Sunday, September 21, 2008

Muốn quyết định việc lớn, hãy gác qua một đêm


Mua bán cổ phiếu có cần phải cân nhắc quá kỹ không? Ảnh: iStockphoto.

Có người cứ đắn đo mãi mua chiếc ô tô nào là thích hợp nhất, người khác lại mướn ngay tức khắc căn hộ mới gặp lần đầu. Có những phán quyết theo bản năng là tốt nhất, nhưng cái khác lại không.

Mỗi ngày chúng ta đều đứng trước những quyết định quan trọng: Có cần phải thức dậy và đi làm hay là hy vọng rằng chẳng ai thấy thiếu vắng ta cả? Chiếc VW bây giờ là chiếc xe thích hợp nhất cho gia đình hay là mua chiếc Ferrari màu đỏ và mua căn nhà giá phải chăng thay vì căn biệt thự đắt tiền? ... Vài điều nào đó có thể được quyết định nhanh chóng, những điều khác đòi hỏi phải suy nghĩ lâu. Song có lẽ chính những phán quyết theo bản năng thỉnh thoảng lại là tốt nhất.

Ủng hộ cho điều này là nghiên cứu của Gerd Gigerenzer từ Viện Max Planck (Đức). Ông đã có thể chứng minh rằng chính việc có quá nhiều thông tin và suy nghĩ quá lâu thường không dẫn đến kết quả tốt nhất.

Thí dụ như trong việc mua bán cổ phiếu hay trong thi đấu thể thao: Các quyết định nhanh chóng và tự phát thường mang lại cho người không chuyên thành tựu lớn hơn là sự cân nhắc có nhiều kiến thức của giới chuyên nghiệp.

Nhưng người ta có phải vì thế mà nên tin tưởng vào bản năng nhiều hơn là đầu óc?

Từ vài năm nay, nhóm khoa học của Đại học Nijmegen, Hà Lan đang tìm trả lời cho câu hỏi này. Và kết quả của họ rất đáng chú ý.

Trong thí nghiệm, họ giới thiệu cho các tình nguyện viên 4 căn hộ không có thực ở Amsterdam, với 12 thuộc tính khác nhau, như diện tích và vị trí. Trong đó có một căn hộ mang rất nhiều đặc điểm tốt và một có rất nhiều đặc điểm xấu.

Sau khi đọc xong thông tin, một vài người tham gia thí nghiệm phải ra quyết định ngay tức khắc – theo bản năng – cho căn hộ tốt nhất. Nhóm thứ hai được phép suy nghĩ có ý thức về việc này trong vòng 3 phút. Và nhóm thứ ba cũng phải phát biểu sau 3 phút, nhưng cùng thời gian đó họ đã bị đánh lạc hướng bởi nhiều câu đố.

Thành công của những người "suy nghĩ tiềm thức"

Dijksterhuis và đồng nghiệp gọi nhóm cuối cùng là "những người suy nghĩ tiềm thức". Những người này thường nhận ra được căn hộ nào là tốt nhất nhiều hơn nhóm quyết định theo bản năng (nhóm 1) hay những người cân nhắc có ý thức (nhóm 2).

Điều đó tựa như việc có một quá trình lựa chọn diễn ra trong đầu họ, nhưng ở sau hậu trường, trong khi não còn bận rộn với trò chơi đố chữ. Điều đó chứng tỏ quá trình quyết định trong tiền thức mang lại kết quả tốt hơn là suy nghĩ có ý thức.

Ví dụ này chứng tỏ chúng ta cần chơi vài lần trò Sudoku trước khi đưa ra một phán quyết? Không đơn giản như vậy, như nhóm khoa học xác định trong nhiều thí nghiệm tiếp theo.

Được gợi ý từ thí nghiệm căn hộ, họ đặt ra trước những người tham gia sự lựa chọn 1 trong số 4 chiếc ô tô ảo được trang bị tốt xấu khác nhau. Trong thí nghiệm đầu tiên các chiếc xe có 4 đặc điểm tốt hay xấu, còn trong thử nghiệm thứ hai chúng có đến 12 đặc tính.

Kết quả là: những người được phép suy nghĩ có ý thức 4 phút thường chọn chiếc ô tô tốt nhất nhiều hơn – nếu như họ chỉ phải lưu tâm đến 4 đặc điểm. Còn khi có 12 thuộc tính, dẫn đầu lại là những người ở nhóm dùng tiềm thức (những người bị đánh lạc hướng nên không thể suy nghĩ nhiều về sự lựa chọn của mình).

Tốt hơn là nên gác qua một đêm

Như thế, kết quả từ phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Hà Lan cũng được xác nhận qua cuộc thăm dò người tiêu thụ: Những người hay suy nghĩ lâu (có nhận thức) thường quyết định mua món hàng đúng đắn nhất khi đó là một sản phẩm đơn giản. Còn những người suy nghĩ trong tiềm thức lại có thể lựa chọn cái tốt nhất khi đó là những sản phẩm phức tạp.

Ông Dijksterhuis và đồng nghiệp cho rằng cái được gọi là "suy nghĩ trong tiềm thức" cũng có thể có ảnh hưởng ngay đến các chính trị gia hay giám đốc khi họ đưa ra một quyết định quan trọng chứ không phải đơn giản chỉ là lúc mua hàng.

Vấn đề là chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của tiềm thức. Nó không những tạo khả năng cho chúng ta lái ô tô mà không cần phải liên tục suy nghĩ về việc sử dụng nhiều cần đạp và công tắc điện khác nhau. Nó có khả năng nhiều hơn thế. Chỉ là chúng ta không nhận biết được nhiều về điều này thôi.

Chẳng hạn thỉnh thoảng chúng ta được một "gợi ý", hay nửa giờ sau một cuộc nói chuyện, bất chợt chúng ta lại sực nhớ đến từ mà đã cố nghĩ ra trước đó. Các nhà khoa học và phát minh cũng thường tường thuật lại rằng họ chỉ sực nghĩ ra được giải pháp cho một vấn đề sau khi đã quay sang việc khác. Tất nhiên là cũng không nên quá tin cậy vào việc này.

Dù sao đi nữa thì nhận biết của các nhà tâm lý học và nghiên cứu não cũng đã xác nhận một lời khuyên xưa nay: Những ai đang đứng trước một quyết định khó khăn và không phải đưa ra ngay lập tức thì nên gác qua một đêm đã.


Phan Ba (theo Süddeutsche Zeitung)

Ngắm tranh đẹp giúp giảm đau

Ngắm một kiệt tác hội họa không chỉ giúp chúng ta nâng cao tâm hồn. Theo các nhà tâm lý, việc này còn giúp xoa dịu nỗi đau thể xác.

Các chuyên gia tại Đại học Bari (Italy) tiến hành một thử nghiệm đối với 12 tình nguyện viên (cả nam và nữ). Họ yêu cầu nhóm tình nguyện xem 300 bức tranh rồi chọn ra 20 bức đẹp nhất và 20 tranh xấu nhất.

Sau đó, những người này được xem một trong ba thứ sau: tranh đẹp, phông trắng hoặc tranh xấu. Trong lúc tình nguyện viên ngắm tranh, các nhà khoa học phóng một tia laser ngắn vào tay từng người. Những tia laser có cường độ đủ để gây cảm giác khó chịu, nhưng không gây tổn hại về thể chất. Các điện cực trên đầu tình nguyện viên theo dõi phản ứng của não đối với tác động của xung laser.

Kết quả cho thấy hoạt động não của nhóm xem tranh xấu hoặc phông trắng tăng lên gấp ba lần so với nhóm ngắm tranh đẹp.

Một nhóm người xem Birth of Venus, kiệt tác của danh họa Botticelli. Ảnh: dailymail.co.uk.

Theo tiến sĩ Marina de Tommaso, trưởng nhóm nghiên cứu, hình ảnh đẹp khiến não người xem giảm bớt sự chú ý đối với cảm giác đau. Tranh đẹp làm giảm cảm giác đau đớn vì chúng làm tăng mức độ phân tán của não hơn nhiều so với tranh xấu.

Một nghiên cứu trước đây chứng minh rằng, hình ảnh đẹp tạo ra phản ứng tại một vùng trên vỏ não mang tên orbitofrontal cortex. Nhiều thử nghiệm khác cũng chứng minh não hoạt động hiệu quả hơn khi mắt nhìn thấy những hình ảnh đẹp.

Tiến sĩ Marina cho rằng kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa đối với các bệnh viện. Theo bà, trong các phòng điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là phòng mổ, các bác sĩ nên treo tranh đẹp ở những vị trí mà bệnh nhân có thể nhìn thấy để họ giảm bớt sự tập trung vào những mũi tiêm và nhát rạch của dao, kéo.

Việt Linh (theo Daily Mail)


Trẻ tư duy tốt hơn khi buồn

Bạn từng trải qua một tuổi thơ sóng gió với rất ít ký ức vui vẻ? Theo các nhà khoa học Anh, điều đó có thể tốt cho khả năng nhận thức của bạn.

Bạn có thể cho rằng các nhà tâm lý của Đại học Plymouth (Anh) ghét trẻ con hạnh phúc hoặc chỉ nói đùa, nhưng kết luận của họ được ủng hộ bởi một số nghiên cứu khác. Chẳng hạn, một thử nghiệm cho thấy những người lớn trong tâm trạng vui vẻ thực hiện các bài kiểm tra tư duy kém hơn những người vừa trải qua cảm giác buồn bã.

Để tìm hiểu tác động tương tự ở trẻ em, nhóm chuyên gia của Đạihọc Plymouth chọn 30 tình nguyện viên ở độ tuổi 10-11. Họ cho 15 em nghe một bản giao hưởng vui Eine Kleine Nachtmusik của thiên tài âm nhạc Mozart, còn 15 em kia nghe bản giao hưởng buồn Adagietto của nhạc sĩ Gustav Mahler (Áo).

Trong lúc nghe nhạc, các tình nguyện viên chơi một game mà trong đó các em tìm kiếm các hình không gian đặc biệt - chẳng hạn như một tam giác gắn với một hình chữ nhật - trong một bức tranh. Nhóm nghe bản giao hưởng vui mất nhiều thời gian tìm kiếm hơn nhóm nghe nhạc buồn.

Trí sáng tạo của trẻ phát huy tốt hơn khi các em vui vẻ. Ảnh:
Trí sáng tạo của trẻ phát huy tốt hơn khi các em vui vẻ. Ảnh: corbis.com.

Không hài lòng với kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm với 61 trẻ em ở độ tuổi 6-7. Thay vì nghe nhạc cổ điển, các em được xem ba bộ phim. Chúng gồm Jungle Book của Walt Disney (ca nhạc vui nhộn và nhảy múa), The Last Unicorn (được đánh giá là không buồn không vui) và một trường đoạn buồn trong bộ phim hoạt hình The Lion King (Vua sư tử). Phần lớn trẻ ở nhóm xem The Lion King đã khóc khi xem cảnh chú sư tử Simba vật lộn bên xác sư tử bố.

Các nhà khoa học yêu cầu cả ba nhóm thực hiện trò chơi chọn hình như thử nghiệm trước. Kết quả cho thấy nhóm xem phim ca nhạc mất nhiều thời gian trong việc chọn hình hơn hai nhóm kia.

Nhóm nghiên cứu đưa ra khá nhiều phương án giải thích cho kết quả của họ. Theo các chuyên gia, tâm trạng có thể tác động trực tiếp tới khả năng nhận thức của con người. Trong tâm trạng vui vẻ con người hiếm khi đặt câu hỏi cho những thứ mà họ nhìn thấy, trong khi đó cảm giác buồn kích thích quá trình phân tích, xử lý thông tin tới từng chi tiết của não.

Tương tự, những người đang hưng phấn thường tập trung vào niềm vui của họ nên có xu hướng bỏ qua các chi tiết.

Nhưng các bậc phụ huynh có điều kiện để con cái sống sung sướng, vui vẻ không nên băn khoăn. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những đứa trẻ luôn thực hiện các công việc đòi hỏi sự suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt tốt hơn khi chúng vui vẻ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng thông điệp mà các bậc phụ huynh có thể ghi lại là: Những trẻ em hạnh phúc dễ trở thành thi sĩ và họa sĩ hơn, trong khi những em hay buồn bã và cáu giận có xu hướng trở thành kế toán viên.

Việt Linh (theo Livescience)


No comments: