Quy hoạch tỉnh trước quy hoạch vùng thủ đô: Liệu có "vênh"?
Trong khi đề án quy hoạch vùng thủ đô vẫn đang trong giai đoạn dự thảo thì mới đây, tại Hà Tây, tỉnh nằm trong quy hoạch vùng đã diễn ra lễ khởi công xây dựng "trục tuyến đường phía Bắc và khu đô thị mới Dương Nội thành phố Hà Đông".

Bản quy hoạch chi tiết KĐTM Dương Nội.
Theo dự thảo đề án, phạm vi của vùng thủ đô Hà Nội bao gồm 7 tỉnh là: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Điều này có nghĩa là đề án quy hoạch vùng thủ đô sẽ bao gồm cả những tỉnh trên chứ không riêng Hà Nội.
Nhưng trong khi đề án quy hoạch vùng thủ đô đang chờ chính phủ phê duyệt, thì vào trung tuần tháng 12/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết trục đô thị phía Bắc thành phố Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây) với mục tiêu tạo lập trục đô thị mới hiện đại đồng bộ phía Bắc thành phố Hà Đông và liên thông với thủ đô Hà Nội.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tây và Tập đoàn Nam Cường đã khởi công xây dựng "tuyến đường trục phát triển phía Bắc và khu đô thị mới Dương Nội thành phố Hà Đông". Đây là một quần thể công trình nối liền Hà Tây với Hà Nội và thực sự đang được giới đầu tư bất động sản quan tâm.
Song cũng chính bởi sự kiện lớn như vậy mà nhiều người tỏ ra băn khoăn. Liệu dự án này có ảnh hưởng tới đề án quy hoạch vùng thủ đô sau này, vì hiện nay đề án đang trong giai đoạn dự thảo.
Theo ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng), việc quy hoạch như vậy sẽ xảy ra một vấn đề là nếu theo thẩm quyền của địa phương thì họ được duyệt, nhưng có thể quy hoạch của địa phương sẽ ảnh hưởng tới quy hoạch vùng thủ đô khi đã được phê duyệt.
"Sở dĩ để xảy ra tình trạng như vậy là do chúng ta chưa có bộ máy quản lý quy hoạch trong vùng, đó là cơ quan có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo với ban chỉ đạo quy hoạch vùng thủ đô (hiện do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban)" - ông Hải cho biết thêm.
Vậy tại sao UBND tỉnh Hà Tây không chờ đề án quy hoạch vùng thủ đô được phê duyệt rồi hãy phê duyệt quy hoạch tỉnh? Về vấn đề này, ông Hải cho biết đây chính là sự bất cập hiện nay.
Bởi theo dự kiến, phải đến quý I/2008, chính phủ mới có thể phê duyệt đề án quy hoạch vùng thủ đô, sau 4 năm để hoàn thành đề án quy hoạch vùng (bắt đầu từ năm 2004).
Như vậy, nếu các địa phương cứ quy hoạch theo định hướng phát triển của tỉnh thì đến khi quy hoạch vùng thủ đô được phê duyệt có thể sẽ có những điểm khác với đề xuất của quy hoạch vùng. Nhưng nếu chúng ta chưa phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô thì cũng không có chế tài để những cái khác phải theo.
Còn nếu như phải chờ cho quy hoạch này được phê duyệt, các địa phương mới bắt đầu lập quy hoạch vùng thì xã hội sẽ không phát triển và sẽ xảy ra tình trạng "quy hoạch treo", nghĩa là vì quy hoạch này đang sắp sửa duyệt nên quy hoạch khác không được làm.
"Vì thế nên các thành viên trong ban chỉ đạo đề án quy hoạch vùng là những lãnh đạo tỉnh đã từng nghe các báo cáo về đề án này thì phải chỉ đạo thế nào ấy để cho phù hợp với những cái đang nghiên cứu bởi vì chính các địa phương cũng đóng góp cho những nghiên cứu đấy. Vì tỉnh nào cũng có một đồng chí lãnh đạo tỉnh là thành viên ban chỉ đạo.
Vấn đề là trách nhiệm của các đồng chí trong ban chỉ đạo ấy phải phối hợp với tập thể lãnh đạo của mình để làm sao gắn kết giữa quy hoạch vùng thủ đô và phát triển riêng của tỉnh trong tương lai. Nói thì như vậy nhưng trong quá trình thực hiện có những điểm khó." - ông Hải nói.
"Hội chứng sốt" đất phía tây!
Sau những cơn “sốt” đẩy giá bất động sản lên 2-3 lần ở một số khu vực đắc địa nội đô vừa qua, thị trường nhà đất Hà Nội càng “nóng” hơn khi giới kinh doanh biết chắc thủ đô sẽ mở rộng địa giới về phía tây (Hà Tây).

Những bãi đất trống tại KĐT An Khánh như thế này giờ đã đội lên thành những “tấc vàng”. Ảnh: Phùng Sưởng
Khu vực phía bắc, phía đông bỗng “nguội” lạnh. Cơn “sốt” đất lan nhanh về phía tây thành một “hội chứng”!
Cơn “sốt” mới đầu cơ đất và mua bán trên giấy!
Thị trường “nóng” ngay từ khu vực ven đô như các vùng giáp ranh giữa Hà Nội-Hà Đông-Hoài Đức (Hà Tây).
Khu đô thị mới như Mỗ Lao, Văn Phú,Văn Quán (Hà Đông), nhà đất đang ế ẩm bỗng chốc “cháy” hàng. Nhiều tháng nay, quanh đây mọc lên hàng chục văn phòng môi giới đất đai, làm ăn nhộn nhịp.
“Nếu có nhà liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao, dù phải chịu chênh lệch 200-300 triệu đồng/ căn tôi cũng mua”- Chị Hà, một khách hàng cho biết. Trong khi đó, không ít “đại gia” sau khi găm được các lô đất đẹp tại các khu đô thị bắt đầu tung ra bán kiếm lời. Hiện nhiều người cũng đã đổ xô về Hà Tây mua đất, đặc biệt là ở các khu đô thị mới đang hình thành.
Giới kinh doanh bất động sản nhận định: Tâm điểm của cơn “sốt” đang nằm ở chính các khu đô thị mới vừa hình thành hoặc đang xây dựng thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây, dọc theo đường Láng - Hòa Lạc: Trung Hòa-Nhân Chính-The Manor-An Khánh-Vân Canh.
Tại An Khánh-Vân Canh, nhiều lô đất biệt thự đang được rao bán với giá trung bình 4-5 tỷ đồng, nhưng thực ra đó vẫn là những cánh đồng hoang, vừa mới thu hồi đất xong.
Với các dự án đô thị triển khai ở những vùng hạ tầng xã hội còn kém, chủ đầu tư phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng trường học, bệnh viện, siêu thị nếu muốn nhắm vào đối tượng khách hàng Hà Nội. Nếu không có sự tính toán, các nhà đầu tư có thể sẽ phải trả giá với một lượng tiền lớn bị treo khi đổ vào các dự án này. Ông Phạm Sỹ Liêm |
“Mấy tháng trước, giá mỗi lô biệt thự rao bán khoảng trên 2-3 tỷ đồng, nay đã lên gấp rưỡi”- Anh Thắng, người chuyên “săn” đất tại các dự án mới tiết lộ.
Thắng cho biết, tại An Khánh, anh đã găm được 7 suất, đang chờ gặp khách sẽ “đẩy” ngay!
Cũng đại gia này phân tích, mặc dù đang sốt nhưng phải 5 -7 năm nữa khu An Khánh mới sầm uất như Trung Hòa-Nhân Chính, nên Thắng chọn cách ăn non.
Văn phòng nhà đất Phát Đạt nằm đón khách trên đường rẽ vào các thôn Phú Vinh, An Thọ (cạnh KĐT An Khánh) cho biết: Đất biệt thự tại KĐT An Khánh-Phương Viên được rao bán với giá trung bình 12-15 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Theo các nhân viên văn phòng, 3-4 tháng trước đây giá đất biệt thự chỉ 7-8 triệu đồng/m2, nhưng sau khi nghe nói Hà Nội mở rộng về đây, giá đất bị đẩy lên gấp rưỡi, gấp đôi. “Bọn em đang có một số lô đất loại 4,5 tỷ đồng/lô 310m2.
Vị trí đẹp, hướng Đông Nam, đường lớn, chuẩn bị xây dựng, nhiều người đã trả giá tới 4,2 tỷ”- Cô nhân viên của Phát Đạt cho biết. Liếc qua quyển sổ khá dày, chúng tôi thấy chi chít tên, địa chỉ của những người đặt cọc. Khách chủ yếu là những người đến từ Hà Nội, tìm mua đất biệt thự từ loại 150-300m2, giá yêu cầu từ 10-12 triệu đồng/m2, hoặc thỏa thuận, một số trường hợp đã đến ký hợp đồng với văn phòng.
“Vợ chồng tôi vừa mua một lô biệt thự hơn 300m với giá trên 4 tỷ đồng, gần sát mặt hồ coi như của để dành”-Anh Khánh, nhà ở Láng Hạ cho biết.
Tại các văn phòng nhà đất quanh KĐT An Khánh, thông tin mua bán biệt thự khá đa dạng. Cũng tại Phương Viên (Bắc An Khánh), một lô đất biệt thự nằm sát mặt đường, chủ nhân là anh Cường rao bán với giá 4,9 tỷ đồng/362m2.
Gọi vào số máy của Cường để lại tại văn phòng, anh ta cho biết: Lô đất này do Cty CP Đầu tư Á Châu làm chủ đầu tư thuộc quần thể KĐT Vân Canh rộng 96 ha, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 6km! Tuy nhiên, cũng tại KĐT Vân Canh (Hoài Đức, Hà Tây), một “cò” đất cho biết, giá lô đất biệt thự chỉ 2,9 tỷ đồng/330m2!
Hỏi sao chênh nhau nhiều thế, “cò” đất nói: Các “đại gia” có quan hệ với chủ dự án lớn, “mua” được hàng chục suất, họ không găm hàng mà bán suất kiếm lời! Ngoài ra, cũng là An Khánh nhưng tùy vị trí có thể chênh nhau tới cả tỷ đồng/lô.
Chị Hoa, nhân viên Văn phòng môi giới đất Đức Tín cho chúng tôi biết: Khu Nam An Khánh, giá đất đã tăng lên 15-17 triệu đồng/m2, trước đây vài tháng chỉ là 10-12 triệu đồng/m2, văn phòng của chị vừa bán được một lô với giá này.
“So với mấy tháng trước, số người tìm đến văn phòng của tôi tăng tới 3-4 lần, số người đặt cọc cũng đã tăng gấp 2 lần tháng trước”- Chị Hoa cho biết.
Khu vực An Khánh đang có hiện tượng tại các văn phòng môi giới, các “cò” đất gạ khách mua đất của dự án, cứ đặt cọc 50-100 triệu đồng/lô cho các văn phòng môi giới, họ sẽ làm việc với BQL dự án, khi nào BQL gọi thì đến nộp tiền!
Ngoài ra, “cò” đất cũng thường gạ gẫm khách mua đất giãn dân, giá thấp hơn, nhưng chẳng có giấy tờ gì. “Chủ nhà sẽ đưa anh lên xã xin xác nhận là bị thu hồi đất, thuộc diện được đền bù để làm bằng!”- Một “cò” đất cho biết.
Phía đông nguội…
Trong khi phía tây Hà Nội việc mua bán đất đai nhộn nhịp, thì phía đông lại “nguội”. Ví như tại KĐT Việt Hưng-một KĐT từng được xem là hiện đại và rộng nhất Hà Nội, tới 302 ha sau một thời gian rầm rộ giờ vắng bóng người hỏi thăm!
Chị Hoà, người vừa đăng ký mua một suất biệt thự ở đây đang muốn “đẩy” đi, giá 15-20 triệu đồng/m2 nhưng cũng khó bán. Trên thực tế, những lô nhà, căn hộ ở KĐT Việt Hưng đã cơ bản bán hết, nhưng các dự án mới thì có vẻ không mấy hấp dẫn.
Một điều dễ nhận thấy, hiện nay tại KĐT này số dân đến ở sáng đèn hằng đêm chưa nhiều, một vài khu chung cư vẫn cửa đóng then cài.
Dạo quanh phố Nguyễn Văn Cừ thấy các văn phòng nhà đất thưa vắng hơn, thông tin rất nghèo nàn. Anh Thành, chủ văn phòng nhà đất ở đây cho biết: Hiện trên địa bàn quận Long Biên có KĐT Thượng Thanh, đang trong quá trình thu hồi đất, rộng hơn 102 ha nhưng cũng chưa có thông tin gì. “Khách thưa thớt, có lẽ tôi sẽ phải đóng cửa mất”- Anh Thành than phiền.
Trong tương lai, Hà Nội sẽ mở rộng địa giới gấp 3 lần hiện nay. Thành phố không chỉ mở rộng về phía tây mà còn phát triển cả về phía đông, bắc hình thành 3 khu đô thị lớn, kết nối với các đô thị vệ tinh thành vùng thủ đô như Bắc Ninh-Bắc Giang-Hưng Yên-Hải Dương-Hải Phòng và Vĩnh Phúc.
Một số chuyên gia nhận định, “hội chứng sốt” đất phía tây có thể xem như là một dấu hiệu bất thường, nguyên nhân có thể do tâm lý số đông, ngoài ra có thể đó chỉ là cuộc chạy đua mua bán trên giấy để trục lợi của nạn đầu cơ!?
Hậu quả của "cuộc chơi bạc tỉ"

Hiện nay, khi thị trường chứng khoán giảm nhiệt, các nhà đầu tư (NĐT) đang ở thời kỳ khó khăn thì các nhà đầu cơ - thủ phạm của cơn sốt ảo địa ốc cách đây vài tháng cũng chính là người đang lãnh hậu quả của "cuộc chơi bạc tỉ" này.
Thị trường căn hộ ảm đạm
Cả tháng nay anh Xuân, một tay đầu cơ đất đai có "số má" tại TP.HCM đứng ngồi không yên bởi đã làm đủ mọi cách, hết đăng báo lại nhờ bạn bè, gia đình, các mối quan hệ để "đẩy" đi 2 căn hộ chung cư cao cấp Cảnh Viên 1 (khu đô thị Phú Mỹ Hưng) nhưng vẫn chưa tìm được mối nào. Cách đây không lâu, để sở hữu 2 căn hộ này, anh Xuân phải xếp hàng cả buổi sáng; chen lấn, xô đẩy với cả ngàn người mới bốc được số thăm chọn nhà.
Cứ nhìn dòng người xếp hàng, anh Xuân lại tự phục mình có thần tài phù hộ. Không ít bạn bè trong "câu lạc bộ triệu đô" (những người có tài sản trên 1 triệu USD) của anh Xuân cũng thầm ghen tị bởi sự may mắn của anh vì không ít người trong nhóm cũng xếp hàng mỏi cẳng mà chẳng mua được căn hộ nào. Nhưng ranh giới của sự may rủi trên thị trường BĐS chưa lúc nào ngắn như tại thời điểm này.
Cơn sốt địa ốc cực ngắn ngủi do những người trúng đậm chứng khoán mùa trước tạo ra đi qua còn nhanh hơn cả lúc đến. Căn hộ mua với giá 3,1 tỉ đồng của anh Xuân được rao bán 3,3 tỉ đồng "còn thương lượng" nhưng chẳng có ai hỏi tới.
Chứng khoán cầm cố sắp đến ngày đáo hạn, lãi suất ngân hàng do thế chấp nhà để mua 2 căn hộ đè nặng trên vai, vốn làm ăn bị "cụt" mà nhà thì không bán được. Anh Xuân chỉ còn tự trách mình "tham thì thâm".
Một NĐT đang sở hữu căn hộ tại chung cư H2 (quận 4) còn bi đát hơn. Sát ngay quận 1, giá lại mềm nên bất chấp yêu cầu phải đóng 85% tổng giá trị căn hộ và lời can ngăn gia đình, anh thế chấp căn nhà đang ở lấy 700 triệu đồng để mua căn hộ gần 80m2 tại chung cư H2 với giá 9,5 triệu đồng/m2.
Cơn sốt BĐS ào đến đưa giá căn hộ H3, cách H2 khoảng 200m (cùng một chủ đầu tư là Công ty dịch vụ công ích (DVCI) quận 4) lên tới 18-20 triệu đồng/m2 khiến anh như đi trên mây vì "ra quân lần đầu" đã vô mánh. Quả thật, cách đây 2 tháng, nếu anh đồng ý bán với giá 14,5 triệu đồng/m2 thì đã trúng đậm với số tiền lãi ngót nghét 350 triệu đồng.
Nhưng của đáng tội, trong khi anh đang chờ đợi giá lên 15-16 triệu đồng/m2 thì cơn sốt qua đi. Thức tỉnh rất nhanh, anh chấp nhận bán với giá 14 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không tìm được mối nào.
Công bằng mà nói, mức giá này không phải là cao so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là đối với vị trí địa lợi như H2. Tuy nhiên, thông tin đến tháng 9.2009 mới giao nhà thay vì tháng 12.2008 như hợp đồng mua bán ký kết trước đây giữa khách hàng và Công ty DVCI quận 4 bị rò rỉ ra ngoài khiến các NĐT sở hữu căn hộ H2 như ngồi trên đống lửa.
Cò C., người đã thực hiện thành công hàng chục vụ mua bán căn hộ chung cư cao cấp tại Q.4 cho biết, trước khi thông tin này lọt ra ngoài, nhu cầu căn hộ cao cấp tại H2 rất nhiều, nhưng bây giờ thì ngược lại. Đó là chưa kể đến phí chuyển nhượng của Công ty DVCI Q.4 cao ngất ngưởng, tới 5% tổng giá trị căn hộ (hầu hết các chung cư khác ở mức 2%) và có tiền sử chậm trễ trong việc cấp sổ hồng. Điển hình là chung cư H1 thuộc công ty này giao nhà đã hơn 3 năm nay nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Hàng loạt NĐT sở hữu căn hộ tại chung cư cao cấp New Sài Gòn (huyện Nhà Bè) cũng đang sống dở chết dở. Một NĐT "ôm" một căn hộ 100m2, trị giá trên 1,5 tỉ đồng (khoảng 15,5 triệu đồng/m2) cũng đang xoay như chong chóng để kiếm tiền đóng theo đúng hợp đồng mua bán.
Với toan tính "đánh nhanh, thắng nhanh, lãi vài chục triệu là được" nên dù gom góp, huy động cả gia đình chỉ đủ đóng tiền đợt đầu, ông vẫn liều mua vào. Nhưng "lãi vài chục triệu dưỡng già" đâu chẳng thấy, chỉ thấy từ lúc cơn sốt qua đi, hơn 2 tháng nay ông rao bán căn hộ với giá bằng giá công ty bán ra mà vẫn chẳng ai quan tâm. Khá nhiều NĐT sở hữu căn hộ chung cư cao cấp tại quận 7, 8, 12, Tân Phú... hầu hết rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" chưa tìm được cách giải quyết.
Có thể nói, sau "1 phút huy hoàng", thị trường căn hộ cao cấp đang rơi vào tình trạng khá ảm đạm, nhưng nghịch lý là giá căn hộ vẫn rất cao. Tại các khu trung tâm, giá dao động ở mức từ 22-24 triệu đồng/m2 trở lên; khu vực gần trung tâm giá khoảng 14-16 triệu đồng; cách xa trung tâm cũng từ 8-10 triệu đồng/m2.
Sở dĩ mức giá được đẩy lên cao như vậy, theo các chuyên gia kinh tế là bởi hầu hết các công ty đều xây dựng giá bán nhà giữa lúc cơn sốt đang lên đỉnh điểm. Cầu ảo được tạo ra bởi một số người phất lên nhờ chứng khoán, còn những người thực sự có nhu cầu ở thì không đủ năng lực tài chính để tham gia.
Vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, các nhà đầu cơ căn hộ cao cấp trong thời gian qua đang rơi vào thế "kẹt": Không bán thì bị cụt vốn làm ăn, còn bán thì "không lẽ bán thấp hơn giá gốc".
Hy vọng duy nhất đối với các nhà đầu cơ là chính sách cho người nước ngoài mua nhà dự kiến sẽ ban hành, có thể hâm nóng thị trường BĐS, giúp họ thoát ra khỏi hậu quả của cơn sốt do chính họ tạo ra trong thời gian qua.
Giao dịch đất nền dự án sụt giảm
Thị trường căn hộ ảm đạm, thị trường đất nền dự án cũng đang trầm lắng. Diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư phải thay đổi kế hoạch kinh doanh.
Tình hình giao dịch đất nền dự án tại nhiều khu vực ngoại vi TP.HCM từ đầu tháng 7.2007 đến nay, mức độ giao dịch cũng như giá cả tại nhiều khu vực giảm đáng kể. Chẳng hạn, một nền đất tại dự án khu dân cư Him Lam (quận 7) được giao dịch hồi tháng 5 với giá 22,5 triệu đồng/m2 thì ngay vào trung tuần tháng 7 đã rớt xuống còn dưới 20 triệu đồng/m2 mà rao mãi cũng chưa có người mua.
Tương tự, tại dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè), giá giao dịch từ 14,5 triệu đồng/m2 trước đây nay người bán phải hạ xuống 9 - 13 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Bà Trần Thị Huỳnh Giao, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) nhận định: "Số lượng giao dịch nền đất dự án tại khu vực Nam Sài Gòn đã giảm 30% so với cơn sốt hồi tháng 3.2007.
Nhìn nhận khách quan thì mức giá giao dịch nền đất hiện nay đã trở về gần với giá trị thực của nó. Điều quan trọng là những người mua lại các nền đất hầu hết là những người có nhu cầu xây nhà để ở. Số lượng giao dịch đất nền để đầu tư đã giảm bớt".
Ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức cho biết: "Theo dõi biến động của giá đất nền thời gian qua, tôi thấy số lượng giao dịch giảm 30% so với đầu năm 2007. Nếu như mức giá giao dịch tại các dự án thuộc quận 7, huyện Nhà Bè, quận Bình Tân đang giảm khoảng từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/m2 thì giá giao dịch đất nền tại các dự án thuộc địa bàn quận 2, quận 9 cũng đang chững lại".
Ông Chúc dẫn chứng: Giá giao dịch đất nền tại dự án của Công ty Huy Hoàng thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) từ tháng 3 đến nay vẫn ở mức 26 triệu đồng/m2. Giá giao dịch thành công của một số nền tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh (quận 2) cũng đứng ở mức 24 - 26 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc cho rằng sở dĩ mức giá nền đất hiện nay tại các dự án thuộc quận 2, quận 9 không giảm nhiều so với thời điểm "sốt đất" vào tháng 2 - 3 vừa qua và vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư vì tiến độ thi công các hệ thống hạ tầng giao thông nối trung tâm TP.HCM với khu vực Đông Bắc TP như cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm đang có chiều hướng khẩn trương hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoREA) cho rằng: "Cơn sốt vừa qua chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn chứng tỏ tác động rất lớn của thị trường chứng khoán. Nay, khi thị trường chứng khoán giảm nhiệt thì diễn biến của các giao dịch trên thị trường BĐS cũng trở về với giá trị thực của nó. Tuy số lượng giao dịch nền đất sụt giảm nhưng các loại hình BĐS khác cũng đang rất thu hút các nhà đầu tư".
No comments:
Post a Comment