Tuesday, May 20, 2008

Trước quyết định mang tầm vóc lịch sử


Thứ Ba, 20/05/2008 --- cập nhật 10:07 GMT+7


Ngày 19.5, QH đã thảo luận về việc mở rộng địa giới thủ đô. Đây là vấn đề hệ trọng của đất nước, mang tầm vóc lịch sử lớn lao, chính vì thế, các ý kiến thảo luận tại hội trường hết sức sôi nổi, và đã thể hiện rõ những trăn trở và trách nhiệm của các ĐBQH trước đất nước, trước dân tộc...

Trăn trở trước trách nhiệm lịch sử

Theo đề án mở rộng Hà Nội, hồ Tây sẽ trở thành trung tâm của thủ đô.
Rất trăn trở trước một quyết định hết sức to lớn mang tính chất lịch sử mà nhiều ĐBQH cho rằng có ý nghĩa như một "Chiếu dời đô". ĐB Ngô Văn Minh đề nghị: "Cần phải làm rõ ưu điểm cũng như những hạn chế của nội hình thủ đô đa chức năng hay là thủ đô đơn chức năng mà trong báo cáo của Chính phủ nói chưa rõ. Tại sao Hà Nội lại phải là loại thủ đô đa chức năng mà không phải là thủ đô đơn chức năng hoặc ngược lại".

ĐB Minh đưa ra các số liệu về thủ đô các nước để cho thấy việc mở rộng thủ đô Hà Nội với quy mô, dân số như vậy là quá lớn: "GDP của Mỹ là nước đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 122 trong khi đó diện tích của Washington D.C chỉ có 158km2, bằng một quận, trong khi dân số của cả nước Mỹ đứng thứ 3 thế giới với hơn 300 triệu người. Nếu Hà Nội mở rộng như đề án sẽ là thành phố rộng thứ 11 thế giới, là thủ đô đứng 2 thế giới về diện tích, chỉ sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, Mátxcơva, London... gấp 4 lần Bắc Kinh - thủ đô của nước đông dân nhất thế giới".

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Dân số - Gia đình - Thanh thiếu niên, nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết lại trăn trở: "Diện tích của Hà Nội hiện nay gấp 1,5 nước Singapore, mà Singapore chỉ diện tích như thế người ta đã xây dựng được một đất nước công nghiệp đàng hoàng không thua kém gì các nước Âu Mỹ. Bây giờ mình nhà chật do mình bày biện kém, người ta nói "vụng múa thì lại chê đất lồi", bây giờ mình lại nói nó chật quá thì tại sao mình lại không sắp xếp lại để cho nó không chật!".

Cuối cùng ĐB Thuyết đề nghị: "Đây là việc hết sức quan trọng, nó mang tầm vóc lịch sử, QH phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về quyết định lần này của mình".

ĐB Nguyễn Lân Dũng góp ý: "Giữa lúc trình độ quản lý thủ đô chưa mở rộng và biết bao lúng túng bất cập như vậy thì khi mở to ra liệu năng lực quản lý có đảm đương được hay không? Lẽ nào đến tận năm 2050 mà thủ đô Hà Nội vẫn còn 4 triệu cư dân nông thôn, Sóc Sơn về Hà Nội bao lâu rồi mà sao vẫn còn nghèo đói như vậy, nay lại gộp to như vậy liệu có ổn không hay lại phải tách ra như các tỉnh trước đây?".

Nhà hát lớn Hà Nội - Một trong những công trình văn hoá tiêu biểu của Hà Nội.


Mở rộng để xây dựng thủ đô to đẹp hơn

Có lẽ do có đầy đủ thông tin nên hiếm thấy phiên thảo luận nào nhiều ĐBQH hiện đang giữ chức bộ trưởng phát biểu hăng hái như ở phiên thảo luận này. ĐB Hồ Nghĩa Dũng (Bộ trưởng Bộ GTVT) đưa ra hiện trạng giao thông đô thị của Hà Nội như: Tiêu chí quốc tế về tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị khoảng từ 22-24% trong khi đó Hà Nội của chúng ta tỉ lệ quỹ đất này dành cho giao thông mới ở khoảng 7%.

Về mật độ diện tích dành cho giao thông tính theo đầu người Hà Nội chỉ bằng 10% so với các nước. Số kilômét đường giao thông trên 1.000 bằng 30% so với các nước.. Cuối cùng ông Dũng đề nghị: Nếu được điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội mở rộng sẽ có những yếu tố rất thuận lợi trong việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải mở rộng địa giới thủ đô, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông Lê Doãn Hợp giải thích: Một số đại biểu lo ngại sau khi hợp nhất về thủ đô, nền văn hoá quê lụa, thôn Đoài, các di tích văn hoá lịch sử dễ bị xuống cấp và mai một.

Theo tôi hiểu, văn hoá truyền thống luôn luôn gắn liền với con người và vùng đất nơi sản sinh ra nó tiếp tục được giữ gìn, nâng cấp, tôn vinh bắt đầu từ mỗi gia đình, dòng họ, làng quê, thôn xóm, văn hoá không lệ thuộc nhiều vào không gian và đơn vị hành chính.

Vì lẽ đó khi Hà Tây, Mê Linh về thủ đô điều kiện đầu tư sẽ thuận lợi hơn, và phát huy cao các giá trị văn hoá trên toàn lãnh thổ phong phú, đa dạng, đủ sắc màu, làm cho văn hoá mỗi vùng quê dân tộc được phát huy, thống nhất trong văn hoá đa dạng và đa sắc màu của thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ĐBQH tỉnh Nam Định) khẳng định: Chính phủ đã làm đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tuy nhiên quá trình soạn thảo dự thảo mở rộng địa giới thủ đô có một số nội dung còn quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm, ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ, khắc phục độ lõm v.v...

"Với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận khuyết điểm về việc đã không soát xét kỹ để có những sai sót như trên, kính mong Quốc hội chấp thuận. Tuy nhiên những chi tiết thiếu sót trên không làm thay đổi nội dung của tờ trình, việc mở rộng địa giới là rất cần thiết"- ông Tuấn chốt lại.

Các ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Hà Hùng Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp).... cũng đã bày tỏ sự nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và cho rằng cần thiết phải mở rộng để xây dựng một thủ đô đàng hoàng và to đẹp hơn. ĐB Vũ Văn Hiến cho rằng, QH cần phải sớm thông qua nếu không sẽ thành "quy hoạch treo" cả một tỉnh.

Tổng kết phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm như chúng ta vẫn thường nói, các ĐB cũng còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên QH gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu với 3 nội dung, mong các vị đại biểu suy nghĩ, cân nhắc kỹ và tỏ chính kiến của mình để thư ký kịp tổng hợp đề nghị Chính phủ chuẩn bị giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc nhất. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định các bước sau".

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Thực tiễn đặt ra phải mở rộng. "Đề án đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước là trên 100 triệu người và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu người, khác với một thủ đô một nước như ở Singapore cũng chỉ có 3 triệu đến 5 triệu người.

Tầm nhìn lâu dài này đã xác định theo truyền thống, thủ đô là một thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính, gắn liền với nó là văn hóa - giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại, nó diễn ra các sự kiện lớn...

Thực tiễn thủ đô hiện nay của chúng ta không đáp ứng được cả về kết cấu hạ tầng, cả về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp cũng như xây dựng và quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội. Cho nên từ thực tiễn đặt ra phải mở rộng... Đây là một quá trình làm lâu dài để chúng ta xây dựng một thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo ý tưởng của Bác để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...

Tôi đề nghị Quốc hội, trong kỳ họp này, chúng ta thông qua chủ trương về địa giới hành chính, trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho Chính phủ tổ chức thực hiện, tổ chức bộ máy, làm quy hoạch trình ra Quốc hội để xem xét, quyết định cụ thể hướng lâu dài trong tương lai 20 năm, 30 năm, 50 năm và lâu dài hơn nữa cho thủ đô của chúng ta, từ đó có kế hoạch xây dựng.

Quốc hội quyết định được thì Chính phủ mới làm được. Còn không thể nói là dừng lại, như vậy sẽ rất phức tạp và công tác tư tưởng sẽ rất khó khăn, chưa nói là sự ngừng trệ về hoạt động của các tỉnh, thành phố mà chúng ta đang dự kiến". Sơn Đà ghi

No comments: