất hiện nay trong Thượng viện Hoa Kỳ. Tạp chí “Newsweek” đã từng bầu chọn ông là “Nhà chính trị đáng chú ý nhất năm 2005”.


Với chiến thắng lịch sử ngày hôm nay, người ta có thể nói đến một câu chuyện cổ tích mang tên Obama: từ một anh chàng nghèo thuộc tầng lớp thấp của xã hội vươn lên thành một "Hoàng đế" tại một trong những đất nước quyền lực nhất thế giới.


Mặc dù khi bắt đầu bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống, nhiều người dự đoán ông không thể có khả năng vượt qua được bà Hillary để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ chứ đừng nói đến việc trở thành tổng thống của nước Mỹ. Ông bị đánh giá là còn non nớt, thiếu kinh nghiệm trên chính trường. Tuy nhiên, với tài ăn nói và phong cách của một luật sư đã giúp ông Obama chiếm được cảm tình của các cử tri. Nhưng điều quan trọng hơn cả khiến cử tri Mỹ nghiêng hẳn về Obama chính là việc ông đã đánh trúng vào khao khát thay đổi của họ. Trong bối cảnh người dân Mỹ đang chán ngán với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng, với những cuộc chiến tranh kéo dài mãi không kết thúc và với uy tín, hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế giảm sút nghiêm trọng, một khẩu hiệu tranh cử tập trung vào "Sự thay đổi" của ông Obama đã làm nên chuyện lớn. Ông Obama lần lượt đánh bại những đối thủ nặng ký như cựu Đệ nhất phu nhân Hillary, rồi hôm nay là đến Thượng nghị sĩ có uy tín nhất trong Đảng Cộng hoà John McCain, để trở thành một tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.


Có thể nói, đây là mốc thời gian lịch sử vô cùng đáng nhớ không chỉ đối với một ứng cử viên da màu như Obama mà với cả nước Mỹ. Hình ảnh Obama xuất hiện khắp nơi, trên mọi phương tiện truyền thông. Và mỗi lần xuất hiện Obama đều được đám đông người ủng hộ cuồng nhiệt đón chào, bất kể đó là người ở màu da nào, tầng lớp nào. Obama cũng chính là người đầu tiên phá vỡ bức tường định kiến màu da, vốn là rào cản khó vượt đối với nhiều thế hệ chính khách da màu Mỹ trước đây.

Cũng phải thừa nhận rằng chiến thắng của ông Obama có phần may mắn. Ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính, một dấu hiệu bộc lộ rõ nét sự yếu kém trong khả năng quản lý nền kinh tế của Đảng Cộng hoà, đã xuất hiện quá đúng lúc khi mà hai ứng cử viên tổng thống đang có cuộc đua sát nút, chưa phân thắng bại. Cơn bão tài chính ngay lập tức đã đem lại lợi thế to lớn cho ứng cử viên Obama. Tuy nhiên, dù có may mắn, cái tên Obama đã đánh dấu một sự kiện lịch sử không thể nào quên.


Hải Yến

No comments: