Monday, September 29, 2008

Mỹ sắp thông qua kế hoạch 700 tỷ USD


Sau nhiều ngày căng thẳng bàn cãi về gói giải pháp cứu thị trường tài chính, chính quyền Tổng thống Bush và Quốc hội Mỹ đã đạt được những thỏa thuận ban đầu vào trưa qua.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã công bố thoả thuận giải cứu thị trường trị giá 700 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Pelosi cho biết, mọi việc vẫn cần phải được chính thức hoá trên giấy tờ.

Bà Nancy Pelosi và ông Barney Frank. Ảnh: AP.

"Chúng tôi còn nhiều việc phải hoàn thành nhưng tôi cho rằng tất cả đều đã nhất trí", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người cũng tham gia cuộc thương thuyết tại đồi Capitol cho biết.

Theo kế hoạch, hôm nay Hạ viện Mỹ sẽ biểu quyết về gói giải pháp nói trên. Và Thượng viện sẽ làm nhiệm vụ của mình một ngày sau đó.

Trong cuộc họp muộn đêm thứ bảy vừa rồi, lãnh đạo hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã cố gắng nhất trí về việc mua các khoản nợ xấu vốn đang làm đóng băng các thị trường tài chính. Các nhà thương thuyết muốn thoả thuận sơ bộ sẽ trấn an thị trường trước khi nó mở cửa vào thứ hai.

Thoả thuận đề xuất chi 700 tỷ USD để mua những khoản nợ liên quan tới thế chấp từ các ngân hàng Mỹ và các nhà đầu tư. Đồng thời trao quyền giám sát kế hoạch hai năm này cho Bộ trưởng Tài chính. Bộ Tài chính được quyền dùng đến 700 tỷ USD để mua chứng khoán liên quan đến địa ốc từ bất kỳ tổ chức tài chính nào của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính được toàn quyền mua, giữ, và bán tài sản theo bất cứ hình thức nào. Trong đó, gồm cả việc vượt trên các quy chế thông thường về mua bán của Chính phủ, để thuê các công ty tư nhân thực hiện.

Trong ba tháng đầu tiên và đều đặn mỗi sáu tháng, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các quyền được trao nói trên. Các điều khoản trong bản kế hoạch cũng có hướng dẫn cho Bộ trưởng Tài chính về việc cân bằng giữa ổn định thị trường và bảo vệ người đóng thuế. Kế hoạch này sẽ hết hạn trong vòng 2 năm.

Kế hoạch nếu được thông qua, nợ quốc gia của Mỹ sẽ được nâng từ 10,6 nghìn tỷ USD lên 11,3 nghìn tỷ USD.

Thanh Phương (theo BBC, AP, AFP)



Ngân hàng lớn nhất Anh sụp đổ

Ngân hàng Santander của Tây Ban Nha vừa đưa ra thông báo sẽ mua lại Bradford & Bingley (B & B) trước thời điểm nhà băng lớn nhất Anh bị quốc hữu hóa do đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Số tiền cho vụ sáp nhập này lên tới 400 triệu bảng Anh (tương đương 730 triệu USD). Santander sẽ tiếp quản 200 chi nhánh và quản lý tiền gửi của 2,5 triệu khách hàng thuộc B&B trị giá 22,2 tỷ bảng Anh (gần 44,4 tỷ USD).

Thông báo của Santander được phát đi cùng lúc Mỹ đạt thỏa thuận cuối cùng về kế hoạch 700 tỷ USD cứu thị trường tài chính đang hấp hối.

Trụ sở B&B tại London. Ảnh: AFP.
Trụ sở B&B tại London. Ảnh: AFP.

Những món nợ mà B&B phải trả lên tới 50 tỷ bảng Anh, trong đó có 41 tỷ bảng liên quan đến cho vay thế chấp, kinh doanh bất động sản. Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Alistair Darling hy vọng nhận được thông báo cứu trợ của chính phủ trước khi thị trường mở cửa vào hôm nay.

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Anh, Bank of England, đã thảo luận để tìm giải pháp cứu B&B khỏi những khoản nợ khổng lồ do chịu ảnh hưởng từ sự đóng băng của thị trường địa ốc.

Bộ trưởng Tài chính Anh đề xuất: "Chắc chắn chính phủ lại phải ra tay và tiếp quản một phần trong kế hoạch này". Ông trấn an rằng tiền gửi của khách hàng tại B&B sẽ được đảm bảo.

B&B nắm khối tài sản lên tới 52 tỷ USD. Ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản này bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng suy thoái về nhà ở tại Anh nói riêng và thế giới nói chung trong gần hai năm qua. Căng thẳng trên thị trường tài chính Mỹ cũng khiến ngân hàng này lao đao hơn.

Trong những ngày qua, nhiều người gửi tiền tại B&B đã rút hàng chục triệu bảng Anh do lo ngại tập đoàn này sẽ không trụ được trước cơn sóng gió.

Thứ Năm tuần trước B&B đã buộc phải cắt giảm 370 nhân viên. Thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay của hãng này lên tới 17,2 tỷ bảng Anh. Giá cổ phiếu "bốc hơi" tới 93% kể từ đầu năm nay.

Sự kiện B&B bị mất quyền kiểm soát xét về bản chất cũng không khác việc chính phủ Mỹ phải "bơm" hàng chục tỷ USD cứu các đại gia AIG, và hai nhà cho vay thế chấp Freddie Mac, Fannie Mae trước đó. Tuy nhiên, các cổ đông vừa đầu tư khoảng 400 triệu bảng Anh vào B&B thông qua các quyền mua hồi tháng trước đang tỏ ra rất giận dữ đối với thông tin về một quyết định quốc hữu hoá.

Trong lúc này, chính phủ các nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cũng vừa ký thỏa thuận ứng cứu trợ tập đoàn tài chính đang lâm nạn Fortis. Ba nước sẽ tiến hành quốc hữu hóa một phần Fortis, nhằm tránh cho đại gia này nguy cơ phá sản.

Thủ tướng Bỉ, ông Yves Leterme cho biết số tiền ứng cứu lên tới 11,2 tỷ euro. Bỉ sẽ cung cấp 4,7 tỷ euro (3,7 tỷ bảng Anh) và nắm giữ 49% cổ phần, Hà Lan giữ 49% cổ phần với số tiền 4 tỷ euro , và Luxembourg chi 2,5 tỷ euro.

Fortis là một tập đoàn tài chính bảo hiểm có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các trụ sở đặt tại thủ đô Brussel, Bỉ và thành phố Utrech của Hà Lan.

Cổ phiếu của tập đoàn này đã sụt giảm ba phần tư giá trị trong năm qua, xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Lợi nhuận của Fortis trong tháng qua cũng mất 41%, còn 1,6 tỷ euro so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh Phương (theo AFP, Fortis, Dailymail)

Tôn giáo làm giảm nỗi đau thể xác


Trong nhiều thế kỷ, tín đồ tôn giáo cho thấy họ có thể chịu đựng nỗi đau thể xác tốt hơn những người theo chủ nghĩa vô thần. Giờ đây các nhà khoa học Anh đã tìm ra được nguyên nhân vì sao.

Phát hiện này giải thích tại sao trong nhiều thế kỷ trước, hàng nghìn tín đồ Thiên chúa giáo luôn tỏ ra bình thản khi bị thiêu trên giàn lửa.

Trong một thử nghiệm được coi là kỳ lạ, các chuyên gia của Đại học Oxford, Anh dùng sốc điện để "tra tấn" 24 tình nguyện viên, trong đó có 12 người theo Cơ đốc giáo. Các tình nguyện viên không được báo trước về mục đích của thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu chỉ nói rằng họ muốn đánh giá tác dụng giảm đau đớn của các bức tranh.

Trước và trong khi gây sốc điện, các chuyên gia yêu cầu nhóm tình nguyện viên xem một bức tranh từ thế kỷ 15 của danh họa Leonardo da Vinci và một bức tranh Đức Mẹ Mary đồng trinh từ thế kỷ 17. Nhóm nghiên cứu hy vọng khuôn mặt Đức Mẹ đồng trinh sẽ có một tác dụng nào đó đối với những tín đồ Cơ đốc.

Một bức ảnh Đức Mẹ Mary đồng trinh. Ảnh:
Một bức ảnh Đức Mẹ Mary đồng trinh. Ảnh: medjugorje.ws.

Thử nghiệm được chia làm 4 lần và mỗi tình nguyện viên phải chịu đựng 5 sốc điện trong một lần. Trong quá trình "tra tấn", các chuyên gia tiến hành chụp não tình nguyện viên bằng phương pháp cộng hưởng từ. Cứ sau mỗi lần, nhóm tình nguyện viên phải đánh giá mức độ đau đớn theo thang điểm từ 0 tới 100.

Các tín đồ Cơ đốc cho biết, việc nhìn vào bức tranh Đức Mẹ đồng trinh khiến họ cảm thấy an toàn, bình tĩnh và tự tin. Điểm đánh giá mức độ đau đớn của 12 tín đồ Cơ đốc khi nhìn tranh Đức Mẹ đồng trinh thấp hơn 12% so với khi họ nhìn kiệt tác của Leonardo da Vinci. Những hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng não điều khiển cơ chế làm giảm đau lóe sáng.

Tuy nhiên, hoạt động thần kinh tương tự không xuất hiện ở não những người vô thần. Điểm đánh giá mức độ đau đớn của họ khi nhìn tranh và khi không nhìn tranh là như nhau.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong một chừng mực nào đó, các tín đồ tôn giáo có thể chiến thắng nỗi đau thể xác bằng cách nghĩ về nó một cách tích cực. Tiến sĩ tâm lý Miguel Farias, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho rằng những người vô thần cũng có thể làm được điều tương tự nếu họ được ngắm những bức tranh mà họ thích.

"Một người vô thần có thể vượt qua sự đau đớn thể xác nếu được ngắm hình ảnh của một người mà anh ta yêu thương hoặc ngưỡng mộ, chẳng hạn như cha, mẹ, người yêu hay một vị anh hùng", Miguel phát biểu.

Việt Linh (theo Daily Mail)

Người siêu giàu

Trung Quốc có nhiều người siêu giàu nhất châu Á

Một khảo sát mới nhất về sự thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện bởi hai tập đoàn đầu tư tài chính Merrill Lynch của Mỹ và Capgemini có trụ sở tại Pháp cho thấy, Nhật đã phải nhường vị trí quán quân cho Trung Quốc về số người siêu giàu.

Theo báo cáo này, Trung Quốc có tới 6.000 người siêu giàu. Tài sản mà họ nắm giữ ít nhất là 30 triệu USD. Nhật khiêm tốn hơn, với 5.300 người.

Cô Yang Huiyan, một trong những tỷ phú trẻ nhất châu Á.Ảnh:
Cô Yang Huiyan, người Trung Quốc, 24 tuổi, một trong những tỷ phú trẻ nhất châu Á. Ảnh: davidbitlyuk.com

Là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Nhật đồng thời là quốc gia có nhiều triệu phú nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có khoảng 1,5 triệu công dân của đất nước mặt trời mọc nắm giữ tài sản trên 1 triệu USD.

Tuy nhiên, Nhật lại lép vế hơn nước láng giềng Trung Quốc về số người siêu giàu. Tài sản của họ thường gấp hàng chục lần con số 1 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 10% mỗi năm, Trung Quốc đang tự hào với danh sách số người siêu giàu không ngừng được kéo dài thêm.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế đang lan rộng trên quy mô toàn cầu, số người nắm giữ tài sản triệu đô đang ngày một nhiều hơn tại châu Á - Thái Bình Dương, ước tính có gần một phần ba triệu phú thế giới hiện sống tại khu vực này.

Trong năm vừa qua, tại châu lục này, số triệu phú đã tăng 20%, không chỉ tập trung ở Nhật, Trung Quốc mà còn ở Ấn Độ và Việt Nam. Theo ước tính của các chuyên gia, từ nay đến năm 2012, số triệu phú ở châu Á tăng trung bình 8% mỗi năm. Lúc đó tổng tài sản của họ sẽ đạt 123,9 nghìn tỷ USD.

Trong khi những triệu phú tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam đang hứng chịu không ít rủi ro trong đầu tư do rối ren tài chính thì số đông các triệu phú ở Nhật lại chứng tỏ được sự thận trọng của mình khi sử dụng đồng vốn.

Chuyên gia về chiến lược đầu tư tại tập đoàn Merrill Lynch, ông Stephen Corry cho rằng những cá nhân có tài sản lớn trong vùng này có vẻ như đang giảm niềm tin khi đầu tư vào thị trường nội địa. Họ đang trở lại với những nền kinh tế phát triển nhanh và vững chãi hơn, đó là Mỹ Latin và Đông Âu, do ít chịu ảnh hưởng của cơn bão tài chính lan rộng từ Mỹ.

Thanh Phương (theo Telegraph)


Con đường trở thành 'đại gia Việt'

40 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.
> Đại gia Việt tậu máy bay riêng

Ông Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: Anh Tuấn.

Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007...

Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và gần đây nhất là ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.

Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.

Khởi đầu sự nghiệp của ông Đức chỉ là việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông Đức trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một tập đoàn tư nhân - hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh thu kể từ năm 2005 đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước và dự kiến năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm của HAGL Group như đồ gỗ nội - ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên mủ cao su... đã có mặt hầu khắp các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Australia và New Zealand. Các văn phòng đại diện của HAGL cũng được thiết lập tại nhiều nước nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận, giao dịch với tập đoàn một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Hiện nay, HAGL Group còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, như xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, và đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát 4 sao, 5 sao tại TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku...

Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Ông Đức cho hay sở dĩ đạt được con số trên là do HAGL hiện đang sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.

Ngoài ra, HAGL còn đang sở hữu hệ thống khách sạn, các resort, 5 nhà máy sản xuất đồ gỗ và chế tác đá granite, trên 20.000 ha cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Lào, nhà máy thủy điện 143 MW; 2 mỏ sắt và một mỏ đồng...

Theo kết quả kiểm toán của Earns & Young, năm 2007 vừa qua HAGL đạt 870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đề ra 270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 ước đạt 2.500 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, trong năm 2008, HAGL Group cam kết sẽ tài trợ cho Lào 100% vốn với giá trị lên đến 19 triệu USD để xây dựng làng vận động viên SEA Games 25, gồm tám khu nhà chức năng với khoảng 42.000 m2 sàn xây dựng, là một khu ở khép kín cho 4.000 vận động viên quốc tế.

Trong tổng vốn 19 triệu USD, 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại, phần còn lại được cho vay thời hạn ba năm không lãi suất. Khoản tiền vay sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả bằng gỗ khai thác và các dạng quota khác cho HAGL.

Ngoài ra Chính phủ Lào còn tạo điều kiện cho HAGL thăm dò tiềm năng khai thác khoáng sản ở Nam Lào và cấp cho HAGL 10.000 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích đất dự án cao su tại tỉnh Attapeu của HAGL lên 15.000 ha, bao gồm cả đất để xây dựng hai nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn một năm.

Theo tính toán trong vòng 5 đến 7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD một năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ. Rõ ràng là đồng tiền mà bầu Đức bỏ ra để khuyếch trương thương hiệu và uy tín của Tập đoàn cũng như 15.000 ha trồng cao su trên đất Lào, quả thật là những con gà đẻ trứng vàng.

(Theo Vneconomy)


CEO làm việc ở khắp nơi

Giới chủ doanh nghiệp, CEO có thể chẳng phải nghĩ đến việc chi trả cho một hóa đơn tiền điện hoặc cân nhắc mỗi khi chi tiêu. Thế nhưng để sự nghiệp thành công và tiền đẻ ra tiền họ luôn phải nghĩ cách. Họ làm việc ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang ở trên máy bay.
> Giải mã cách làm giàu của các tỷ phú

Nếu ai nói rằng người giàu nghĩa là không phải lo nghĩ về vấn đề tiền nong? Bạn đã lầm. Họ rất quan tâm đến vấn đề này nhưng trên những phương diện khác. Phải quản lý số tài sản lớn bao gồm cả động sản và bất động sản ở nhiều khu vực địa lý khác nhau có thể là một nhiệm vụ tốn thời gian, bên cạnh việc điều hành công việc kinh doanh của công ty đã giúp tạo ra số của cải đó. Lời khuyên của những người giàu có là: Hãy làm việc mọi lúc, mọi nơi nếu có thể. Nếu bạn đi trên máy bay thì đừng đọc sách, nghe nhạc mà hãy tranh thủ làm việc.

Đi máy bay quả không dễ chịu chút nào, ở đó đông đúc, gián đoạn và vội vã. Tuy nhiên, trên máy bay sẽ không có ai gọi điện thoại làm phiền bạn. Hãy lên kế hoạch cho công việc theo thời gian bay. Hãy làm một công việc dễ quản lý. Mang theo một cái dập ghim, một phong bì lớn dán sẵn tem để gửi kết quả công việc về văn phòng. Mang theo vài chiếc phong bì và tem để sắp xếp các ghi chú viết tay tiếp theo. Trên mỗi chuyến đi, hãy đề ra một mục tiêu công việc cụ thể.

Hãy kiếm một cuốn sổ địa chỉ tiện lợi hoặc một chiếc máy tính xách tay. Ngay từ ngày đầu tiên đi làm, hãy lưu giữ tập hồ sơ về tất cả những người mà bạn gặp hay làm việc cùng và tiến hành tìm hiểu. Hãy đảm bảo ghi chú vào cuốn sổ những gì họ làm: thành viên mới của ban quản lý, quản trị thương hiệu, người cung cấp dịch vụ in ấn, người làm nghề viết tự do. Hãy dùng bút chì để ghi chép vì mọi người thường xuyên thay đổi công việc và số điện thoại.

Cứ sáu tháng một lần, hãy gửi một lá thư ngắn cho những người mà bạn không thường xuyên gặp: bạn học, đồng nghiệp cũ... Luôn xin danh thiếp của mọi người, và chắc chắn họ cũng sẽ xin danh thiếp của bạn. Giờ đây, bạn đã có hồ sơ của họ. Lưu giữ một bản sao “hồ sơ cá nhân” ở nơi an toàn. Hãy sử dụng hồ sơ này trong suốt sự nghiệp của bạn. Thực hiện hành động “liên kết con người” đơn giản này. Sẽ không có người nào thực hiện theo cách hoàn toàn tương tự như vậy. Hãy đầu tư vào con người.

Đừng quên những bức thư viết bằng tay: Phương tiện liên lạc đại chúng đang tràn ngập thư fax, thư điện tử, thư rác, thư thoại, các loại máy nhắn tin, PIN, ATM, các cuộc gọi báo thức số hóa, thiệp chúc mừng in sẵn… Thế nhưng các lá thư viết tay thường gây ấn tượng. Chúng là loại digitalis cho thế giới kỹ thuật số. Chúng sẽ làm bạn nổi bật, chứng tỏ bạn là một người có phong cách và phẩm chất. Chúng mang tính cá nhân, lịch lãm và không bao giờ mất phong cách.

Có vô số dịp để gửi một bức thư tay: thư cảm ơn, thư ca ngợi, thư chúc mừng, thư chia buồn... cho thông tin của bạn, suy nghĩ mà bạn muốn biết, sự hiện diện của bạn thật tuyệt vời, món ra-gu của bạn tuyệt nhất thế giới.

Đến một cửa hàng văn phòng phẩm tốt. Đặt mua một hộp thiếp và phong bì đặc biệt... có tên của bạn đó. Giữ chiếc hộp trong ngăn bàn và mang theo một ít trong cặp. Gửi một bức thư tay mỗi tuần để bắt đầu.

Đừng suồng sã với cấp trên: Bạn và cấp trên của bạn là những người cùng cộng tác kinh doanh chứ không phải bạn bè. Cần phải có một ranh giới nhất định giữa bạn và họ. Đừng vượt qua ranh giới đó và trở nên suồng sã. Bạn cũng đừng để cấp trên vượt qua nó. Rất nhiều người nghĩ rằng trở thành bạn bè với nhà quản trị cấp cao là thông minh, và họ cố thực hiện bằng được. Họ sắp đặt các cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội mời cấp trên đến dự các buổi tiệc, gia nhập các câu lạc bộ quốc gia... Điều này không phải là nền tảng cho một sự nghiệp thành công. Nó là một hành động thay thế cho tài năng. Và nó lộ liễu.

Tìm hiểu thật kỹ cấp trên của bạn và cấp trên của họ. Nắm được các vấn đền nan giải, kế hoạch, tính cách, phong cách riêng, điểm mạnh, điểm yếu và tất cả các vấn đề khác của họ. Luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, cả trong công việc lẫn những vấn đề riêng tư. Nhưng hãy dừng lại trước ranh giới bạn bè. Bạn có thể trở thành bạn bè của họ khi bạn làm việc trong một công ty khác. Làm điều tương tự với cấp dưới của bạn.

Đừng quên đến thư viện mỗi tháng một ngày: Rời văn phòng làm việc và dành mỗi tháng một ngày, hoặc cứ ba tuần một lần, đến thư viện công cộng hay thư viện của các trường đại học. Hãy mượn một chiếc bàn làm việc lớn và tổ chức tất cả các dự án “phải làm” của bạn; rút bớt những thứ tiểu tiết, hoàn thành dứt điểm các administrivia (giấy tờ, báo cáo), chia các dự án lớn thành những công việc nhỏ, dễ xử lý, cập nhật hồ sơ nhân sự, thiết lập cuốn sách ý tưởng, viết tất cả các bản ghi nhớ tiếp theo, thư gửi khách hàng và thư cảm ơn.

Một ngày làm việc hiệu quả, không bị gián đoạn trong một thư viện yên tĩnh sẽ cho phép bạn hoàn thành công việc nhiều hơn gấp mười lần so với khi bạn làm việc tại văn phòng trong cùng một khoảng thời gian. Cảm giác hoàn thành nhiều công việc sẽ khuyến khích bạn, cho bạn cảm giác dẫn đầu, có khả năng kiểm soát và thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ với những trách nhiệm thông thường của mình.

(Trích cuốn "Để trở thành CEO xuất sắc" do Công ty Alpha Books phát hành)


Friday, September 26, 2008

Bí ẩn những người vô cảm

Cảm xúc cũng có vai trò sống còn. Ảnh: rateyourmusic.com.

Elliot Smith từng là một doanh nhân thành đạt, nhưng cuộc phẫu thuật khối u trán đã biến ông thành người khác. Ông chẳng buồn bước xuống giường nếu không có người giục. Để thu dọn bàn làm việc, ông phải mất hàng giờ nghĩ xem phân loại giấy tờ theo nguyên tắc nào.

Lý trí đã từ lâu được xem là thành tựu cao nhất của con người, ngược lại tình cảm lại bị coi rẻ như là ngu ngốc và không tin cậy được. Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu não nhận ra rằng xúc cảm cũng có trí tuệ riêng của nó - và có tầm quan trọng sống còn.

Elliot Smith từng là một doanh nhân thành đạt, nhưng một ngày nào đó cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn. Nó bắt đầu với những cơn nhức đầu và khó khăn trong tập trung tư tưởng, ngày càng trầm trọng thêm. Bác sĩ phát hiện trong đầu ông, ngay sau trán, có một khối u ung thư. Các nhà giải phẫu cắt đi khối u cũng như một phần của thùy trán, phần phía trước của vỏ não.

Ban đầu, lần giải phẫu này dường như đã thành công. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó người ta nhận thấy rằng Smith không còn như xưa nữa. Điều đó bắt đầu ngay từ buổi sáng: Ông chẳng buồn bước xuống giường, người ta phải hối thúc ông. Định thu dọn bàn làm việc, ông có thể trầm tư suy nghĩ hằng giờ rằng nên phân loại giấy tờ theo nguyên tắc nào. Ông bị cho thôi việc. Hôn nhân đổ vỡ. Cuối cùng ông lẫn lộn bất lực trong cuộc sống và phải được anh chị em chăm sóc.

Nhà thần kinh học Antonio R. Damasio biết đến người bệnh vào thời gian đó. Ông Elliot Smith không hề có bất cứ vấn đề nào về trí nhớ, vị bác sĩ khẳng định, và trí thông minh của ông cũng trên mức trung bình. Chỉ sau nhiều lần nói chuyện và khám nghiệm nhà thần kinh học mới biết rằng ông Smith không phải thiếu trí thông minh hay kiến thức mà thiếu một thứ khác, và đó có thể là nguyên nhân cho thái độ cư xử phi lý của ông: Người đàn ông này vô cảm.

Cảm xúc là một dạng "la bàn"

Tình cảm, trong văn hóa phương Tây, không được đánh giá cao. Từ Platon qua Aristoteles cho đến những người của thời kỳ sau này, lý trí luôn được xem là vượt trội - ngược lại, tình cảm bị coi rẻ như là sơ đẳng, ngu ngốc, thú vật, không thể tin cậy được và nguy hiểm.

Trong vòng 20 năm vừa qua, sự đánh giá tình cảm này đã trải qua một biến đổi sâu sắc. Các nhà thần kinh học hiện đã kết luận rằng tình cảm không phải ngu ngốc và sơ đẳng mà có trí tuệ dưới hình thức riêng của nó. Chúng ta sẽ không hoàn hảo nếu như không có chúng. Hay nói ngắn gọn hơn: Không có cảm xúc thì con người không phải là con người.

Cảm xúc của chúng ta, như trường hợp của Smith đã chỉ ra, giống như một cái la bàn. Chúng chỉ cho ta phải cư xử theo hướng nào. Chúng cho ta cảm nhận được cái gì là tốt và cái gì là xấu cho chúng ta, và dẫn chúng ta đi trong cuộc sống.

Cảm xúc tạo khả năng cho chúng ta sống còn. Vì nếu khác đi, tổ tiên của chúng ta đã khó có thể sống còn được. Đặc biệt là các cảm xúc không dễ chịu như sợ hãi, ghê tởm hay đau đớn. Sợ hãi làm cho chúng ta cảnh giác với những mối nguy hiểm, ghê tởm nhắc nhở đến vệ sinh và cảnh báo thực phẩm đã thiu thối tức có thể bị ngộ độc; đau đớn làm cho chúng ta phải chăm sóc vết thương hay tránh không bị thương ngay từ đầu.

Thường chúng ta chỉ nhận thức được chức năng bảo vệ, cứu sống của cảm xúc khi chúng bất thình lình không tồn tại nữa. Thí dụ như bà Barbara Miller vì một bệnh di truyền mà không hề biết lo sợ. Bà lúc nào cũng vui vẻ và sốt sắng, ngay với người hoàn toàn xa lạ và vì thế thường hay bị lợi dụng. Bà Miller mất tính hoài nghi - đức tính giữ cho chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào tất cả mọi người xa lạ.

Cảm xúc đảm nhận một chức năng quan trọng sống còn, đã từ lâu người ta không còn hoài nghi về điều này nữa - nhưng như thế nào thì vẫn còn là câu đố. Các nhà khoa học chỉ biết rõ là không có một trung tâm nhất định cho cảm xúc, tình cảm của chúng ta được tạo nên bởi nhiều mạng lưới tế bào thần kinh phức tạp.

Được khám nghiệm tốt nhất là cảm tính sợ hãi. Nhà nghiên cứu não người Mỹ Joseph E. LeDoux đã khám phá được 2 "con đường sợ hãi" trong đầu. Một đường rất nhanh nhưng không chính xác, chủ yếu thông qua tiềm thức. Nó làm cho chúng ta giật bắn người và lùi lại khi gặp một vật giống như một con rắn trên đường đi. Thông tin của thị giác được truyền qua vùng não thalamus về hạch hạnh nhân, nơi tiết hoóc môn gây stress như adrenaline đặt cơ thể vào tình trạng báo động.

Đồng thời, vùng thalamus gửi thông tin thị giác qua một đường thứ hai về phần vỏ não thị giác, nơi phân tích có ý thức hình ảnh một cách chính xác hơn - nhưng cần thời gian lâu hơn. Nếu như xác định đấy chỉ là một cành cây, vỏ não sẽ thông báo đến hạch hạnh nhân để chấm dứt báo động.

Thí dụ về con rắn chỉ ra cho chúng ta thấy cảm xúc là gì và chúng "hoạt động" như thế nào. Như vậy, không chỉ những gì chúng ta suy nghĩ, mà cảm xúc cũng đóng vai trò quyết định với sự sống còn.

Hội chứng bí ẩn mang tên Cotard

Những người mắc phải hội chứng này tin rằng mình đã chết. Thỉnh thoảng họ lại lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao mình chưa được chôn cất. Nguyên nhân gây ra hội chứng vẫn còn chưa rõ nhưng người ta phỏng đoán rằng ở các bệnh nhân này sự cảm nhận qua giác quan đã bị cắt lìa khỏi sự đánh giá cảm xúc trong não.

Hậu quả: Không có gì trên thế giới này, không một sự kiện, không một va chạm tiếp xúc, không một loại âm nhạc nào còn có bất kỳ một ý nghĩa về cảm xúc cho họ nữa. Họ không còn sống trải nghiệm nữa mà chỉ ghi nhận. Các nhà tâm lý học cho rằng đó chỉ là một sự tưởng tượng điên rồ, thế nhưng đối với những người mắc phải bệnh này thì sự điên rồ đó là sự thật cay đắng: Ai bị cắt đứt ra khỏi thế giới tình cảm, người đó bị cắt đứt ra khỏi cuộc sống.

Suy ngược lại thì điều đó có nghĩa là: Tôi cảm xúc, tức là tôi tồn tại.

Phan Ba (theo GEO Kompakt)

Thành ông trùm buôn cổ phiếu chỉ với vài đôla


"Nóng vội thường dẫn đến bốc đồng, mà những ai có tính bốc đồng thường ít khi thành công trên thương trường" - Jesse Livermore - nhà buôn tiền vĩ đại những năm 1980 đã đúc rút kinh nghiệm của mình sau nhiều năm tung hoành ở phố Wall.
> Bí quyết của 5 ông trùm chứng khoán

Phố Wall - lò đào tạo các ông trùm chứng khoán. Ảnh: saga.

Jesse Livermore sinh xuất thân trong một gia đình nghèo nên ngay từ nhỏ, ông đã có ý thức làm giàu. Chỉ với vài đôla mẹ cho, Jesse Livermore bỏ nhà lên Boston (Mỹ) để tìm việc. Cậu được nhận vào làm tại công ty chứng khoán Payne Webber và kiếm được 6 đôla một tuần. Nhiệm vụ của Jesse Livermore lúc bấy giờ là ghi giá cổ phiếu trên bảng để thông báo cho các nhà đầu tư.

Livermore là một học sinh xuất sắc về môn toán và ông thấy rằng được làm việc trong Phố Wall là sự lựa chọn đúng đắn. Ông có khả năng nhớ giá và những ký hiệu trong máy điện báo khá tốt khi làm ở Payne Weber. Ông bắt đầu ghi những con số vào một cuốn sổ ghi chép và sớm nhận thấy những con số này tuân theo một vài mô hình nhất định.

Các tin bài liên quan

Khi 15 tuổi, ngay tại nơi làm việc, Livermore đã nghiêm túc học mô hình cổ phiếu và sự thay đổi về giá cổ phiếu. Chính quá trình tích lũy này đã giúp ông quan sát cách mọi người tham gia thị trường chứng khoán như thế nào. Ông nhận thấy hầu hết mọi người thua lỗ ở thị trường chứng khoán vì họ đưa ra quyết định giao dịch không theo những nguyên tắc đã đề ra. Họ không nghiên cứu môn học về thị trường và những hoạt động diễn ra trong thị trường chứng khoán trong khi việc nghiên cứu này lại vô cùng cần thiết.

Ông đã tiến hành buôn bán chứng khoán lần đầu tiên trong đời cùng với một người bạn. Họ đầu tư toàn bộ số tiền 5 đôla để mua cổ phiếu của Burlington bởi vì bạn của Livermore cho rằng giá cổ phiếu này sẽ tăng. Họ tiến hành giao dịch với một trong những công ty hoạt động chui ở Boston. Đối với những nhà đầu tư có ít tiền thì giao dịch với những công ty này rất hấp dẫn, đơn giản vì họ chỉ đánh cược về xu hướng tiếp theo của cổ phiếu hoặc xu hướng của phiên giao dịch ngắn hạn. Hơn thế nữa, nhà đầu tư vẫn được phép đánh cược xu hướng tăng lên hay giảm đi của cổ phiếu mà không cần phải có giấy chứng nhận có cổ phiếu ở một công ty.

Nếu dự đoán chệch 10% so với thực tế thì giao dịch của bạn sẽ không được công nhận. Quy định chỉ cho lệch 10% so với thực tế có hiệu lực tại thời điểm đó và nhờ quy định này mà Livermore đã tự xây dựng cho mình quy tắc giảm thua lỗ triệt để mà sau này ông đã nghiêm túc thực hiện trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Trải qua thời gian và kinh nghiệm, ông đã trau dồi được kiến thức và có thể giảm thua lỗ xuống dưới 10%.

Nhắc lại vụ đầu tư mua cổ phiếu của Burlington, trước tiên Livermore kiểm tra cuốn sổ ghi chép của mình và ông càng tin tưởng rằng giá cổ phiếu tăng hay giảm dựa trên sơ đồ giao dịch cổ phiếu gần đây. Như vậy, ông đã giao dịch cổ phiếu lần đầu tiên năm 15 tuổi và kết thúc phiên giao dịch này, ông kiếm được số tiền lãi là 3,12 đôla.

Ông tiếp tục công việc làm ăn với những công ty hoạt động chui. Khi 16 tuổi, từ việc giao dịch chứng khoán, ông có thể kiếm được số tiền nhiều hơn so với số tiền lương nhận được từ Payne Webber. Khi kiếm được 1.000 đôla, ông bỏ hẳn công việc ở Payne Webber để chính thức chuyển sang giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui.

Khi 20 tuổi, Livermore kiếm được nhiều tiền đến mức ông bị cấm tham gia giao dịch cổ phiếu ở những công ty hoạt động chui ở Boston và New York, bởi ông đã khiến những công ty này mất đi khoản lợi nhuận của mình. Với thành công này, người ta đã đặt cho ông biệt danh là “Chú bé đầu cơ”. Những ông chủ trong các công ty hoạt động chui không muốn làm việc với ông vì những phiên giao dịch chứng khoán thành công của ông khiến cho họ mất đi nguồn lợi nhuận.

Cuối cùng thời điểm của ông đã đến, đây là lúc ông có thể kiểm tra năng lực của mình trong một thị trường giao dịch lớn hơn. Thông qua một công ty môi giới, ông mở một tài khoản với số tiền 2.500 đôla. Số tiền này được trích từ số tiền 10.000 đôla mà ông đã kiếm được khi còn giao dịch kinh doanh với những công ty hoạt động chui.

Do thua lỗ nhiều, Livermore đã rút ra một bài học, đó là công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng đơn giản. Chính vì thế, ông bắt đầu nghiên cứu những sai lầm đã mắc khiến ông thua lỗ. Bản phân tích chi tiết những lỗi đã mắc đã giúp ông thành công trên con đường sự nghiệp sau này. Bản phân tích này cũng là một trong những bài học quý báu nhất mà ông đúc kết được.

New York không phải là nơi thành công của Livermore. Ông đã bị phá sản chỉ trong sáu tháng, phải vay 500 đôla từ công ty môi giới chứng khoán. Cầm số tiền này trong tay, ông quay trở lại giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui với hy vọng rằng mình có thể lấy lại được số tiền ban đầu. Ông nhận thấy những công ty hoạt động chui này niêm yết giá cổ phiếu ngay lập tức trong khi đó Thị trường Chứng khoán New York thường làm các công việc này rất chậm trễ. Tại thời điểm đó, ông thường quen với hệ thống niêm yết giá ngay lập tức và nhanh chóng giao dịch chứng khoán. Sau hai ngày, ông quay trở lại New York với số tiền 2.800 đôla và trả khoản tiền 500 đôla đã vay trước đó.

Nhưng khi trở lại New York, ông thấy công việc khó khăn hơn so với dự tính và nhận thấy mình cùng lắm chỉ hòa vốn trên thị trường New York, vì vậy ông quay trở lại giao dịch với những công ty hoạt động chui lần cuối cùng. Chỉ khi Livermore có tới 10.000 đôla trong tài khoản, các công ty hoạt động chui này mới phát hiện ra ông. Một lần nữa, ông bị cấm không được giao dịch chứng khoán với những công ty này.

Năm 1901, ông trở lại New York và đây cũng là thời điểm mà cổ phiếu giao dịch được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Trong khi các hoạt động đầu cơ chờ giá lên diễn ra sôi nổi thì nhờ mua cổ phiếu của hãng Northern Pacific, Livermore đã tăng số tiền 10.000 đôla của mình lên 50.000 đôla. Ít lâu sau, ông đầu tư số tiền này với hình thức vay cổ phiếu từ người môi giới với hy vọng mua lại với giá thấp hơn và kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch này, bởi ông cho rằng thị trường cổ phiếu có thể mất giá trong một thời gian ngắn. Mặc dù ông thua lỗ trong hai phiên giao dịch này nhưng những nhận định ban đầu của ông là đúng. Bởi do có quá nhiều người tham gia giao dịch cổ phiếu này nên việc ông chậm trễ khi đưa ra những quyết định giao dịch đã khiến ông thua lỗ do giá cổ phiếu diễn ra ngược so với những gì ông dự đoán.

Từ kinh nghiệm này, ông đã thấy được khó khăn khi giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Ông thấy mình phải học cách thích nghi với những môi trường giao dịch khác nhau, từ những giao dịch được thực hiện ngay lập tức ở những công ty hoạt động chui tới những những phiên giao dịch có tổ chức, diễn ra phức tạp hơn nhiều. Mùa xuân năm 1901, Livermore lại bị phá sản một lần nữa. Ông phát hiện một công ty hoạt động chui vừa mới đi vào hoạt động kinh doanh. Ông cho rằng có thể lấy lại được số vốn lúc đầu nếu ông giao dịch với những công ty mới như thế này. Trong vòng gần một năm, ông đã thu hồi được số vốn của mình cho đến khi bị phát hiện và bị cấm hoạt động giao dịch chứng khoán ở đó.

Trải qua nhiều lần thua lỗ, Livermore đã đúc kết được rằng con người phải qua những lần thua lỗ thực sự thì mới có thể tìm ra con đường làm ăn kinh doanh phù hợp với mình. Ông vẫn kiên định theo đuổi sự nghiệp và tiếp tục học hỏi rút ra bài học từ và những lần thất bại.

Đây cũng là thời điểm ông khám phá ra yếu tố thời gian. Yếu tố thời gian trong giao dịch cổ phiếu nghĩa là cần phải kiên nhẫn và con đường dẫn tới thành công trong hoạt động kinh doanh cổ phiếu sẽ phải mất nhiều thời gian.

Tại phiên giao dịch cổ phiếu của những công ty hoạt động chui, do tính chất mạo hiểm, dễ gặp rủi ro ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động nên thời gian giao dịch thường diễn ra rất nhanh. Ở New York, yếu tố thời gian có nghĩa là việc giao dịch cổ phiếu diễn ra chậm hơn so với những giao dịch ngay tức thì. Sự khác nhau của yếu tố thời gian giữa thị trường chứng khoán chính thức và những công ty chui chính là ở chỗ với công ty chui thường phản ứng nhanh hơn với thị trường. Còn trên thị trường chứng khoán đòi hỏi tính kiên nhẫn và nhờ đức tính này, Livermore đã đạt được nhiều thành công rực rỡ. Yếu tố thời gian cũng giúp ông hiểu rằng con đường dẫn tới thành công trong lĩnh vực đầu cơ cổ phiếu sẽ đến sau một khoảng thời gian nhất định. Thành công không thể một sớm một chiều có được.

Livermore nhận thấy rằng sai lầm lớn nhất mà một người mắc phải trên thị trường chứng khoán là thiếu kiên nhẫn. Qua nhiều kinh nghiệm, ông đã học được cách tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình. Một chiến thuật quan trọng mà ông thực hiện là mua với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tăng.

Livermore chỉ mua cổ phiếu khi ông đã quan sát sự biến động của giá. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì việc quyết định mua cổ phiếu đó là hoàn toàn có căn cứ. Việc đưa ra những quyết định giao dịch hoàn toàn đúng này đã giúp ông vững tin vào chiến thuật mà mình đưa ra: mua cổ phiếu với số lượng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng. Nhờ đó lợi nhuận gia tăng đáng kể khi ông mua một số loại cổ phiếu đặc biệt.

Livermore đã sử dụng hai chiến lược trên khi giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường vào cuối năm 1906 do thị trường đã gặp khó khăn trong việc duy trì sự sôi động trong xu thế giá tăng cao. Ông tiếp tục giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn bởi vì giá những cổ phiếu yếu tiếp tục giảm. Ông đã giao dịch thành công với loại cổ phiếu này trong giai đoạn đầu khi thị trường có hiện tượng đầu cơ giá hạ vào năm 1907. Chính nhờ những phiên giao dịch thành công này mà năm 31 tuổi ông đã trở thành triệu phú.

Năm 1907, trong khi thị trường tài chính bị khủng hoảng, Livermore vẫn kiếm được 3 triệu đôla vì ông ngừng giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn của mình. Tháng 10/1907, J.P Morgan, người sau này có ảnh hưởng nhất đến tình hình tài chính, đã cứu Phố Wall ra khỏi nguy cơ sụp đổ. Ông này đã can thiệp vào thị trường chứng khoán với khả năng thanh toán bằng tiền mặt cần thiết, giúp thị trường này vẫn tiếp tục đứng vững. Morgan đã gửi một thông điệp cá nhân trực tiếp tới Livermore yêu cầu ông ngừng giao dịch cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường.

Việc J.P. Morgan vĩ đại biết được những hành động giao dịch cổ phiếu của Livermore là một bằng chứng rõ ràng về danh tiếng và ảnh hưởng của nhà kinh doanh tiền - Livermore đã tạo dựng được trên thị trường chứng khoán.

(Trích từ cuốn "Giàu từ chứng khoán" của Công ty Alpha Books)

Trên đỉnh phố Wall

"Tất cả các nhà đầu tư trung bình đều có thể trở thành chuyên gia hàng đầu trong việc lựa chọn cổ phiếu hời nhất, nếu họ thực hiện được một cuộc điều tra nhỏ", Peter Lynch nhà quản lý tiền số một trên thế giới nói về bí quyết kinh doanh của mình.
>Chết vì chứng khoán

Cuốn sách bán chạy. Ảnh: M.K.

Theo Lynch, điều quan trọng nhất khi tham gia thị trường chứng khoán là nhà đầu tư phải tìm được cổ phiếu của các công ty kinh doanh thành công, hay chính xác hơn là những cổ phiếu có giá trị. Khi đã chọn được những cổ phiếu này thì việc lên xuống của thị trường sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Peter Lynch chia các công ty ra làm sáu loại:

Slow Grower: Đây là những công ty lớn, ổn định đã trải qua những giai đoạn của chu kỳ phát triển. Các công ty này hiện tại chỉ tăng trưởng với tốc độ nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Stalwarts: Những công ty đã ổn định này năng động hơn các công ty Slow Grower một chút, nhưng vẫn thuộc loại công ty tăng trưởng chậm.

Fast Growers: Đây là những công ty đang tăng trưởng mạnh mẽ, có khi đến 20-25% một năm.

Cyclicals: Là những công ty mà kết quả kinh doanh cũng như thị giá cổ phiếu lên và xuống theo chu kỳ.

Asset Plays: Đây là những công ty có những tài sản với trị giá cao mà thị trường không nhận biết. Peter Lynch cho rằng không phải lúc nào Wall Street cũng định giá chính xác.

Turnarounds: Đây là những công ty có khả năng xoay chuyển tình thế. Cứ mỗi khi đối diện với khó khăn, những công ty này có đủ tài lực để thay đổi tình hình qua hướng sáng sủa hơn.

Peter Lynch cho biết ông chỉ thích đầu tư vào những công ty mà ông nắm rõ sự vận hành. Ông thích những công ty đơn giản và có ưu thế cạnh tranh cao về thương hiệu, hay những thế mạnh về sản xuất, chất lượng sản phẩm. Theo ông, với ưu thế cạnh tranh cao, công ty sẽ tránh khỏi rủi ro khi thay đổi quản lý. Điều quan trọng nhất để đầu tư vào một công ty là tài sản và khả năng tạo ra lợi nhuận của nó.

Trong cuốn sách tái bản "Trên đỉnh phố Wall" dày 600 trang do Công ty Alpha phát hành, Peter Lynch - nhà quản lý tiền số một ở Mỹ không ngần ngại bày tỏ bí quyết buôn cổ phiếu của mình. Những kinh nghiệm này được ông đúc rút trong suốt quãng thời gian ông giữ chức phó chủ tịch kiêm chuyên gia tư vấn hàng đầu của Tập đoàn tài chính Fidellty Investments.

Theo Peter Lynch, trước khi quyết định mua cổ phiếu, các nhà đầu tư cần đưa ra được một số quyết định cơ bản về thị trường. Trong đó, các thông số cần thiết được đưa ra là có cần thiết đầu tư vào cổ phiếu hay không và người đầu tư kỳ vọng điều gì sau khi bán. "Nếu các nhà đầu tư không bị chi phối bởi sự thất thường của thị trường sự ham muốn tức thời về lợi nhuận, họ sẽ được đền đáp bởi danh mục đầu tư của mình, sau 5-15 năm", Lynch nói.

Lời khuyên này đã được chứng minh là sống mãi với thời gian và đã biến "Trên đỉnh Phố Wall" trở thành tác phẩm bán chạy số một ở Mỹ cách đây nhiều năm và cho đến tận bây giờ.

Ngày nay, khi nhắc đến ông, người ta đều nhớ đến câu nói nổi tiếng: "Cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của một nhà đầu tư. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư”.

Hồng Anh



Người cho vay vàng ở vương quốc Babylon

"Nếu là người cho vay tiền khôn ngoan và có đầu óc tính toán cẩn thận, thì phải sử dụng cách nào đó để đảm bảo người vay tiền sẽ trả lại số tiền đã vay, cùng với khoản lãi suất", Mathon - được mệnh danh là người cho vay vàng số một ở Vương quốc Babylon nói.
> Thành ông trùm buôn cổ phiếu chỉ với vài đôla / Bí quyết đầu tư của các tỷ phú hàng đầu thế giới

Trong nhiều năm làm công việc cho vay vàng, ngoài những giấy tờ cần thiết, Mathon còn lưu lại của khách hàng các vật thế chấp để làm bằng chứng. Khi nào khách hàng trả hết số nợ, ông mới trả họ những vật dụng này. Trong trường hợp khách hàng xù nợ, đây sẽ là những bằng chứng để để ông tố giác người đó lên nhà vua.

"Theo tôi, cho những người đang sở hữu nhiều tài sản vay tiền là an toàn nhất. Tất nhiên số tiền họ vay không được nhiều hơn trị giá tài sản của họ, để nếu cần, họ sẽ bán đất đai, các đồ trang sức quý báu, lạc đà hoặc những vật dụng khác để trả nợ", Mathon nói.

Đối với những người này, khi cho vay tiền tôi thường yêu cầu họ đưa ra vật thế chấp. "Nếu như họ không trả nợ được, vật họ đã mang thế chấp sẽ là của tôi. Tôi có thể bán đi để lấy tiền bù vào số tiền tôi đã cho vay", ông cho biết thêm.

Ngoài ra còn một cách nữa đảm bảo số tiền cho vay Mathon không bị mất đi. Đó là làm tấm thẻ chứng cứ, trên đó ghi lại lời giao hẹn, nếu đến kỳ trả nợ mà người đó không thanh toán được, thì họ phải giao cho ông một tài sản nào đó có giá trị tương đương để khấu trừ. Theo những cách này, chắc chắn số vàng ôngcho vay phải được hoàn trả cùng với số tiền lãi. Bởi vì, công việc cho vay dựa trên cơ sở tài sản có sinh lợi theo thời gian.

Có một số người khác mà Mathon rất yên tâm khi cho họ vay tiền. Đó là những người có khả năng kiếm ra tiền, có việc làm và thu nhập ổn định, thật thà và tự trọng. Họ có khả năng trả được cả vốn lẫn lãi cho người cho vay. Sự đảm bảo này dựa trên những nỗ lực làm việc của người vay tiền.

Ngoài ra, có một số người đi vay tiền nhưng bản thân họ không có tài sản và công ăn việc làm. Đời sống của những người này quả thật khó khăn và họ thường không thể trả hết nợ. Mặc dù cho họ vay không nhiều hơn một hào, nhưng ông cũng lấy một vật gì đó để làm bằng chứng.

Vật thế chấp mà Mathon nhận có khi chỉ là một đoạn dây thừng đã được thắt thành gút. Vật này là của Nebatur - một thương lái lạc đà ở Babylon. Khi Nebatur muốn vay tiền để mua một bầy lạc đà, anh ta mang đến cái gút dây thừng này để làm vật chứng. Mathon sẵn sàng cho anh ta vay tiền, vì Nebatur là một thương lái khôn ngoan và ông rất tin tưởng vào khả năng tính toán thông minh, lanh lợi của anh ta.

Mathon cũng tin tưởng vào các thương nhân khác ở Babylon, bởi vì họ rất uy tín. Theo ông, "những thương gia giỏi là một nhân tố kiếm ra nhiều tiền và tích trữ tiền tốt nhất cho vương quốc. Vì vậy, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ để công việc buôn bán, kinh doanh của họ được thuận lợi và mang lại sự thịnh vượng cho Babylon".

Trong số những vật dụng mà khách hàng để lại, Mathon còn lưu giữ một vật có hình dáng giống con bọ bằng ngọc lam. Ông liệng nó trên sàn nhà, nói một cách miệt thị: "Đây là con bọ có nguồn gốc từ Ai Cập. Người chủ của nó chẳng quan tâm đến việc trả nợ cho tôi và có lẽ suốt đời tôi không thể lấy lại món tiền đó. Tôi đã nhiều lần đến đòi nợ, nhưng hắn trả lời tỉnh bơ. Tôi biết làm gì với hắn ta nữa đây? Ngay cả người cha hiền lành của hắn cũng vì hắn mà tiêu tán hết sản nghiệp", Mathon nói.

Ông cho biết, người cha của thương gia này đã thế chấp tất cả đất đai và gia súc để có vốn hỗ trợ cho việc kinh doanh của con trai mình. Giai đoạn đầu, anh ta làm ăn khá thành công. Nhưng sau đó do muốn làm giàu nhanh chóng, nên anh ta không ngần ngại tham gia vào những cuộc đầu tư liễu lĩnh, không tìm hiểu cẩn thận nên đã phá sản.

Mathon rút ra kết luận với không ít người tuổi trẻ vẫn hay có nhiều tham vọng và thường hấp tấp, nôn nóng trong việc thực hiện những viễn cảnh của mình. Họ không nghĩ đến chuyện tài và lực của mình còn bị hạn chế, thậm chí không để ý đến những lời khuyên đúng đắn của những người đi trước. Đến khi công việc bị đổ vỡ, họ mới cay đắng nhận ra những bài học đắt giá cho bản thân mình. Điều đáng nói ở đây là mỗi lần thất bại, họ lại gánh thêm một món nợ. Và thay vì cố gắng thay đổi cuộc sống tốt hơn, họ lại rơi vào cảnh bần cùng, bế tắc, thậm chí mất hết lòng tự trọng, sự tự tin và ý chí phấn đấu.

Mathon cho rằng vàng là hàng hóa của người làm nghề cho vay tiền. Việc cho vay rất dễ dàng, nhưng nếu cho vay không khôn ngoan thì rất khó đòi lại. Đối với những người cho vay giàu kinh nghiệm, họ không bao giờ mạo hiểm trong công việc của mình, mà ngược lại họ luôn tìm cách nào đó để buộc người vay tiền hoàn trả đúng hẹn.

Theo ông, việc giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn hay đang khởi đầu sự nghiệp là điều cần thiết. Nhưng anh phải biết giúp họ một cách khôn ngoan. Nếu không, anh sẽ giống như con lừa, chỉ biết gánh chịu những gánh nặng của người khác mà thôi.

"Tôi là người sở hữu rất nhiều vàng. Và tôi dùng số vàng đó để giúp những người khác buôn bán, làm ăn. Điều này không những tạo điều kiện cho họ trở nên giàu có, mà qua đó tôi có thể kiếm thêm nhiều vàng cho mình. Nhưng tôi không muốn mạo hiểm trong công việc này. Tôi đã phải làm lụng vất vả, tính toán cẩn thận và tích lũy trong một thời gian dài mới có được số vàng đó. Do thế, tôi sẽ không cho bất kỳ ai vay tiền nếu tôi không tin tưởng vào khả năng hoàn lại vốn của người đó. Ngoài ra, tôi cũng không muốn cho vay, nếu số tiền lãi không được thanh toán nhanh chóng khi đến kỳ hạn", Mathon nhấn mạnh.

Mathon cho rằng một thực tế tồn tại rất lâu la con người thường muốn vay tiền thật nhiều, nhưng ít người có khả năng trả nợ. Có người cho rằng, họ sẽ kinh doanh thành công nếu có vàng trong tay, nhưng trên thực tế họ lại gặp thất bại. Đó là vì họ đã không đánh giá đúng năng lực của mình.

Do vậy, để duy trì sự giàu có cho mình, mỗi người nên tìm cách làm cho số vàng đó sinh lợi. "Cách tốt nhất là hãy trở thành một người cho vay vàng giống như tôi. Và nếu anh biết gìn giữ tài sản của mình một cách an toàn và chắc chắn, thì tôi có thể bảo đảm cuộc sống của anh từ đây trở đi luôn luôn được đầy đủ và sung túc", ông nói.

Theo Mathon, nếu ai đó dự định thực hiện một công việc nào đó, thì hãy mạnh dạn hợp tác với những người có nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan và uy tín trong lĩnh vực mà anh định tham gia. Nhờ vào họ, một mặt anh có thể học hỏi, tiếp thu nhiều kinh nghiệm, mặt khác số tài sản của anh không những được an toàn mà còn sinh ra lợi nhuận.

"Anh phải bảo đảm khi cho một đồng tiền vàng ra khỏi túi, thì nhất định nó phải quay trở lại túi của anh đúng thời hạn. Bài học mà tôi rút ra trong suốt thời gian làm nghề cho vay vàng là: Thà thừa một thận trọng nhỏ còn hơn phải gánh chịu một điều ân hận lớn về sau”. Đây chính là bí quyết thành công của tôi đấy", Mathon nói.

(Theo First News)


Quy luật của vàng

"Một túi vàng và một mảnh gốm trên đó khắc những lời khôn ngoan, các anh sẽ chọn cái nào?". Arkad - người nổi tiếng là khôn ngoan và giàu có ở Babylon tất nhiên sẽ chọn vàng.
>Người cho vay vàng ở vương quốc Babylon

Arkad đúc rút được 5 quy luật của vàng để chia sẻ cho các con mình:

- Đối với những người sẵn sàng dành ra một phần mười số tiền kiếm được để tích lũy cho riêng mình trong tương lai, thì vàng sẽ đến và đến với số lượng ngày càng nhiều.

- Vàng là người làm công cần mẫn và rất nhiệt tình nhất đối với những người chủ khôn ngoan biết nhận ra khả năng sinh lợi và phát triển của nó.

- Vàng luôn luôn trung thành và đem lại lợi nhuận cho những người chủ thận trọng đầu tư theo lời khuyên của những người khôn ngoan.

- Đối với những vụ đầu tư kinh doanh mà bản thân mình chưa nắm rõ hoặc không được người giàu kinh nghiệm chỉ bảo thì rất dễ bị mất vàng.

- Nếu dùng vàng để kiếm lợi một cách phi pháp hoặc làm theo những lời khuyên không đúng, lừa đảo hay phó thác nó cho những kinh nghiệm yếu kém thì rất dễ thất bại và mất sạch vàng.

"Đó là năm quy luật của vàng cha đã hào phóng tặng cho con. Đối với một túi vàng, thì theo con, nó có giá trị gấp hàng chục lần" - Arkad nói với các con mình. Nomasir nhìn cha đầy cảm kích và nói:

- Con xin kể câu chuyện đến giai đoạn con đang lâm vào cảnh túng quẫn và thất vọng nhất trong cuộc đời mình. Khi đó, con đã mất sạch vàng, ngựa, nô lệ, áo quần đẹp. Cuộc sống của con chỉ đếm được từng ngày.

Tuy nhiên, qua cơn giông trời lại sáng. Thời vận của con cũng đã đến khi con kiếm được việc làm. Đó là công việc cai quản một đám nô lệ xây tường thành ở vương quốc đó.

Khi đã có thu nhập, con bắt đầu áp dụng quy luật thứ nhất của vàng. Hàng tháng con tiết kiệm mỗi một đồng xu được trích ra từ số tiền lương rất ít ỏi của con. Để có được một đồng bạc là cả một thời gian dài. Bởi vì, con còn phải lo trang trải cuộc sống từ số tiền lương rất eo hẹp đó. Con đã lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm đến mức có thể chấp nhận được, với quyết tâm phải kiếm lại số vàng mà cha đã cho con trong thời gian ngắn nhất.

Vào một ngày kia, người chủ nô lệ, vốn từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết của con, đến gặp con và nói rằng:

- Anh là một chàng trai trẻ biết tiết kiệm và không phung phí hết số tiền kiếm được. Số vàng anh tích lũy được, liệu có cách nào để nó sinh lợi thêm cho anh không?

- Vâng! - Con đáp lại. - Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là tích lũy đủ số vàng trước đây cha tôi đã cho tôi. Vì thiếu kinh nghiệm buôn bán mà tôi đã tiêu tán hết số vàng đó rồi.

- Anh có một mong ước rất tốt đẹp khiến tôi rất thán phục. Chắc anh cũng biết, có nhiều cách để số vàng tiết kiệm đó sinh lợi và giúp anh nhanh chóng đạt được ý nguyện. Anh có ý định đầu tư không?

- Thật tiếc! Tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm thất bại chua xót, nên tôi rất sợ bị vấp ngã lần nữa.

- Nếu anh tin tưởng ở tôi, tôi sẽ mời anh tham gia vào một kế hoạch sử dụng vàng rất hiệu quả. - Anh ta đáp lại. - Trong vòng một năm nữa, tường thành này sẽ xây xong, công việc tiếp đến là đúc những cánh cổng bằng đồng để gắn ở các cửa ra vào nhằm bảo vệ vương quốc tránh khỏi những cuộc tấn công của kẻ thù. Theo tôi nhận thấy, khắp xứ Nineved này không gom đủ số lượng đồng để đúc cổng và nhà vua cũng chưa hề nghĩ đến điều này. Kế hoạch của tôi là chúng ta sẽ huy động mọi người gom góp vàng và gửi cho một đoàn lữ hành tin cậy nhất đến những khu mỏ đồng cách đây rất xa nhờ mua giùm. Sau đó, đồng sẽ được đưa về và dự trữ ở Nineved. Đến khi nhà vua ra lệnh đúc cổng, chúng ta sẽ mang bán số đồng ấy. Có thể trong dịp này, đồng sẽ có giá rất cao. Còn nếu trường hợp nhà vua không mua, chúng ta vẫn có thể bán đồng cho những người đúc khiên, làm tượng...

Nghe anh ấy trình bày kế hoạch đầu tư này, con nhận thấy đây là một dịp may hiếm có để tuân thủ quy luật thứ ba của vàng. Vì vậy, con quyết định đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào đó. Quả thật, kế hoạch này đã không làm con thất vọng. Nó đã mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng và số vàng tích lũy nhỏ nhoi của con đã tăng đáng kể qua đợt buôn bán đó.

Kể từ đó, con được công nhận là một thành viên của nhóm người luôn thực hiện những cuộc kinh doanh mạo hiểm một cách cẩn trọng ấy. Họ đều là những người khôn ngoan và luôn biết cách sử dụng vàng sao cho có lợi nhất. Lúc nào họ cũng thảo luận cẩn thận trước khi tiến hành những kế hoạch kinh doanh mới. Họ không bao giờ phó thác tiền vàng của mình vào những vụ đầu tư không sinh lợi hoặc có nguy mất trắng vốn. Những việc làm khờ khạo như cá độ, ngựa đua, đầu tư mà chưa tìm hiểu kỹ lưỡng như đã xảy ra trước đây với con... họ đều không để mắt tới. Bởi vì, đối với những trò này, họ có thể vạch ra những điểm bịp bợm ngay lập tức.

Qua việc hợp tác làm ăn với những người này, con đã rút ra nhiều bài học sâu sắc cho riêng mình trong việc đầu tư vàng an toàn và mang lại lợi nhuận cao nhất. Theo thời gian, tài sản của con mỗi ngày một gia tăng, con không những thu lại số vàng đã bị mất trước đây, mà còn kiếm được nhiều vàng hơn thế nữa.

Sau những lần vấp ngã rồi thực hiện được nhiều vụ đầu tư thành công, con đã rút ra những kinh nghiệm quý giá, đồng thời ngày càng hiểu rõ hơn năm quy luật của vàng mà cha đã trao cho con. Đối với những người không biết về năm quy luật này thì họ rất dễ để mất vàng trong đầu tư kinh doanh. Nhưng nếu biết tuân thủ theo các quy luật đó, họ không những giữ được vàng mà còn khiến vàng ngày càng phát sinh lợi nhuận.

Nomasir ngừng lại một lúc rồi ra hiệu cho người nô lệ đang ở phía sau cánh cửa. Ngay lập tức, người nô lệ mang vào ba túi da rất nặng. Nomasir đỡ lấy một túi và đặt nó lên sàn nhà, trước mặt cha của mình, rồi nói tiếp:

- Trước đây, cha đã cho con một túi vàng của Babylon. Bây giờ, con xin hoàn lại cha một túi vàng của Nineveh có cùng một trọng lượng như nhau. Tiếp đến, cha trao cho con một mảnh đất sét trên đó khắc năm quy luật của vàng. Giờ đây thay vào đó, con xin mang về cho cha hai túi vàng này. - Vừa nói, Nomasir vừa đặt tiếp hai túi vàng xuống sàn nhà. - Điều này chứng tỏ rằng, con coi trọng sự khôn ngoan của cha lớn hơn túi vàng mà cha đã cho con. Nếu không có sự khôn ngoan này, vàng sẽ nhanh chóng vuột khỏi tay người sở hữu nó. Câu chuyện của con là bằng chứng rõ ràng nhất cho vấn đề đó.

Thưa cha, giờ đây con rất tự hào khi đứng trước mặt cha và nhờ sự khôn ngoan của cha truyền cho con, con đã trở nên giàu có và được mọi người kính trọng.

Ông Arkad âu yếm đặt bàn tay của mình lên đầu Nomasir và nói:

- Con đã tiếp thu rất tốt những bài học của cha và cha thật may mắn khi có được một đứa con trai như con để giao phó tất cả tài sản của mình.

(Trích cuốn "Người giàu có nhất thành Babylon" do First News" phát hành)


Wednesday, September 24, 2008

Dao sắc không gọt được chuôi

Dao sắc không gọt được chuôi, chồng tài không nói được vợ

"Dao sắc không gọt được chuôi", tôi đã nghĩ nhiều, tìm nhiều cách mà không thay đổi được. Kiếp này coi như kém may mắn lấy được vợ vừa xinh vừa giỏi. Ngửa cổ lên kêu trời, trời cũng chẳng thấu. Nói dại các con còn nhỏ, ngộ nhỡ mình bị tai nạn, bác giúp việc già rồi không biết có bắc ghế lên thắp hương được không. (Doan Nguyen)

From: Doan Nguyen
Sent: Wednesday, September 24, 2008 1:26 PM
Subject: Gui các bà xã - (re send with correction)

Xin chào các bạn,

Tôi năm nay 46 tuổi có vợ và hai con gái. Chúng tôi đã cưới nhau được 15 năm. Thời gian gần đây tôi rất buồn và thường xuyên vào mục Tâm sự mong tìm được hoàn cảnh tương tự để tự an ủi.

Tôi thấy đa số là bài viết của chị em than phiền về các ông chồng vũ phu và không chung thủy. Tôi cũng hổ thẹn vì các ông chồng đó và tiếc thay cho những người phụ nữ kém may mắn. Tuy nhiên tôi không tán thành một số bài viết chê trách đàn ông Việt Nam nói chung vì không thể đánh giá theo cách "vơ đũa cả nắm" dựa vào một số trường hợp được gửi lên mạng.

Sau một thời gian dài lặng lẽ theo dõi mục Tâm sự, tôi nhận thấy có một điểm khá chung của đa số các gia đình bất hạnh giống với hoàn cảnh của tôi. Vợ tôi cũng có ngoại hình tốt, có học vấn, có việc làm tốt và thu nhập cao. Tôi cũng có công việc ổn định và biết chăm lo cho gia đình. Vợ tôi làm cho một công ty nước ngoài. Công việc rất bận rộn, hầu như ngày nào cũng về nhà sau 7h tối và thường xuyên dự tiệc hoặc tiếp khách ngoài giờ. Tôi cũng thông cảm và tạo điều kiện để vợ hoàn thành công việc. Vợ tôi rất say mê và hết lòng vì công việc và càng làm thì càng được công ty tín nhiệm giao việc và tăng thu nhập.

Đúng ra là tôi phải mừng vì sự thành đạt của vợ, nhưng thực ra từ lâu rồi tôi rất buồn. Ba bố con tôi thực ra là sống với bác giúp việc là chính. Bác nấu cơm, giặt rũ chăm sóc cho các con chúng tôi. Vợ tôi đi làm về muộn cũng hỏi han qua loa rồi mệt quá lăn ra ngủ. Nhiều khi về nhà vẫn tiếp tục điện thoại thảo luận đàm phán công việc với đối tác, thậm chí ngọt nhạt với khách hàng trước mặt chồng con. Đến cuối tuần thì vợ tôi có nhu cầu được nghỉ ngơi thư giãn như đi chơi gặp gỡ bạn bè, mua sắm hoặc đi xông hơi, massage.

Sự thành đạt trong công việc cũng làm cho vợ tôi tự tin hơn và nhiều khi tỏ ra coi thường người khác. Nếu không bằng lòng với bác giúp việc thì thay người khác mà bố con tôi cũng không được tham gia. Đặc biệt khi có điều gì không bằng lòng về xã hội hoặc đối tác Việt Nam thì hay đem ra so sánh với nước ngoài họ thế này thế nọ. Điều đó làm cho tôi buồn nhiều lắm và đau lòng lắm. Nhiều khi ước ao giá vợ mình không giỏi giang có lẽ may mắn hơn, gia đình có thể đầm ấm hơn.

Đôi khi thấy cách vợ tôi tận tình chăm sóc khách hàng hoặc các sếp ở nước ngoài sang họp tôi lại thấy chạnh lòng giá mà tôi và các con cũng được một phần của sự chăm sóc đó chắc là cũng mãn nguyện lắm rồi.

Tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với vợ về việc bớt công việc để thêm thời gian cho gia đình, song dường như dòng xoáy của kinh tế thị trường đã cuốn trôi tất cả và không có điểm dừng. Tôi thương xót cho thân phận người phụ nữ phải lăn lộn với thương trường, phải vận dụng cả nhan sắc, sự khéo léo để ký hợp đồng, làm vừa lòng sếp tây. Chợt nghĩ ngày xưa cụ Nguyễn Du từng thốt lên "sắc đành đọa một, tài đành đọa hai". Mong sao những người phụ nữ thành đạt ngày nay không rơi vào cảnh cô đơn, hụt hẫng khi công việc không còn là điểm tựa nữa.

Đến đây cũng có thể có bạn đọc nghĩ rằng vì tôi là người chồng không biết kiếm tiền nên vợ phải thay chồng xoay sở. Không phải vậy, mặc dù thu nhập của vợ tôi khá cao so với mặt bằng, nhưng chưa bằng 1/2 thu nhập của tôi. Vợ tôi quản lý một văn phòng nước ngoài, nhưng chỉ có 2, 3 nhân viên. Tôi quản lý một công ty hơn 200 nhân viên.

"Dao sắc không gọt được chuôi", tôi đã nghĩ nhiều, tìm nhiều cách mà không thay đổi được. Kiếp này coi như kém may mắn lấy được vợ vừa xinh vừa giỏi. Thật là mỗi nhà mỗi cảnh nhưng giống nhau là đều không có hạnh phúc. Ngửa cổ lên kêu trời, trời cũng chẳng thấu. Nói dại các con còn nhỏ, ngộ nhỡ mình bị tai nạn, bác giúp việc già rồi không biết có bắc ghế lên thắp hương được không. Sau này nằm xuống thấy tiếc một kiếp người không may mắn và thương xót cho các con ở lại.

Có mấy dòng tâm sự. Tôi không giỏi viết lách, câu cú có phần lủng củng mong các anh chị thông cảm.

Chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc và may mắn hơn tôi.

Tuesday, September 23, 2008

Tìm một người chồng tốt quá khó


Tôi khẳng định rằng tuy không phải là mò kim đáy biển, nhưng để có thể tìm một người đàn ông biết quan tâm đến gia đình, vợ con ở Việt Nam quả thực khó khăn (hoặc giờ họ tốt, chẳng biết vài năm nữa thế nào). (Quynh Truc)
>Có nên quay lại với người chồng cay nghiệt?

From: Quynh Truc
Sent: Sunday, September 21, 2008 10:17 PM
Subject: Toi chan dan ong Viet Nam

Tôi càng ngày càng bức xúc khi đọc dòng tâm sự của các chị. Tôi thật quá chán ngán đàn ông Việt Nam.

Tôi tự hào được xem là người phụ nữ rất xinh đẹp, thông minh. Là tác giả của vài trăm bài báo, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế và hiện đeo đuổi việc học để hoàn thành hai tấm bằng thạc sĩ.

Thời sinh viên ở Việt Nam tôi đã trải qua một vài mối tình mờ nhạt với những người đàn ông Việt Nam. Tất cả đều có điểm mạnh và yếu riêng, nhưng hầu hết đều có mẫu số chung: rỗng tuếch, phóng túng, mê nhậu nhẹt và thích thể hiện bản lĩnh đàn ông một cách đáng coi thường (đổi điện thoại, xe cộ xoành xoạch) thay vì quan tâm hơn đến giá trị đích thực của chính mình.

Tốt nghiệp đại học, tôi lên đường sang Đan Mạch du học. Cuộc sống bên này khiến tôi ngỡ ngàng. Người nào cũng rành vài ngoại ngữ, cậu học sinh cấp 2 có thể nói 5-6 thứ tiếng, con người lịch sự hiếm thấy và tôn trọng hạnh phúc gia đình không chê vào đâu được.

Cho dù ở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa, những bệnh viện sang trọng, hay những văn phòng làm việc tiện nghi, tôi luôn thấy họ, những bác sĩ, kỹ sư, nhân viên… trân trọng đặt những tấm hình gia đình, vợ chồng, con cái mình lên bàn làm việc. Họ nói gia đình chính là tổ ấm, là nơi họ muốn quay về sau giờ làm việc. Thay vì các quý ông Việt Nam thích chọn bàn nhậu, quán bar là điểm đến.

Ông xã của mình hiện nay cũng là người Đan Mạch. Tôi kết hôn anh tôi khi vẫn đang tiếp tục học thạc sĩ. Anh là một ví dụ điển hình về đàn ông Bắc Âu, lịch lãm, ngọt ngào và nâng niu gia đình. Việc kinh doanh của anh rất thành công và vững chắc. Anh sở hữu một nhà máy chế biến thực phẩm danh tiếng với thị trường rộng lớn tại Bắc Âu nói riêng và nhiều nước châu Âu nói chung. Anh thành thạo 6 ngoại ngữ và là một người có tài thuyết phục cự phách tại các cuộc hội thảo kinh doanh xuyên quốc gia.

Thế nhưng, anh chọn cách việc điều khiển công việc kinh doanh 90% qua mạng để có thời gian gần gũi gia đình. Anh rất ít khi đến nhà máy mà chỉ theo dõi toàn bộ và điều hành qua Internet, điện thoại. Anh nấu ăn ngon đến kinh ngạc, luôn giúp tôi chuẩn bị các bữa ăn và hiện tại khi tôi đang viết những dòng này thì anh đang lui cui điều khiển máy cắt cỏ ngoài vườn (vì những người Ba Lan chuyên giúp việc của vợ chồng tôi mới xin nghỉ việc).

Anh không uống bia rượu, không thuốc lá, không bao giờ đi ăn ngoài mà thiếu tôi. Anh kinh ngạc khi tôi nói đàn ông Việt Nam sau giờ làm việc là có thể nhậu thâu đêm, đàn đúm quán bar, để mặc vợ con ở nhà vò võ chờ cơm. Anh nói: "Sao họ không dùng số tiền nhậu nhẹt đó để mua cho vợ một món quà, dành thời gian đó đưa con đi chơi, hoặc đơn giản chỉ là tiết kiệm cho gia đình khi kinh tế Việt Nam thì vốn đã chẳng giàu có gì?". Tôi chỉ còn biết cười trừ.

Anh càng kinh ngạc hơn khi tôi kể rằng đàn ông Việt Nam luôn khăng khăng rằng họ chỉ có thể ký hợp đồng thành công trên bàn nhậu, với những chầu bia ôm, với tăng 3 tăng 4. Thay vì ở bên này hợp đồng được ký sau những buổi hội thảo với ly trà nóng và những tập giấy tờ.

Tôi cũng thường xuyên chứng kiến anh xách valy ra sân bay lúc 7 giờ sáng để bay sang Thụy Điển, Bỉ, hay Italy dự hội thảo và luôn quay về Đan Mạch khi đồng hồ chưa chỉ quá 4 giờ chiều cùng ngày. Không có chuyện anh la cà thêm vài giờ đồng hồ sau hội thảo. Nếu hội thảo kéo dài hơn một ngày thì anh luôn đặt vé máy bay cho cả hai chúng tôi để tôi khỏi buồn khi ở nhà một mình.

Anh dẫn tôi đi mua sắm và không bao giờ để tôi phải thử đồ một mình. Anh rất rành về thời trang và luôn cùng tôi lựa từng chiếc váy. Anh kiên nhẫn ngồi chờ nhân viên trang điểm mẫu cho tôi 2-3 tiếng đồng hồ chỉ để tìm ra màu mắt hay màu son tôi yêu thích. Tôi chưa từng một lần phải vác giỏ đi siêu thị một mình vì anh luôn muốn làm tài xế cho tôi bởi lo tôi chưa quen lái xe. Tôi cũng chưa từng thấy anh đi đâu về nhà trễ hơn 10 giờ tối. Mà nếu anh có đi một mình như vậy cũng rất hiếm, chắc vài tháng mới có một lần. Thông thường anh luôn muốn tôi đi cùng anh.

Chắc chắn sẽ nhiều chị nói rằng tôi may mắn. Nhưng không phải, đàn ông Bắc Âu là như vậy đó các chị. Sáng nay chồng tôi mang tờ tạp chí nổi tiếng tên Nyheds Magasin của Đan Mạch và đọc cho tôi nghe một bài báo nói về chuyện tình giữa cô gái Việt Nam tên Thúy (hay Thùy, Thủy, vừa tốt nghiệp MBA và hiện giữ chức vụ Excutive floor manager for Vip – Custumer của khách sạn Sheraton, Hà Nội với một người đàn ông Đan Mạch tên Thomas Frisenberg.

Khi phóng viên hỏi cô vì sao cô chọn kết hôn với đàn ông Đan Mạch, cô gái nói: "Tôi làm việc trong ngành khách sạn nên được gặp gỡ khách đến từ nhiều quốc gia. Tôi đặc biệt ấn tượng với đàn ông Bắc Âu mà đặc biệt là các nước Scandinavia (gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển). Họ rất lịch lãm, ngọt ngào và quan tâm đến gia đình. Tôi nhận thấy khi lấy chồng Việt Nam, người phụ nữ chịu quá nhiều thiệt thòi, họ gần như phải vừa làm mẹ, vừa làm… cha của lũ trẻ vì các ông chồng phần lớn mê nhậu nhẹt, chè chén, ít quan tâm đến gia đình. Lúc nào cũng để mặc vợ một mình bươn chải quán xuyến hết thảy mọi việc".

Nhớ khi còn ở Việt Nam, tôi là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, đầy cao ngạo, tự hào, được rất nhiều người thành đạt theo đuổi, nhưng vì mất hoàn toàn niềm tin vào đàn ông Việt Nam nên tôi dần chối từ tất cả. Lúc này đây tôi hoàn toàn mãn nguyện với hạnh phúc mình đang có. Nhiều lúc tôi rùng mình nghĩ đến việc ngoại tình đang dần trở thành chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam, đến nỗi vợ còn mua bao cao su cho chồng khi chồng đi công tác mà vừa thương, vừa giận những người phụ nữ.

Chao ôi, khi người ta nói rằng giá trị gia đình tại châu Âu đang chao đảo, thì tôi lại thấy chúng ta nên cười chính mình trước. Tôi lại chợt nghĩ nếu một người đàn ông thành đạt như chồng tôi mà là người Việt Nam, chắc chắn anh sẽ chỉ gửi một núi tiền vào tài khoản cho tôi hằng tháng và biến mất trong những cuộc nhậu triền miên, vô độ. Nghĩ tới mà xót xa cho vai trò làm vợ của phụ nữ Việt Nam mình.

Tôi biết ở đâu cũng có người này người kia, bài viết này tôi không có ý chụp mũ cho tất cả. Tôi biết mình cũng có một người cha, một người anh là người Việt Nam, cả hai đều thành đạt và đầy học vấn. Tôi mong rằng họ sẽ bao giờ không giống như những ví dụ về đàn ông Việt Nam mà tôi vẫn đọc hằng ngày.

Nói đi nói lại, tôi khẳng định rằng tuy không phải là mò kim đáy biển, nhưng để có thể tìm một người đàn ông biết quan tâm đến gia đình, vợ con ở Việt Nam quả thực khó khăn (hoặc giờ họ tốt, chẳng biết vài năm nữa thế nào). Hệt như câu ca dao: "Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Hay "Thân em như giếng giữa đàng/Người sang rửa mặt, người phàm rửa chân".

Vậy là những điều như thế đã hiển nhiên tồn tại, biến thành giọt nước mắt ca dao đau đớn…

Ừ, đàn ông Việt Nam, nếu các anh không hoàn hảo, không sao, chẳng ai buộc các anh phải hoàn hảo. Nhưng xin các anh hãy nhìn lại mình, thật sự hãy xem mình đã làm tròn trách nhiệm đối với vợ con hay chưa. Đừng nghĩ lấy vợ rồi là xong chuyện, có bến đỗ rồi là thản nhiên ra ngoài hưởng lạc. Xong rồi lại than thở: "Không ai tham bát bỏ mâm". Cũng xin các quý ông lấy vợ từ thuở nghèo khó, sau vài chục năm giàu sang vinh hiển lại quên mất vợ hiền tần tảo, thỏa mãn vung tiến những chốn rong chơi. Các anh có thấy lương tâm mình cắn rứt không?

Các chị, xin đừng yếu đuối, sống một mình mà được thoải mái còn hơn có chồng mà cũng như không, lâu lâu lại thêm một vài vết bầm dập khuyến mại từ những trận đòn vũ phu, rồi để các con đau đớn khi chứng kiến bậc sinh thành lao vào nhau như hổ dữ… Hãy mạnh mẽ lên các chị. Hạnh phúc do mình tạo nên.

Cám ơn các anh chị đã dành thời gian lắng nghe và rất vui nếu được lắng nghe phản hồi từ anh chị. Các anh chị nếu có ý kiến có thể email cho tôi theo địa chỉ: trucquynh.dk@gmail.com


Đừng thấy tỷ lệ ly hôn thấp mà tự hào người VN hạnh phúc

Ngược thời gian, các bạn có nghe nói chuyện ông bà ta ly dị bao giờ không? Không! Nguyên nhân bởi thời điểm ấy, ly dị là khái niệm xa lạ, nhất là khi phụ nữ luôn được chính mẹ, cô dì nhắc nhở cách làm dâu hiền, vợ đảm. Họ phải luôn nhẫn nhịn, một mực vâng lời, nâng khăn sửa túi cho chồng. (Trúc Quỳnh)


Chào các bạn đang đọc chuyên mục Tâm sự,

Tôi là Trúc Quỳnh, tác giả bài viết: "Tìm một người chồng tốt quá khó" đã đăng trên VnExpress.net.

Sau khi bài viết được đăng, tính đến thời điểm này tôi đã nhận được 407 bức thư phản hồi. Trong đó chỉ có 15 phản hồi từ nam giới (với 8 ý kiến đồng tình), phần còn lại đến từ nữ giới ở khắp các tỉnh thành, cũng như từ châu Á, châu Âu, Mỹ (với 378 ý kiến đồng tình).

Tuy không thể coi là một cuộc điều tra xã hội bởi những con số trên chưa phản ánh hết suy nghĩ của bạn đọc, tuy nhiên tôi cũng có thể rút ra khá nhiều kết luận để trao đổi với các bạn đang theo dõi chuyên mục này.

Điều thú vị nhất là hầu hết email phản đối của các bạn nam đều dùng những từ ngữ "không có trong từ điển", vỗ ngực xưng anh hùng với ngôn từ rất kinh khủng mà tôi không thể viết lên mặt báo được. Họ như muốn chứng minh thêm một lần nữa cái phần "tốt đẹp" của mình. Nếu bạn có nhã ý muốn xem thì email cho tôi, tôi sẽ forward cho các bạn.

Thế nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bạn nam tán thành nhận định của tôi. Thậm chí có bạn phản đối nhưng dùng cách viết lịch sự, thiện chí, gây cảm tình cho người đọc.

Nhiều bạn nam cho rằng vì tôi "sính ngoại" nên quay ra "phỉ báng" cả thế hệ. Đó là cách nói thiếu tính xây dựng. Tôi tuy sống xa xứ, nhưng lúc nào cũng dõi về quê nhà. Chính vì vậy mới xót xa khi chứng kiến nỗi thiệt thòi của nhiều phụ nữ Việt Nam. Có một bạn nam (TP Nam Định) hùng hồn nói: "Ở đây tớ muốn nói đến cái tự trọng của người đàn ông, dù họ chẳng ra gì, nhưng họ hoàn toàn không muốn mang mình ra so sánh với người đàn ông khác, dù biết người đó hơn gấp vạn lần mình". Có lẽ điều đó đúng!

Đôi khi người ta nghĩ rằng một ly bia, một chén rượu, một gái đẹp (ngoài vợ) kề bên mới là bản lĩnh đàn ông. Họ làm, nhưng họ không thích nhìn nhận những việc mình làm bởi chẳng ai lại "vạch áo cho người xem lưng". Đàn ông mạnh mẽ là thế, tự trọng là thế, thừa nhận khác chi "làm xấu mặt" mình!

Tôi luôn tự hào khi giới thiệu mình là người Việt Nam. Nhưng tôi cũng không ngại nhìn nhận ở mình bên cạnh điểm mạnh là những điểm chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, hình như nhiều bạn nam thì không dám nhìn vào điểm yếu của chính mình. Đúng như các cụ xưa đúc kết, chúng ta lúc nào cũng sợ nhìn vào sự thật bởi sự thật mất lòng. Chúng ta sợ bị đem ra so sánh vì nó làm tổn thương sự sĩ diện. Đâu phải ai cũng vượt qua được nỗi sợ "thuốc đắng" để mà "giã tật" đâu phải không bạn?

Đàn ông trong trường hợp này cũng vậy. Tôi không hề nói tất cả đàn ông Việt Nam đều không tốt, ở đâu cũng có người này người kia. Thế nhưng đâu phải ai cũng may mắn tìm được người chồng như ý, mà hôn nhân lại là chuyện hệ trọng cả đời người chứ đâu phải món hàng ngoài chợ, xài được thì xài, không được đem đổi trong ngày một ngày hai.

Nếu không dám nhìn nhận, thì đến bao giờ mới sửa chữa? Thật buồn!

Tôi không phủ nhận đàn ông Việt Nam cũng có nhiều tính tốt như một số bạn nêu ra: thân thiện, hiếu khách... Nhưng những điều đó tôi vẫn gặp tại châu Âu hàng ngày, hàng giờ. Tính tôi rất thân thiện nên chỉ trên một chuyến tàu 15 phút đến trường, tôi có thể tíu tít làm quen với 5-6 người bạn mới, từ các cụ già, bạn trẻ đến các em thiếu nhi. Tôi chỉ cần đứng ngơ ngác ngoài phố là đã có người chủ động dừng xe hỏi tôi có bị lạc đường hay cần giúp đỡ.

Những buổi sáng dậy muộn, một tay cầm sandwich, một tay ôm cặp chạy hộc tốc, tôi cũng vẫn không thể không dừng lại nhoẻn miệng cười khi những người công nhân làm đường giơ tay vẫy: "Hej hej, chào buổi sáng". Quả thực, tôi không thể nhớ hết được đã bao nhiêu sự giúp đỡ, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu cái bắt tay ấm áp... của những người Đan Mạch xa lạ dành cho mình từ những ngày đầu bỡ ngỡ ấy.

Các bạn có thích xài các sản phẩm của Microsoft? Các bạn có thích đi xe hơi do ta sản xuất hơn là xe đến từ Đức, Nhật? Tuy so sánh có phần hơi khập khiễng, nhưng xét cho cùng, con người chúng ta cũng là một sản phẩm (cao cấp) của xã hội, được hoàn thiện hoặc méo mó là do tác động của ngoại cảnh cũng như bản lĩnh, ý thức cá nhân. Chúng ta thích dùng nhiều sản phẩm ngoại nhập (mặt hàng điện tử chẳng hạn) bởi đa số chúng công nghệ hơn, hoàn hảo hơn, chứ không phải bởi chúng ta không yêu đất nước mình.

Yêu lắm chứ, quê hương mình, nơi chôn rau cắt rốn của mình mà. Vậy nếu như có những người đàn ông tốt đẹp ở một phương trời nào đó, sao phụ nữ lại không có quyền tìm đến họ? Và các bạn có nghĩ ngược lại rằng thật sự hầu hết phụ nữ chỉ thích kết hôn với những người cùng nền văn hóa, cùng nói một thứ tiếng mẹ đẻ, cùng thích ăn một loại món ăn... giống họ? Phụ nữ sẽ không việc gì nghĩ đến chồng ngoại nếu như những người chồng nội biết tự hoàn thiện mình.

Tất nhiên, cần phải nói thêm ở đây là châu Âu cũng không phải thiên đường để biến mọi thứ thành hoàn hảo. Thực ra, nam nữ phương Tây bình đẳng, tự do, cộng thêm hệ văn hóa, tư tưởng khiến họ làm được nhiều điều rất khác chúng ta.

Trong số các bài phản hồi cho tôi có một bài đáng chú ý. Bạn đó trích đoạn một bài viết về bài phát biểu của Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), đồng thời là thành viên của DOVIPNET - Mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam:

Bà Kim Thanh mong muốn Việt Nam sẽ học tập mô hình nhà tạm lánh của Đan Mạch vì: "Ở Đan Mạch chỉ có 5 triệu dân thôi nhưng họ có đến 39 nhà tạm lánh. Mỗi năm, họ có 2.000-3.000 người viết đơn xin vào nhà tạm lánh này". Trước tiên, tôi hiểu ý kiến tác giả bức thư khi trích đoạn bài báo này, ý muốn nói đàn ông Đan Mạch tốt thế thì sao nhiều phụ nữ chạy trốn vào nhà tạm lánh phải không?

Nếu tìm hiểu, các bạn có thể thấy một số điểm chính như sau:

1. Dân số Đan Mạch hiện nay là 5,5 triệu. Số người nước ngoài nhập cư vào Đan Mạch là 8%, tương đương 440.000 người. Trong đó người Hồi giáo (phần lớn đến từ các nước Trung Đông) chiếm 5% dân số, tức khoảng 275.000 người. Tuy nhiên, con số trên không bao gồm con cái của các cặp vợ chồng nhập cư được sinh ra tại Đan Mạch (do việc chống phân biệt sắc tộc cũng như quyền bình đẳng tại Đan Mạch). Điều đó có nghĩa là trẻ em sinh ra tại Đan Mạch dù của các cặp vợ chồng ngoại quốc không thuộc nhóm người nước ngoài định cư tại Đan Mạch trong các bảng số liệu thống kê.

2. Số người nước ngoài nộp đơn vào các nhà tạm lánh chiếm 50%, trong đó hầu hết là các phụ nữ Hồi giáo (phần lớn người Hồi giáo tại Đan Mạch kết hôn với người cùng tôn giáo, trong đó có nhiều cuộc hôn nhân mang tính chất ép buộc). Theo kinh Koran, một người đàn ông có thể có 4 vợ và vợ phải tuyệt đối phục tùng chồng. Phần còn lại bao gồm trẻ em (thông thường đi cùng mẹ vào nhà tạm lánh), thế hệ thứ 2, 3, 4, 5 v.v... của những người nhập cư (cũng đa số là người Hồi giáo) và người Đan Mạch. Lưu ý, mô hình nhà tạm lánh tại Đan Mạch không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà còn dành cho trẻ em.

3. Thông thường phụ nữ khi vào nhà tạm lánh thường dẫn theo trẻ em đi cùng và do đó làm tăng số lượng (trẻ em trung bình chiếm tới 49% tổng số người đệ đơn xin vào nhà tạm lánh theo thống kê). Tức là trung bình cứ 1 phụ nữ dẫn theo 1 trẻ em. Ví dụ năm 2005 có 1.811 phụ nữ (50.5%) và 1.778 trẻ em (49.5%). Lưu ý ở đây là trẻ em không được gộp vào nhóm người nước ngoài nhập cư như tôi đã nhắc đến ở trên nên họ phải tính riêng.

Như vậy, từ điểm (1), (2), (3), ta thấy:

- 50% những người nộp đơn xin vào nhà tạm lánh là người nhập cư mà đa phần là các bà vợ đến từ những cặp gia đình Hồi giáo.

- 49% còn lại là trẻ em (thông thường đi cùng mẹ).

- Chỉ còn 1% còn lại dành cho người Đan Mạch, cộng thêm thế hệ thứ 2, 3, 4, 5 v.v... của những người nhập cư. Con số 1% này nếu các bạn tính ra chỉ là khoảng 20 đến 30 người mỗi năm mà thôi (tỷ lệ 0.0003% trên tổng số dân cả nước).

Chính vì thế, nên việc bạo hành ở Đan Mạch, nếu theo con số thống kê ở trên, gần như 99% là xảy ra giữa các gia đình có nguồn gốc nhập cư. Tuy con số chỉ là con số, không hoàn toàn phản ánh chính xác, nhưng cũng đủ để nói lên phần nào. Tôi không nói bạo hành không xảy ra giữa những cặp vợ chồng Đan Mạch, nhưng chắc chắn là một con số cực kỳ nhỏ, đặc biệt là tỷ lệ theo số dân.

Tôi rất đề cao sáng kiến này của Đan Mạch. Với chế độ phúc lợi cao, mô hình nhà tạm lánh thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với cộng đồng. Không hiểu các bạn có đặt ngược câu hỏi nếu mô hình nhà tạm trú này xuất hiện tại Việt Nam thì sẽ có bao nhiêu người xin tá túc? Tôi dám chắc là nhiều lắm đấy. Tôi mong ước đất nước chúng ta cũng sẽ sớm thực hiện mô hình này, nhằm bảo vệ quyền lợi cho phái yếu.

Còn có bạn trích dẫn một bài báo nói rằng tỷ lệ ly dị ở Đan Mạch nằm vào top cao nhất thế giới: 44.8%. Và so sánh với tỷ lệ rất nhỏ ở Việt Nam: 4.8%. Sao các bạn không đặt câu hỏi vì sao lại như thế?

Ngược thời gian trở về mấy chục năm trước, thời ông bà chúng ta, các bạn có nghe nói về chuyện ông bà ta ly dị bao giờ không? Không! Vậy chẳng lẽ các bạn nghĩ họ không chia tay bởi tất cả đều hạnh phúc?

Chúng ta đã phân tích điều này rất nhiều lần trên mặt báo, tuy nhiên có lẽ nhiều bạn đã quên mất. Nguyên nhân bởi thời điểm ấy, chuyện ly dị là một khái niệm xa lạ, nhất là khi phụ nữ luôn được chính mẹ mình, cô dì mình nhắc nhở cách làm dâu hiền, làm vợ đảm. Họ phải luôn nhẫn nhịn, một mực vâng lời, nâng khăn sửa túi cho chồng:

"Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê".

Và họ coi việc chồng "dạy" vợ là hiển nhiên:

"Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về".

Mà chắc gì các ông chồng vừa sinh ra đã có quyền dạy vợ ấy có đủ tài, đủ khôn hơn vợ mình nhỉ?

Rồi thì ngay trên diễn đàn đây thôi, và nhiều chị gửi thư cho mình tâm sự cũng vậy. Dẫu bị chồng hành hạ, phản bội, ruồng rẫy, họ vẫn lo sợ không dám ly hôn. Một số vì hy vọng chồng sẽ thay đổi, một số muốn cho con cái đủ mẹ đủ cha, một số lo sợ hàng xóm láng giềng, họ hàng nhìn vào, một số thấy lớn tuổi nên chấp nhận an phận chịu đựng nhằm tránh cho con cái tổn thương hoặc mang tiếng này nọ. Lại có một số khác sợ không có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con... Các bạn thử nghĩ xem, với những phụ nữ mà kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, hoặc thu nhập bản thân quá thấp, bài toán nuôi con sau khi ly hôn sẽ giải quyết ra sao?

Ngược lại, phụ nữ ở Đan Mạch nói riêng và châu Âu nói chung thì không như vậy. Quyền bình đẳng đã tiến một bước rất dài, vị trí của phụ nữ trong xã hội vô cùng to lớn. Hơn nữa, với một đất nước có chế độ phúc lợi cao hàng đầu thế giới như Đan Mạch, chuyện nuôi con không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình, mà đã thành vấn đề chung của toàn xã hội. Không chỉ học tập miễn phí, trẻ em thậm chí còn được nhà nước "trả lương" cho việc đến trường.

Tất nhiên không thể so sánh một quốc gia với cơ sở hạ tầng, vật chất và phúc lợi xã hội hàng đầu thế giới như Đan Mạch với nước Việt Nam ta còn đang trong giai đoạn vươn mình. Tuy nhiên, điều tôi muốn chỉ ra ở đây là không thể lấy tỷ lệ ly hôn làm thước đo hạnh phúc. Các bạn có đọc báo, liên tiếp nhiều năm liền theo thống kê của rất nhiều cơ quan như: Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, Đại học Leicester (Anh Quốc) và Đại học Michigan (Mỹ), Đan Mạch luôn là nước xếp vị trí số 1 thế giới về hạnh phúc?

Nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì có hàng trăm hàng ngàn (bạo hành, ngoại tình, tài chính, tâm lý...). Tuy nhiên, nếu các bạn đọc báo thì sẽ thấy các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân lớn nhất (tới hơn 90%) là vấn đề hòa hợp tình dục. Tôi nghĩ các bạn đã lập gia đình rồi sẽ đồng ý với tôi rằng rất hiếm các cặp vợ chồng có đời sống tình dục viên mãn lại nghĩ đến chuyện chia tay. Do đó, một đất nước nhỏ bé như Đan Mạch chắc chắn không nằm ngoài quy luật chung này.

Có bạn nói tôi đề cao Tây phương quá, làm như vậy sẽ khiến các cô gái Việt ra nước ngoài tìm chồng hết. Điều đó sai! Tôi không cổ xúy cho ai cả. Đâu phải đàn ông nước ngoài chỗ nào cũng tốt. Đàn ông từ châu Á như Nhật, Trung Quốc cho đến các nước châu Âu như Nga, Belarus, Ba Lan... đều có tửu lượng cao ngất ngưởng, uống bia rượu như uống nước lã. Họ cũng mang đầy đủ các thói hư tật xấu trên đời. Hơn nữa, quan trọng nhất của hôn nhân là tình cảm đến từ hai phía. Tôi hy vọng các bạn nữ chúng ta đủ sáng suốt để nhìn nhận và chọn lựa một người bạn đời cho chính mình.

Nhân đây, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các bạn đã gửi phản hồi đến địa chỉ email của tôi. Tôi trân trọng ý kiến của các bạn. Tuy nhiên, tôi muốn nhắn gửi tới những người đàn ông tự nhận mình là tử tế, nhưng lại viết thư một cách khiếm nhã hãy nhìn lại bản thân mình. Điều quan trọng của phản biện là dùng luận điểm một cách lịch sự và văn hóa, các bạn nhé.

Một lần nữa, cám ơn các bạn đã dành thời gian chia sẻ. Thời gian có hạn, tôi chưa thể trả lời hết thư bạn đọc gửi đến. Tôi sẽ cố gắng hồi đáp các bạn sớm nhất có thể.

Thân ái,

Trúc Quỳnh



Tìm chồng tốt ở nước ngoài không quá khó

Nếu các bạn là người độc lập, suy nghĩ đúng đắn thì sẽ không quá khó khăn (như ở Việt Nam) để tìm được một người chồng Việt hay ngoại quốc tốt.
Tôi cũng tin rằng việc cùng một nguồn gốc văn hóa hay ngôn ngữ không quá quan trọng. (T.Nga)
>Tỷ lệ ly hôn thấp không đồng nghĩa người VN hạnh phúc

From: T Nga
Sent: Monday, October 13, 2008 9:22 AM
Subject: Gui toa soan: Tim chong tot o nuoc ngoai khong qua kho

Chào các bạn,

Tôi đã đọc ý kiến của nhiều người về vấn đề "chồng nội, chồng ngoại", xin được góp thêm một vài ý kiến từ vị trí của người lấy "chồng nội" nhưng sống ở nước ngoài.

Ở Việt Nam tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều năm. Qua đây tôi đi học đại học lại và hiện làm cho một công ty của châu Âu có chi nhánh ở Mỹ. Chồng tôi xuất cảnh năm 20 tuổi, hiện cũng làm việc cho một hãng lớn của Mỹ. Nói chung chúng tôi có cuộc sống khá yên bình trong gia đình và sự nghiệp. Tôi về Việt Nam thường xuyên và vẫn giữ quan hệ tốt với bạn bè.

Trong nhóm bạn nữ của tôi ở Việt Nam (đều tốt nghiệp đại học) hiện giờ thì một người vừa hoàn tất thủ tục ly dị, một đã có chồng thứ hai, một ly dị và vẫn còn một mình, một có chồng ngoại tình cách đây 3 năm, nhưng đã hàn gắn được. Một bạn đang tính chuyện ly dị vì chồng không có năng lực, nhưng chỉ thích làm chủ nên toàn phá hại tài sản, một chưa có chồng. Hai người có cuộc sống khá hạnh phúc. Hai người còn lại thì số ngày chồng không đi nhậu trong một tháng chưa qua khỏi số ngón tay, mà theo các bạn ấy thì "chưa bồ bịch là được".

Có bạn nói rằng Trúc Quỳnh chẳng dựa trên một nghiên cứu khoa học nào, cũng không phải chuyên gia tâm lý hay xã hội học mà đã so sánh, kết luận này nọ. Có lẽ các bạn quên rằng đây là mục Tâm sự, chứ không phải là diễn đàn của những nhà nghiên cứu, và chúng ta góp ý cho cá nhân chứ không phải đề ra chính sách cho xã hội. Những vấn đề chúng ta đưa ra bàn luận ở đây là từ sự cảm nhận thực tế về những gì đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân. Và với thực tế ở chung quanh tôi và bạn bè tôi, tôi rất buồn mà phải nói rằng cuộc sống hôn nhân ở Việt Nam hiện tại thật sự là một vấn đề trầm trọng.

Các bạn đem những con số thống kê, những câu chuyện "chồng ngoại" đối xử tệ với "vợ nội" để biện hộ rằng "chồng nội" vẫn còn tốt lắm. Các bạn quên rằng chỉ cần bớt đi một người chồng ngoại tình, lang chạ, nhậu nhẹt bê tha, bạo hành thì đã có nhiều cuộc đời (người vợ và những đứa con) được hạnh phúc, hay ít nhất cũng là "kém bất hạnh". Chỉ cần nhìn một người thân, một người bạn đau khổ trong hôn nhân chúng ta đã thấy xót xa lắm rồi.

Nếu mấy trăm bạn đọc đồng ý với Quỳnh từ cảm nhận thực tế của họ thì sự thật là có biết bao nhiêu người phụ nữ, trẻ con đang phải chịu đựng hậu quả của những cuộc hôn nhân cay đắng. Những con số thống kê chính xác theo tiêu chuẩn khoa học có ý nghĩa gì hơn khi trước mắt chúng ta nhan nhản những cảnh đời nghiệt ngã vì một ông chồng bất nhân, bất nghĩa? Vả lại chồng ngoại có xấu cũng chẳng có nghĩa là "chồng nội" tốt, vì chữ "tốt" chúng ta dùng ở đây không phải là một khái niệm tương đối hay trừu tượng cao xa gì, mà đơn giản là khái quát hóa những tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của một người chồng: chung thủy, tôn trọng, chia sẻ niềm vui, công việc gia đình với vợ con.

Theo tôi về cơ bản có ba kiểu người. Kiểu người có bản chất nhân hậu, được giáo dục tử tế, sống trong môi trường nào cũng không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác về thể chất hay tinh thần. Kiểu thứ hai là người có bản chất xấu, hoặc thiếu giáo dục, chỉ có pháp luật mới có thể bắt họ sống trong khuôn khổ xã hội chấp nhận được. Chiếm đại đa số và quyết định bộ mặt của xã hội là loại người "gần mực thì đen gần đèn thì sáng".

Ở Việt Nam, do tác động của nhiều yếu tố nên vài năm gần đây số người xấu quá lộng hành, làm "đen" cả thành phần chiếm đa số. Những người tốt thì quá ít ỏi so với người xấu nên mới có vấn đề "tìm chồng tốt khó quá". Những nước văn minh có kinh tế ổn định, có chương trình giáo dục nhân cách, pháp luật nghiêm minh, chế tài hiệu quả hơn nên hạn chế được hành vi của nhiều kẻ xấu và làm cho người bình thường hướng về điều thiện nhiều hơn.

Chồng tôi là người Huế, lớn lên trong gia đình nổi tiếng về vấn đề gia trưởng. Tuy vậy vì chúng tôi hiểu biết về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng nên gia đình tôi tuyệt đối không có chuyện "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về", mà tuyệt đối tôn trọng nhau. Kế bên nhà tôi là vợ chồng người Hàn Quốc. Người vợ gặp chúng tôi thì chào hỏi vui vẻ, còn người chồng thì chỉ lạnh nhạt một tiếng "hi", thậm chí còn làm lơ. Nhìn trang phục, lối sống của họ tôi nghĩ người chồng là bác sĩ. Họ dọn đến vài tháng thì một buổi tối tôi nghe tiếng la hét của người chồng và tiếp theo là tiếng gào khóc của người vợ.

Tôi rất bồn chồn vì nhà chúng tôi cách nhau khoảng 3 mét, đều có cửa kính hai lớp cách âm khá tốt, nếu nghe tiếng khóc lớn như vậy chắc phải có vấn đề gì nghiêm trọng. Tôi đang tìm phone để gọi cảnh sát thì vợ chồng người Mỹ nhà đối diện nói là họ đã báo rồi. Cảnh sát đến, vào nhà khoảng 30 phút rồi đi. Hôm sau tôi lại thấy vợ chồng tung tăng ngoài đường rất vui vẻ. Từ đó đến nay đã mấy năm không nghe ồn ào lần nào nữa.

Năm ngoái dì chúng tôi ở Huế qua Mỹ du lịch. Tuần đầu tiên dì than thở là "dì qua đây ở nhà không ai lo cho dượng, con gái của dì (30 tuổi) làm sao lo cho ông bằng dì được". Ba tháng sau gặp lại tôi dì bảo: "Mẹ chồng con sướng quá, dì thấy ba chồng con nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp, làm vườn, chứ chồng dì chỉ có ngồi đọc báo, xem tivi, đợi bưng cơm nước lên tận miệng. Dì hầu hạ ông cả đời rồi, bây giờ về không hầu nữa".

Nhiều bạn chê bai những người lấy chồng ngoại rồi quay lưng lại với "cây nhà lá vườn". Thật ra chính vì chúng tôi sống trong một môi trường lành mạnh mới nhìn thấy được lối sống tệ hại của nhiều đàn ông ở Việt Nam, ngay cả trong giới trí thức thành thị. Những chuyện ngoại tình, bạo hành, nhậu nhẹt mà hầu hết bạn bè của tôi đều chặc lưỡi bỏ qua thì chúng tôi không thể nào chấp nhận được.

Nếu dì tôi không qua đây thì cả đời dì hầu hạ ông chồng mà không biết rằng ở nơi khác những người như dì hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi nghĩ Trúc Quỳnh đưa vấn đề này ra cũng chỉ để cho các bạn biết rằng ở nơi khác trên thế giới có nhiều cuộc hôn nhân rất tốt đẹp, hay ít nhất cũng ít tồi tệ như ở Việt Nam hiện tại. Tôi không có tham vọng những lời tâm sự trên diễn đàn này sẽ làm cho những người đàn ông đang đối xử tệ bạc với vợ con một sớm một chiều thay đổi cách sống. Tôi chỉ mong những phụ nữ đang "chịu đựng" hôn nhân của họ có cách nhìn khác hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình và dũng cảm đấu tranh cho những quyền lợi đó.

Tôi cảm thấy rất buồn cho những người phụ nữ sống ở Australia như bạn Nguyen miêu tả. Tuy vậy, nếu họ đau khổ vì sự đối xử tệ bạc đó thì cũng đừng trách những người ngoại quốc xấu, hãy trách họ đã được xã hội bao bọc như vậy mà còn quá phụ thuộc để mất cả lòng tự trọng.

Chuyện người Australia không thích thức ăn Việt Nam, không thích con nói tiếng Việt cũng giống như người Việt không thích mùi thức ăn Ấn Độ hay không thích con nói tiếng Mỹ trong nhà, không nhất thiết liên quan đến việc tôn trọng hay coi thường cả một dân tộc. Trẻ con sinh trưởng ở nước ngoài nếu không được khuyến khích liên tục hay bắt buộc thì chúng cũng chẳng nói tiếng Việt, không cần phải cấm đoán.

Chị tôi không nói tiếng Việt với con ở nhà vì không muốn chúng phải học thêm ESL (English as second language) ở trường. Trong bàn tiệc có nhiều người nước ngoài mà vài người nói tiếng Việt với nhau, tôi cho là hết sức bất lịch sự, và chúng ta phải tự biết điều đó, không đợi ai phải cấm đoán. Người Việt ở đây cũng hay xem thường người Mễ, đơn giản vì đa số dân Mễ làm lao động chân tay, ít học.

Nếu người Australia không thích giao du với người Việt thì chúng ta cũng nên tự hỏi vì sao, phải chăng vì cách sống của một số ít người Việt làm cho họ mất thiện cảm? Những người đi làm đóng thuế đầy đủ như tôi không thể nào thích được những người gian dối để lợi dụng những phúc lợi xã hội. Bài viết của Hằng Nga đã đề cập phần nào thực trạng đáng buồn đó.

Không ít người Việt ở đây làm kinh doanh theo kiểu chụp giựt, lừa đảo được tới đâu hay tới nó. Mới đây tôi cũng bị một tiệm khá lớn của người Việt nợ tiền hàng hóa không trả, đợi đến lúc tôi đòi thưa kiện mới chịu giải quyết. Bản thân tôi là người Việt mà còn không muốn giao dịch với người Việt sau vụ tranh chấp đó, thử hỏi người ngoại quốc nghĩ gì nếu họ cũng xui xẻo gặp phải những người như vậy?Tôi không có ý rằng những người Australia kia là không xấu vì tôi không biết cụ thể về cuộc sống, quan hệ của họ với người chung quanh. Tôi chỉ muốn nêu ra một cách nhìn khác của vấn đề.

Điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn gái là nước ngoài chỉ tạo cơ hội cho các bạn có một cuộc sống xứng đáng với công sức của các bạn. Các bạn có thấy những người ngoại quốc giàu sang lịch lãm thường cưới những cô gái Việt Nam giỏi giang xinh đẹp ở Việt Nam? Quỳnh, Vân có thể là trường hợp cá biệt vì họ là người xinh đẹp giỏi giang và có được những người chồng quá tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu các bạn là người độc lập, suy nghĩ đúng đắn, thì sẽ không quá khó khăn (như ở Việt Nam) để tìm được một người chồng Việt hay ngoại quốc tốt.

Tôi cũng tin rằng việc cùng một nguồn gốc văn hóa hay ngôn ngữ không quá quan trọng. Những người thật sự hòa hợp thì không cần nói ra đối phương cũng hiểu họ nghĩ gì, muốn gì. Việc học thêm một ngoại ngữ từ chính chồng/vợ của mình cũng không quá khó khăn. Khi người bạn đời của chúng ta đáng được thương yêu trân trọng, chúng ta sẽ chấp nhận văn hóa của họ một cách tự nhiên. Ngay cả người Việt với nhau cũng không phải lúc nào cũng chấp nhận được "văn hóa" và ngôn từ của người khác.

Còn đàn ông Việt Nam hãy chứng minh sự tốt đẹp của mình bằng hành động cụ thể. Nếu những người vợ, con của các anh thật tình ca ngợi các anh thì chúng tôi sẽ tự thấy rằng sự so sánh của mình là sai lầm, chứ không ai nghe những lời "mèo khen mèo dài đuôi" cả.
Chúc các bạn vui khỏe.

T. Nga