Friday, August 8, 2008

Cổ phiếu

Cổ phiếu ngân hàng lên giá dù bị hạn chế chuyển nhượng

Chưa hết choáng sau vụ Ngân hàng Hồng Việt lỡ dở kế hoạch thành lập, giới đầu tư OTC lại xôn xao trước thông tin cổ phiếu của một số nhà băng bị ngừng các hoạt động chuyển nhượng, sang tên. Tuy nhiên, nhóm hàng này vẫn tăng mạnh.

Từ ngày 31/7 Ngân hàng Quân đội quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu để giải trình Ngân hàng Nhà nước do việc chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông vượt 20% vốn điều lệ. Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng vượt 20% vốn điều lệ này, mọi hoạt động chuyển nhượng sang tên sẽ trở lại bình thường.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết quy định hạn chế chuyển nhượng thường được áp dụng trong một số trường hợp như ngân hàng có lượng giao dịch vượt quá 20% so với tổng vốn điều lệ, ngân hàng mới hoặc đang được thành lập, và ngân hàng có vấn đề về thanh khoản.

Trên thực tế, các nhà đầu tư vẫn đang giao dịch cổ phiếu MB với nhau nhưng thay vì làm thủ tục sang tên. Họ sử dụng giấy hẹn để thay thế. Một số nhà đầu tư nói rằng, sau khi cổ phiếu MB được chuyển nhượng trở lại, họ có thể mang giấy hẹn đến MB để hoàn tất các thủ tục sang tên.

Đại diện của MB cho hay những kiểu giao dịch như vậy không hợp lệ, chỉ mang tính tự phát, sẽ không được cập nhật vào sổ cổ đông và ngân hàng không quản lý hoạt động này.


Giao dịch cổ phiếu OTC ngân hàng trong thời gian gần đây khá nhộn nhịp, bất kể sự kiện liên quan tới Hồng Việt cũng như việc MB bị hạn chế chuyển nhượng. Ảnh: Hoàng Hà.

Trên thực tế, việc hạn chế chuyển nhượng không thể ngăn được các nhà đầu tư tiếp tục chọn cổ phiếu ngân hàng là một trong những mặt hàng đáng tin cậy nhất ở chợ OTC.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VnDirect, cổ phiếu OTC của MB sau ba ngày qua tăng 1.800 đồng lên 17.300 đồng, Vietcombank và Ngân hàng Eximbank cùng đi lên 1.000 đồng, lên lần lượt đạt 39.500 và 23.000 đồng. Ngân hàng Habubank tăng 500 đồng lên 13.500 đồng.

Thời gian gần đây việc Tập đoàn Dầu khí quyết định ngừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt đã khiến nhiều nhà đầu tư "gom" quyền mua của cổ phiếu này lao đao. Ban trù bị ngân hàng tuyên bố sẽ hoàn tiền cho cán bộ công nhân viên, những người đã nộp tiền để mua với giá ưu đãi. Nhưng những người trót mua lại quyền mua của các cán bộ sẽ chịu lỗ do chênh lệch giá.

Một nhà đầu tư đã lỡ mua từ một người quen quyền mua 10.000 cổ phiếu với giá 17.000 đồng. Khi có tin ngừng thành lập Hồng Việt, anh đã được tiền hoàn song lỗ tới 70 triệu. "May mà mua của người quen, họ gánh đỡ cho 40 triệu. Coi như chỉ lõm 30 triệu", anh chia sẻ.

Theo chị Huyền, một nhà đầu tư chuyên môi giới OTC, chứng khoán của các ngân hàng sắp thành lập chỉ được thực hiện giữa người quen với nhau và số lượng sang tên không lớn. Thế nên ngoài việc các nhà đầu tư không còn mặn mà với việc giao dịch quyền mua của các ngân hàng cũng như các công ty chưa IPO, thị trường OTC sau sự cố Hồng Việt không bị ảnh hưởng nhiều.

Vụ Hồng Việt có ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của không ít nhà đầu tư lớn. Nếu như giờ này năm ngoái, họ còn nôn nóng với mộng ước thành ông chủ nhà băng thì giờ này không ít người cho rằng thà đem vốn đầu tư vào một ngân hàng nào đó còn hơn.

Chị Thu Lan, Giám đốc bộ phận OTC Công ty Chứng khoán FPT, cho biết cổ phiếu OTC liên thông khá chặt chẽ với sàn niêm yết. Các nhà đầu tư thường căn cứ vào kết quả của sàn niêm yết trong buổi sáng để lướt OTC vào buổi chiều. Chẳng hạn nếu cổ phiếu tại sàn Hà Nội đi lên, giao dịch của MB cùng ngày sẽ có xu hướng tăng và ngược lại.

Nhận định về việc hạn chế chuyển nhượng của MB, chị Lan cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của cổ đông ngân hàng này. Ngoài ra, tâm lý của thị trường OTC trước sự việc trên nhìn chung vẫn ổn định, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra bình thường.

Chị Lan cho biết thêm, cổ phiếu OTC với đặc thù biến động giá không giới hạn nên một khi thanh khoản tốt sẽ rất được các nhà đầu tư ưa thích. Theo chị, thị trường chưa niêm yết thời điểm này có thể nói là tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn cách đây 2 tháng, và không chỉ ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng mà còn của các công ty bất động sản.

Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đang hoàn tất các khâu chuẩn bị để đưa thị trường OTC vào hoạt động. Các công ty chứng khoán cũng nâng cấp hệ thống để hỗ trợ nhiều hơn cho giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết. Ngoài việc gửi bản tin cập nhật giá, từ nhiều tháng nay công ty chứng khoán đã đặt sẵn bảng giao dịch trực tuyến OTC trên trang web.

Xuân Hòa


Nhiều nhà đầu tư rút chân khỏi chứng khoán

Phiên giao dịch cuối trước khi áp dụng biên độ dao động giá mới, nhiều nhà đầu tư lặng lẽ rút bớt vốn chuyển sang vàng hay gửi ngân hàng. Việc thu hẹp biên độ được nhà đầu tư ví như một cách đóng cửa thị trường, có điều đỡ sốc hơn.
> Vn-Index đảo chiều, nhà đầu tư hoài nghi / SCIC tiếp tục mua cổ phiếu

Ngồi im lặng suốt nửa đầu phiên theo dõi bảng điện tử, chị Hòa, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Tân Việt, quyết định bán hơn một nửa lượng cổ phiếu đang nắm giữ. "Tình hình này bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vì mai đã có biên độ mới rồi, có tăng trần cũng chỉ 1%", chị nói.


Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ trước việc Vn-Index tăng điểm trong phiên hôm nay. Ảnh: Hoàng Hà

Cùng tâm lý như chị Hòa, nhiều nhà đầu tư lo ngại biên độ hẹp hơn cũng đồng nghĩa với việc tính thanh khoản trên thị trường giảm xuống. Một nhà đầu tư tên Tuấn trên cùng sàn giao dịch tỏ ra thất vọng: "Biên độ hẹp lại sẽ chặn được đà đi xuống, nhưng cũng ngăn luôn đà tăng điểm mạnh một khi Vn-Index phục hồi", anh nói. Nhà đầu tư này tin rằng sau khi rơi xuống 500 điểm, thậm chí chạm ngưỡng 450, cầu trên thị trường sẽ tăng mạnh và kéo chỉ số đi lên.

Mặt khác, theo anh Tuấn, dù biên độ có được thu hẹp, mà Vn-Index không phục hồi, thì đà rơi vẫn tiếp diễn, chỉ khác là với tốc độ chậm hơn. "Người cần bán tháo thì vẫn bán tháo", anh nhận xét.

Cũng theo nhà đầu tư này, một lượng lớn nhà đầu tư đang đợi thời cơ Vn-Index xuống thêm vài phiên sẽ đồng loạt quay lại thị trường bởi nhiều giá trị cổ phiếu đang lùi về gần với mệnh giá. Nhưng nay với biên độ mới, khả năng lãi cao không còn, nên họ cũng cân nhắc có nên trở lại thị trường hay không. "Việc thu hẹp biên độ cũng như một cách đóng cửa thị trường, có điều đỡ sốc hơn", anh Tuấn bình luận.

Một vài nhà đầu tư cũng tỏ ra lo lắng thị trường sẽ rơi vào trạng thái đóng băng bởi nhà đầu tư không còn mặn mà khi khả năng lãi xuống thấp. Xác định phiên này sẽ là thời điểm để xả hàng, nên nhiều nhà đầu tư không giấu vẻ ngạc nhiên khi Vn-Index quay đầu và tăng điểm.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho hay, tổng công ty này vẫn liên tục mua vào cổ phiếu từ ngày 7/3 đến nay, song với khối lượng ở các phiên khác nhau. "Có thời điểm các bên đua nhau bán tháo, nên một mình SCIC cũng không lại được", ông Lê Song Lai nói.

Phó tổng giám đốc SCIC cũng khẳng định, tổng công ty chưa thực hiện việc công bố khối lượng và giá trị giao dịch hàng tuần.

Phiên hôm nay lệnh mua khối lượng lớn đồng loạt xuất phát từ SCIC, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Riêng tại sàn TP HCM, khối ngoại đã giao dịch gần 4 triệu đơn vị, gấp 3 lần những phiên trước. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, do dự đoán biện pháp thu hẹp biên độ sẽ sớm được dỡ bỏ, cũng tăng gom hàng.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index chốt tại 504,57, tăng trên 8 điểm (1,61%) so với phiên trước. Khối lượng giao dịch đội lên tới 18,9 triệu đơn vị, trị giá 810 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn, việc thu hẹp biên độ dao động giá là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng trên sàn Habubank cho rằng, lẽ ra khi Vn-Index xuống dưới ngưỡng 600 điểm, biện pháp này đã nên được áp dụng. "Nhà đầu tư tổ chức và dân lướt sóng có thể không còn nhiều cơ hội, song biện pháp này sẽ bảo vệ được các nhà đầu tư nhỏ lẻ", anh Dũng nhận xét.

Theo nhà đầu tư này, biện pháp điều chỉnh biên độ thoạt đầu có thể gây sốc cho một số nhà đầu tư, nhưng trong điều kiện lạm phát như hiện nay, nó sẽ cho cơ quan quản lý thêm thời gian tìm liệu pháp kiềm chế tăng giá tiêu dùng cũng như có giải pháp lâu dài hơn cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, anh Dũng cũng cho rằng, nhiều nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn vẫn có thể bán tháo trong những phiên tới. "Trong điều kiện này tốt nhất là án binh bất động, giữ lại cả tiền trong tài khoản và cổ phiếu và chờ đợi các động thái của cơ quan quản lý", anh nói. Nhà đầu tư này cũng cho rằng, đa dạng hóa danh mục đầu tư, như chuyển bớt vốn sang vàng, cũng là một lựa chọn tốt.

Ngọc Châu

No comments: