Friday, July 25, 2008

Thôn tính công ty mà không đả động đến cổ phiếu

Sự xâm lược có thể bị chặn lại nhưng không thể biết được thời cơ của ai sẽ đến. Warren Buffet trở thành tỷ phú nhờ mua bán doanh nghiệp. Trùm bất động sản Mỹ - Donald Trump - phất lên nhờ sự "thôn tính" các khu đất vàng. Lời khuyên mà giới tỷ phú đưa ra là: Hãy tự hào về những gì bạn sở hữu.

Donald Trump cho rằng trước khi thôn tính một doanh nghiệp nào đó, câu hỏi đặt ra cần xuất phát từ chữ cái "M" đầu tiên - Công ty đó có ý nghĩa (Meaning) đối với bạn không? - bao gồm hai câu hỏi nhỏ: (1) Bạn có muốn sở hữu toàn bộ công ty không? (2) Bạn có hiểu đầy đủ về công ty đó đến mức muốn sở hữu toàn bộ nó hay không?

"Khi chuẩn bị mua một công ty lớn, tôi thường tự nhủ với chính mình rằng “Phil, nếu mua công ty này, ta sẽ sở hữu toàn bộ công ty đó và toàn bộ những gì nó có”. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại câu nói này ngay cả khi tôi chỉ mua một phần nhỏ của công ty thông qua việc mua một ít cổ phiếu. Tất nhiên là có lý do chính đáng để học thuộc lòng câu thần chú đó. Nó khiến tôi suy nghĩ giống như một chủ sở hữu công ty chứ không phải một nhà đầu tư cổ phiếu - đây là điều rất quan trọng để trở thành nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thành công", ông nói.

Dưới đây là lời khuyên của Donald Trump:

Hãy tự hào về những gì bạn sở hữu

Nếu chúng ta mua công ty với tư cách là chủ sở hữu công ty chứ không phải người đầu cơ cổ phiếu thì việc đầu tư đó mang tính cá nhân. Tôi muốn khoản đầu tư của mình mang tính cá nhân. Tôi muốn tự hào về những gì mình sở hữu. Đây là một khởi đầu quan trọng để quyết định chúng ta nên đổ tiền vào đâu. Chúng ta đầu tư vào công ty nào, có nghĩa là chúng ta tán thành việc tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực đó, bất kể đó là lĩnh vực gì.

Ví dụ, nếu mua hãng Coca-Cola, chúng ta ngầm định rằng, chúng ta ủng hộ công ty đó. Thực ra, chúng ta đang hàm ý rằng, chúng ta muốn có các sản phẩm của Coke và muốn công việc kinh doanh của Coke tiếp tục phát triển mạnh. Còn nếu mua một công ty bóc lột sức lao động trẻ em tại một nước thế giới thứ ba, chúng ta lại đang ngầm ủng hộ hành động ấy. Có thể bạn chấp nhận điều đó, nhưng điểm mấu chốt ở đây là hãy sở hữu cái gì bạn có thể tự hào khi nói nó là của mình. Sự ủng hộ của chúng ta có thể không chiếm nhiều vai trò trong một hòm phiếu, nhưng với tư cách là người sở hữu một công ty thì điều đó lại đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu quyết định sở hữu một công ty nào đó của chúng ta ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội thì tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc điều chúng ta đang nói.

Đầu tư theo Quy tắc số 1 cho phép bạn xác định được công ty tốt hay xấu và giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn cho chính mình. Điều này không có nghĩa là quy tắc này bảo đảm cho bạn mua được những công ty sẽ không thất bại trong kinh doanh, hay gắn giá trị của bạn với công ty để bảo đảm bạn thu được thành công lớn nhất về tài chính. Điều đó chỉ có nghĩa là xã hội có đủ những kẻ đạo đức giả, vậy tại sao bạn lại hợp tác với họ? Nếu bạn nhận thấy một thứ gì đó xấu xa thì bạn đừng nên sở hữu công ty tạo ra nó. Hãy ủng hộ bất kỳ thứ gì mà bạn mong muốn với số tiền của mình và bạn cần hiểu rằng, đó là lựa chọn cá nhân của riêng bạn.

Đầu tư là một trong những việc mang tính đạo đức và quan trọng nhất chúng ta có thể làm. Nếu ta có vinh dự trở thành một trong số ít người có nhiều tiền hơn mức cần thiết để tồn tại thì chúng ta cần phải thận trọng khi phân bổ nguồn vốn đó vì nó có thể ảnh hưởng đến việc xã hội sẽ đối xử như thế nào với các em nhỏ của chúng ta.
Hãy nghĩ việc đầu tư tiền của bạn cũng giống như việc gieo trồng hạt giống trên mặt đất. Hãy tưởng tượng rằng, chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy. Hãy hành động như thể điều đó là có thật. Cuối cùng, hãy ghi nhớ Quy tắc 10 - 10 khi mua bất kỳ công ty nào: "Tôi sẽ không sở hữu công ty này trong 10 phút nếu tôi không sẵn sàng sở hữu nó trong 10 năm".

Quy tắc 10 - 10 là một cách tư duy đầu tư. Trên thực tế, chúng ta có thể mua công ty nào đó vào ngày hôm nay, sau một tháng lại bán đi, ba tháng sau mua trở lại và vài tuần sau lại bán đi. Chúng ta mua một công ty để giữ nó trong 10 năm không có nghĩa là chúng ta không thể mua đi bán lại công ty đó nhiều lần.

Lý do quan trọng để sử dụng Quy tắc 10 - 10 trong quá trình mua đó là quy tắc này khiến người ta trở thành những nhà đầu tư có kỷ luật hơn.

Hầu hết các nhà đầu tư đều giả định họ sẽ thua lỗ trong một số khoản đầu tư khi cổ phiếu của họ biến động lên xuống trên thị trường. Do kỳ vọng như vậy nên họ thường đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm bớt rủi ro. Nhưng không có người đầu tư nào lại hờ hững khi bị thua lỗ và cho rằng đó là điều bình thường. Bạn có thể tưởng tượng một người đầu tư quyết định mua thêm năm công ty nữa để “giảm rủi ro”? Điều đó điên rồ như thế nào? Nếu một công ty của anh ta có nhiều rủi ro đến vậy, thì tại sao việc đa dạng hóa đầu tư vào năm công ty có thể khiến cho công ty đầu tiên ít rủi ro hơn? Nếu công ty đầu tiên có quá nhiều rủi ro, anh ta có thể bán nó đi và mua một công ty khác anh ta hiểu rõ hơn. Quy tắc 10 - 10 giúp chúng ta nhớ đến việc chúng ta “sẵn sàng” sở hữu một công ty trong thời gian bao lâu để chúng ta luôn nghĩ mình là một nhà đầu tư dài hạn.

Là những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, chúng ta sẽ chỉ sở hữu một số ít công ty. Trong trường hợp đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để chắc chắn rằng chúng ta sở hữu một số ít những công ty thực sự tuyệt vời, đó là những công ty không làm cho chúng ta thua lỗ.

Chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi có thể tìm ra những công ty tuyệt vời với mức giá hấp dẫn và tạo nên một thói quen, là không bao giờ bỏ tiền ra cho tới khi chắc chắn rằng mình sẽ không bị mất tiền. Nếu một công ty thực sự tuyệt vời và mức giá của nó thực sự hấp dẫn, chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ kiếm được tiền.

Nhưng bạn nên mua công ty nào? Bạn và tôi có nên mua cùng một kiểu công ty không? Chúng ta có phải là những người giống nhau không? Chúng ta có yêu thích và hiểu biết mọi thứ giống nhau không? Rõ ràng, mỗi người trong chúng ta là cá thể duy nhất với tài năng khác nhau. Mỗi người tôi từng gặp đều khác nhau ở khía cạnh nào đó. Chúng ta khác nhau về mục đích. Hành động phù hợp với tính cách của bạn đồng nghĩa với đầu tư phù hợp với tính cách của bạn. Vậy bạn nên sở hữu kiểu công ty nào? Câu trả lời là những công ty bạn hiểu rõ, những công ty phản ánh được bạn là ai.

Hiểu rõ công ty của bạn

Tôi tiếp tục nhắc lại mục tiêu của Quy tắc số 1 đó là hãy đầu tư chắc chắn để không thua lỗ. Nếu chúng ta không hiểu chúng ta đang mua cổ phiếu của công ty nào, chắc chắn chúng ta không dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với công ty đó trong tương lai. Nếu chúng ta không dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai thì làm sao chúng ta có thể tính toán được giá trị của công ty đó tại thời điểm hiện tại? Rõ ràng là chúng ta cần phải hiểu rõ công ty để có thể dự đoán được tương lai của nó và sau đó tính toán được giá trị của công ty tại thời điểm hiện tại. Vậy chúng ta sẽ dễ dàng hiểu rõ những công ty đã biết hơn là những công ty chưa bao giờ nghe nói đến. Do vậy, chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu những công ty tuyệt vời bằng cách khám phá những công ty chúng ta am hiểu.

Bạn có thể băn khoăn tự hỏi mình phải thực sự hiểu một công ty đến mức độ nào. Ví dụ, nếu bạn thực sự thích sản phẩm ngũ cốc, nhãn hiệu ưa thích của bạn là Cheerios, đó là nhãn hiệu do công ty General Mills sản xuất và công ty này cũng chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Vậy có thể nói rằng bạn thực sự hiểu công ty General Mills hay không? Hay bạn đã hiểu chi tiết, kỹ lưỡng quy trình sản xuất và bán hàng của Cheerios hay chưa? Bạn có phải hiểu về nguồn cung cấp, quy trình sản xuất hộp, chi phí lao động, hoạt động marketing và quảng cáo, cách thức trưng bày hàng hay không? Đây là những câu hỏi hay nhưng đều nằm ngoài phạm vi tôi đề cập đến “hiểu công ty của bạn”. Ý nghĩa chỉ là bước đầu tiên. Vì vậy, nếu bạn thích Cheerios và có cảm tình với công ty sản xuất ra nhãn hiệu đó - công ty General Mills, thì đó là điều kiện đủ để giúp nắm được chữ cái M đầu tiên. Khi nắm được ba chữ cái M còn lại, bạn sẽ hiểu đầy đủ về công ty đó để đưa ra quyết định đầu tư dựa trên Quy tắc số 1.

Khi tôi bắt đầu đầu tư, có một điều chắc chắn tôi không biết đó là nhận ra được công ty tuyệt vời bên cạnh những công ty tồi tệ. Điều đầu tiên tôi học được đó là tôi biết nhiều về những công ty đó hơn tôi tưởng.

Chúng ta hãy cùng làm nhanh một bài tập sau: Vẽ ba vòng tròn giao nhau. Vòng tròn thứ nhất có tên “Niềm say mê”. Vòng tròn thứ hai có tên là “Năng khiếu” và vòng tròn thứ ba có tên là “Tiền bạc”. Tôi phải công nhận tác giả và nhà nghiên cứu doanh nghiệp Jim Collins đã rất giỏi khi nghĩ ra ý tưởng ba vòng tròn này. Ông sử dụng chúng để đánh giá các công ty, đặc biệt là những công ty đi từ “tốt” đến “tuyệt vời”.

Viết tất cả những gì bạn thực sự say mê vào vòng tròn thứ nhất - những thứ bạn thích làm, hoặc sẽ làm nếu bạn có thời gian hoặc có tiền. Viết tất cả những gì bạn có năng khiếu ở vòng tròn thứ hai - những thứ bạn giỏi cả trong công việc hay giải trí. Và ở vòng tròn thứ ba, bạn hãy viết tất cả những gì giúp bạn kiếm tiền hoặc khiến bạn tiêu tiền.

Hãy tự hỏi mình ba câu hỏi sau:

1. Bạn thích làm gì, xét trong công việc hoặc trong giải trí?

2. Những việc gì bạn thực sự có năng khiếu?

3. Bạn làm gì để kiếm tiền hoặc bạn tiêu tiền vào những việc gì?

Câu trả lời của bạn - đặc biệt là những câu có liên quan đến ba câu hỏi trên sẽ giúp bạn bắt đầu lựa chọn những công ty tuyệt vời của riêng mình.

Ví dụ, nếu tôi làm theo các bước này khi bắt đầu đầu tư, tôi sẽ biết mình thích trở thành hướng dẫn viên trên sông, tôi giỏi làm hướng dẫn viên trên sông và tôi kiếm tiền cũng chính bằng công việc này. Đơn giản chỉ có thế. Ngay khi tôi thấy cụm từ “hướng dẫn viên trên sông” trong tất cả ba vòng tròn, tôi sẽ dễ dàng hiểu được hoạt động của những công ty có tour trên sông.

Tôi cũng không mất nhiều thời gian để nhận thấy hoạt động tổ chức tour trên sông cũng giống như những hoạt động kinh doanh khác - như tổ chức đi săn ở châu Phi hay tổ chức tour đi chơi biển. Hơn thế nữa, các công ty này có thể liên kết với các công ty khác như Disneyland hay Magic Mountain - một công viên theo chủ đề nổi tiếng khác.

Điều bạn tìm kiếm trong ba vòng tròn đó là những gì xuất hiện ở ít nhất hai vòng tròn - một dấu hiệu về thấy một sản phẩm, một ngành nghề hay một công ty nào đó. Bất cứ những gì xuất hiện ở hai hoặc ở cả ba vòng tròn đều được bạn hiểu rõ hơn những người khác. Đó có thể là thứ có ý nghĩa với bạn - đó cũng chính là ngành nghề đáng để bạn nghiên cứu.

Hãy truy cập trang “Yahoo” và click mục “Tài chính” sau đó là mục “Các ngành nghề” tiếp đến là mục “Danh mục các ngành nghề”. Bạn có thể thấy gần như mọi nghề nghiệp đều được chia thành 12 hạng mục hoặc “lĩnh vực”. Việc này giúp bạn nghĩ đến những công ty bạn muốn mua trước khi bạn học các kỹ năng phân tích. Khi bạn học xong tất cả những gì liên quan đến Quy tắc số 1, bạn sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu những ngành nghề này và tìm kiếm những ngành nghề phù hợp để tiếp tục áp dụng Quy tắc số 1 trong quá trình đầu tư.

Danh sách những lĩnh vực được trích từ Yahoo không phải là một danh sách chuẩn. Không có một danh sách các ngành nghề chuẩn nào. Những công ty dữ liệu khác nhau sẽ liệt kê số lượng ngành nghề khác nhau do họ phân chia hay sát nhập một số ngành nghề lại với nhau. Mỗi công ty dữ liệu có cách phân loại hay đặt tên các công ty theo ngành nghề riêng nhưng tất cả những công ty này đều phân chia các ngành nghề theo cách thức tương đối giống nhau. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tìm kiếm các ngành nghề chi tiết hơn trong Chương 13.

Mỗi lĩnh vực được hình thành từ những ngành nghề có đặc điểm giống nhau. Du lịch mạo hiểm là một trong những ngành nghề này nhưng nó thuộc lĩnh vực nào? Đừng lo sợ rằng mình phải nhấn chuột nhiều lần và phải tự mình mày mò. Vì du lịch mạo hiểm có gì đó liên quan đến dịch vụ nên bạn hãy thử vào lĩnh vực Dịch vụ. Bạn nhấn chuột vào lĩnh vực “Dịch vụ” và sẽ thấy hàng loạt các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực này hiện ra.

Đây mới chỉ là những lĩnh vực chung chung. Hãy nhìn vào đó và xem liệu trong đó có lĩnh vực nào có bao gồm ngành du lịch mạo hiểm hay không. Các hoạt động mang tính giải trí liệu có được không nhỉ? Hãy nhấn chuột vào mục đó và danh sách sẽ hiện ra.

Có công ty nào có vẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm không nhỉ? À, đây rồi! Công ty American Classic Voyages, Carnival Corporation, Royal Carribean và Vail Resorts có vẻ liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng cũng có những công ty thú vị khác trong danh sách này: Blockbuster là công ty tôi mua băng video, Netfix là công ty tôi mua DVD và tôi cũng đến công ty Six Flags nhiều lần rồi. Như vậy, tôi đang đứng trước nhiều lựa chọn và tôi - một hướng dẫn viên từng hoạt động trên sông có thể biết một số điều về lĩnh vực này. Hãy đi xuống dưới canô sau khi tất cả các hành khách đang ngủ, chúng ta đôi khi có thể hướng dẫn khách ngồi trong bóng tối và nói về việc đi chơi biển bằng tàu thủy tuyệt vời như thế nào và hãy để ai đó chèo thuyền, nhả số, nấu thức ăn và đùa nghịch ở đuôi thuyền. Tổ chức tour trên sông và tour trên biển có rất nhiều điểm giống nhau.

Tôi có thể tìm kiếm được gì nữa? Hầu hết những gì tôi muốn làm hoặc muốn mua đều xuất hiện trong một công ty thuộc lĩnh vực và ngành nghề nào đó. Nếu tôi cho rằng, tôi hiểu đôi chút về những công ty sản xuất thiết bị ngoài trời, tôi có thể tìm thấy chúng ở lĩnh vực Các sản phẩm giải trí. Có khoảng gần 100 công ty sản xuất những sản phẩm như máy tuyết, xe mô tô, gậy chơi golf, thuyền chạy bằng điện và ván trượt tuyết. Trong nhóm Quần áo, có những công ty cũng rất hấp dẫn đối với tôi. Tôi mua các thiết bị ngoài trời - những thứ hữu ích cho những chuyến đi ngắn và những chiếc ván trượt tuyết tại công ty Columbia Sportswear và Quicksilver. Dựa trên kinh nghiệm trong quân đội và kinh nghiệm của một người hướng dẫn trượt tuyết, một người lái xe máy và một người tiêu dùng bình thường thì có 17 công ty tôi thấy muốn sở hữu.

Khi nghiên cứu những ngành nghề này theo cách của những năm 1980, tôi mất nhiều thời gian do phải lật tìm những cuốn sách chứa đầy dữ liệu trong thư viện công cộng. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đạt được chút ít kết quả. Đó là có được danh sách những công ty mà tôi hiểu biết đôi chút. Bạn cũng có thể dễ dàng làm được như thế. Bằng cách trả lời ba câu hỏi: bạn giỏi về lĩnh vực nào, bạn yêu thích những gì và bạn kiếm tiền hoặc tiêu tiền như thế nào, bạn sẽ nhanh chóng lập ra được danh sách những công ty bạn am hiểu. Với danh sách này, bạn có thể bắt đầu nghiên cứu.

Nếu bạn từng là một người tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ, và làm việc ở một vài nơi, bạn sẽ nắm được hầu hết các ngành nghề. Không cần phải vận dụng đến khoa học mới có thể tìm ra được những gì có ý nghĩa đối với bạn. Hãy nhìn vào những công ty Warren Buffett sở hữu: đồ uống không ga, thức ăn nhanh, bánh kẹo, dao cạo, công viên giải trí, TV, báo chí, ngân hàng, nhà lưu động, cửa hàng bán đồ dùng trong nhà, cửa hàng bán kim cương… Bạn hiểu biết tương đối nhiều về những công ty này. Trên thực tế, có rất nhiều công ty như vậy nên qua quá trình phân tích và đánh giá cẩn thận theo Quy tắc số 1, bạn phải thu hẹp danh sách các công ty của bạn lại.

Khi bắt đầu thực hành Quy tắc số 1, bạn sẽ thấy mảng thị trường nào bạn am hiểu và mảng thị trường nào bạn nên tránh. (Bạn cũng sẽ khám phá ra những lĩnh vực thị trường bạn muốn tìm hiểu hay cố gắng tìm hiểu và thực hiện những bước cần thiết để tiến hành công việc đó). Nhưng có khi bạn phải tự mò mẫm để tìm hiểu những điều đó. Bạn trải qua ít nhất một lần làm việc ở lĩnh vực bạn cho rằng mình am hiểu cũng như ngành nghề liên quan đến nó, nhưng cuối cùng lại thất bại ngay khi đầu tư vào. Kết quả là bạn cảm thấy như bị ai đó tát vào mặt. Tôi từng hiểu sai một ngành nghề và phải chịu hậu quả về việc đó? Tất nhiên là phải chịu hậu quả và đó là một phần trong quá trình học của tôi.

Điều này xảy ra khi tôi đầu tư vào một công ty máy tính có nhiều nhân tài, với ngân sách lớn và có một nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử (Steve Jobs). Đó là thời điểm năm 1985, Steve Jobs rời công ty Apple để xây dựng một hệ điều hành tốt hơn nhiều so với cả Windows và Apple và ông gọi tên hệ điều hành mới là NeXT. Ông khuyến khích các nhà đầu tư như tôi đầu tư vào NeXT hoặc cả vào những công ty đang phát triển phần mềm chạy trên máy tính NeXT. Do đã dự tính sẽ đầu tư vào một công ty phần mềm nên tôi liên lạc với các nhà lập trình và các chuyên gia máy tính. Tôi cho rằng tôi hiểu lĩnh vực tin học và mọi nhà lập trình đều nói rằng máy tính NeXT là nền tảng tốt nhất cho các nhà phát triển, một hệ thống điều hành tốt nhất, một sản phẩm tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất. Nó có mọi ưu điểm trừ một nhược điểm là không tương thích với Microsoft Windows trong khi các sản phẩm của Microsoft luôn thống trị trên thị trường. Vì bất kỳ mục đích hay toan tính gì Microsoft là một mục tiêu không thể với tới được.

Nếu xem cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm màn hình từ năm 1988 đến năm 1991, bạn có thể phát hiện ra những màn hình có dải màu xám dễ phân biệt của NeXT nhưng chúng hầu như đã biến mất vào khoảng năm 1993. Tôi mất 5 triệu đô la nhưng so với các nhà đầu tư khác như Ross Perot, các trường đại học Carnegie - Mellon, Stanford và Compaq Computer thì đó chỉ là một số tiền ít ỏi. Tôi thừa nhận ngay từ đầu rằng đó không phải vụ đầu tư tôi áp dụng Quy tắc số 1 bởi vì cả NeXT và cả công ty phần mềm tôi đều không tuân theo quy tắc trả lời câu hỏi về bốn chữ cái M.

Kinh nghiệm này dạy cho tôi hai bài học quý giá: (1) những công ty không có truyền thống lâu đời để ta có thể dự đoán được tương lai vốn chứa đựng rủi ro và (2) đừng lao vào những công ty bạn không am hiểu. Nếu Warren Buffett thừa nhận rằng ông sẽ không đầu tư vào Microsoft bởi vì ông không hiểu công nghệ máy vi tính thì tôi đầu tư vào phần mềm cho một máy tính hoàn toàn mới để làm gì? Tôi là người trẻ tuổi ngốc nghếch và tôi cho rằng tôi có thể phá vỡ quy tắc này. Nhưng bây giờ, tôi đã già dặn hơn và khôn ngoan hơn… dù sao đi nữa cũng có kinh nghiệm hơn và tôi muốn giúp bạn tránh những sai lầm tôi từng phạm phải.

Bạn sẽ bắt đầu quá trình này bằng cách nghiên cứu những công ty bạn nghĩ là bạn am hiểu và từ đó bạn sẽ tiến hành nghiên cứu. Hãy cố gắng tránh những tiếng nói tình cảm hay tiếng nói ngạo mạn có thể dẫn bạn đi sai đường. Quy tắc số 1 đơn giản và dễ hiểu đến mức nhiều người cho rằng có thể mở rộng được. Nếu bạn cố làm như vậy, bạn sẽ mất tiền.

Bạn không cần phải sử dụng Internet khi tiến hành nghiên cứu ban đầu. Điểm xuất phát hiệu quả để tìm ra những công ty bạn am hiểu đơn giản chỉ là xem xét những nơi bạn dừng lại mua hàng nhiều lần và những sản phẩm bạn mua nhiều lần. Bạn có thể không hiểu sự rắc rối, phức tạp của những ngành như ngành công nghiệp giày nhưng nếu bạn chỉ đi giày của hãng Nike và mua những sản phẩm của hãng Nike (và thường thích mọi thứ bạn nhìn và nghe về Nike) thì đó là một sự khởi đầu tốt. Hãy nhìn vào bảng kê khai thẻ tín dụng và sổ séc của bạn để biết bạn thường tiêu tiền vào những khoản mục nào. Sau đó, hãy tự hỏi mình “Tôi tự hào khi sở hữu cái gì?” Tôi đoán rằng bạn sẽ có trong danh sách của mình hơn 15 sản phẩm phục vụ cho cuộc sống và công việc của bạn.

(Trích cuốn "Triết lý kinh doanh 101", do Công ty Alpha Books phát hành).

No comments: