Friday, August 22, 2008

Kinh tế thế giới: Cơn ác mộng chưa dứt?

http://www.tuanvietnam.net/vn/harvard/index.aspx

22/08/2008 14:51 (GMT + 7)
Đến giờ phút này, chúng ta tự hỏi nền kinh tế thế giới đang ở chặng đường nào, phương hướng là đâu? Câu trả lời cho vị trí của nền kinh tế thế giới đến từ hai yếu tố: tình cảnh xuống dốc liên tục của tài chính và sự gia tăng giá cả của hàng hóa tiêu dùng.

Cơn bão tài chính đã tràn qua thế giới năm ngoái, nhưng những đợt bão tiếp theo
sẽ còn chờ phía trước. (nguồn: FT)


Thật khó mà tưởng tượng được cơn ác mộng của cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ từng lan khắp toàn cầu đã đi xa chúng ta gần một năm nay. Tại thời điểm đó rất nhiều người nhen nhóm hi vọng rằng những rủi ro đó sẽ chỉ là sự gián đoạn nhất thời của nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng của Mỹ cũng như của toàn cầu.

Nhưng hi vọng đó sớm bị dập tắt. Từ sự kiện Fannie Mae và Freddie Mac, cảnh hỗn loạn của thị trường cổ phiếu đến cuộc chạy đua của giá dầu; tất cả là bằng chứng minh bạch cho cơn ác mộng chưa dứt của thế giới.

Vậy đến giờ phút này, chúng ta tự hỏi nền kinh tế thế giới đang ở chặng đường nào, phương hướng là đâu? Câu trả lời cho vị trí của nền kinh tế thế giới đến từ hai yếu tố: tình cảnh xuống dốc liên tục của tài chính và sự gia tăng giá cả của hàng hóa tiêu dùng.

Tài chính trượt dốc


Tình trạng tài chính trượt dốc trên mọi mặt. (nguồn: FT)



Không cần phải là người trong cuộc cũng có thể hiểu được tình hình tài chính của thế giới năm vừa rồi đã lâm vào khủng hoảng như thế nào. Sự thể hiện của các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là ở Mỹ – nơi được coi là “mắt bão” – đã cho thấy tình trạng mất giá tới 50% chỉ trong quãng thời gian từ một năm trước cho tới 2 tuần trước đây.

Những thông báo này của chỉ số S&P khiến nhiều người ăn ngồi không yên, không chỉ các nhà đầu tư,mà cả chính các ngân hàng. Chênh lệch giữa tỉ lệ lãi suất thực tế của tiền vay ngân hàng của đồng đô la, euro, bảng Anh và tỉ lệ mong đợi chính thức trong vòng 3 và 6 tháng đã nới rộng hơn hồi tháng ba rất nhiều.

Ấy vậy mà khủng hoảng thanh khoản không phải là nỗi lo duy nhất. Các ngân hàng cũng đang bày tỏ lo ngại về khả năng thanh toán nợ của các ngân hàng cùng ngành. Một lí do chính đáng để lo lắng là giá trị nhà đất đang ngày càng xuống dốc. Chỉ số Case-Shiller đã giảm 18% giá trị danh nghĩa và 22% giá trị thực tế trong đợt đỉnh điểm vào giữa năm 2006 và tháng 4 năm nay. Tỉ lệ sụt giảm này cũng đang xuất hiện nhiều hơn.

Với những hiện trạng kể trên, việc thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều phen khốn đốn không còn là điều gây sốc. Người ta lo lắng về số phận của hai tổ chức được chính phủ Mỹ tài trợ - Fannie Mae và Freddie Mac – người chịu trách nhiệm về tài chính của khoảng ¾ lượng thế chấp khắp nước Mỹ. Khoản nợ đối với chính phủ Mỹ lớn đến nỗi sẽ không phải là điều vô tưởng nếu họ muốn tiến hành một đợt tiếp quản chính thức tất cả những khoản nợ chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội này.

Giá cả leo thang


Khủng hoảng tài chính, giá dầu và lạm phát vẫn chưa có điểm dừng. (nguồn: FT)


Trong khi đó, giá dầu đã tăng gần tới ngưỡng $150/thùng. Trong khi một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới đang lo lắng về nguy cơ sụp đổ tài chính và giảm phát nảy sinh, giá cả của mặt hàng quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái. Về mặt thực tế, giá dầu hiện nay tăng 25% so với năm 1970, lên tới mức đỉnh điểm của cú sốc dầu thứ hai.

Lời giải cho bài toán giá dầu và hàng hóa gia tăng vẫn còn là ẩn số, bởi kinh tế thế giới đang tăng trưởng rất chậm. Dự báo cho tăng trưởng tháng 6 chỉ khiêm tốn ở mức 2.9%, giảm nhiều so với mức 3.8% vào năm 2007, phần lớn là do suy thoái của các quốc gia có mức thu nhập cao. Chẳng hạn, dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay chỉ là 1.5%, so với 2.2% năm 2007, và tăng trưởng của tây Âu là 1.8%, so với 2.8% vào năm 2007.

Vậy chúng ta đặt câu hỏi: Nếu nền kinh tế thế giới đang suy thoái, tại sao giá cả hàng hóa lại tăng? Câu trả lời phổ biến sẽ là “đầu cơ tích trữ”. Nhưng suy nghĩ sâu hơn, nếu nạn đầu cơ tích trữ luôn hiện hữu dù ở bất cứ lúc nào, nó sẽ không phải là lời giải cho việc tăng giá cả. Một giải đáp phổ biến nữa là sự nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ.

Nhưng nếu vấn đề nằm ở chính sách của Mỹ, điều này sẽ không giải thích được sự kiện tăng giá dầu tính bằng đồng euro. Mặt khác, đầu cơ tích trữ cũng không giải thich được sự tăng giá của các mặt hàng không có thị trường năng động cho hợp đồng tương lai, chẳng hạn như quặng kim loại.

Trong trường hợp của dầu, theo ông Daniel Gros của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu phát biểu trên tờ Tuần báo tài chính hồi giữa tháng 7, đầu cơ tích trữ có liên quan mật thiết tới quyết định sản xuất. Các nhà sản xuất chính là các nhà đầu cơ cho giá trị tương lai của hàng hóa, bởi lượng dự trữ dầu là có hạn.

Vì thế, các nhà sản xuất sẽ giữ dầu trong lòng đất nếu sự gia tăng của giá dầu thực tế được dự tính là nhanh hơn lợi nhuận của các mặt hàng khác. Suy ra, điều quyết định giá cả hiện tại là giá cả dự tính trong tương lai.

Nhưng động lực quan trọng nhất là kì vọng gia tăng nhu cầu của các nước đang trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc, và những bế tắc về việc khai thác các nguồn cung cấp thay thế. Mức tăng trưởng nhanh và đòi hỏi nguồn tài nguyên cao của TQ là yếu tố quan trọng nhất. Tăng trưởng năm nay vẫn được ước tính vào khoảng 10% và hơn 9% vào năm sau.

Tương lai của kinh tế thế giới là gì?


Tương lai của kinh tế thế giới là gì?


Vậy ai có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nền kinh tế thế giới? Điểm quan trọng nhất có lẽ là sự không chắc chắn. Ai cũng có thể kì vọng viễn cảnh của sự quay trở lại của thời hoàng kim – tăng trưởng nhanh – của thế giới. Hoặc ai cũng có thể dự đoán một kết cục đen tối về sự sụp đổ tài chính.

Ấy vậy mà sự cân bằng của các nguồn lực kinh tế lại chứa nhiều mâu thuẫn: các cuộc khủng hoảng tài chính và sự phá giá nhà tại Mỹ cũng như số lượng các quốc gia với thu nhập cao; giá hàng hóa leo thang; và áp lực lạm phát, đặc biệt là ở các quốc gia đang trỗi dậy.

Chúng ta khó mà thấy được một kết cục rõ nét ngoài sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế toàn cầu. Một điều có khả năng khá cao là xu hướng tăng trưởng của kinh tế thế giới đã kém nhiều so với dự đoán của vài năm trước.

Thêm vào đó, một số rủi ro có thể chồng lên nhau tạo sức ép tiêu cực hơn. Nguy cơ bất ổn tại Iran có thể đẩy giá dầu lên tới $200 chẳng hạn. Hơn thế nữa, chữ tín của chính phủ Mỹ không phải là điều mãi mãi.

Nếu tình hình xuống cấp của nền kinh tế Mỹ tiếp tục đánh vào mức tiêu thụ của người dân, nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái nặng. Điều này sẽ khiến tình trạng thâm hụt ngân sách càng nghiêm trọng hơn, và tỉ lệ lãi suất dài hạn sẽ nhảy vọt. Khi đó, cơ chế nợ của chính phủ Mỹ sẽ không dễ chịu chút nào. Và Cục dữ trữ quốc gia sẽ càng đau đầu thêm mà thôi.

Tin mừng cho chúng ta là nền kinh tế toàn cầu đã và đang chống chọi tốt một cách đáng ngạc nhiên. Tin xấu là những rủi ro vẫn tiềm ẩn khắp nơi. Có lẽ chúng ta sẽ cần đến nhiều cân nhắc và cả may mắn để vượt qua cơn bão này.

Catherine Trần (Theo FT)


Từ ngày được thăng chức, con thấy bố ít về nhà hơn

- Con chạy thật nhanh về phía trước, phía có những màu hồng trong câu chuyện cổ tích mà bà kể hôm nào. Con vẫn tin, tin vào những câu chuyện kia, biết đâu nó mang lại hạnh phúc cho con. Con không muốn mất mát một thứ gì đã từng là của mình. Cuộc sống đã đốn ngã chính con người, đốn ngã hạnh phúc nhỏ bé của con, của gia đình ta.

Con thèm cái cảm giác trước kia, mỗi tối khi bố mẹ đi làm về, cả nhà lại quây quần với nhau, hỏi han con việc học hành.

Là một thằng con trai ương ngạnh, không chịu uất ức trước khi bị kẻ khác bắt nạt, con đến trường thường hay đánh nhau với bạn bè. Những lúc đó, về nhà với bộ mặt thâm tím, bố mẹ hỏi han, con phụng phịu ngã vào lòng bố, mẹ mà khóc, khóc một cách nức nở. Có những khi bố tức lên đánh đòn.

Vậy mà nay, đâu còn cảm giác hạnh phúc đó kia chứ. Con thèm những trận đòn của bố, những lúc đó mẹ can, bà can. Bây giờ ai đánh con, ai can con đây?

Từ ngày bố được thăng chức, con thấy bố ít về nhà hơn. Có những khi ở nhà đang ăn cơm, có điện thoại của một ai đó là bố vội vàng đi. Mẹ nén một tiếng thở thật dài, vậy là những bữa cơm, thời gian của bố dành cho gia đình dần dần thưa vắng. Có những hôm, bố không về nhà buổi tối, mẹ ở nhà sang ngủ với con, con thấy nước mắt mẹ lăn dài. Mẹ khóc một mình.

Nhà mình từ khi bố thăng chức, con thấy kinh tế ngày một phát triển hơn, bố đưa tiền cho mẹ nhiều hơn, cho con nhiều tiền. Nhưng bố biết không, con đâu cần nhiều tiền, con cần những thứ khác kia. Mà hình như bố đã quên từ lâu lắm rồi.

Con nghe phong thanh hàng xóm nói chuyện với nhau là bố có bồ. Con chỉ hơi choáng một chút thôi bởi vì con không tin chuyện đó xảy ra, con tin bố. Con không quan tâm lắm, vì con biết bố vẫn yêu mẹ lắm mà!

Không hiểu mẹ có nghe người ta nói không? Nhưng con vẫn thấy mẹ buồn, mẹ buồn nhiều lắm. Nhưng chính cái điều mà con tin bố đã làm con thất vọng, làm con suy sụp khi một ngày bố về nhà mang theo một người đàn bà khác.

Con đã khóc, khóc nhiều lắm bố biết không? Lúc đó, bố có biết con căm thù người đàn bà đó như thế nào không và lúc đó, con thấy thương mẹ biết bao nhiêu.

Mẹ lặng thinh chẳng phản ứng gì, mẹ cố giấu những giọt nước mắt đằng sau những lời nói, những hành động. Nhưng bố biết không, một câu hỏi trong đầu con lởn vởn là: Tại sao mẹ không đánh ghen như những người đàn bà khác? Mẹ hiền quá đúng không bố? Lúc đó, con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện của người lớn.

Bố đã bỏ mẹ con con, đi với người đàn bà đó thật. Vậy là từ đó, con là người không có bố, bạn bè ở trường con hay trêu là “đồ không có bố”. Con tức lắm. Vậy là con đánh nhau với chúng. Đánh với tất cả niềm căm phẫn. Đầu, tay, chân con bị đau ê ẩm. Con muốn khóc lên thật to nhưng rồi con nghĩ rằng con sẽ khóc với ai khi bố không còn ở bên. Lấy ai hỏi han, lấy ai dỗ dành con lúc này?

Con lúc nào cũng yêu thương bố. Kể cả lúc con thấy uất ghẹn, nhất là bố bỏ nhà đi, con vẫn yêu thương bố. Tự nhiên trong con lại có một câu hỏi không biết có nên nói với bố không, nhưng con muốn nói: “Không biết bố sống với người đàn bà đó có hạnh phúc hay không?”. Bố biết không, con của bố là một thằng con trai ích kỉ. Không hiểu sao con cứ muốn bố sống với người đàn bà đó không hạnh phúc!

Đã có nhiều người đàn ông khác đến nhà mình chơi nhưng mẹ không tiếp người nào. Mẹ vẫn ở với con. Nhiều lúc con tự hỏi: “Nếu mẹ lại bỏ con nữa thì con sống với ai?”.

Bố biết không, mẹ ở nhà vẫn chờ một ngày nào đó bố trở về đó. Con cũng vậy, con không ghét bố đâu, con vẫn chờ, vẫn chờ một điều kỳ diệu sẽ đến với con đó, bố ạ.

Hôm qua, không hiểu sao trong giấc mơ của con, con lại thấy mình đánh nhau với đứa bạn, rồi bố lại bên con lấy lọ dầu từ tay mẹ thoa lên vết thương cho con...

Lê Văn Bảo

No comments: