Thị trường béo bở Giải trí chỉ là ngành công nghiệp mới nhất thu lợi nhuận từ dòng chảy tiền tệ từ Trung Đông. Các câu lạc bộ thoát y và sòng bài có thể bị luật Hồi giáo cấm đoán, nhưng các nhà đầu tư Ả rập đã tiêu tốn ít nhất 10 tỷ USD cho các địa chỉ Hollywood và Las Vegas hạng “top” vào năm ngoái. Hãng phim Universal và Công ty phát triển bất động sản Tatter của Dubai đang xây dựng một công viên giải trí với số vốn 2,2 tỷ USD; hãng Warner Brothers và Aldar (công ty bất động sản lớn nhất của Abu Dhabi – thành phố lớn nhất ở UAE) đã triển khai hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để xây dựng một trường quay lớn khác ở địa phương và đồng sản xuất một loạt phim, trò chơi video bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả rập. Không chỉ muốn hồi vốn, các tay chơi Ả rập còn đang tìm kiếm chuyên gia, phần mềm và cả tính hợp pháp của văn hóa toàn cầu với những “đại gia” của làng giải trí thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn xây dựng những trung tâm giải trí quốc tế nhằm thu hút khách du lịch, giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ của khu vực giàu năng lượng này. Vùng Vịnh vốn kiêu hãnh với những điểm đến như The World, quả cầu nhân tạo gồm những hòn đảo nhỏ và những kế hoạch xây phiên bản Ả rập của bảo tàng Louvre (Paris) và Guggenheim (New York). Theo nhà truyền thông Mỹ Harold Vogel, với việc bắt tay các ông trùm truyền thông Mỹ, một phần lãi của các khoảng đầu tư này nằm ở chuyên gia kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng “các ngành công nghiệp giải trí bản địa”. Thực tế là thế giới Ả rập với 60% dân số dưới độ tuổi 25 đang trở thành một thị trường béo bở. Công ty tư vấn kiểm toán PriceWaterhouseCoopers dự báo, trong 5 năm tới, thị trường truyền thông và giải trí của vùng Ả rập sẽ tăng gần 60%, lên tới 10 tỷ USD hàng năm – vượt qua mức tăng trưởng ở những thị trường như Brazil và Nga. Tháng 12 này, tập đoàn truyền thông Mỹ Viacom và Tập đoàn Truyền thông Ả rập (AMG) của Dubai sẽ khai trương kênh MTV Ả rập cho 35 triệu hộ gia đình. Và Showtime Arabia, mạng lưới truyền hình trả tiền lớn nhất ở Trung Đông và Bắc Phi, đã có kế hoạch mở rộng các chương trình talk show và kịch nhiều tập bằng tiếng Ả rập. Không ít hoài nghi Trước sự đổ bộ của các tập đoàn truyền thông Mỹ, không phải các dự án đều suôn sẻ. Hợp đồng của Dubai với MGM được nhìn nhận như một sự lựa chọn kinh doanh có chọn lọc do thị trường đánh bạc Las Vegas trở nên “nóng” một cách khác thường, nhưng lòng tự trọng luôn đóng vai trò ở Las Vegas. “Nếu bạn thuộc dòng dõi Hoàng tộc Trung Đông, thật dễ nói rằng: “Lần tới ông ở Las Vegas, tôi sẽ chào đón ông tại khách sạn 5 sao của tôi”, chuyên gia về công nghiệp khách sạn Chris Daly nói. Và nhiều chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng duy trì những công viên giải trí khổng lồ của Dubai hay Abu Dhabi. “Thật là một trò bịp bợm khi nghĩ rằng họ có thể ủng hộ những dự án trị giá vài tỷ USD”, ông Dennis L. Speigel, Chủ tịch Dịch vụ Công viên Giải trí Quốc tế (ITPS) từng hợp tác với cả Universal và Paramount nói. Ông lưu ý rằng Hong Kong Disneyland, khoản đầu tư 3 tỷ USD với 5 triệu lượt khách mỗi năm, vẫn chưa hoàn vốn. “Những công viên giải trí cần một thị trường địa phương cốt lõi để thành công. Thậm chí nếu mỗi người trong số 1,8 triệu dân của Abu Dhabi tham quan một dự án 2 tỷ USD, họ sẽ mất quá nhiều tiền cho cái chỉ có tính chất hiện tượng”, ông Speigel nói. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư Ả rập, mua cổ phần vào Hollywood đồng nghĩa với việc tăng sức ảnh hưởng của Hồi giáo trong phim. Christopher Davidson, chuyên gia Trung Đông ở Đại học Burham (Anh) dự báo tiền từ Trung Đông sẽ mang “ngày càng nhiều người hùng Ả rập vào phim Hollywood”. Theo Harold Vogel, các khoản đầu tư này “đang chi phối” các dự án, đó là trường hợp phim kinh dị The Kingdom của Peter Berg về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, “quả bom tấn” Hollywood đầu tiên được phép quay ở Abu Dhabi. Trong phim, tài tử người Palestine đóng vai sĩ quan cảnh sát Saudi Arabia cùng với ngôi sao Hollywood Jamie Foxx. Hãng Warner Bros. khẳng định rằng Abu Dhabi sẽ có tiếng nói trong những dự án được tài trợ bằng quỹ chung 1 tỷ USD. Ông Riyad al-Mubarak, giám đốc điều hành của công ty Abu Dhabi Media nói: “Nếu chúng tôi tình cờ xem một bộ phim hay về Ả rập, và đó là một sự đầu tư tốt, tại sao không?”. Một vấn đề khác là bao nhiêu hợp đồng giải trí phương Tây sẽ được hoan nghênh ở thế giới Ả rập. Kế hoạch mở một chi nhánh Dubai của chuỗi nhà hàng Hooters đã bị đảo lộn. Đầu tư của DW vào hệ thống sòng bạc MGM “gây tranh cãi” do “vi phạm luật đạo Hồi Sharia. Đó là điều 101 – không đầu tư vào sòng bạc, thịt lợn và rượu”, một chủ ngân hàng đặt trụ sở ở Dubai cho biết. Và DW thậm chí từ chối bình luận cách làm thế nào để hòa giải (hay không hòa giải) với luật Hồi giáo. Chưa kể đến những mối quan ngại về các hệ quả đối với trong nước. “Mọi người ở Dubai đang bắt đầu nhìn nhận chính phủ của họ như phi Hồi giáo”, ông Davidson nói, “sẽ có những ám chỉ nghiêm trọng liên quan đến nạn khủng bố trong những năm tới”. Giờ đây, những đại gia của các quốc gia Ả rập giàu có vẫn đang “tán tỉnh” các ngôi sao. Tại LHP Abu Dhabi lần đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 11, trong bài phát biểu khai mạc, nhà sản xuất Hollywood Harvey Weinstein nói về những bộ phim hay nhất đã từng sản xuất: “Nếu nó tuyệt vời, nó tự khắc lưu truyền đi”. Rõ ràng là các ông trùm truyền thông vùng Vịnh đang trông mong ở điều đó… |
Tuesday, May 20, 2008
Từ dầu lửa tới....giải trí
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment