Saturday, August 23, 2008

Ai cũng có thể thành triệu phú nếu...

Tại sao người giàu nắm bắt được cơ hội, còn bạn lại không? Giới chuyên gia cho rằng cơ hội đến với tất cả mọi người vấn đề là ai "túm" được khoảnh khắc ấy để cơ hội khỏi vụt qua. Trong số hàng nghìn triệu phú trẻ mới nổi ở Hàn Quốc, mỗi người trong số họ lựa chọn một phương thức làm giàu riêng.

Theo một báo cáo thú vị mang tựa đề “Thế giới người giàu” (World Wealth Report) do Công ty đầu tư Merrill Lynch, Mỹ và công ty tư vấn Cap Gemini Ernst & Young của Pháp công bố tháng 6 năm 2006, đến cuối năm 2004 số người có tài sản ròng lớn (trên 1 triệu USD, chưa kể nhà) ở Hàn Quốc là 71.000 người.

Theo kết quả nghiên cứu, hầu hết những “người giàu truyền thống” trên 50 tuổi ở Hàn Quốc đều đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình vào các thập niên 1960 - 1980, thời kỳ nền kinh tế phát triển với tốc độ cao. Trong thế kỷ 21, liệu nền kinh tế Hàn Quốc có tiếp tục phát triển với tốc độ cao như trước đây không? Hơn 90% triệu phú trẻ tỏ thái độ hoài nghi. Trong thời đại lạm phát, tăng trưởng kinh tế thấp, cung vượt cầu, muốn thành công về kinh tế nhanh chóng thì không gì khác hơn là nhắm vào các thị trường có sức hấp dẫn đầu tư lớn. Đó là chiến lược làm giàu rõ nét nhất của các triệu phú trẻ Hàn Quốc.

Để thực hiện điều đó, giới triệu phú trẻ đều có chung một ý kiến: họ phải lập kế hoạch đa dạng về thị trường đầu tư và mặt hàng đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, ngoại hối, đầu tư ra nước ngoài... dựa trên nền tảng là thị trường bất động sản truyền thống. Khác với tầm nhìn và chiến lược của các triệu phú thời trước, những người đã phải tiết kiệm từng đồng suốt hàng chục năm ròng; rõ ràng Hàn Quốc ngày nay nổi lên lớp triệu phú trẻ mới với tư duy đột phá.


Triệu phú trẻ Hàn Quốc bật mí chuyện kinh doanh

Là cao thủ đấu giá bất động sản, Kim Hyoung Ta (40 tuổi) - triệu phú từ hai bàn tay trắng hiện đã có biệt thự giá hơn 4 tỷ won (1 won tương đương 16 VND). Kim chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, tất cả những gì anh có đều là tự học.

“Học là người dẫn đường vĩ đại của tôi”, Kim nói.

Kim kể, trước đây anh làm thợ tiện, rồi lái xe cho một nhà máy ở Buchon. Ban đầu anh chỉ học mót, học lỏm chiến lược bất động sản từ người khác. Ngày làm, còn ban đêm tôi ôm sách, đánh vật với luật bất động sản, luật dân sự. Sau đó, Kim bắt đầu đầu tư vào bất động sản nhờ mấy công đất ở quê mang tên người anh.

Năm 2001, qua đấu giá của tòa án, Kim mua được mảnh đất mặt tiền ở phường Noeun, thành phố Kwang Myung, tỉnh Kyong Ky, với giá 180 triệu won, trong khi giá giám định là 680 triệu won. Mảnh đất rất giá trị nhưng đang trong tranh chấp tố tụng nên không mấy người dự đấu giá, ai cũng phải cẩn thận. Mấy lần bán không được, giá đấu giá tụt xuống còn 173 triệu won. Dựa trên kiến thức về luật đã học, Kim phân tích kỹ hồ sơ này và tìm đến luật sư. Kim theo đấu thầu đến bảy lần, lần cuối trúng đấu thầu với giá 180 triệu won.

Lee Song Taek - triệu phú ở tuổi 28, đang làm luận án tiến sĩ: “Trước đây tôi học ngày đêm. Còn bây giờ ngày đi làm, đêm học ở học viện kinh tế. Hễ rảnh rỗi là tôi chúi đầu vào sách”.

Sau khi nộp tiền thầu, tiền thuế xong Kim lời 2 tỷ 800 triệu won, một khoản tiền lớn bằng 14 lần giá trúng đấu giá. Không phải ngẫu nhiên mà Kim thu lợi lớn như thế. Cũng không phải gặp vận may tiền đến. Chính tri thức và linh cảm về bất động sản, về luật pháp từng dày công học tập lâu nay đã mở rộng tầm nhìn kiếm tiền cho Kim. Trong thư viện tư của Kim, sách, tài liệu về bất động sản, về luật dân sự chất kín tường lên tận trần nhà.

Lee Keun Sung (36 tuổi) khởi nghiệp từ tay trắng, nay có tài sản khoảng 2 tỷ won nhờ đầu tư chứng khoán vào Trung Quốc mấy năm gần đây. Hằng năm, Kim tìm đọc ngấu nghiến các báo cáo liên quan tới xí nghiệp Trung Quốc, các công ty chứng khoán nước ngoài và nhiều tài liệu khác mua từ hiệu sách của Mỹ, Nhật. Đồng thời Kim nghiên cứu ngành nghề nào ở Trung Quốc có lợi tức cao và dòng chảy của mạch tiền ra sao.

Còn Park Sang Hyun (30 tuổi), vốn xuất thân từ nhân viên công ty kiểm toán, nay có cửa hàng quần áo với doanh số bán ra mỗi năm trên 5 tỷ won. “Tôi luôn thu thập tất cả tài liệu về các loại vải và thời trang. Chuyên môn của tôi không phải là thời trang nên tôi phải học bằng 10-20 lần người khác”, Park nói.

Tự học là chính

Triệu phú Seo Kyong Sik (39 tuổi) nhấn mạnh: “Dù là đầu tư hay kinh doanh thì phải tìm phương pháp đạt được kết quả tốt nhất. Phải tìm cho được bậc thầy đã từng thu được kết quả tốt nhất. Phải thu được những gì có thể thu được từ bậc thầy này”. Và người thầy là những tấm gương thành công đi trước, rồi biết áp dụng vào hoàn cảnh của mình.

Kim Chol Kyu (36 tuổi), đang điều hành một sân golf lớn, nói rằng: “Người đánh golf xa 180 yard nếu có thầy có thể đánh xa tới 220 yard. Nhưng nếu muốn đánh xa hơn 250 yard thì phải học lại từ đầu cách cầm cần golf”.

Nhưng trước khi đứng trong hàng ngũ triệu phú, những người bình thường này không có nhiều bạn là triệu phú. Vậy họ học bằng cách nào? Kim Chol Kyu nói: “Chính là sách. Nhưng nội dung và hình thức sách không phải là điều quan trọng nhất. Mà quan trọng là đọc được những bí quyết, suy nghĩ của độc giả ẩn trong chữ. Vì đó là cô đọng từ mồ hôi và nhiệt tình của người viết. Nếu tìm được tri thức trong điều đã biết, trí tuệ trong cái không nhìn thấy thì người đó có tư cách thành triệu phú”.

Các cuốn sách mà các triệu phú trẻ hay đọc: “Từ điển bách khoa”, “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Lịch sử diệt vong của đế quốc La Mã”, “Trường ca Ilias và Odysseia”… Vì sao lại thích sách lịch sử? Triệu phú Lee Sung Je (38 tuổi) - nhà đầu tư cổ phiếu thành công - giải thích: “Người thắng của lịch sử phải là người dám lên đường đi xa. Đầu tư cũng giống như cuộc trường chinh vậy. Có lẽ vì thế nên các triệu phú trẻ trên đường đầu tư có ấn tượng sâu và ưa thích những cuốn sách như thế”.

(Theo Người Lao Động)



Tỷ phú khởi nghiệp từ trò chơi điện tử

Thương hiệu Nintendo lừng danh của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử do Hiroshi Yamauchi phát triển. Hiện ông nắm trong tay 1.9 tỷ USD, xếp vị trí số 410 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn.

Cũng giống như hàng triệu người dân bình thường khác, sau thế chiến thứ 2, Hiroshi Yamauchi đã từng phải vật lộn với những khó khăn chồng chất trong đống đổ nát của chiến tranh. Vượt lên tất cả, bằng tài năng và những nỗ lực phi thường của mình, sau khi được trao quyền thừa kế doanh nghiệp nhỏ bé của gia đình, ông đã thổi một luồng sinh khí mới và tạo cho Nintendo những bước đột biến.

Nintendo nguyên là một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất các bộ bài dành cho giải trí thô sơ do chính ông nội của Hiroshi Yamauchi thành lập lên. Sau khi được trao quyền thừa kế, ông từng bước cải tổ, mở rộng Nintendo. Đến nay, Nintendo đã có hàng trăm chi nhánh nhà máy, xí nghiệp đặt ở trong và ngoài Nhật Bản. Doanh thu của Nintendo ước tính bình quân mỗi năm khoảng 5 tỷ USD.

Thừa kế và phát triển Nintendo

Yamauchi Hiroshi sinh năm 1927 tại thành phố Kyoto, Nhật Bản.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học Kyoto, ông dự định vào khoa học luật hay kỹ sư của một trường đại học tại Nhật Bản nhưng chiến tranh thế giới thứ II lan rộng đã làm thay đổi dự định của Yamauchi Hiroshi và cậu tiếp tục phải làm việc trong nhà máy của quân đội cho tới năm 1945.

Thế chiến thứ 2 vừa kết thúc, Yamauchi Hiroshi lập tức thi đỗ vào khoa luật của Đại học Waseda University. Tuy nhiên công việc học tập của ông cũng lại một lần nữa không thể hoàn thành vì chỉ được một thời gian sau khi nhập học, Yamauchi Hiroshi đã phải bỏ dở việc học để về quản lý công việc kinh doanh của gia đình do ông nội qua đời. Và ông đã chính thức được gia đình trao quyền quản lý công việc kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp gia đình Nintendo.

Mặc dù đứng trước những khó khăn chồng chất tưởng chừng như không vượt qua nổi, Hiroshi Yamauchi vẫn quyết tâm tìm mọi cách để vực công việc kinh doanh của gia đình. Bằng những nỗ lực của mình, ông đã dần ổn định được hoạt động của Nintendo trên lĩnh vực sản xuất đồ chơi điện tử và lấy tên mới cho công ty là Nintendo Karuta (Nintendo Playing Cards) theo đúng với mặt hàng là các bộ bài giải trí.

Hoạt động của Nintendo Karuta cũng đã bắt đầu đi vào chiều sâu. Nếu như trước đây chương trình cải tổ nhân công hàng loạt không mang lại hiệu quả thì càng về sau, với tư duy thức thời của thế hệ nhân công mới, Hiroshi Yamauchi đã có được những cơ sở vững chắc để phát triển hoạt động nghiên cứu để đưa vào sản xuất các loại đồ chơi thế hệ mới có trình độ kỹ thuật cũng như hàm lượng trí tuệ cao. Do đó, ông đã quyết định thực hiện chương trình cải tổ dây chuyền công nghệ đồng thời tuyển dụng thêm nhân viên, kỹ sư trình độ cao có khả năng sáng tạo cho Nintendo Karuta.

Bằng các hướng đi đúng của mình, ngay từ cuối những năm 50, Hiroshi Yamauchi đã tạo được uy tín trước nhà làm phim hoạt hình hàng đầu thế giới Walt Disney. Chỉ một thời gian không lâu sau đó, ông đã thành công với bản hợp đồng cung cấp linh kiện trò chơi giải trí. Với bản hợp đồng này, bình quân mỗi năm Nintendo có thể cung cấp cho Walt Disney số lượng 600.000 sản phẩm.

Ngoài ra, để nhanh chóng thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô hoạt động của Nintendo, Hiroshi Yamauchi đã tiếp tục nhân rộng các chi nhánh của Nintendo và đặt dưới sự điều hành của tổng hành dinh đặt tại ngoại ô Kyoto. Đây chính là thời điểm Hiroshi Yamauchi đưa Nintendo đến với công chúng và tạo cho doanh nghiệp một đà tăng trưởng khá mạnh.

Từ thập niên 80 đến thập niên 90, khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu về các bộ bài, các chương trình game giải trí có trình độ kỹ thuật cao và nhiều hàm lượng chất xám ngày một lớn. Vì vậy Hiroshi Yamauchi đã hướng Nintendo vào nghiên cứu và cho ra đời các hệ thống game video cung ứng cho thị trường nội địa.

Bằng tầm nhìn xa trông rộng của mình, cùng với việc mở rộng các chi nhánh sản xuất, Hiroshi Yamauchi còn thực hiện chương trình đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu các sản phẩm mới cho Nintendo đặt tại ngoại ô Kyoto. Nhờ đó, đội ngũ nhân viên lành nghề của Nintendo đã có được môi trường thuận lợi để phát huy tài năng sáng tạo của mình.

Bước vào một thị trường châu Mỹ, các sản phẩm của Nintendo sẽ phải đối mặt với những sức ép cạnh tranh rất lớn. Do đó, Hiroshi Yamauchi đã quyết định cử nhân vật Arakawa, một trong những kỹ sư, nhà quản lý hàng đầu của mình, làm nhà điều hành cho chiến lược kinh doanh mới này của Nintendo. Bằng kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm về thị trường châu Mỹ mà Arakawa đã nhanh chóng triển khai thành công chiến lược kinh doanh của Hiroshi Yamauchi, đưa những sản phẩm trò chơi của Nintendo đến Mỹ và sau đó là từng bước chiếm lĩnh thị trường này.

Hiện nay Nintendo là đối thủ lớn nhất của Sony và Microsoft trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên thế giới. Sau những năm tháng thăng trầm cùng Nintendo, năm 2005, Hiroshi Yamauchi đã chính thức rút khỏi vị trí người đứng đầu của tập đoàn. Mặc dù vậy, với những gì đã làm được cho nền công nghiệp giải trí của thế giới, Hiroshi Yamauchi vẫn luôn được mọi người nhớ đến với vai trò là một trong những doanh nhân thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trò chơi giải trí của Nhật và thế giới.

(Theo TBKTVN)



Tỷ phú xuất thân từ tướng cướp

Hoàn lương, làm đủ mọi nghề đến cái tuổi 47 này, Dũng "K Cơ" đã là một tỷ phú làng tranh đá quý, nắm trong tay khối tài sản không dưới vài chục tỷ đồng.


Dũng và vợ đang hướng dẫn thợ làm tranh đá quý. Ảnh: CAND.
Cuộc đời như huyền thoại của một tướng cướp này có thể khiến bất cứ cũng phải ngạc nhiên. 20 tuổi, thành đảng viên trẻ tuổi nhất nhì một trung đoàn bộ đội. 22 tuổi bị khai trừ Đảng vì những sai lầm trong cuộc sống. 30 tuổi, lập băng nhóm dưới chân đèo Thác Riềng, hai tay hai súng chặn ôtô cướp tài sản rồi trở thành trùm giang hồ đất Tây Bắc, thành "bưởng trưởng" trên suốt một dải vành đai vàng sa khoáng Na Rì - Bắc Kạn. 33 tuổi vươn lên thành đại ca ở đất đá đỏ Lục Yên.

3 lần vào tù, một lần trốn trại trở thành bị can bị truy nã đặc biệt toàn quốc. Ra đầu thú, bị kết án 11 năm tù về 3 tội, Dũng “K Cơ" được đặc xá tha tù trước thời hạn vào diện gần như sớm nhất ở Trại Phú Sơn 4, nhờ thành tích cải tạo xuất sắc.

7 tuổi đã có… đệ tử

Tên cúng cơm của Dũng “K Cơ” là Lê Văn Dũng, sinh năm 1960 tại xóm Bến, xã Lạc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái cũ (nay là Thái Nguyên). Thuở đó, Dũng đã biết làm đủ nghề, từ chăn trâu cắt cỏ, cấy hái cày bừa… 6 tuổi bắt đầu đi học, nhanh ý nhưng rất ham chơi nên đã sớm trở thành đầu lĩnh của đám học sinh quanh xã. 7 tuổi, sáng ra đến trường Dũng đã có người cắp cặp, xách túi, ở lớp đã có bạn làm bài hộ, nghịch ngợm vô cùng. Học lên đến lớp 8 (hệ 10 năm) được mấy tháng thì bỏ ngang xương, Dũng theo chúng bạn vào đội thủy lợi được 2 năm.

Đến năm 1978, vì chơi bời lêu lổng, Dũng bị bố mắng. Giận bố, Dũng viết đơn xin vào bộ đội mà không cho ai biết. Đến ngày tuyển quân, ông cụ mới té ngửa khi biết Dũng ra đi. Tháng 8/1978, Dũng làm một binh nhất của Tiểu đoàn 574 đóng tại xã Đào Viên, huyện Quế Võ (Hà Bắc cũ). Huấn luyện xong, Dũng được bố trí về đơn vị chiến đấu là Trung đoàn 338. Nhờ sự nhanh nhẹn, thông minh mà Dũng được lãnh đạo đơn vị cử đi học lớp tiểu đội trưởng ở cấp sư đoàn. Năm 1980, Dũng được kết nạp Đảng và trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của trung đoàn khi đó.

Bước ngoặt đau đớn và lần "dính án" đầu tiên

Dũng thú nhận, lý do dẫn tới những bước ngoặt cuộc đời đau đớn sau này là do nhiều lần được giao phụ trách đơn vị đi độc lập làm việc, tính tự chủ, tự quyết và cả… tự phụ trong Dũng hình thành quá sớm và quá lớn. Trong chiến tranh, được giao phụ trách nổ mìn các công trình nên thường xuyên được giao nhận mìn, thuốc nổ, dần dần Dũng đã bắt đầu sa vào việc tư lợi dù không phải chỉ cho cá nhân mình. Bớt các loại vật liệu nổ để đi đánh cá, để đổi gà vịt cải thiện cho anh em trong sinh hoạt vì giai đoạn đó rất khó khăn. Cuối cùng lượng thuốc nổ hao hụt mất khoảng hơn 200 kg, đó là một chuyện hết sức nghiêm trọng. Đương nhiên, Dũng phải viết kiểm điểm, khai báo về việc này.

Vì sai phạm trên, tháng 8/1982 Dũng bị "treo giò" chuẩn bị khai trừ Đảng. Không được bố trí công tác nên Dũng đã lâm vào cảnh chán nản. Tháng 11/1982, Dũng chính thức bị khai trừ khỏi Đảng. Từ một đảng viên trẻ nhất trung đoàn, trở thành một người tai tiếng số một, ai ai cũng biết, nên Dũng đã chẳng thể vượt lên chính mình để gượng dậy.

Tháng 3/1983, Dũng ra quân. Quyết tâm phấn đấu để bươn chải với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, Dũng đã làm đủ mọi nghề như đi chăn vịt thuê, buôn vàng, buôn bạc trắng ở tận các bản người dân tộc thiểu số, buôn quần áo vắt vai khắp các chợ vùng cao phía Bắc. Dần dần có chút vốn, Dũng bắt đầu xoay sang đi buôn trâu ở Na Rì, Bắc Kạn.

Liều lĩnh kiếm tiền, Dũng đặt in giả luôn cả con dấu quốc huy, con dấu cơ quan, tên người lãnh đạo các đơn vị cần thiết. Nhà Dũng lúc đó ở gần Viện 91, hằng ngày thấy người ra vào viện cần rất nhiều thứ giấy nên anh ta đã nảy sinh luôn ý định in giả các loại giấy tờ của Viện 91 như giấy vào viện, ra viện, giấy thanh toán, phiếu thuốc… Tất cả đều được Dũng mày mò tự… ký thay luôn.

Khi Công an quận Hai Bà Trưng phá vụ án in ấn nhãn mác giả ở Hà Nội, đã thu được các loại giấy tờ đặt in của Dũng. Hôm đó đúng ngày 14/7 âm lịch của năm 1986, Dũng đang ăn rằm ở nhà thì bị Công an quận Hai Bà Trưng lên bắt. Nằm ở nhà tạm giữ Công an quận hơn 1 tháng, chuyển sang trại Hỏa Lò nằm 2 tháng thì Dũng được chuyển giao cho bên An ninh Quân đội vì làm giả các loại giấy tờ của Quân đội. Năm 1986, Dũng bị Tòa án Quân khu I xử 18 tháng tù giam về tội làm giả giấy tờ.

“Cuộc tình trong trại” và “ông chủ xưởng tranh"

Một cuộc tình được coi là đẹp và hiếm có nhất nhì ở trại giam từ trước đến nay đã diễn ra và đó cũng chính là người vợ hiện thời của "tướng cướp": chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1966, người Phú Thọ.

Dũng vào Trại Phú Sơn 4 được khoảng hơn 1 năm thì nghe anh em kể chuyện vừa có một số phạm nhân mới nhập trại, trong đó có cả phạm nhân nữ. Họ còn bàn tán rằng, có một phạm nhân nữ đến trại hôm ấy là cô giáo "trông xinh lắm" và "rất nhân từ", người đã cho họ một số đồ ăn thức uống lúc xuống xe. Trí tò mò đã thúc đẩy Dũng dứt khoát phải tìm cách để gặp mặt xem cô này như thế nào. Các trại viên mới nói cho Dũng biết tên cô gái ấy là Oanh, nghe đâu là con một cán bộ ngành giáo dục ở tỉnh Phú Thọ.

Trước khi vào trại, Oanh là một cô giáo dạy giỏi có tiếng ở trường chuyên. Oanh bị dính án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Ngày đó ở Bắc Giang, nơi Oanh công tác, có phong trào buôn hàng từ biên giới Lạng Sơn về. Có điều kiện hơn nên Oanh đã dùng tiền của nhà trường cho một số người vay để đi buôn, nhưng họ vỡ nợ nên không trả được tiền. Chuyện vỡ lở, Oanh bị xử 8 năm tù giam và đưa vào Trại Phú Sơn 4…

Thông tin thì vậy nhưng vẫn chưa ai biết mặt ai cả. Theo nguyên tắc, trong trại phạm nhân nam và phạm nhân nữ không được gặp nhau, nhưng Dũng “K cơ” vốn ma mãnh nên đã thiết kế được một cuộc gặp rất chính đáng: Tổ chức việc trao đổi hạt giống trồng cây giữa các phân trại nên vì lý do đó, Dũng đã qua được phân trại nữ và "xem mặt" được cô gái vẫn liên lạc với mình lâu nay qua thư mà không biết mặt.

Nhìn thấy Oanh, Dũng đã bị lưỡi sét ái tình đánh trúng. Tình cảm quý mến từ đó càng tăng thêm. Họ liên tục trao đổi thư tín với nhau. Các lá thư chan chứa tình cảm yêu thương nồng nàn và lời hứa cùng nhau phấn đấu cải tạo tốt để mong ngày ra tù sẽ tổ chức đám cưới, làm lại cuộc đời.

Đi xây lại cơ đồ… với 15.000 đồng

Năm 2000, niềm vui đến với Dũng “K cơ” khi trong đợt đặc xá ra tù dịp kỷ niệm 30/4, cả Oanh và Dũng đều được tha tù trước thời hạn. Dũng bị án 11 năm nhưng được xét giảm án tới 5 năm, còn Oanh bị án 8 năm nhưng đã được xét giảm án sớm hơn 4 năm.

Ngày được về với cuộc sống tự do thật vui không tả xiết, nhưng cả Dũng và Oanh đều hiểu rằng phía trước là một cuộc sống với nhiều chông gai, thách thức đang chờ. Dũng và Oanh quyết tâm đưa nhau đi tìm nơi làm lại cuộc đời.

Lúc này, cả hai tay trắng. Nhà Dũng lại nghèo xác xơ, bố mẹ chỉ có 3 gian nhà tranh, vách đất. Vậy nên, miền đá đỏ Lục Yên là nơi đã hiện về trong tâm trí họ.

Trong túi Dũng và Oanh lúc ấy chỉ có 3 triệu đồng do một người bạn tốt bụng cho mượn. Lên đến Lục Yên, thuê một căn nhà nhỏ để ở, mua một cái giường để nằm, một cái xe đạp mini để đi lại, số tiền còn lại là… 15.000 đồng. Không sao cả, Dũng quyết định hướng dẫn cho Oanh cách đi buôn đá đỏ nhỏ kiếm cơm ngày 3 bữa, còn mình cùng anh em lên núi mua cào cuốc làm thủ công để kiếm đá.

Mọi thứ lúc này thiếu thốn, đến nước cũng phải đi xin. May có người anh em vốn nể phục Dũng từ trước thương tình cắt cho một mảnh đất nhỏ trên bãi của mình nên dần dần Dũng đã kiếm ăn được. hi có thêm chút tiền, Dũng bắt đầu nghĩ đến chuyện liều. Dốc hết vào đi mua máy móc, mua công cụ để làm đá.

May mắn đã mỉm cười với Dũng, sau 6 tháng trở lại Lục Yên, đến cuối năm 2000, anh đã mở rộng sản xuất, lập thêm được một đội đá làm đường nữa.

Có đồng ra đồng vào, đến đầu năm 2001 Dũng quyết định lập thêm một đội công nhân nữa chuyên làm đá xây dựng. Nhờ cái liều và tầm nhìn xa, lực lượng lao động của Dũng khi đó đã rất mạnh, lên tới trên 70 người.

Ngoài lượng đá đỏ khai thác được đem bán đi, còn một lượng đá khá đẹp khác Dũng đã giữ lại vì thị trường đá quý lúc đó đã bắt đầu chững. Đó cũng chính là tiền đề cho công việc sau này của Dũng và Oanh.

Năm 2003, không hiểu sao hàng đá đỏ dù có làm được cũng không bán được nữa. Bên cạnh nguồn đá bị cạn kiệt thì công việc làm ăn cũng không còn thuận lợi, Dũng bắt đầu nghĩ đến chuyện về quê để làm ăn. Sau mấy năm ở Lục Yên, họ tổ chức đám cưới và cùng về quê sinh sống. Dũng mua mảnh đất 300 triệu đồng ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên) và bắt đầu công việc kinh doanh trên một ngôi nhà tạm bợ.

Lại bắt đầu xoay đủ nghề, từ cho thuê xe, nhận cầm đồ đến buôn bán hàng tranh đá quý từ Lục Yên về Hà Nội, Hải Phòng. Trước khi về quê, Dũng đã nhìn ra một lượng hàng đá đỏ lớn vẫn còn trong dân do người ta găm lại chờ thời. Anh làm môi giới cho khách từ khắp nơi đến mua hàng, mỗi chuyến thành công cũng kiếm thêm được một ít.

Cuối năm 2005 đến đầu 2006, Dũng xây xong căn nhà ở thị xã Sông Công, mua sắm tiện nghi đầy đủ như một khách sạn cỡ 2-3 sao rồi quyết định lập một xưởng làm tranh đá quý. Đi nhiều nơi, Dũng đã tìm được một số thợ cả. Mang số đá mình giữ từ xưa cùng với một lượng nguyên liệu mua từ Lục Yên về bắt đầu làm tranh với khoảng 20 thợ có tay nghề. Đó là cơ sở sản xuất tranh đá quý đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.

Ngày Dũng khai trương cơ sở làm tranh đá quý, rất đông cán bộ lãnh đạo các cấp Tỉnh Thái Nguyên tới dự và ai cũng mừng cho anh. Nẻo thiện gập ghềnh nhưng không phải là không thể đi và đến đích - ngay cả là với một người từng đầy tai tiếng như tướng cướp Dũng “K cơ”.

(Theo Công An Nhân Dân)

No comments: