Wednesday, August 20, 2008

Hổ thẹn

Ngô Nhân Dụng

Trong khi đang du lịch Nhật Bản, người Việt Nam quan tâm đến thời sự vẫn có thể vào YouTube coi mấy đoạn phim ngắn trên vô tuyến truyền hình loan tin phiên tòa xử Linh Mục Nguyễn Văn Lý vào tuần trước. Trong YouTube có hai đoạn phim của các đài truyền hình Anh và Pháp, ngoài các bức hình. Mọi người gọi nhau cùng coi. Ai cũng nên coi, nhất là coi hình ảnh viên công an chìm đưa bàn tay hộ pháp bịt ngang cằm, không cho ông thầy tu mở miệng! Bức hình lịch sử, không coi, rất uổng.

Một độc giả Người Việt Online ở Sài Gòn đã viết e-mail đề nghị các đoàn thể ở nước ngoài nên in tấm hình này thành bích chương, đem phân phát cho các hội đoàn và cơ quan truyền thông ngoại quốc cho họ biết rõ tình hình chính trị ở nước ta. Mỗi lần có các nhân viên chính quyền Cộng Sản Việt Nam ra nước ngoài, đồng bào tị nạn hãy mang tấm bích chương đó đi biểu tình chào đón họ. Có thể chú thích bức hình: Ðây là bàn tay ông Nguyễn Minh Triết! Hoặc: Ðây là bàn tay ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nông Ðức Mạnh! Vân vân. Báo, đài ngoại quốc sẽ chụp lại bích chương đó, một bức hình có giá trị bằng vạn lời nói.

Trong lúc chế độ công an ở Việt Nam bịt miệng một công dân đòi tự do dân chủ như vậy, thì ở trong nước Nhật, dư luận đang bàn tán sôi nổi về quyết định sửa đổi sách giáo khoa môn lịch sử bậc trung học. Nhiều nhà trí thức và nhà báo Nhật đã công khai phản đối việc thay đổi một chi tiết trong bài dạy học trò về cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Quyết định do Bộ Giáo Dục Nhật Bản đưa ra, sẽ áp dụng trong niên khóa tới. Nhiều người phản đối nhưng không ai bị chính phủ Nhật gán cho tội “nói xấu nhà nước” hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền của nhân dân” (hay “của Thiên Hoàng”). Và chắc chắn không ai bị bịt miệng cả!

Tiêu biểu cho dư luận phản đối chính phủ Nhật Bản là một bài Ý Kiến trong nhật báo Asahi Shimbun (Tân Văn Buổi Sáng). Tựa đề bài ý kiến tòa soạn (Editorial) này viết: “Hãy đối diện với sự hổ thẹn,” với tựa nhỏ, “Ðức tính Nhật Bản nhất nay biến đâu mất rồi?” Bên dưới bài Ý Kiến đó là một bài khác nói thẳng trên tựa đề: “Những vụ cưỡng bức tự sát ở Okinawa.”

Trận đánh ở Okinawa (tên Hán Việt là Xung Thằng) năm 1945 là trận chiến đẫm máu nhất trong chiến tranh ở Thái Bình Dương. Ðó là lần đầu tiên quân Mỹ đổ bộ lên một hòn đảo của Nhật Bản, trong quần đảo Ryukyu. Quân Nhật đã tử chiến đến người lính cuối cùng, và hàng ngàn thường dân, lên đến một phần tư dân số đã tự sát, không để cho quân Mỹ bắt sống. Chính con số thương vong trong cuộc chiến đó đã khiến chính phủ Mỹ sau này quyết định không thể tấn công lên đất nước Nhật Bản, vì lo ngại số người chết, kể cả thường dân sẵn sàng tự sát, nhiều triệu mạng người sẽ chết uổng. Nhưng có phải thường dân ở Okinawa đã tự sát tập thể vì lòng trung thành với Thiên Hoàng hay không? Các cuộc điều tra sau chiến tranh, những hồi ức của các sĩ quan Nhật và người dân Okinawa cho thấy trước khi bại trận quân đội Nhật đã ra lệnh cho thường dân phải tự sát, không để cho quân Mỹ bắt.

Trong các sách giáo khoa lịch sử ở Nhật Bản trước đây, người ta ghi nhận sự kiện cưỡng ép thường dân Okinawa tự sát như vậy. Năm nay, chính phủ Nhật sửa lại sách giáo khoa; vì thế gây nên sóng gió.

Okinawa xưa kia là một vương quốc không thuộc Nhật Bản, chỉ bị sáp nhập vào nước Nhật từ cuối thế kỷ thứ 19. Dân Okinawa nói thứ tiếng khác, có phong tục tập quán khác người Nhật, ngày nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa riêng. Trong thời Thế Chiến, quân đội Nhật đối xử với thổ dân ở Okinawa một cách tàn bạo, không khác gì cách họ cai trị người Hàn Quốc hay dân Trung Quốc khi chiếm đóng các xứ này.

Trong các sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục Nhật Bản trước đây họ ghi: “Nhiều thường dân Okinawa đã bị quân đội Nhật ép phải tự sát.” Bản văn mới viết: “Nhiều người đã bị lôi kéo đến việc tự sát.” Không nói ai “lôi kéo” họ, và tránh dùng chữ “ép buộc.” Chính phủ Nhật Bản giải thích rằng “các chứng cớ không cho thấy rõ ràng là quân đội Nhật đã cưỡng ép thường dân tự sát.”

Một tờ báo lớn ở Okinawa, Lưu Cầu Tân Văn (Ryukyu Shimpo) lên tiếng phản đối trong một bài Ý Kiến chính thức. Tờ báo nhấn mạnh, “Rất nhiều người dân Okinawa đã làm chứng rằng quân đội Nhật ra lệnh họ phải tự sát.” Bài báo nhắc lại là đã có rất nhiều nhân chứng cho biết quân đội Nhật đưa lựu đạn cho thường dân để tự giết cả gia đình họ. Tờ báo tố cáo chính phủ Nhật thay đổi sách sử theo nhu cầu chính trị của ông thủ tướng, Shinzo Abe.

Tiếng nói của nhật báo Asahi, một trong vài tờ báo lớn nhất nước Nhật, ra đời từ năm 1879, trước báo Người Việt 100 năm, còn mạnh mẽ hơn nữa. Họ nhắc lại một định kiến của người Tây phương về dân Nhật Bản. Ðịnh kiến này do một nhà nghiên cứu người Mỹ đưa ra, trong cuốn sách xuất bản năm 1946 nhưng được soạn ra trước khi quân Nhật tấn công Mỹ năm 1941. Bà Ruth Benedict nhận xét trong cuốn “Hoa Cúc và Thanh Kiếm” rằng người Nhật Bản rất quan tâm đến danh dự. Văn hóa, tác phong của người Tây phương bị thôi thúc bởi mối ám ảnh mình phạm tội, còn động cơ tâm lý của người Nhật là mối lo phải hổ thẹn. Cha mẹ Nhật thường dạy con đừng bao giờ làm điều gì để phải hổ thẹn, như người Việt Nam vẫn nói, đừng làm gì để điếm nhục đến tổ tiên.

Báo Asahi viết: “Người Nhật Bản chúng ta luôn luôn lo bảo vệ danh dự, bảo vệ uy tín và những lợi ích không phải cho riêng mình mà của cả gia đình, cả tập thể. Nếu danh dự bị xúc phạm, người Nhật sẽ tìm cách lấy lại thanh danh. Trong xã hội, ai cũng công nhận một đức tính là tấm lòng biết hổ thẹn và kính trọng đức hòa nhã.”

Báo Asahi kể hai câu chuyện đời xưa và đời nay để làm thí dụ. Ngày xưa, có ông Naokichi Kaneko, quản lý của nhà buôn Suzuki Shoten rất thành công vào đầu thế kỷ trước, đứng ngang hàng với Mitsui và Mitsubishi. Nhưng có tin đồn là công ty Suzuki đang đầu cơ lúa gạo, gây nên cuộc khủng hoảng năm 1927. Họ bị công chúng đả đảo, tấn công trụ sở ở Kobe, cuối cùng bị ngân hàng ép phải khai phá sản. Nhưng các nhân viên của công ty, do ông Kaneko hướng dẫn, tiếp tục làm ăn và trở nên thịnh vượng, còn ông Kaneko thì về hưu. Nhiều sử gia sau này tìm ra không phải công ty Suzuki mà chính một công ty đối thủ của họ đã đầu cơ lúa gạo vào lúc đó, gây nên cảnh khan hiếm. Thủ Tướng Konoe đương thời vẫn biết tài quản trị của Kaneko, đã mời ông vào làm cố vấn cho chính phủ. Nhưng ông Kaneko từ chối, nói rằng ông là người đã phạm lỗi, vì là một người gây ra cuộc khủng hoảng năm 1927. Ông nhận lãnh trách nhiệm đối với dân Nhật, và tự thi hành kỷ luật đối với mình.

Nhật báo Asahi kể đến chuyện đời nay, có ông Bộ Trưởng Nông, Lâm, Ngư Nghiệp Toshikatsu Matsuoka. Ông bị tố cáo đã để cho nhân viên chi tiêu quá nhiều tiền điện nước, vào những việc “xa xỉ” như thứ “máy lọc nước đặc biệt” trong văn phòng bộ trưởng. Thế mà ông Matsuoka vẫn tự bào chữa, không chịu từ chức. Hơn thế nữa, Thủ Tướng Abe còn lên tiếng bênh vực ông! Ðối với người Việt Nam thì chẳng ai thấy ông bộ trưởng Nhật phạm lỗi gì nặng nề cả, nhưng dân Nhật Bản quen sống tự do, quen phê bình chính phủ, cho nên nhà báo Asahi mới than phiền!

Báo Asahi nêu lên những câu hỏi: “Chúng ta còn dám đối diện với sự hổ thẹn hay không? Hay là chúng ta quay mặt đi rồi bỏ chạy? Ðối với những người có trách nhiệm, trách nhiệm càng cao thì càng phải được công chúng xét đoán một cách nghiêm khắc hơn!” Họ nhắc nhở Thủ Tướng Abe hãy nhớ lời dạy của nhà hiền triết Nhật Yoshida Shoin (1830-1859) mà ông Abe vẫn coi là thần tượng. Yoshida dạy rằng con người phải giữ đức thành tín tuyệt đối. Nhà báo hỏi: “Các ông Abe và Matsuoka, nếu quý vị thành tâm yêu nước Nhật Bản, quý vị hãy tự hỏi mình có hiểu thế nào là hổ thẹn hay không!”

Dám kêu tên ông thủ tướng và một ông bộ trưởng mà đặt một câu hỏi ác như vậy, nhà báo này mà sống ở Việt Nam chắc đã bị bịt miệng từ lâu rồi!

Cùng số báo đó, trong mục Ý Kiến Tòa Soạn tờ Asahi nêu ra những bằng chứng cho thấy quân đội Nhật Bản đã cưỡng ép thường dân ở Okinawa tự sát. Một bằng chứng là lời thú tội của một quân nhân phụ trách coi một làng ở Okinawa; năm 1988 ông này trả lời báo Asahi phỏng vấn đã tả cảnh quân đội Nhật ra lệnh cho dân chúng tự sát. Lính dưới quyền quân nhân này đã tụ họp khoảng 20 thanh niên trong làng, phát cho mỗi người 2 trái lựu đạn. Họ được căn dặn dùng một trái lựu đạn để chống cự quân Mỹ, trái còn lại là để tự sát. Một nhân chứng khác, ông Shigeaki Kinjo, cựu chủ tịch một trường cao đẳng ở Okinawa, năm nay 78 tuổi. Ông Kinjo chứng kiến cảnh phát lựu đạn cho thường dân, năm 1945 ông mới 16 tuổi. “Khi quân đội phát lựu đạn cho thường dân, rõ ràng là họ ra lệnh phải tự sát.” Ông Kinjo không được phát, vì hết lựu đạn, cho nên ông phải tự tay giết mẹ, giết em gái và em trai mình. Bài báo không nói tại sao ông còn sống!

Bài báo trên tờ Asahi kết luận: “Một quốc gia phải tự nhìn thẳng vào các sự kiện lịch sử của mình, dù là những trang sử đau đớn. Các nhà giáo dục phải dạy cho thanh thiếu niên biết điều đó, chính các em này sẽ quyết định tương lai của đất nước!”

Ngày xưa Phan Bội Châu sang Nhật Bản, trông thấy những người lao động Nhật nghèo nhất cũng biết giữ thể diện, biết trọng danh dự, thì cụ Phan cảm thấy hổ thẹn cho đồng bào mình nhiều người không còn giữ được đức tính đó. Ngày nay du khách Việt tới đất Nhật cũng cảm thấy hổ thẹn khi thấy dân người ta có tinh thần trọng công ích, trọng kỷ luật và sạch sẽ; những đức tính tổ tiên người Việt vẫn đề cao nhưng con cháu đã bỏ mất. Nhưng điều khiến người ta hổ thẹn nhất là 80 triệu đồng bào mình vẫn sống trong cảnh thiếu tự do, để cho một nhóm người gian tham, nhũng lạm, độc đoán cầm quyền. Những kẻ cường quyền đã dùng những thủ đoạn hèn hạ như bịt miệng một ông thầy tu giữa tòa án. Họ đã thả đàn công an đi ngăn cản những người chân yếu tay mềm, lôi kéo áo mấy bà mẹ, bà vợ các nhà tranh đấu dân chủ, không cho họ được gặp bà Sanchez, một dân biểu Quốc Hội Mỹ. Cả thế giới đang chứng kiến và chê cười. Một chính quyền thiếu tự tin như vậy, không biết hổ thẹn như vậy, họ có xứng đáng đại diện cho dân tộc Việt Nam hay không? Anh công an bịt miệng ông cha Lý, chắc chắn cha mẹ anh cũng vẫn dạy anh từ nhỏ là “đừng làm gì để điếm nhục đến tổ tiên.” Ai đã ra lệnh anh đi bịt miệng một con người giữa tòa án như vậy? Anh được huấn luyện ở Nga Xô hay Trung Quốc mà xuất thủ nhanh chóng với hiệu năng cao như thế?

Trước những hình ảnh đó, người mình cũng nên tự hỏi dân tộc Việt Nam có dám đối diện với cảnh đáng hổ thẹn của cả tập thể mình hay không?

Ngô Nhân Dụng

No comments: