Monday, May 19, 2008

Tình dục đô thị Việt Nam

Tình dục đô thị Việt Nam: Sự mộng mị của nhục cảm (1)

Chuyên luận “Là một người đặc biệt đối với một ai đó: Vấn dề tình dục tại đô thị trong xã hội Việt Nam đương đại” của Tine Gammeltoft, Phó giáo sư tại Viện Nhân học, Đại học Copenhagen, Đan Mạch sẽ cung cấp cho chúng ta một cách thức tiếp cận mới về vấn đề nhục cảm của đời sống đô thị hiện đại…

PGS. Tine Gammeltoft

Hà Nội đương đại: Tình dục hóa không gian công cộng

Với 2,7 triệu dân, Hà Nội là một thành phố cỡ nhỏ so với các đô thị trong khu vực như Bangkok hay Jacarta. Nhìn những đứa trẻ ồn ào trên đường phố và trong công viên có thể thấy thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ lớn trong thành phần dân cư thành phố: 1/3 dân số Hà Nội trong độ tuổi 15-29 (Central Census Steering Committee, 2000).

Giới trẻ Hà Nội hiện nay ra đời trong một thời kì xã hội hoàn toàn khác biệt với môi trường mà các bậc cha mẹ họ đã từng biết trong thời thanh niên. Trong khi cha mẹ họ lớn lên cùng chiến tranh, sự thiếu thốn và những ngày tháng đầu của chủ nghĩa xã hội, giới trẻ Hà Nội ngày nay sống trong một thế giới mà nền kinh tế thị trường và sự ổn định chính trị cho đến nay đã kiến tạo một sự thừa thãi về vật chất.

Từ năm 1988, thực hiện chính sách cải cách kinh tế “đổi mới’’, bộ mặt và không khí Hà Nội đã thay đổi đáng kể. Các biển hiệu đèn neon sáng lấp lánh, các biển quảng cáo màu sắc sặc sỡ thông báo sự có mặt của kinh tế thị trường, hình ảnh phụ nữ đi xe Dream trong trang phục váy ngắn, đội mũ thời trang, đeo kính mát; âm thanh nhạc pop phương Tây tràn ngập trên các cửa hàng đĩa CD lẫn trong tiếng ồn ào của xe gắn máy; các cửa hàng tư nhân, quán cà phê, nhà hàng… là hình ảnh người ta thấy khắp mọi nơi trong thành phố.

"Sự tư nhân hóa’’ không gian thành thị dường như xảy ra nhiều hơn theo nghĩa thông thường, không chỉ vì số lượng các doanh nghiệp tư nhân đa dạng mọc lên như nấm mà có vẻ các khoảng không gian công cộng chứa đầy các hoạt động “vô cùng riêng tư” - theo cách nhìn của người châu Âu (Aronson 1999; Drummond 2000). Các biểu hiện tình dục gợi cảm là hình thái thường thấy hằng ngày trong cuộc sống công cộng, các công viên thành phố, các bờ hồ và các quán “cà phê vườn” với nhiều đôi thanh niên nam nữ công khai hóa những hành vi biểu hiện tình cảm và tình dục.

Qua bề mặt của thành phố, các biểu hiện tình dục rất phong phú: sự gần gũi cơ thể trên xe môtô, trong ánh mắt gắn chặt vào nhau qua ly sinh tố, cách nói đùa thiếu sự tế nhị, cách ăn mặc phô bày đường nét cơ thể, nỗi mong chờ thể hiện qua giọng điệu của những bài hát karaoke vang ra từ các quán bar và cà phê. Những biểu hiện ham thích dục nhục và tình cảm này thấm đẫm không gian thành phố.

Dường như những biểu hiện đó mâu thuẫn kịch liệt với các tư tưởng văn hóa Việt Nam vốn đề cao sự cân bằng các mối quan hệ xã hội, kiềm chế tình cảm, và e dè trong tình dục (Jamieson1993, Khuat Thu Hong 1998, Gammetoft 1999). Những biểu hiện tình dục công khai của thanh niên khác biệt rõ ràng với sự kiềm chế tình dục trước hôn nhân và quan niệm trinh tiết vẫn đang được nhấn mạnh trong các văn bản chính thức và qua các phương tiện thông tin đại chúng (Nguyễn Linh Khiếu, 1997, Truong Thin, 1997).

Sự lo ngại ngày càng tăng xung quanh vấn đề tình dục của giới trẻ Việt Nam đương đại. Gia đình cũng như xã hội có xu hướng phản ứng lại bằng cách phủ nhận và chê trách về mặt đạo đức đối với họ (Marr 1996; Population council 1998). Trên các phương tiện truyền thông, pháp luật và văn bản chính sách, vẫn đề cao và tôn vinh truyền thống và văn hóa Việt, gắn liền với việc giữ gìn các chuẩn mực đạo đức như chế độ một vợ một chồng và không tình dục trước hôn nhân. Đánh giá từ góc độ biểu hiện tình cảm ở các không gian công cộng cho thấy thực tế đời sống thành thị dường như có sự khác biệt đáng kể với những chuẩn mực tình dục được phổ biến một cách chính thống.

Từ cuộc sống thành phố Hà Nội, chúng ta quay về với những học thuyết gần đây về mối quan hệ giữa cuộc sống thành thị và tình dục.

Trong bối cảnh của Hà Nội, Aroson (1999) mô tả các biểu hiện đồng giới “bị che giấu trong sự mơ hồ và chối bỏ”, và nhấn mạnh sự mơ hồ này cũng tạo hứng thú tình dục mạnh mẽ trong hoàn cảnh bị kích thích, công cộng và riêng tư. Nói cách khác, các điều kiện thành thị cùng với những hứa hẹn về tính vô danh và khoái lạc không ràng buộc, tạo ra một môi trường xã hội luôn tràn ngập các quyến rũ nhục cảm và lôi cuốn tình dục.

Dưới đây chúng ta sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về những thế giới thực tế của thanh niên Hà Nội và khám phá những quá trình nhờ đó cuộc sống đô thị xây dựng nên những biểu tượng và ý nghĩa cụ thể. Để mở đầu, chúng ta sẽ xem xét ngắn gọn trường hợp của My, một cô gái 21 tuổi. Khi tôi gặp My, cô vừa mới chấm dứt thời gian thai ngén trong giai đoạn đầu.

My: ở tuổi 21, sống cùng những xáo trộn thành thị

My là chị cả của một gia đình có 5 con ở một làng quê cách Hà Nội khoảng 100 km. Ba năm trước, My cùng cha rời làng ra Hà Nội, nơi cha cô có thể tìm được một công việc dễ dàng hơn. Cuộc hôn nhân của cha mẹ cô không hạnh phúc. My kể rằng bố mẹ cô thường xuyên cãi lộn nhau. Cuộc hôn nhân của họ là do hai gia đình sắp đặt từ trước và theo My, mẹ cô dành tình cảm cho một người đàn ông khác mà cha mẹ bà không cho phép bà lấy làm chồng. “Nhưng xã hội ngày nay thì khác”, My nói “ngày nay chúng em có quyền tự chọn cho mình”. My dành phần lớn thời gian để làm việc hoặc quan hệ với bạn bè. Cô làm việc 12 giờ một ngày theo ca trong một nhà máy sản xuất cà phê.


Hà Nội (Tranh sưu tầm)


Khoảng một năm trước, My gặp Toàn – 26 tuổi, là sinh viên của một trường đại học lớn. Anh giúp cô khi cần thiết và thường mua tặng cô những món quà nhỏ. Cô nghi ngờ anh đã có nhiều mối quan hệ trong thời gian trước đây, nhưng không bao giờ cô hỏi anh về chuyện đó. Lúc đầu, cô ngần ngại khi quan hệ tình dục với anh vì cô cho rằng sẽ tế nhị và khôn ngoan hơn khi dành chuyện đó khi kết hôn. Tuy nhiên, vì sợ mất anh nên cô đã chấp nhận. Thật ra chưa bao giờ cô thích các cuộc phiêu lưu tình ái vì lo sợ bị phát hiện. “Tình dục trước hôn nhân thì không thoải mái”, cô nói “luôn luôn vội vã và sợ hãi. Ở nhà thì bạn sợ cha mẹ trở về, ở công viên hay ở trong một căn phòng đi thuê thì bạn cũng không cảm thấy thoải mái’’.

Trong hai tháng đầu mỗi khi quan hệ với nhau, Toàn dùng bao cao su nhưng sau đó anh không dùng nữa. My coi đây là dấu hiệu anh dâng hiến cho cô và coi đó là biểu hiện anh dự tính cưới cô. Khi cô thông báo với anh rằng mình có thai, Toàn đã định cưới cô và đưa cô đến gặp cha mẹ anh. Thật bất ngờ, anh nhận được một học bổng du học nước ngoài 3 năm và ngỏ ý hoãn đám cưới cho đến ngày anh hoàn thành khoá học.

Giờ đây, dường như My đang phải đấu tranh với những nghi ngờ đeo dẳng, không biết Toàn có thực sự trở về với cô hay không. Cô nói: “Chị biết không, tình yêu ở thành thị khác với tình yêu ở nông thôn’’. Ở làng, mọi người khó mà lừa lọc nhau. Mọi người đều biết nhau từ lúc còn bé, và biết cả gia đình của nhau. Nhưng ở thành phố khi bạn gặp một người thanh niên, bạn không hề biết về gia đình anh ta, vì thường chỉ gặp mặt trong công viên hoặc trên đường phố và cha mẹ bạn không biết gì về mối quan hệ của bạn. Nếu anh ta yêu bạn, có thể bạn sẽ đến nhà và gặp cha mẹ anh ta hoặc cũng có thể bạn sẽ không đến. Và bạn không thể biết tìm anh ta ở đâu, có thể anh ta nói là anh ta sống ở một nơi nào đó trong khi thực tế anh ta chẳng hề sống ở nơi đó’’.

“Trong tình yêu và các vấn đề tiên liệu khác, nhiều người lợi dụng lẫn nhau, đơn giản là trục lợi đến lúc tìm được một điều gì tốt hơn” - My nói. - “Một vài người con trai nghĩ, nếu họ thuyết phục một cô gái quan hệ tình dục với họ, họ không phải tiêu tiền cho một gái điếm. Và một số người con gái có thể bỏ người yêu ngay nếu họ tìm thấy một ngưòi khác tốt hơn”. Tuy nhiên, My đặt vào niềm tin là cuối cùng cô và Toàn sẽ cưới nhau. “Em đã trao tất cả cho anh ấy, vì thế bây giờ em thuộc về anh ấy”.

Trường hợp của My minh họa một loạt những câu chuyện lặp đi lặp lại của thanh niên mà tôi nhận thấy trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu.

Nét nổi trội nhất là cuộc sống hằng ngày của My là cảm giác thường xuyên lo lắng về các mối quan hệ xã hội. My chung sống cùng cảm giác này với cuộc sống thành thị, với các điều kiện thành thị khi sống giữa những con người cô chỉ biết rất sơ sài về quá khứ, động lực và dự tính của họ. Cô nhận thấy mình đang sống trong một xã hội với những mối quan hệ xã hội mà thành quả phải khó khăn mới có được cũng như các rào cản, và thăng bằng xã hội mà cô gắn bó trong cuộc sống nông thôn giờ đã bị thay thế bởi những bất chuẩn thành thị.

Như Hiền – một cô gái 27 tuổi - nói: Ở làng, tình cảm giữa con người nhiều hơn. Các mối quan hệ giữa họ hàng và hàng xóm có nhiều tình cảm hơn và con người thân tình hơn. Ở thành phố, mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau, họ không biết nhau nhiều, mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình và mỗi người đều có vị trí riêng, cuộc sống riêng vì thế họ không quan tâm nhiều đến nhau. Đó là điểm khác biệt”.

Theo nhận thức của thanh niên, kinh tế thị trường đã mang lại không chỉ những cơ hội mới cho phát triển kinh tế và sự thịnh vượng mà còn có cả sự chai cứng trong các quan hệ xã hội giữa con người với nhau. Ở thành thị đương đại, xu hướng một số người lợi dụng lẫn nhau ngày càng tăng, họ sử dụng lẫn nhau làm công cụ để đạt được lợi ích tình dục hay kinh tế.

Cúc, năm nay 20 tuổi, nói: “Bây giờ có nhiều sự lợi dụng hơn vì mọi người nghĩ nhiều về tiền bạc hơn trước kia”. Thanh niên cho rằng phụ nữ trẻ đặc biệt dễ bị lôi kéo và lợi dụng tình dục trong khi nam thanh niên hay bị lợi dụng về tiền bạc.

Khi kể cho tôi nghe về trải nghiệm tình yêu, Hiền nói: “Em quen ba người con trai nhưng chỉ một trong số họ yêu em. Hai người kia chỉ giả vờ yêu. Họ yêu em chỉ để lợi dụng tình cảm của em chứ không muốn đi đến hôn nhân. Mọi người yêu nhau theo nhiều cách khác nhau, có người lợi dụng tình cảm, có người lợi dụng tiền bạc nhưng cũng có người thực sự có tình yêu. Bạn không thể biết được.’’


Tình dục đô thị Việt Nam: Sự mộng mị của nhục cảm (2)


"...Nhiều người có cảm giác trong thế giới thành thị đương đại, quá trình tìm hiểu trong tình yêu trở thành một hàn
..."Nếu bạn trai của bạn không trung thực, anh ta chỉ muốn bạn mặc váy và trang điểm đẹp khi đi chơi picnic với anh ta. Nhưng nếu anh ta thật sự yêu bạn, anh ta sẽ muốn nhiều hơn thế, thì anh ta sẽ dẫn bạn về nhà anh ta và giới thiệu với gia đình; anh ta sẽ quan tâm tới bạn và cả tới gia đình của bạn..."
Sự song hành giữa khái niệm kinh điển về thành thị của Simmel và những mô tả của thanh niên Việt Nam trong nghiên cứu này thật đáng ngạc nhiên. Dựa theo cách quan sát của Simmel, thanh niên Hà Nội cảm thấy cuộc sống thành thị liên quan khá nhiều đến tự do cá nhân, không chỉ trong lĩnh vực tình yêu và tình dục. Đối lập với những gì thanh niên hình dung về thời đại của cha mẹ họ, sự tìm hiểu trong tình yêu hiện nay khá tự do, thoát khỏi mối quan tâm của gia đình, chỉ là mối quan hệ giữa hai người:

“Cha mẹ em nghĩ là nếu em thích một người nào đó em có thể cưới anh ta. Chuyện em có hạnh phúc hay không là thuộc trách nhiệm của riêng em. Điều này không giống trong quá khứ, bạn sẽ bị buộc phải lấy một người mà chỉ có thể đến đêm tân hôn bạn mới biết mặt anh ta. Bây giờ cha mẹ cho chúng em quyền tự do “tìm hiểu” lẫn nhau. Khi chúng em cảm thấy có thể đi đến hôn nhân, chúng em chỉ cần nói chuyện với hai gia đình.

Việc anh ấy xấu hay đẹp trai không quan trọng, nếu chúng em cảm thấy phù hợp và chúng em muốn kết hôn, chúng em có thể làm điều đó. Điều này rất khác với ngày trước, hai người phải môn đăng hộ đối, cha mẹ ngày nay nói chung khá thoải mái. Chúng em có thể tự do đến nhà nhau chơi, anh ấy có thể đến nhà em và em có thể đến nhà anh ấy, và cha mẹ chúng em coi chuyện này hoàn toàn bình thường” (Quỳnh, nữ, 21 tuổi)

Mặc dù sự chấp thuận của cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng khi đi đến quyết định hôn nhân, nhiều người có cảm giác trong thế giới thành thị đương đại, quá trình tìm hiểu trong tình yêu trở thành một hành động nửa vời, không còn bị ràng buộc bởi gia đình, cộng đồng và truyền thống. (Belanger và Khuat Thu Hong, 2001; Gammeltoft, 2001).

Điều này tạo cho thanh niên sự tự do tìm kiếm theo ý họ, tìm hiểu những đối tượng tiềm năng một cách độc lập, chủ yếu theo tình cảm và mong ước của chính họ hơn là ý muốn của cha mẹ. Cụ thể là, những thanh niên đã lớn lên ở vùng nông thôn nhấn mạnh xu hướng cuộc sống thành thị, cách xa cha mẹ, họ hàng và các kiểm soát xã hội của làng mạc để tăng sự độc lập tình dục và xã hội. Anh (nữ, 20 tuổi) miêu tả các trải nghiệm ban đầu về tìm hiểu yêu đương như sau:

“Lúc em còn ở nhà, năm cuối cấp em cũng có một bạn trai. Nhưng chúng em không bao giờ cầm tay nhau. Trong làng quê em, mọi người biết mọi điều về bạn và bạn luôn luôn bị cai quản. Nếu ai đó thấy bạn cầm tay một người con trai, cha mẹ bạn sẽ đánh bạn nhừ tử. Vì thế chúng em không bao giờ cầm tay nhau hay hôn nhau.”

Ngược lại, thanh niên cảm thấy cuộc sống thành thị đang tạo cơ hội lớn cho các thử nghiệm xã hội và tình dục, ngay cả với những thanh niên hiện đang sống với cha mẹ.

“Có rất nhiều khách sạn và nhà nghỉ, vì thế bạn có thể nói dối cha mẹ và qua đêm ngoài nhà mình. Bạn có thể nói là bạn ở nhà một người bạn, vì đã muộn nên bạn ở lại nhà người bạn này. Gia đình bạn sẽ tin đó là sự thật. Và chính điều này dẫn đến các mối quan hệ lung tung và bừa bãi.” (Vinh, nam, 25 tuổi)

Dựa vào những hiểu biết hạn chế họ có được từ nhau, sự tự do này cũng phải trả giá. Theo nhận thức của giới trẻ, cuộc sống thành thị hiện đại cũng liên quan đến thách thức thường trực về định hình tính cách thực và các dự tính của người khác, đặc biệt là người bạn tình trong tương lai:

“Nam thanh niên ngày nay thích vui vẻ, thích cảm nhận dục vọng, thích làm quen với cô này cô kia. Con trai có thể đi chỗ này chỗ nọ khi họ thích; nếu họ thích yêu một cô gái, họ sẽ yêu cô ấy, làm sao biết được? Bạn không thể biết họ đi đâu, họ làm gì, vì thế em rất sợ con trai; họ ăn nói ngọt ngào với bạn nhưng làm sao bạn biết được họ nghĩ gì về bạn hay họ sẽ đi yêu người khác…

Như bạn trai em, em không biết tình yêu của em có bền vững không. Có ít người đàn ông tử tế như anh ấy, ý em là hiện tại anh ấy tốt, nhưng trong thời gian vài tháng tới, anh ấy có thể khác, anh ấy có thể thay đổi tính cách. Em không thể biết trước anh ấy sẽ như thế nào, chỉ có thời gian mới biết được.’’ (Huế, 19 tuổi)

“Thành thị” kết tinh cảm nhận của thanh niên về sự mong manh và bấp bênh của các mối quan hệ xã hội, cung cấp một chuyên đề nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống của họ. Trong bối cảnh này, cách thực hành tình dục có những ý nghĩa khác nhau rõ nét so với những tập quán được đưa ra dựa trên những học thuyết sẵn có về tình dục thành thị.

Là một người đặc biệt đối với một ai đó: Nỗ lực vì sự tin tưởng và điều chắc chắn

Một ví dụ về Tình yêu - minh họa từ www.thetempleoflove.com

Đối với những thanh niên tham gia trong nghiên cứu này, các mối quan hệ tình dục là những lĩnh vực vừa khoái lạc vừa mạo hiểm. Trong khi sự liên quan giữa tình dục, mạo hiểm và khoái lạc được công nhận ở khắp nơi trên thế giới (Vance,1984), những biểu hiện cụ thể về khoái lạc và mạo hiểm khác rất xa nhau. Vì tình dục trước hôn nhân trong xã hội Việt Nam vẫn bị lên án, trừ khi nó muốn xác lập quan hệ tình dục với hi vọng xây dựng một mối quan hệ tình cảm dựa trên sự tin tưởng và lâu bền.

Theo Trang, một cô gái 25 tuổi: “ở Việt Nam bạn không có quan hệ tình dục chỉ vì bạn thích nhau. Nếu bạn có quan hệ tình dục với một ai đó, có nghĩa là người đó sẽ là chồng của bạn, chỉ khi đó bạn mới có quan hệ tình dục với anh ta”. Thanh niên cho rằng, không đơn thuần chỉ là những sự kiện, các trải nghịêm và hoạt động tình dục của họ gắn với mưu cầu của họ về tình yêu và tình bạn. Khi có một quan hệ tình dục, thanh niên không chỉ tìm kiếm hứng thú và mạo hiểm mà còn mong muốn tìm một người bạn lâu bền - “bạn đời”. Đây là trường hợp khi các mối lo sợ bị lợi dụng trở nên quá lớn và sự đánh giá tình cảm thực sự và ý định của người khác trở nên rất quan trọng:

“Trước khi có quan hệ tình dục, bạn nên biết chắc cô ấy có thật sự yêu bạn và quan tâm đến bạn hay không. Có phải là cô ấy thật lòng với bạn không? Nếu bạn cảm thấy cô ấy chỉ lợi dụng bạn, để bạn có quan hệ tình dục chỉ bởi cô ấy cần gì đó thì tất nhiên bạn không nên có quan hệ tình dục cùng cô ta. Có lẽ nhiều phụ nữ chấp nhận trao thân cho bạn nhưng sau đó họ sẽ đòi lại cái gì đó.” (Vinh, nam, 23 tuổi)

Tự do cá nhân, trong khi thường được thanh niên coi trọng, cũng luôn gắn kết với sự lo sợ đáng kể vì nó đặt gánh nặng về việc đánh giá tính cách và chất lượng của các quan hệ tình dục trực diện đối với chính thanh niên với nhau. Khi nói chuyện về các mối quan hệ tình dục của mình, thanh niên thường bày tỏ những nỗi lo lắng thường kỳ về nguy cơ bị người mà họ đã tin tưởng dâng hiến bản thân mình làm giảm giá trị bản thân và coi như một đồ vật, hoặc bị đối xử như một đồ vật, họ sợ “bị coi như một con-số-vô-tri-vô-giác, như một yếu tố hoàn toàn dửng dưng” (Simmel [1903] 1905: 411). Việc phân biệt một tình yêu thật sự với tình cảm giả dối là một yếu tố quan trọng trong tình yêu (Gammeltofl, sắp xuất bản).

“Nếu bạn trai của bạn không trung thực, anh ta chỉ muốn bạn mặc váy và trang điểm đẹp khi đi chơi picnic với anh ta. Nhưng nếu anh ta thật sự yêu bạn, anh ta sẽ muốn nhiều hơn thế, thì anh ta sẽ dẫn bạn về nhà anh ta và giới thiệu với gia đình; anh ta sẽ quan tâm tới bạn và cả tới gia đình của bạn.’’(Quỳnh, nữ, 21 tuổi)

Trong hoàn cảnh xã hội ở đó các hoạt động tình dục gắn chặt với khát vọng tình yêu và hôn nhân, thì sự khơi gợi tình dục dường như tập trung vào các kỳ vọng về chiều sâu của tình cảm hơn là bề nổi của nhục dục. Hứng thú tình dục thường không bắt đầu bởi các tác nhân bên trong mà bởi các ý nghĩa cụ thể mà các tình huống xã hội đặt ra cho con người qua hàng loạt các mắt xích liên hệ xã hội kết nối các dấu ấn cảm giác và phản ứng bản năng (Crossley, 2001).

Thế giới nhục dục cá nhân chỉ tồn tại qua các biểu tượng xã hội và ý nghĩa văn hóa họ tham gia vào (Simon và Gagnon, 1984; Gammeltoft, sắp xuất bản). Đánh giá từ góc độ thanh niên, vấn đề trung tâm của tình dục Gestimmtheit không chỉ là mưu cầu khoái lạc, mà còn là mưu cầu tình bạn lâu bền, một tình huống “gắn bó” làm thời gian sống có ý nghĩa hơn.

Các ước vọng của thanh niên không chỉ dừng lại ở sự thỏa mãn nhục dục mà còn thể hiện ở cả việc mong muốn xây dựng các quan hệ xã hội lâu bền, vì sự “có nhau, ở bên nhau’’ giúp vượt qua sự ngắn ngủi của thời khắc trong cuộc sống. My bị Toàn lôi cuốn bởi dường như anh ta quan tâm tới cô và trong mối quan hệ tình dục với anh ẩn chứa một hứa hẹn sum họp trong tương lai. Khi miêu tả những giai đoạn đầu của mối quan hệ tình dục của mình, thanh niên cả hai giới luôn nhấn mạnh rằng họ quan tâm đến người khác bắt đầu từ sự quan tâm của người đó dành cho họ. Ví dụ, Hiếu - nam thanh niên 25 tuổi đã mô tả sự thu hút của anh ta với bạn gái (Yến) như sau:

“Lúc đầu, em để ý Yến vì cử chỉ của cô ấy, cô ấy nói chuyện với em rất dịu dàng và quan tâm chu đáo đến em. Ví dụ, nếu em bị ốm cô ấy sẽ đến thăm, và sau khi em nói với cô ấy tình cảm của em, cô ấy vẫn đến thăm em. Tình cảm giữa chúng em rất đặc biệt, nhiều hơn tình cảm bạn bè. Chúng em quan tâm đến nhau.”

Tương tự, Hồng (20 tuổi) nói: “Một vài người bạn giới thiệu em với anh ấy. Anh ấy quan tâm đến em rất nhiều, anh ấy để ý biết em thích và không thích cái gì và anh ấy tặng quà cho em”. Trang (25 tuổi) mô tả bạn trai của cô như sau: “Các bạn em không hiểu em thấy gì ở anh ấy, anh ấy không đẹp trai và không có công việc tốt. Nhưng em có cảm giác anh ấy bảo vệ cho em”.

Trong thế giới thành thị mà thanh niên mô tả, được để ý, được đối xử như một người đặc biệt, như một người nổi bật trong đám đông dường như là vấn đề trung tâm của sự thu hút tình dục. Trong một công trình nghiên cứu gần đây, Micheal Jackson (1998) chỉ rõ vấn đề khó xử cơ bản của sự cùng tồn tại của con người với nhau chính là khoảng cách giữa cá nhânvà người khác. Trong nghiên cứu này thanh niên nhận thức căng thẳng giữa tôi và bạn, hoặc giữa một người với nhiều người, liên quan trực tiếp đến điều kiện sống ở môi trường xã hội thành thị, nơi họ phải tự lực cố gắng biến đổi khoảng cách và sự bất tín thành tin tưởng và tình thân mến.

Tình dục đô thị Việt Nam: Sự mộng mị của nhục cảm-03


ảnh minh họa
ảnh minh họa
“Khi em phải làm điều này [phá thai], ban trai em đã khóc. Anh ấy cảm thấy anh ấy đã mất đứa con. Anh ấy thương cho đứa bé và anh ấy thương em, anh ấy sợ là em bị đau, vì thế anh ấy đã khóc và chúng em an ủi lẫn nhau. Nhưng nếu anh ấy là loại bạn trai khác, nếu anh ấy không yêu thương em thật sự, thì sau việc này anh ấy sẽ dửng dưng hoặc sẽ coi em như con ngốc’’.

Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng những trường hợp có thai “ngoài mong muốn” không phải lúc nào cũng hoàn toàn là không mong muốn. Trong tình huống khi thanh niên chưa cảm thấy sẵn sàng cho việc sinh con và xây dựng gia đình, việc có thai vẫn có thể mang nhiều ngụ ý xã hội tích cực.
Một trường hợp có thai khẳng định hai người “được sinh ra cho nhau”, sự kết hợp của họ không chỉ là gặp gỡ ngẫu nhiên của hai người xa lạ mà là vì họ có duyên với nhau do “ý của trời”. Liên quan đến điều này và xét trên khía cạnh thực tế, việc có thai còn là cách để kiểm tra mối quan hệ. Nó khẳng định khả năng sinh sản của hai người, và vì thế tăng cơ hội hôn nhân trong tương lai, đồng thời thử thách khả năng cùng chịu đựng khó khăn của cả hai người. Nhiều nhận từ góc độ đàn ông, “kiểm tra” khả năng sinh sản của người con gái trước khi đi đến hôn nhân là việc đặc biệt quan trọng.
Như ý kiến của Hiếu (25 tuổi) cố gắng giải thích việc Yến đã có thai như thế nào:
“Thứ nhất, em không phải là người đi dụ dỗ, khi việc như thế này xảy ra, em vẫn yêu cô ấy, tình cảm của em không thay đổi. Thứ hai, em muốn biết và kiểm tra cô ấy. Em đã quyết định sẽ cưới cô ấy. Vì vậy, em muốn biết chúng em có thể có con với nhau hay không? Em muốn biết liệu cô ấy có thể có con và em có trở thành một người cha được không. Em muốn biết về vấn đề này ở cả hai chúng em”.
Nhìn từ góc độ phụ nữ, “kiểm tra” không chỉ liên quan tới khả năng sinh sản mà còn cả độ tin cậy và những lời cam kết của người con trai:
“Khi bạn thật sự yêu ai, bạn phải biết anh ta có thực sự yêu bạn không. Lúc đầu, bạn không thể biết nhưng có rất nhiều cách để tìm hiểu điều đó (thử thách). Ví dụ như vấn đề chúng em vừa trải qua [có thai/nạo phá thai]. Nếu anh ấy không thực sự yêu thương em, thì anh ấy có lẽ đã bỏ em. Bởi vì anh ấy không muốn liên luỵ, vì anh ấy không muốn chịu trách nhiệm, và vì điều này sẽ tạo căng thẳng và tốn thời gian. Có rất nhiều trường hợp như thế và em nghĩ việc phải đi đến bệnh viên một mình là điều đau khổ nhất. Nếu bạn có thai và bạn trai của bạn rời bỏ bạn, thì bạn chỉ còn nghĩ đến cái chết”, (Hồng, 20 tuổi)
“Khi em phải làm điều này [phá thai], bạn trai em đã khóc. Anh ấy cảm thấy anh ấy đã mất đứa con. Anh ấy thương cho đứa bé và anh ấy thương em, anh ấy sợ là em bị đau, vì thế anh ấy đã khóc và chúng em an ủi lẫn nhau. Nhưng nếu anh ấy là loại bạn trai khác, nếu anh ấy không yêu thương em thật sự thì sau việc này anh ấy sẽ dửng dưng hoặc sẽ coi em như con ngốc’’, (Yến, 20 tuổi)
Trong một số trường hợp có thai trước hôn nhân là một chiến lược được hai người sử dung có chủ tâm để có được sự đồng tình cho cưới của cha mẹ, hay một trong hai người dùng để thuyết phục người kia về các lợi ích của hôn nhân (Efroymson, Vu Pham Thanh Nguyen and Nguyen Quynh Trang, 1997). Như Vinh, 25 tuổi đã giải thích: “Lúc đó em muốn cưới cô ấy, và cô ấy lưỡng lự nửa muốn nửa không, vì thế em nghĩ, được rồi, chúng em sẽ thử và xem tình hình thế nào. Em nghĩ nếu chúng em có con, cô ấy sẽ cưới em nhưng cuối cùng cô ấy cũng không đồng ý cưới”. Nhiều người cũng cảm nhận một cách sâu sắc rằng việc có thai gắn kết hai người yêu nhau mãi mãi. Cho dù có sinh con hay không, việc có thai biến những người yêu nhau thành các bậc cha mẹ và như vậy xác lập một mối ràng buộc xã hội lâu dài (Gammetoft, sắp xuất bản)”. Theo lời Yến, sau khi bạn có quan hệ tình dục và sau khi bạn phá thai, bạn trở thành một người phụ nữ và một người mẹ. Nó giống như bạn trở thành người mẹ còn bạn trai của bạn trở thành người cha vậy”.
Tóm lại: việc có thai trước hôn nhân đóng vai trò là một nhân tố khẳng định độ sâu sắc và tính lâu bền của mối quan hệ tình dục hay ngược lại, nó chỉ là một sản phẩm ngẫu nhiên của hai người tình cờ gặp nhau. Theo nghĩa này, các trường hợp có thai trước hôn nhân có thể được coi là các phản ứng đối với sự bấp bênh và tự do của cuộc sống thành thị, qua đó thanh niên tìm cách vựơt qua những bất trắc và rào cản họ gặp phải khi trải qua các mối quan hệ tình dục trong một thế giới xã hội thành thị. Sự có thai làm hai người trở nên rất quan trọng và đặc biệt đối với nhau, tạo ra một điểm ổn định và chắc chắn trong một xã hội liên tục vận động, thay đổi và không thể hiện tiên liệu trước.
Điều trớ trêu là, sự chắc chắn đó cũng chỉ tạm thời, qua kinh nghiệm từ các ca nạo thai, sự chắc chắn này sớm trở thành không chắc chắn, khi nạo phá đặt ra những nghi ngờ về mặt đạo đức mà thanh niên chưa biết trước (gammetoft,sắp xuất bản/b) và khi các can thiệp y tế có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ trẻ trong tương lai. Như San (nam, 30 tuổi) nhận xét: “Chúng em muốn biết chúng em có thể có con cùng nhau không, nhưng nếu thử thì cũng mạo hiểm. Bây giờ chúng em có thể có con, nhưng sau này khi chúng em đã kết hôn thì có thể chúng em sẽ không thể có con. Em sợ điều gì đó không hay xảy ra, lần này thì chúng em có thể, nhưng sau đó chúng em không thể”.

No comments: