Muốn vứt lại ô tô mà... đi bộ!
Anh Nguyễn Hữu Khánh (phố Vọng, Hà Nội) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên ngồi sau vô lăng chiếc Honda Civic của mình cách nay gần 1 tháng. Hôm ấy (22/4) vừa đưa xe ra khỏi cửa hàng trên đường Hoàng Quốc Việt để đi khao cũng là lúc trận mưa lớn đầu mùa ập xuống. Chiếc xe lạc vào dòng người ì ạch nối đuôi nhau trên đường Hoàng Hoa Thám đang ngập nước đến 50cm.
Bên ngoài nước ngấp nghé cửa xe, bên phải, bên trái xe máy ken kín không mở được. Phóng hết tầm mắt cũng không biết đoàn xe kẹt đến điểm nào. Hơn 3 tiếng đồng hồ bị "nhốt" trong xe, vừa say mùi xe mới, vừa thèm một chỗ... đi vệ sinh, anh bảo: "Lần đầu tiên được sở hữu một chiếc ô tô mà chỉ muốn bỏ xe lại mà đi bộ"!
![]() |
Ngập đường, kẹt xe đã thành "quen" với người dân Hà Nội! |
Chị kể: "Ngán nhất là đường Kim Giang. Đoạn đường khoảng 3km này làm nhiệm vụ kết nối xe tải từ phía nam qua phía tây Hà Nội để tránh trung tâm thành phố, còn được gọi là "con đường xe tải"!
Lòng đường chỉ vẻn vẹn 6m, lại được bố trí thêm hai tuyến xe buýt cỡ lớn, nên 2 xe ngược chiều giành đường nhau là y như rằng: tắc!
Nhiều hôm đi sớm, tưởng "thoát", nhưng ra đến gần ngã 3 Nguyễn Traĩ, xe phải nhích từng mét. Chỉ cách đường Nguyễn Trãi hơn 100m mà có lần phải mất... đến 5 chu kì đèn xanh đỏ.
"Những lúc ấy nhìn xe máy, xe đạp luồn lách, có đứa học sinh còn xách cả xe băng qua trước mũi capô xe mình mới thích. Khi đó, chỉ muốn quay lại hồi đi xe đạp", chị Nga ngán ngẩm!
Chị Nga cũng nói vui rằng, từ ngày thành phố có ý tưởng lệch ca, lệch giờ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chị cũng thử nghiệm đi sớm hơn 30 phút mỗi sáng mà vẫn tắc! Còn buổi tối, chị về muộn hẳn đến cả 2 giờ đồng hồ, dù ở lại cơ quan cũng không có việc gì nhưng bởi sợ... tắc đường. Thành ra, bữa cơm tối gia đình của mẹ con chị lại muộn hơn từ ngày sắm ô tô.
Đỏ mắt tìm chỗ đỗ ô tô
Song, câu chuyện tắc đường chỉ là một trong nhiều nổi khổ của những người giàu có ô tô!
Chị Nga kể tiếp, cách đây không lâu, chị có hẹn với đối tác ở nhà hàng trên phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). 12h ăn trưa, 11h 45 chị có mặt. Sau một hồi loay hoay chờ bảo vệ xếp chỗ đỗ xe chị cũng chỉ nhận được cái xin lỗi "hết chỗ đỗ xe".
![]() |
Ô tô hàng dài nối đuôi nhau tại các khu phố trung tâm |
Hết alô cho khách hàng xin lỗi, chị lại gọi điện cho bạn cầu cứu chỉ cho chỗ gửi xe. Gần 1 tiếng sau, chị Nga mới tất tả đi xe ôm quay lại nhà hàng với tấm vé gửi ô tô của một điểm khai thác bến đỗ trên đường Trần Khát Chân.
Anh Trần Đăng Đại, nhân viên sở giao dịch của một ngân hàng trên tại tòa nhà số 2 Láng Hạ (Hà Nội) kể: Hầm để xe của tòa nhà chỉ 20, 30 xe nhưng ưu tiên cho khách còn chả đủ, đâu đến lượt "người nhà". Khó khăn lắm anh mới tìm được một chõ đỗ xe gần hồ Thành Công, cách trụ sở công ty khoảng 800m, với giá 600.000/tháng (từ 7h đến 18h, không kể ngày lễ, chủ nhật).
Vậy nên, ngoài quãng đường đi ô tô, anh còn mất thêm 7.000 đồng cuốc xe ôm từ nơi gửi xe hơi về văn phòng. Chưa kể, lắm lúc có việc cần ra ngoài, không mượn đâu ra xe máy, anh đành bắt xe ôm.
Nhưng những bất tiện của anh cũng chưa dừng lại ở đó, anh kể tiếp: Họ chỉ cho gửi đến 6h tối, mà công việc của mình thì phần lớn về muộn. Nhiều khi quá giờ là bị cảnh cáo "cắt hợp đồng gửi xe". Không gửi đó thì biết gửi đâu?! Cũng đã dạm hỏi ở khu Giảng Võ, xa hơn nữa là đã vào tận Hoàng Cầu nhưng tìm không ra. Bởi thế, đành khắc phục bằng cách đặt điện thoại nhắc nhở "gửi xe" vào 17h45 mỗi chiều!
Khổ chẳng kém anh Đại, chị Hoàng Thị Lan Anh, ngách 30, ngõ 898 Đường Láng (Hà Nội) còn rơi vào cảnh oái oăm hơn.
Cách đây hai tháng, chị có được tấm vé gửi xe "giá rẻ" với bảo vệ trường tiểu học gần nhà, giá 800.000/tháng (qua đêm) với điều kiện ngày thường, chị phải đem xe ra khỏi trường trước 6h30 sáng và sau 6h tối mới được đưa xe vào!
![]() |
Thiếu bãi đỗ, ô tô đỗ dưới lòng đường |
Anh Lân, Bảo vệ tòa nhà Harec, phố Láng Hạ cho biết, cảnh khách đi ô tô đến ngân hàng có trụ sở đóng tại toà nhà do không có chỗ gửi xe phải đánh xe đi tìm nơi gửi, khi trở lại thì đến giờ ngân hàng ngừng giao dịch để ăn trưa là chuyện không còn hiếm.
Còn theo kinh nghiệm của người đã có ô tô 3 năm nay, mặc dù chị Thu Hằng (Mỹ Đình 2) đang có bầu nhưng vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, vợ chồng chị vẫn nhất quyết để ô tô ở nhà để chở nhau bằng xe máy. Ngoài ra, khi có việc gấp thì hoặc là anh chị đi xe máy, hoặc bắt taxi, bởi theo chị Hằng, "vợ chồng tôi đã quá nhiều lần sống dở chết dở mỗi khi phải xoay sở tìm cách thoát ra khỏi những điểm ách tắc, hay loay hoay tìm cho được một chỗ đỗ xe cách nơi hẹn cả cây số mà vẫn phải bịa ra đủ lý do để xin xỏ mới được cho gửi xe"...
Theo VietnamNet
No comments:
Post a Comment