Friday, August 15, 2008

Một tuyên bố có thể nâng giá trị đồng đôla

Vài giờ sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra lời tuyên bố: “Cục Dự trữ Liên bang sẽ vẫn mở cửa và hoạt động. Cánh cửa phòng cho vay có chiết khấu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu thanh khoản của người dân”.

Hai câu nói ngắn gọn và súc tích này ngay lập tức đã xoa dịu các thị trường trên toàn cầu. Ngày thứ hai của tuần tiếp theo, khi các thị trường Mỹ mở cửa để tiến hành những phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc tấn công, Cục Dự trữ Liên bang đã quyết định giảm 0,5% tỷ lệ lãi suất - đây được coi là một bước đi khác để xoa dịu những tác động tài chính và kinh tế mà cuộc tấn công gây ra.

Đôi khi những lời tuyên bố giản dị lại có tiếng vang rất lớn.

Tại sao một lời tuyên bố chỉ với vỏn vẹn hai câu không trau chuốt lại có ảnh hưởng sâu sắc tới một nền kinh tế 10 nghìn tỷ đôla và trên thực tế là tới nền kinh tế toàn cầu? Nhờ đâu, Cục Dự trữ Liên bang - một thể chế không trực tiếp được dân bầu - lại có sức mạnh to lớn nhường vậy? Và tại sao sức mạnh đó lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ?

Tất cả các câu trả lời đều quy về một điểm: Cục Dự trữ Liên bang quản lý cung tiền, do đó, nắm quyền kiểm soát “chiếc vòi” tín dụng của cả nền kinh tế. Khi chiếc vòi đó được nới lỏng, lãi suất giảm và chúng ta có thể chi tiêu thoải mái hơn cho tất cả những khoản từ xe hơi đến những nhà máy sản xuất mới. Nhờ thế, Cục Dự trữ Liên bang có thể sử dụng chính sách tiền tệ để đối phó với những cuộc suy thoái kinh tế (hoặc ngăn chặn chúng ngay từ đầu).

Cục cũng có thể rót tiền cho toàn bộ hệ thống tài chính sau những cú sốc bất ngờ, như thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987 hay cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9... Cục cũng có thể khóa chặt chiếc vòi này bằng cách tăng lãi suất. Khi đó, chi phí cho các khoản vay tăng lên và chi tiêu của chúng ta giảm xuống. Đó là một sức mạnh khủng khiếp. Paul Krugman - Nhà kinh tế học Mỹ đã viết: “Nếu bạn muốn có một mô hình đơn giản để dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong năm năm tiếp theo, thì bạn cần xây dựng mô hình mà Greenspan mong muốn, cộng thêm hay trừ đi một lỗi ngẫu nhiên phản ánh thực tế rằng ông ta không phải là Thượng đế.”

Thượng đế không cai quản thế giới bằng hội đồng, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thì khác. Cục này điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại, hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngân hàng, hay nói cách khác là làm nhiệm vụ gắn kết hoạt động của hệ thống tài chính. Những công việc này không đòi hỏi tài năng thiên bẩm hay khả năng nhìn xa trông rộng.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ, một trách nhiệm khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, lại hoàn toàn khác. Có thể coi trách nhiệm này tương đương với trách nhiệm của vị bác sĩ mổ chính trong một ca mổ khó. Các nhà kinh tế học không đồng tình với cách quản lý cung tiền của Cục. Tuy nhiên, tất cả đều có suy nghĩ, một chính sách tiền tệ hiệu quả rất có ý nghĩa và Cục nên đưa ra một lượng tín dụng vừa đủ để giữ nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Sai sót có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Robert Mundell, người giành giải Nobel Kinh tế năm 1992, cho rằng chính sách tiền tệ lộn xộn trong thập niên 1920 và 1930 là nguyên nhân sinh ra tình trạng lạm phát kéo dài và khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn. Ông nhận định: “Nếu cuối những năm 1920, giá vàng được đẩy lên hoặc các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách bình ổn giá cả thay vì trung thành với hệ thống bản vị vàng, thì cuộc Đại Suy thoái, sự phát triển của chủ nghĩa Phát xít và cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã không nổ ra.”

Nếu Cục Dự trữ Liên bang có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn khi cắt giảm tỷ lệ lãi suất, thì tỷ lệ lãi suất thấp hơn có thể mang lại kết quả tốt hơn không? Tại sao nên đặt ra giới hạn cho tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế? Nếu chúng ta bắt đầu chi tiêu thoải mái hơn khi lãi suất giảm từ 7% xuống 5%, tại sao chúng ta lại chỉ dừng lại ở ngưỡng đó? Vẫn còn những người không có việc làm và những người không thể mua xe hơi mới, vậy chúng ta hãy giảm lãi suất xuống 3%, hay thậm chí là 1%. Khi đó, tất cả mọi người sẽ đều có tiền!

Nhưng đáng buồn thay, luôn có những giới hạn cho tốc độ tăng trưởng cho phép của nền kinh tế. Nếu tỷ lệ lãi suất thấp, người tiêu dùng có thể tiêu tiền thoải mái hơn và nhu cầu mua xe PT Cruiser tăng thêm 5% so với năm trước đó, thì Chrysler sẽ phải mở rộng quy mô sản xuất thêm 5%. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải thuê thêm công nhân, mua thêm thép, thủy tinh, các thiết bị điện... Xét trên khía cạnh nào đó, Chrysler sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi vì công ty có thể không tìm được những đầu vào này, đặc biệt là những công nhân lành nghề. Khi đó, Chrysler sẽ không thể sản xuất đủ số PT Cruiser cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và công ty bắt đầu tăng giá. Cùng lúc đó, các công nhân sẽ nhận ra Chrysler đang thiếu nhân công và công đoàn bắt đầu đấu tranh đòi tăng lương.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Điều tương tự sẽ xảy ra với cả nền kinh tế, chứ không chỉ riêng Chrysler. Nếu tỷ lệ lãi suất thấp bất thường, các nhà sản xuất sẽ vay tiền để đầu tư vào những hệ thống máy tính và phần mềm mới, còn người tiêu dùng sẽ tận dụng tối đa thẻ VISA để mua tivi màn hình rộng và những chiếc tàu tuần dương Caribe. Khi những nhà sản xuất ôtô sản xuất hết công sức và IBM đang phải bán tất cả số máy tính được sản xuất, thì những hãng này sẽ nâng giá sản phẩm. (Khi cầu vượt quá cung, các hãng có thể tăng giá mà vẫn tiêu thụ được sản phẩm, dịch vụ). Nói tóm lại, chính sách “tiền tệ dễ dàng” do Cục Dự trữ Liên bang ban hành có thể khiến nhu cầu của người tiêu dùng vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế. Cách duy nhất để hạn chế tình trạng cầu vượt quá cung là nâng giá sản phẩm. Và kết quả cuối cùng là lạm phát.

Giá PT Cruiser tăng lên và không ai được lợi hơn từ sự kiện này. Đúng là, doanh thu của Chrysler đã tăng, nhưng công ty cũng phải trả nhiều hơn cho các nhà cung ứng cũng như công nhân. Công nhân được trả lương cao hơn, nhưng họ cũng phải trả mức giá cao hơn cho những nhu cầu cơ bản. Các con số thay đổi khắp nơi, nhưng năng suất của nền kinh tế và GDP thực tế, thước đo mức sống sung túc, đều giảm mạnh. Vòng quay lạm phát khi đã bắt đầu sẽ rất khó có thể phá vỡ. Các doanh nghiệp và các công nhân ở khắp mọi nơi bắt đầu không ngừng tăng giá và thực tế đã làm cho giá liên tục tăng.

Tốc độ tăng trưởng cho phép không gây ra lạm phát của nền kinh tế được gọi là “tốc độ quy định”. Chúng ta có rất nhiều biện pháp để tăng số lượng sản phẩm mà một đất nước có thể sản xuất. Chúng ta có thể làm việc thêm giờ, tuyển thêm công nhân, mua thêm máy móc mới và các dạng tư bản khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm. Hay, chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhờ một tiến bộ công nghệ nào đó. Tuy nhiên, mỗi nguồn lực tăng trưởng này đều có hạn chế riêng. Nguồn nhân lực khan hiếm. Tư bản cũng khan hiếm. Tốc độ đổi mới của công nghệ có hạn và không thể dự đoán được.

Cuối thập niên 1990, các công nhân sản xuất ôtô ở Mỹ đe dọa tiếp tục đình công bởi vì họ đang bị buộc phải làm việc ngoài giờ quá mức cho phép. Trong khi đó, các nhà hàng bán đồ ăn nhanh lại chào mời người lao động với những khoản tiền thưởng hấp dẫn. Rõ ràng, chúng ta đang rơi vào khủng hoảng. Theo tính toán của các nhà kinh tế học, tốc độ tăng trưởng phù hợp của nền kinh tế Mỹ vào khoảng 3% mỗi năm.

Cụm từ “vào khoảng” cho thấy mức độ khó khăn của trọng trách mà Cục Dự trữ Liên bang được giao phó. Cục Dự trữ Liên bang phải duy trì một mức cân bằng nào đó. Nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn khả năng của nó, thì chúng ta đang lãng phí tiềm lực kinh tế. Các nhà máy sản xuất xe PT Cruiser đang nhàn rỗi; những công nhân đáng lẽ ra đang làm việc lại rơi vào tình trạng thất nghiệp. Một nền kinh tế có khả năng tăng trưởng 3% lại ì ạch ở mức 1,5%, và thậm chí còn đang rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, Cục Dự trữ Liên bang phải cung cấp một lượng tín dụng vừa đủ để tạo ra công ăn việc làm và sự thịnh vượng nhưng không được quá nhiều, nếu không sẽ khiến nền kinh tế trở nên quá nóng. William McChesney Martin, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang trong suốt thập niên 1950 và 1960, từng nhận định, trách nhiệm của Cục là mang ly rượu punch đi ngay khi bữa tiệc bắt đầu.

Đôi khi, Cục Dự trữ Liên bang phải đưa bữa tiệc vào khuôn phép sau khi nó bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Để giải quyết tình trạng lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang đã cố ý gây ra một số cuộc suy thoái. Đáng chú ý nhất, Cựu Chủ tịch Paul Volcker chính là người mạnh tay kết thúc bữa tiệc lạm phát của thập niên 1970. Trước tình hình tỷ lệ lạm phát tăng từ 3% năm 1972 lên 13,5% năm 1980, Volcker đã nhấn tay phanh tiền tệ, tăng tỷ lệ lãi suất, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tỷ lệ lãi suất ngắn hạn đạt mức cao kỷ lục 16% năm 1981. Kết quả là vòng quay lạm phát từ từ dừng lại. Với tỷ lệ lãi suất hai con số, những chiếc ô tô Chrysler K phải nằm im lìm trong các showroom bán hàng. Nhà sản xuất buộc phải giảm giá, đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân. Những công nhân tiếp tục làm việc quyết định đây không phải là thời điểm thích hợp để đòi tăng lương.

Dĩ nhiên, điều tương tự cũng xảy ra ở những khu vực còn lại của nền kinh tế. Dần dần, với chi phí nhân lực lớn, kỳ vọng giá sẽ tăng ổn định hoàn toàn bị loại bỏ khỏi hệ thống. Kết quả là, cuộc suy thoái năm 1981-1982 đã nổ ra. Trong giai đoạn suy thoái này, GDP giảm 3% và tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 10%. Cuối cùng, Volcker cũng chiến thắng. Năm 1983, lạm phát giảm xuống còn 3%. Rõ ràng, nếu ngay từ đầu bữa tiệc không vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn và thiệt hại cũng ít hơn rất nhiều.

Nhờ đâu, Cục Dự trữ Liên bang có được nguồn sức mạnh phi thường này? Xét cho cùng, các ngân hàng thương mại vẫn chỉ là những doanh nghiệp tư nhân. Cục Dự trữ Liên bang không thể buộc Citibank tăng hay giảm tỷ lệ lãi suất đối với những khoản vay mua ôtô hay những khoản thế chấp nhà của khách hàng. Đúng hơn là, quá trình này diễn ra không trực tiếp. Chúng ta hãy cùng nhớ lại trong Chương 7 có một nhận định, tỷ lệ lãi suất thực chất chỉ là tỷ lệ thuê tư bản, hay “giá của đồng tiền”. Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát cung tiền của Mỹ. Tiền có nét tương đồng với những căn hộ: cung càng lớn, tiền thuê càng rẻ. Cục Dự trữ Liên bang thay đổi tỷ lệ lãi suất bằng cách thay đổi số quỹ của các ngân hàng thương mại. Nếu có dư tiền, các ngân hàng sẽ phải cắt giảm tỷ lệ lãi suất để thu hút thêm người vay. Còn khi tư bản khan hiếm, điều ngược lại sẽ đúng. Đó chính là quy luật cung cầu, trong đó, cung thuộc quyền kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang.

Những quyết định tăng, giảm hay giữ nguyên tỷ lệ lãi suất thường do một hội đồng có tên gọi Hội đồng Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang đưa ra. Hội đồng này bao gồm Hội đồng Thống đốc, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và thống đốc của bốn ngân hàng dự trữ liên bang khác luân phiên nắm quyền phủ quyết. Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang đồng thời cũng là chủ tịch của FOMC. Như vậy, có thể nói, quyền lực của Alan Greenspan đến từ chiếc ghế chủ tọa khi FOMC đưa ra các quyết định về tỷ lệ lãi suất.

Tất cả đưa đến một câu hỏi hóc búa: Cục Dự trữ Liên bang rót tiền vào hệ thống ngân hàng tư nhân như thế nào? Có phải Alan Greenspan đã in thêm 100 triệu đôla tiền mới, rồi cho chở số tiền đó đến một chi nhánh của Citibank trên một chiếc xe tải bọc thép không? Không hoàn toàn như vậy, mặc dù hình ảnh đó không phải là một cách hiểu ngớ ngẩn về những gì diễn ra trên thực tế.

Alan Greenspan và FOMC đã in thêm tiền mới. Ở Mỹ, chỉ có Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Hội đồng Thị trường mở Liên bang mới có quyền làm việc này. Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ in tiền và đúc tiền xu để thay thế cho tiền đang lưu thông, còn Cục Dự trữ Liên bang sẽ đảm trách việc phân bổ số tiền mới này cho các ngân hàng thương mại như Citibank. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang không cho không tiền, mà đổi tiền mới lấy trái phiếu chính phủ. Trong ví dụ của tôi, giám đốc chi nhánh Citibank nhìn thấy chiếc xe tải bọc thép của Alan Greenspan bên ngoài ngân hàng, chở 100 triệu đôla tiền mới tiến vào mái vòm của ngân hàng, và sau đó, trao lại cho Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang số trái phiếu chính phủ có giá trị là 100 triệu đôla từ danh mục vốn của ngân hàng như một sự trao đổi. Hãy lưu ý rằng, Citibank không hề giàu lên nhờ giao dịch này. Thực chất, ngân hàng chỉ đổi 100 triệu đôla giá trị một loại tài sản (trái phiếu) lấy 100 triệu đôla giá trị một loại tài sản khác (tiền mặt hoặc chính xác hơn là tiền điện tử).

Dĩ nhiên, trên thực tế, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang sẽ không lái một chiếc xe tải đến Citibank để đổi tiền lấy trái phiếu, mà làm việc đó thông qua thị trường trái phiếu (thị trường này hoạt động giống như thị trường cổ phiếu, ngoại trừ việc trái phiếu được mua đi bán lại). Những nhân viên giao dịch trái phiếu đại diện cho Cục Dự trữ Liên bang mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại và trả cho các ngân hàng đó số tiền mới in - số tiền mà chỉ mới hai mươi phút trước thôi vẫn còn chưa xuất hiện. (Có lẽ, những ngân hàng bán trái phiếu sẽ là những ngân hàng có nhiều cơ hội tạo ra các khoản vay mới nhất). Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục mua trái phiếu bằng tiền mới cho đến khi đạt được tỷ lệ lãi suất liên bang mục tiêu. Đây được gọi là hoạt động thị trường mở.

Rõ ràng là, Cục Dự trữ Liên bang cho đi thứ gì thì cũng có thể lấy lại thứ đó. Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng tỷ lệ lãi suất bằng cách làm ngược lại tất cả những gì chúng ta vừa nói đến. FOMC sẽ ủng hộ việc tăng tỷ lệ chiết khấu và/hoặc tỷ lệ lãi suất liên bang mục tiêu và ra lệnh bán trái phiếu từ danh mục đầu tư của mình cho các ngân hàng thương mại. Khi các ngân hàng từ bỏ các khoản tiền có thể cho vay để đổi lấy trái phiếu, thì cung tiền sẽ giảm. Số tiền có thể cho các khách hàng và doanh nghiệp vay thay vào đó lại được lưu giữ dưới dạng trái phiếu. Tỷ lệ lãi suất tăng lên và bất cứ mặt hàng nào được mua bằng tiền vay đều trở nên đắt đỏ hơn. Kết quả tích lũy là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Cách làm việc của Cục Dự trữ Liên bang không làm che khuất bức tranh tổng thể. Nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Nhưng chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về khó khăn thật sự của trọng trách này. Trước tiên, chúng ta chỉ đang dự đoán tỷ lệ tăng trưởng cho phép của nền kinh tế mà không làm phát sinh lạm phát. Một cuộc tranh cãi nổ ra giữa các nhà kinh tế học xoay quanh câu hỏi: Có phải máy tính và các loại hình công nghệ thông tin khác đã khiến năng suất làm việc của người Mỹ tăng lên rất nhiều không? Nếu đúng như vậy, thì như Greenspan từng nói, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế có thể đã tăng lên. Nếu không phải, thì như những nhà kinh tế đã tranh cãi đầy thuyết phục, tốc độ quy định cũ vẫn phù hợp. Rõ ràng là rất khó tuân theo một giới hạn tốc độ cũ không được công khai.

Trong hầu hết mọi xã hội, một dạng tiền tệ thống nhất đã ra đời để giúp quá trình trao đổi thương mại diễn ra dễ dàng hơn (từ “tiền lương” xuất phát từ những bao muối trả công cho những chiến binh La Mã). Bất kỳ phương tiện trao đổi nào, dù là một đồng tiền vàng, một chiếc răng cá voi hay một đôla Mỹ, đều phục vụ những mục đích cơ bản giống nhau. Trước tiên, nó đóng vai trò là phương tiện trao đổi, nhờ đó, tôi có thể ăn sườn lợn trong bữa tối nay ngay cả khi người bán thịt lợn không thích mua cuốn sách này.

Thứ hai, nó đóng vai trò như một đơn vị tính toán, nhờ có nó, giá của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được đo lường và so sánh như một thước đo (Hãy tưởng tượng một cuộc sống không có tiền. Khi đó, hãng Gap sẽ bán quần jean với giá ba con gà một chiếc trong khi Tommy Hilfiger bán những chiếc quần cùng loại với giá 11 tấm da hải ly. Vậy, quần jean của hãng nào đắt hơn?). Thứ ba, tiền phải dễ mang và bền. Cả bóng bowling lẫn cánh hoa hồng đều không phù hợp với yêu cầu này. Cuối cùng, tiền phải tương đối hiếm để có thể đóng vai trò dự trữ giá trị.

Trong lịch sử nước Mỹ, sau khi dùng các kim loại quý, thương mại được tiến hành nhờ tiền giấy. Trước thế kỷ XX, các ngân hàng tư nhân tự phát hành tiền. Năm 1913, chính phủ Mỹ cấm lưu hành tiền do tư nhân phát hành và trở thành nhà cung cấp tiền duy nhất. Ý tưởng cơ bản vẫn không thay đổi. Dù do nhà nước hay tư nhân phát hành, thì giá trị của tiền giấy vẫn được duy trì bởi thực tế, nó có thể được bồi hoàn bằng một lượng vàng hay bạc nhất định, có thể từ một ngân hàng, cũng có thể từ chính phủ. Nhưng sau đó, năm 1971, Mỹ vĩnh viễn xóa bỏ chế độ bản vị vàng. Từ đó, mỗi đôla tiền giấy không còn khả năng bồi hoàn được nữa.

Hãy kiểm tra nắm giấy bạc 100 đôla trong ví của bạn. Những tờ giấy bạc này chỉ là giấy mà thôi. Bạn không thể ăn, không thể uống, cũng không thể hút chúng và quan trọng nhất là bạn không thể mang chúng đến chính quyền và đòi hỏi lấy thứ gì khác. Chúng chẳng có giá trị cố hữu nào. Điều này cũng đúng với đồng tiền của tất cả các nước khác trên thế giới. Nếu bạn bị bỏ rơi trên một hòn đảo hoang với 100 triệu đôla, bạn sẽ nhanh chóng bỏ mạng ở đó. Trái lại, cuộc sống sẽ tươi đẹp nếu bạn được giải cứu và có thể mang theo số tiền đó. Ví dụ trên hàm chứa giá trị của đồng tiền hiện đại: Nó có sức mua. Những đồng đôla có giá trị vì những người bán hàng hóa thực như thức ăn, sách, thuốc chăm sóc móng chân chấp nhận chúng. Và những người bán hàng này chấp nhận đồng đôla bởi họ tin rằng những người bán hàng khác cũng chấp nhận chúng. Một đôla là một tờ giấy có giá trị xuất phát từ niềm tin rằng chúng ta có thể sử dụng chúng để mua thứ chúng ta cần trong tương lai.

Vì tiền giấy không hề có giá trị cố hữu nào, nên giá trị của nó phụ thuộc vào sức mua - một đại lượng có thể biến đổi dần hoặc rất nhanh. Mùa hè năm 1997, tôi dành vài ngày lái xe khắp bang Iowa tìm hiểu cuộc sống của người nông dân Mỹ để viết bài cho tạp chí The Economist. Trong chuyến đi, tôi có nói chuyện với một người nông dân trồng ngô, đậu nành và nuôi gia súc. Khi dẫn tôi đi tham quan trang trại, ông ta chỉ vào một chiếc máy kéo nằm bên ngoài chuồng gia súc. “Năm 1970, tôi mua chiếc máy kéo này với giá 7.500 đôla”, ông ta nói. “Giờ thì hãy nhìn xem”, ông ta kêu lên tức giận trong khi chỉ tay vào chiếc máy kéo mới sáng bóng ngay bên cạnh chiếc máy cũ. “Giá của nó những 40 nghìn đôla. Ông có thể lý giải điều này không?”

Tôi có thể lý giải điều đó, nhưng tôi không nói gì với người nông dân, bởi ông ta tỏ ra nghi ngờ khi thấy tôi còn trẻ, đến từ thành phố, đeo cà vạt và lái xe Honda Civic. (Một năm sau, khi tôi được giao viết một câu chuyện tương tự về những người nông dân trồng thuốc lá, tôi đã rất khôn ngoan khi thuê một chiếc xe tải chở hàng). Câu trả lời của tôi chỉ gói gọn trong một từ: lạm phát.

Trên thực tế, chiếc máy kéo mới có thể không đắt hơn chiếc máy cũ, nghĩa là ông ta chỉ cần làm cùng một khối lượng công việc, hay ít hơn để mua chiếc máy đó. Mức giá dán trên chiếc máy kéo của ông ta tăng lên, nhưng giá bán nông phẩm hay gia súc của ông ta cũng tăng lên ở mức tương ứng.

Lạm phát, rất đơn giản, là hiện tượng khi mức giá trung bình tăng lên. Tỷ lệ lạm phát, hay sự thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng, là nỗ lực của Chính phủ để giữ biến động của giá cả chỉ dừng ở mức một con số, ví dụ 4,2%. Phương pháp xác định con số này đơn giản đến bất ngờ; các quan chức chính phủ kiểm tra giá cả của hàng nghìn loại hàng hóa - quần áo, thực phẩm, nhiên liệu, giải trí, nhà cửa... theo định kỳ và quy đổi chúng thành con số phản ánh mức độ thay đổi của một giỏ hàng hóa mà người tiêu dùng mua.

Cách nghĩ đúng nhất về lạm phát không phải là giá cả đang tăng lên, mà đúng hơn là sức mua của đồng đôla đang giảm xuống. Một đồng đôla mua được ít hơn so với sức mua trước kia của nó. Đây chính là mối liên hệ giữa Cục Dự trữ Liên bang, hay bất kỳ ngân hàng trung ương nào, với sự suy sụp kinh tế. Một đồng tiền giấy có giá trị chỉ bởi vì nó khan hiếm. Ngân hàng trung ương kiểm soát sự khan hiếm đó. Vì vậy, một ngân hàng trung ương tham nhũng hay yếu kém có thể làm suy yếu, hay thậm chí có thể phá hủy hoàn toàn giá trị của đồng tiền.

(Trích cuốn "Đôla hay lá nho" do Công ty Alpha Books phát hành)

1 comment:

Unknown said...

Giới thiệu bạn thông tin dự án của tập đoàn Vingroup – Dự án Vinhomes Sài Gòn . Bạn có thể vào website của mình để tìm hiểu thông thêm thông tin . Căn hộ Central Park | Can ho Central Park