Monday, July 28, 2008
Triết lý kinh doanh của ông chủ hãng xe hơi Ford
> Henry Ford - con người của sáng kiến
Henry Ford sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả tại thị trấn nhỏ thuộc bang Michigan, Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã say mê máy móc. Henry Ford thích tháo lắp mọi thứ trong xưởng của cha hơn là làm việc lặt vặt trong trang trại. Năm 13 tuổi, lần đầu tiên trong đời ông nhìn thấy một "cái máy tự đi" - máy đập lúa chạy bằng hơi nước.
Năm 1879, ông rời nhà đến thị trấn Detroit gần đó để học việc. 8 năm sau, ông tự tác ra kiếm sống bằng nghề nông và mở một xưởng cưa. Năm 1891, Ford trở thành kỹ sư của công ty Điện chiếu sáng Edison. Sau khi được thăng chức kỹ sư trưởng năm 1893, ông đã có đủ thời gian và tiền bạc để đầu tư cho những thí nghiệm cá nhân về động cơ đốt trong. Năm 1896, những thử nghiệm này đã đạt đến đỉnh cao với việc ông chế tạo hoàn chỉnh một chiếc xe mà ông đặt tên là Quadricycle - chiếc xe đông đã lái thử vào ngày 4/6/1896. Ngày 11/6/1903, Henry Ford cùng 11 nhà đầu tư và 28.000 đôla tiền vốn lập nên tập đoàn Ôtô Ford.
Chiếc Ford Model A sản xuất năm 1903. Ảnh: Carshop.
"Những điều tôi đã khám phá về kinh doanh từ thành công đến thất bại trong sự nghiệp của mình nhiều năm qua, vẫn không làm thay đổi quan điểm ban đầu của tôi, đó là: Nếu anh coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm của mình thì nó sẽ tiêu diệt sản phẩm của anh và phá hủy nền tảng các dịch vụ", ông nói.
"Từ khi thiết kế chiếc ôtô đầu tiên đến khi thành lập công ty Ford của tôi bây giờ, tôi đã chế tạo tất cả khoảng hai mươi lăm chiếc ôtô. Ngành ôtô lúc này đã chuyển từ thời kỳ sơ khai là khi người ta chỉ cần nó có thể chạy là đủ, cho đến thời kỳ người ta đòi hỏi về tốc độ.
Đặc tính đáng ngạc nhiên nhất của hoạt động kinh doanh lúc đó là người ta chỉ tập trung vào vấn đề tài chính là chủ yếu, còn vấn đề dịch vụ xã hội chỉ là phụ. Tôi thấy dường như quy luật tự nhiên đang bị đảo lộn - đó là quy luật mà đồng tiền là kết quả của công việc và bạn chỉ nhận được khi đã hoàn thành công việc. Cũng đáng ngạc nhiên không kém là dường như không ai quan tâm nhiều đến việc làm sao để sản xuất tốt hơn mà chỉ cần đảm bảo làm gì cũng phải có lợi nhuận và kiếm được tiền. Nói cách khác, sản phẩm làm ra rõ ràng chẳng quan tâm mấy đến mục đích phục vụ công chúng mà chỉ cần làm sao có thể kiếm được nhiều tiền và không ai cần biết đã làm khách hàng vừa lòng chưa. Chỉ cần bán được hàng là đủ. Người ta không lo rằng những khách hàng không vừa ý sẽ mất lòng tin vào sản phẩm của mình mà chỉ thấy điều đó thật phiền toái, hay thậm chí nhờ vậy họ lại có thể kiếm thêm tiền từ các việc sửa chữa, chỉnh sửa - những việc mà lẽ ra họ đã phải làm ngay từ đầu.
Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh ôtô, khi đã bán hàng được rồi thì người ta không quan tâm đến khách hàng của mình nữa. Xe chạy hết bao nhiêu xăng, dịch vụ có tốt không, có khả năng bị hỏng và phải thay thế một số bộ phận không, tất cả các vấn đề đó phụ thuộc vào sự may mắn của chủ nhân chiếc xe. Việc kinh doanh của họ sẽ trở nên tốt đẹp nếu họ có thể bán được các linh kiện với giá cao như họ dự tính, bởi vì khi đã mua ôtô thì chắc chắn người ta phải, hay thậm chí tự nguyện mua các loại linh kiện. Trên quan điểm sản xuất, kinh doanh ôtô không thể dựa trên nguyên tắc trung thực cũng như nguyên tắc khoa học, tuy nhiên, nó cũng không xấu xa hơn các ngành kinh doanh khác".
"Quan điểm của tôi lúc đó và ngay cả bây giờ là nếu bạn sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao với giá cả phù hợp thì chắc chắn bạn sẽ nhận được lợi nhuận lớn. Hơn nữa, khi bắt đầu bạn chỉ nên kinh doanh nhỏ, rồi tự nó sẽ phát triển dần và mang lại lợi nhuận lớn. Nếu bạn không thu được lợi nhuận có nghĩa là bạn đang lãng phí thời gian và không có khả năng kinh doanh. Tôi chưa bao giờ thay đổi quan điểm này nhưng tôi đã nhận ra rằng, thực hiện điều đó trong lĩnh vực kinh doanh như hiện nay sẽ khó lòng có thể phát triển nhanh được. Kế hoạch mà tôi tâm đắc nhất khi đó là bắt đầu với việc đầu tư tư bản, sau đó sẽ bán tất cả số cổ phiếu và trái phiếu cần thiết khi cơ hội tới. Với số tiền thu được, tôi sẽ bước vào lĩnh vực kinh doanh. Kinh doanh tốt không chỉ là sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao và thu được lợi nhuận hợp lý mà kinh doanh tốt phải mang lại cơ hội có thể đầu tư cổ phiếu và trái phiếu với mức giá cao. Vấn đề quan tâm ở đây là cổ phiếu và trái phiếu chứ không phải sản phẩm".
Nếu anh chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mắt mà không quan tâm đến sản phẩm của mình thì anh sẽ luôn sợ bị thất bại và nỗi sợ hãi đó sẽ cản trở việc kinh doanh. Nó khiến anh sợ hãi cạnh tranh, không dám thay đổi cách thức kinh doanh và không dám làm gì để thay đổi tình huống của mình. Thành công sẽ đến với những người luôn nghĩ đến mục đích phục vụ công chúng trước và luôn làm việc theo phương pháp hiệu quả nhất.
Ford nói: "Các nhà kinh doanh tin rằng họ có thể làm được mọi việc nếu chịu đầu tư. Nếu lần đầu chưa thành công thì có thể tái đầu tư. Quá trình tái đầu tư chỉ đơn thuần là trò chơi thế chỗ đồng tiền may mắn vào đồng tiền rủi ro ở lần đầu tư đầu tiên. Trong nhiều trường hợp, tái đầu tư phát sinh do quản lý chưa tốt và kết quả mang lại chỉ giúp các ông chủ nghèo kéo dài tình trạng thê thảm thêm một thời gian mà thôi. Nói cách khác, tái đầu tư chỉ giúp ngày doanh nghiệp bị phá sản đến chậm hơn. Còn với những người đầu cơ tài chính, tái đầu tư chính là một kế sách tạm thời. Đồng tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không được đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể, nhưng nếu không kinh doanh hiệu quả thì ta cũng không thể có lợi nhuận. Bởi vậy, các nhà kinh doanh đầu cơ tự cho rằng mình đang đầu tư tiền đúng chỗ, nhưng thực ra không phải vậy, họ đang lãng phí tiền.
Tôi xác định rõ ràng rằng sẽ không bao giờ làm trong một công ty coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm, hay các công ty thuộc sở hữu của các giám đốc ngân hàng hoặc các thương gia. Và hơn nữa nếu không có cách nào để tiến hành việc kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng thì tôi cũng sẽ không kinh doanh. Đối với tôi, nền tảng duy nhất của kinh doanh chân chính là để phục vụ công chúng.
Khi đã bán được hàng thì mối quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng vẫn chưa kết thúc. Ngược lại, đó mới chỉ là bắt đầu mối quan hệ này mà thôi. Trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, khi ta bán được hàng thì đó mới là giai đoạn giới thiệu sản phẩm. Nếu sản phẩm của ta không mang lại dịch vụ tốt cho khách hàng thì tốt nhất là ta không nên giới thiệu sản phẩm, nếu không, những quảng cáo tồi đó sẽ làm khách hàng thất vọng. Nếu một thương gia chỉ thu được tiền từ những gì anh ta bán thì anh ta sẽ chẳng có hy vọng được khách hàng thưởng tiền hoa hồng.
Theo quan điểm này, về sau chúng tôi đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt khi kinh doanh ôtô Ford. Giá cả và chất lượng của loại xe này đã tạo ra một thị trường, thậm chí là một thị trường lớn. Chúng tôi đã làm được điều đó. Khách hàng mua ô tô của chúng tôi sẽ tiếp tục được phục vụ chu đáo. Do vậy, nếu nó bị hỏng bất kỳ bộ phận gì, chúng tôi sẽ có trách nhiệm sửa chữa ngay cho họ.
Tôi biết trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều hình thức kinh doanh mới nhưng đó chỉ là những cái tên trên danh nghĩa bởi thực ra các hình thức vẫn được tiến hành như cũ
Và tôi nhận ra rằng, trong cái ảo tưởng cuộc sống là một trận đánh mà trong đó ta rất dễ bị thua nếu đi sai một nước cờ, thì con người thường thích làm việc theo thói quen. Mọi người thường sa đà vào các thói quen của mình. Điều này có thể giải thích tại sao ngay cả khi người ta đưa ra các phương pháp mới nhằm giảm bớt các thao tác và mệt mỏi trong sản xuất cho công nhân thì chính những người công nhân ấy lại phản đối gay gắt. Mặc dù người ta nghi ngờ rằng đó chỉ là một trò chơi thử thay đổi mình nhưng điều làm họ khó chịu nhất là nó tác động đến thói quen đã ăn sâu vào họ và khó lòng thay đổi được.
Các nhà kinh doanh thường sa sút trong làm ăn vì họ luôn áp dụng phương thức cũ mà không chịu đổi mới. Bởi họ là những người không hiểu rằng ngày hôm qua đã là quá khứ và sáng hôm sau, họ thức dậy vẫn mang tư tưởng từ năm ngoái. Như thế, chúng ta gần như có một công thức là: cuối cùng khi một người đã tìm ra phương pháp cho mình thì anh ta nên tự xem lại bản thân để biết trí óc của mình có làm việc tích cực không. Sẽ là mối nguy hiểm khôn lường nếu anh ta là người luôn dập khuôn máy móc bởi vì sớm muộn anh ta sẽ bị văng ra khỏi vòng xoáy của cuộc sống.
Thế lực của đồng tiền đã khiến người ta luôn chịu áp lực rằng đã đầu tư là phải có lợi nhuận, do vậy họ không mấy quan tâm đến công việc và chính những dịch vụ của họ đã nói lên điều này. Đó là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề. Nó giải thích tại sao lương của công nhân lại thấp, bởi vì công việc không được tiến hành theo đúng hướng thì làm sao lương có thể cao được. Và nếu người ta không chú tâm vào công việc thì làm sao có thể đạt hiệu quả cao trong công việc. Đa số mọi người không muốn phải gò bó trong công việc của mình vì như thế, họ không được tự do làm những việc mình muốn".
"Tôi nhận ra rằng cạnh tranh được coi như một mối đe dọa trong đó người lãnh đạo thông minh sẽ đánh bại đối thủ bằng cách tạo nên thế độc quyền với những phương pháp riêng của mình. Trong thời gian chiêm nghiệm cuộc sống và công việc kinh doanh, tôi chẳng có một phút thảnh thơi. Tôi có rất nhiều thời gian cho công việc vì chẳng bao giờ tôi rời công việc của mình ra. Một người luôn bận bịu với công việc và có nhiều vấn đề để suy nghĩ sẽ thành công. Một người luôn làm việc, chẳng bao giờ rời công việc của mình ra, người mà luôn có tư tưởng tiến thân cuối cùng sẽ thành công. Nhưng liệu rằng anh ta có hạnh phúc hơn một người chỉ làm hành chính, trong cuộc sống vật chất và tinh thần hay không là điều tôi không thể đoán trước được bởi vì tôi không biết".
(Trích cuốn "Henry Ford - Cuộc đời và sự nghiệp của tôi" do Công ty Alpha
Friday, July 25, 2008
Nhà khoa học giỏi lãnh đạo
James Watson bên cạnh mô hình ADN gắn liền với tên tuổi của ông -
Ngày 3.7, tại "nhà các khoa học gia" ở Matxcơva, James Watson đã giảng bài "ADN và não: cuộc tìm kiếm các gen bệnh tâm thần". Một phần lớn bài giảng có đề tài rất chuyên sâu này lại là những vấn đề chung khá lý thú về khoa học và chức năng của các cơ quan khoa học, xin trích giới thiệu bài lược ghi trên Lenta.ru.
Nhà khoa học đoạt giải Nobel James Watson còn là một nhà tổ chức tài ba. Trong 35 năm (1968 - 2003) lãnh đạo phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor - một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu Mỹ, ông đã chiêu mộ được một tập thể các nhà khoa học làm việc hiệu quả. Không chỉ thế, ông còn đảm bảo được nguồn tài trợ dồi dào.
Những nguyên tắc vàng
Nay đã 80 tuổi, giáo sư người Mỹ khẳng định chưa bao giờ mất hứng thú đối với khoa học. Nhưng ông làm nhiều người ngạc nhiên khi cho biết ông không nghiên cứu khoa học trong những năm lãnh đạo phòng thí nghiệm kể trên, bởi công việc chính của ông là tìm kiếm nhân tài.
Ông thú nhận đã tìm mọi cách để không thu nhận những khoa học gia danh tiếng. Thay vào đó, ông quan tâm tới những người trẻ muốn tìm hiểu về bệnh ung thư - một đề tài Watson cũng rất hứng thú. Ông cũng không trực tiếp cầm tay chỉ việc những người mình thu nhận. Ông chỉ thực hiện thật tốt nguyên tắc phân quyền, sao cho "nếu tôi có đi khỏi đó một năm, mọi việc vẫn đâu vào đấy". Watson kể đã cố làm sao cho mình trở nên "vô dụng một cách tối đa"!
James Watson (trái) và Francis Crick sau khi họ khám phá ra ADN năm 1953 - Ảnh: TTO/google
Một nguyên tắc nữa của Watson trong lãnh đạo phòng thí nghiệm là ủng hộ việc thay đổi nhân sự. Ông không để các nhà khoa học làm việc tại Cold Spring Harbor quá lâu. Vì thế tuổi trung bình của nhân viên ở đó chỉ khoảng 40.
Ngoài chính sách nhân sự, Watson còn nỗ lực "không làm bực mình các nhà tài trợ". Ông khẳng định nhờ đó mà Cold Spring Harbor không bao giờ túng tiền. Để lôi cuốn các nhà đầu tư cho phòng thí nghiệm, Watson ra sức chăm sóc khuôn viên tòa nhà, cụ thể là xây mới, trồng cây... để tạo sức thu hút cho trung tâm.
Trong bài nói chuyện của mình, Watson nhiều lần nhắc tới tốc độ. Tốc độ của các nghiên cứu và tiến trình ra quyết định. Ông nhấn mạnh: tốc độ cần thiết để khám phá, phát minh sớm hơn kẻ khác. "Đừng bao giờ nhận những công việc nếu bạn không tin mình sẽ không thể nào (làm) tốt hơn người khác" - ông khuyên nhủ. Một trong những yếu tố làm trì trệ các công trình khoa học, theo ông, là thành lập các ban bệ khác nhau. Dưới thời ông lãnh đạo phòng thí nghiệm, Watson tuyệt đối không để những cơ cấu quan liêu này xuất hiện tại đây.
Tài ba và thích xìcăngđan!
Nhà sinh vật học phân tử James Watson (Mỹ) sinh năm 1928. Năm 1950, ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành động vật học. Tuy nhiên, công việc của ông không đơn thuần chỉ gắn với động vật. Năm 1953, ông cùng đồng nghiệp Francis Crick khám phá cơ cấu phân tử của ADN. Năm 1962, Francis Crick, James Watson và lãnh đạo phòng thí nghiệm của họ - Maurice Wilkins, được trao giải Nobel nhờ công trình này.
Sau ADN, James Watson tiếp tục nghiên cứu về sinh vật học phân tử, nhận được nhiều giải thưởng khác nhau và viết nhiều sách, trong đó có sách giáo khoa chuyên ngành sinh vật học phân tử cũng như các tác phẩm khoa học nổi tiếng khác. Hiện ông đang là cố vấn cho Viện Khoa học về não Allen, mới được nhà từ thiện Paul Allen thành lập năm 2003 tại bang Washington.
Nổi tiếng với các phát biểu "gây hậu quả nghiêm trọng", lần này, tại Matxcơva, Watson lại tuyên bố: những phụ nữ nào không quan tâm tới trẻ em thường có khiếm khuyết gen liên quan tới tự kỷ. Tình yêu trẻ em và sự quan tâm tới chúng là những tính cách tự nhiên của phụ nữ. Một khi không có mong muốn này, có thể những phụ nữ này có những nhiễm sắc thể bị khiếm khuyết nhưng bệnh tật không bộc lộ trọn vẹn.
Chính những phát biểu gây sốc tương tự phát biểu này khiến James Watson phải rời khỏi Cold Spring Harbor. Đó là vào năm 2007, khi ông nói năng lực tri thức của người da đen và da trắng khác nhau, mà cụ thể là người đa đen kém thông minh hơn người da trắng; dù bằng chứng về di truyền của kết luận này chỉ có thể xuất hiện sau vài năm nữa. Tuyên bố của Watson đã khiến ông bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, dẫn tới việc phải rời Cold Spring Harbor.
Kết luận bài viết, Lenta.ru nhận định tuy không đáp ứng hết các thắc mắc liên quan đến đề tài đã rao, nhưng buổi nói chuyện của nhà khoa học James Watson không thể gọi là không lý thú. Ông đã làm đúng như từng khuyên người khác trong quyển sách Tránh làm người khác chán: "Đừng bao giờ nói những điều tẻ nhạt mà ai đó từng nói... Để không làm người khác chán, cần nỗ lực để chính mình không ngán bản thân mình... Thành công thường đến với những ai kịp làm gì đó sớm hơn những người còn lại, chứ không phải với những người thông minh hơn đối thủ của họ”.
Một chi tiết nữa khá lý thú trong chính bản thân James Watson: một bài báo trên Sunday Times ngày 9.12.2007 dẫn nguồn deCODE Genetics tiết lộ bản đồ di truyền của Watson cho thấy 16% ADN của Watson có nguồn gốc châu Phi và 9% gốc Á!
ADN và bệnh tự kỷ
Về công trình khoa học đang nghiên cứu, Watson cho biết ông đang tìm hiểu ảnh hưởng của những biến đổi gen lên sự phát triển các loại bệnh như tự kỷ, hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ) và tâm thần phân liệt.
Nhà khoa học khẳng định để nghiên cứu bệnh tự kỷ hoặc tâm thần phân liệt, cần có bản đồ gen của người bệnh. Ông cho rằng trong tương lai, các công nghệ sẽ hoàn thiện, cho phép mỗi người nhận được giải mã gen đầy đủ của mình với giá tương đương giá mua một ôtô loại thường. Liên quan tới điều trị hai loại bệnh trên, nhà khoa học không lạc quan.
Theo ông, khó có đột phá trong lĩnh vực này ít nhất trong mười năm nữa. Hiện nay, chỉ có thể hi vọng các nhà nghiên cứu "đào xới" được tới căn nguyên của các bệnh này.
Ng.Thanh trích lược
Thôn tính công ty mà không đả động đến cổ phiếu
Donald Trump cho rằng trước khi thôn tính một doanh nghiệp nào đó, câu hỏi đặt ra cần xuất phát từ chữ cái "M" đầu tiên - Công ty đó có ý nghĩa (Meaning) đối với bạn không? - bao gồm hai câu hỏi nhỏ: (1) Bạn có muốn sở hữu toàn bộ công ty không? (2) Bạn có hiểu đầy đủ về công ty đó đến mức muốn sở hữu toàn bộ nó hay không?
"Khi chuẩn bị mua một công ty lớn, tôi thường tự nhủ với chính mình rằng “Phil, nếu mua công ty này, ta sẽ sở hữu toàn bộ công ty đó và toàn bộ những gì nó có”. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại câu nói này ngay cả khi tôi chỉ mua một phần nhỏ của công ty thông qua việc mua một ít cổ phiếu. Tất nhiên là có lý do chính đáng để học thuộc lòng câu thần chú đó. Nó khiến tôi suy nghĩ giống như một chủ sở hữu công ty chứ không phải một nhà đầu tư cổ phiếu - đây là điều rất quan trọng để trở thành nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thành công", ông nói.
Dưới đây là lời khuyên của Donald Trump:
Hãy tự hào về những gì bạn sở hữu
Nếu chúng ta mua công ty với tư cách là chủ sở hữu công ty chứ không phải người đầu cơ cổ phiếu thì việc đầu tư đó mang tính cá nhân. Tôi muốn khoản đầu tư của mình mang tính cá nhân. Tôi muốn tự hào về những gì mình sở hữu. Đây là một khởi đầu quan trọng để quyết định chúng ta nên đổ tiền vào đâu. Chúng ta đầu tư vào công ty nào, có nghĩa là chúng ta tán thành việc tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực đó, bất kể đó là lĩnh vực gì.
Ví dụ, nếu mua hãng Coca-Cola, chúng ta ngầm định rằng, chúng ta ủng hộ công ty đó. Thực ra, chúng ta đang hàm ý rằng, chúng ta muốn có các sản phẩm của Coke và muốn công việc kinh doanh của Coke tiếp tục phát triển mạnh. Còn nếu mua một công ty bóc lột sức lao động trẻ em tại một nước thế giới thứ ba, chúng ta lại đang ngầm ủng hộ hành động ấy. Có thể bạn chấp nhận điều đó, nhưng điểm mấu chốt ở đây là hãy sở hữu cái gì bạn có thể tự hào khi nói nó là của mình. Sự ủng hộ của chúng ta có thể không chiếm nhiều vai trò trong một hòm phiếu, nhưng với tư cách là người sở hữu một công ty thì điều đó lại đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu quyết định sở hữu một công ty nào đó của chúng ta ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội thì tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc điều chúng ta đang nói.
Đầu tư theo Quy tắc số 1 cho phép bạn xác định được công ty tốt hay xấu và giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn cho chính mình. Điều này không có nghĩa là quy tắc này bảo đảm cho bạn mua được những công ty sẽ không thất bại trong kinh doanh, hay gắn giá trị của bạn với công ty để bảo đảm bạn thu được thành công lớn nhất về tài chính. Điều đó chỉ có nghĩa là xã hội có đủ những kẻ đạo đức giả, vậy tại sao bạn lại hợp tác với họ? Nếu bạn nhận thấy một thứ gì đó xấu xa thì bạn đừng nên sở hữu công ty tạo ra nó. Hãy ủng hộ bất kỳ thứ gì mà bạn mong muốn với số tiền của mình và bạn cần hiểu rằng, đó là lựa chọn cá nhân của riêng bạn.
Đầu tư là một trong những việc mang tính đạo đức và quan trọng nhất chúng ta có thể làm. Nếu ta có vinh dự trở thành một trong số ít người có nhiều tiền hơn mức cần thiết để tồn tại thì chúng ta cần phải thận trọng khi phân bổ nguồn vốn đó vì nó có thể ảnh hưởng đến việc xã hội sẽ đối xử như thế nào với các em nhỏ của chúng ta.
Hãy nghĩ việc đầu tư tiền của bạn cũng giống như việc gieo trồng hạt giống trên mặt đất. Hãy tưởng tượng rằng, chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy. Hãy hành động như thể điều đó là có thật. Cuối cùng, hãy ghi nhớ Quy tắc 10 - 10 khi mua bất kỳ công ty nào: "Tôi sẽ không sở hữu công ty này trong 10 phút nếu tôi không sẵn sàng sở hữu nó trong 10 năm".
Quy tắc 10 - 10 là một cách tư duy đầu tư. Trên thực tế, chúng ta có thể mua công ty nào đó vào ngày hôm nay, sau một tháng lại bán đi, ba tháng sau mua trở lại và vài tuần sau lại bán đi. Chúng ta mua một công ty để giữ nó trong 10 năm không có nghĩa là chúng ta không thể mua đi bán lại công ty đó nhiều lần.
Lý do quan trọng để sử dụng Quy tắc 10 - 10 trong quá trình mua đó là quy tắc này khiến người ta trở thành những nhà đầu tư có kỷ luật hơn.
Hầu hết các nhà đầu tư đều giả định họ sẽ thua lỗ trong một số khoản đầu tư khi cổ phiếu của họ biến động lên xuống trên thị trường. Do kỳ vọng như vậy nên họ thường đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm bớt rủi ro. Nhưng không có người đầu tư nào lại hờ hững khi bị thua lỗ và cho rằng đó là điều bình thường. Bạn có thể tưởng tượng một người đầu tư quyết định mua thêm năm công ty nữa để “giảm rủi ro”? Điều đó điên rồ như thế nào? Nếu một công ty của anh ta có nhiều rủi ro đến vậy, thì tại sao việc đa dạng hóa đầu tư vào năm công ty có thể khiến cho công ty đầu tiên ít rủi ro hơn? Nếu công ty đầu tiên có quá nhiều rủi ro, anh ta có thể bán nó đi và mua một công ty khác anh ta hiểu rõ hơn. Quy tắc 10 - 10 giúp chúng ta nhớ đến việc chúng ta “sẵn sàng” sở hữu một công ty trong thời gian bao lâu để chúng ta luôn nghĩ mình là một nhà đầu tư dài hạn.
Là những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1, chúng ta sẽ chỉ sở hữu một số ít công ty. Trong trường hợp đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để chắc chắn rằng chúng ta sở hữu một số ít những công ty thực sự tuyệt vời, đó là những công ty không làm cho chúng ta thua lỗ.
Chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi có thể tìm ra những công ty tuyệt vời với mức giá hấp dẫn và tạo nên một thói quen, là không bao giờ bỏ tiền ra cho tới khi chắc chắn rằng mình sẽ không bị mất tiền. Nếu một công ty thực sự tuyệt vời và mức giá của nó thực sự hấp dẫn, chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ kiếm được tiền.
Nhưng bạn nên mua công ty nào? Bạn và tôi có nên mua cùng một kiểu công ty không? Chúng ta có phải là những người giống nhau không? Chúng ta có yêu thích và hiểu biết mọi thứ giống nhau không? Rõ ràng, mỗi người trong chúng ta là cá thể duy nhất với tài năng khác nhau. Mỗi người tôi từng gặp đều khác nhau ở khía cạnh nào đó. Chúng ta khác nhau về mục đích. Hành động phù hợp với tính cách của bạn đồng nghĩa với đầu tư phù hợp với tính cách của bạn. Vậy bạn nên sở hữu kiểu công ty nào? Câu trả lời là những công ty bạn hiểu rõ, những công ty phản ánh được bạn là ai.
Hiểu rõ công ty của bạn
Tôi tiếp tục nhắc lại mục tiêu của Quy tắc số 1 đó là hãy đầu tư chắc chắn để không thua lỗ. Nếu chúng ta không hiểu chúng ta đang mua cổ phiếu của công ty nào, chắc chắn chúng ta không dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với công ty đó trong tương lai. Nếu chúng ta không dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai thì làm sao chúng ta có thể tính toán được giá trị của công ty đó tại thời điểm hiện tại? Rõ ràng là chúng ta cần phải hiểu rõ công ty để có thể dự đoán được tương lai của nó và sau đó tính toán được giá trị của công ty tại thời điểm hiện tại. Vậy chúng ta sẽ dễ dàng hiểu rõ những công ty đã biết hơn là những công ty chưa bao giờ nghe nói đến. Do vậy, chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu những công ty tuyệt vời bằng cách khám phá những công ty chúng ta am hiểu.
Bạn có thể băn khoăn tự hỏi mình phải thực sự hiểu một công ty đến mức độ nào. Ví dụ, nếu bạn thực sự thích sản phẩm ngũ cốc, nhãn hiệu ưa thích của bạn là Cheerios, đó là nhãn hiệu do công ty General Mills sản xuất và công ty này cũng chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Vậy có thể nói rằng bạn thực sự hiểu công ty General Mills hay không? Hay bạn đã hiểu chi tiết, kỹ lưỡng quy trình sản xuất và bán hàng của Cheerios hay chưa? Bạn có phải hiểu về nguồn cung cấp, quy trình sản xuất hộp, chi phí lao động, hoạt động marketing và quảng cáo, cách thức trưng bày hàng hay không? Đây là những câu hỏi hay nhưng đều nằm ngoài phạm vi tôi đề cập đến “hiểu công ty của bạn”. Ý nghĩa chỉ là bước đầu tiên. Vì vậy, nếu bạn thích Cheerios và có cảm tình với công ty sản xuất ra nhãn hiệu đó - công ty General Mills, thì đó là điều kiện đủ để giúp nắm được chữ cái M đầu tiên. Khi nắm được ba chữ cái M còn lại, bạn sẽ hiểu đầy đủ về công ty đó để đưa ra quyết định đầu tư dựa trên Quy tắc số 1.
Khi tôi bắt đầu đầu tư, có một điều chắc chắn tôi không biết đó là nhận ra được công ty tuyệt vời bên cạnh những công ty tồi tệ. Điều đầu tiên tôi học được đó là tôi biết nhiều về những công ty đó hơn tôi tưởng.
Chúng ta hãy cùng làm nhanh một bài tập sau: Vẽ ba vòng tròn giao nhau. Vòng tròn thứ nhất có tên “Niềm say mê”. Vòng tròn thứ hai có tên là “Năng khiếu” và vòng tròn thứ ba có tên là “Tiền bạc”. Tôi phải công nhận tác giả và nhà nghiên cứu doanh nghiệp Jim Collins đã rất giỏi khi nghĩ ra ý tưởng ba vòng tròn này. Ông sử dụng chúng để đánh giá các công ty, đặc biệt là những công ty đi từ “tốt” đến “tuyệt vời”.
Viết tất cả những gì bạn thực sự say mê vào vòng tròn thứ nhất - những thứ bạn thích làm, hoặc sẽ làm nếu bạn có thời gian hoặc có tiền. Viết tất cả những gì bạn có năng khiếu ở vòng tròn thứ hai - những thứ bạn giỏi cả trong công việc hay giải trí. Và ở vòng tròn thứ ba, bạn hãy viết tất cả những gì giúp bạn kiếm tiền hoặc khiến bạn tiêu tiền.
Hãy tự hỏi mình ba câu hỏi sau:
1. Bạn thích làm gì, xét trong công việc hoặc trong giải trí?
2. Những việc gì bạn thực sự có năng khiếu?
3. Bạn làm gì để kiếm tiền hoặc bạn tiêu tiền vào những việc gì?
Câu trả lời của bạn - đặc biệt là những câu có liên quan đến ba câu hỏi trên sẽ giúp bạn bắt đầu lựa chọn những công ty tuyệt vời của riêng mình.
Ví dụ, nếu tôi làm theo các bước này khi bắt đầu đầu tư, tôi sẽ biết mình thích trở thành hướng dẫn viên trên sông, tôi giỏi làm hướng dẫn viên trên sông và tôi kiếm tiền cũng chính bằng công việc này. Đơn giản chỉ có thế. Ngay khi tôi thấy cụm từ “hướng dẫn viên trên sông” trong tất cả ba vòng tròn, tôi sẽ dễ dàng hiểu được hoạt động của những công ty có tour trên sông.
Tôi cũng không mất nhiều thời gian để nhận thấy hoạt động tổ chức tour trên sông cũng giống như những hoạt động kinh doanh khác - như tổ chức đi săn ở châu Phi hay tổ chức tour đi chơi biển. Hơn thế nữa, các công ty này có thể liên kết với các công ty khác như Disneyland hay Magic Mountain - một công viên theo chủ đề nổi tiếng khác.
Điều bạn tìm kiếm trong ba vòng tròn đó là những gì xuất hiện ở ít nhất hai vòng tròn - một dấu hiệu về thấy một sản phẩm, một ngành nghề hay một công ty nào đó. Bất cứ những gì xuất hiện ở hai hoặc ở cả ba vòng tròn đều được bạn hiểu rõ hơn những người khác. Đó có thể là thứ có ý nghĩa với bạn - đó cũng chính là ngành nghề đáng để bạn nghiên cứu.
Hãy truy cập trang “Yahoo” và click mục “Tài chính” sau đó là mục “Các ngành nghề” tiếp đến là mục “Danh mục các ngành nghề”. Bạn có thể thấy gần như mọi nghề nghiệp đều được chia thành 12 hạng mục hoặc “lĩnh vực”. Việc này giúp bạn nghĩ đến những công ty bạn muốn mua trước khi bạn học các kỹ năng phân tích. Khi bạn học xong tất cả những gì liên quan đến Quy tắc số 1, bạn sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu những ngành nghề này và tìm kiếm những ngành nghề phù hợp để tiếp tục áp dụng Quy tắc số 1 trong quá trình đầu tư.
Danh sách những lĩnh vực được trích từ Yahoo không phải là một danh sách chuẩn. Không có một danh sách các ngành nghề chuẩn nào. Những công ty dữ liệu khác nhau sẽ liệt kê số lượng ngành nghề khác nhau do họ phân chia hay sát nhập một số ngành nghề lại với nhau. Mỗi công ty dữ liệu có cách phân loại hay đặt tên các công ty theo ngành nghề riêng nhưng tất cả những công ty này đều phân chia các ngành nghề theo cách thức tương đối giống nhau. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tìm kiếm các ngành nghề chi tiết hơn trong Chương 13.
Mỗi lĩnh vực được hình thành từ những ngành nghề có đặc điểm giống nhau. Du lịch mạo hiểm là một trong những ngành nghề này nhưng nó thuộc lĩnh vực nào? Đừng lo sợ rằng mình phải nhấn chuột nhiều lần và phải tự mình mày mò. Vì du lịch mạo hiểm có gì đó liên quan đến dịch vụ nên bạn hãy thử vào lĩnh vực Dịch vụ. Bạn nhấn chuột vào lĩnh vực “Dịch vụ” và sẽ thấy hàng loạt các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực này hiện ra.
Đây mới chỉ là những lĩnh vực chung chung. Hãy nhìn vào đó và xem liệu trong đó có lĩnh vực nào có bao gồm ngành du lịch mạo hiểm hay không. Các hoạt động mang tính giải trí liệu có được không nhỉ? Hãy nhấn chuột vào mục đó và danh sách sẽ hiện ra.
Có công ty nào có vẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm không nhỉ? À, đây rồi! Công ty American Classic Voyages, Carnival Corporation, Royal Carribean và Vail Resorts có vẻ liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng cũng có những công ty thú vị khác trong danh sách này: Blockbuster là công ty tôi mua băng video, Netfix là công ty tôi mua DVD và tôi cũng đến công ty Six Flags nhiều lần rồi. Như vậy, tôi đang đứng trước nhiều lựa chọn và tôi - một hướng dẫn viên từng hoạt động trên sông có thể biết một số điều về lĩnh vực này. Hãy đi xuống dưới canô sau khi tất cả các hành khách đang ngủ, chúng ta đôi khi có thể hướng dẫn khách ngồi trong bóng tối và nói về việc đi chơi biển bằng tàu thủy tuyệt vời như thế nào và hãy để ai đó chèo thuyền, nhả số, nấu thức ăn và đùa nghịch ở đuôi thuyền. Tổ chức tour trên sông và tour trên biển có rất nhiều điểm giống nhau.
Tôi có thể tìm kiếm được gì nữa? Hầu hết những gì tôi muốn làm hoặc muốn mua đều xuất hiện trong một công ty thuộc lĩnh vực và ngành nghề nào đó. Nếu tôi cho rằng, tôi hiểu đôi chút về những công ty sản xuất thiết bị ngoài trời, tôi có thể tìm thấy chúng ở lĩnh vực Các sản phẩm giải trí. Có khoảng gần 100 công ty sản xuất những sản phẩm như máy tuyết, xe mô tô, gậy chơi golf, thuyền chạy bằng điện và ván trượt tuyết. Trong nhóm Quần áo, có những công ty cũng rất hấp dẫn đối với tôi. Tôi mua các thiết bị ngoài trời - những thứ hữu ích cho những chuyến đi ngắn và những chiếc ván trượt tuyết tại công ty Columbia Sportswear và Quicksilver. Dựa trên kinh nghiệm trong quân đội và kinh nghiệm của một người hướng dẫn trượt tuyết, một người lái xe máy và một người tiêu dùng bình thường thì có 17 công ty tôi thấy muốn sở hữu.
Khi nghiên cứu những ngành nghề này theo cách của những năm 1980, tôi mất nhiều thời gian do phải lật tìm những cuốn sách chứa đầy dữ liệu trong thư viện công cộng. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đạt được chút ít kết quả. Đó là có được danh sách những công ty mà tôi hiểu biết đôi chút. Bạn cũng có thể dễ dàng làm được như thế. Bằng cách trả lời ba câu hỏi: bạn giỏi về lĩnh vực nào, bạn yêu thích những gì và bạn kiếm tiền hoặc tiêu tiền như thế nào, bạn sẽ nhanh chóng lập ra được danh sách những công ty bạn am hiểu. Với danh sách này, bạn có thể bắt đầu nghiên cứu.
Nếu bạn từng là một người tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ, và làm việc ở một vài nơi, bạn sẽ nắm được hầu hết các ngành nghề. Không cần phải vận dụng đến khoa học mới có thể tìm ra được những gì có ý nghĩa đối với bạn. Hãy nhìn vào những công ty Warren Buffett sở hữu: đồ uống không ga, thức ăn nhanh, bánh kẹo, dao cạo, công viên giải trí, TV, báo chí, ngân hàng, nhà lưu động, cửa hàng bán đồ dùng trong nhà, cửa hàng bán kim cương… Bạn hiểu biết tương đối nhiều về những công ty này. Trên thực tế, có rất nhiều công ty như vậy nên qua quá trình phân tích và đánh giá cẩn thận theo Quy tắc số 1, bạn phải thu hẹp danh sách các công ty của bạn lại.
Khi bắt đầu thực hành Quy tắc số 1, bạn sẽ thấy mảng thị trường nào bạn am hiểu và mảng thị trường nào bạn nên tránh. (Bạn cũng sẽ khám phá ra những lĩnh vực thị trường bạn muốn tìm hiểu hay cố gắng tìm hiểu và thực hiện những bước cần thiết để tiến hành công việc đó). Nhưng có khi bạn phải tự mò mẫm để tìm hiểu những điều đó. Bạn trải qua ít nhất một lần làm việc ở lĩnh vực bạn cho rằng mình am hiểu cũng như ngành nghề liên quan đến nó, nhưng cuối cùng lại thất bại ngay khi đầu tư vào. Kết quả là bạn cảm thấy như bị ai đó tát vào mặt. Tôi từng hiểu sai một ngành nghề và phải chịu hậu quả về việc đó? Tất nhiên là phải chịu hậu quả và đó là một phần trong quá trình học của tôi.
Điều này xảy ra khi tôi đầu tư vào một công ty máy tính có nhiều nhân tài, với ngân sách lớn và có một nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử (Steve Jobs). Đó là thời điểm năm 1985, Steve Jobs rời công ty Apple để xây dựng một hệ điều hành tốt hơn nhiều so với cả Windows và Apple và ông gọi tên hệ điều hành mới là NeXT. Ông khuyến khích các nhà đầu tư như tôi đầu tư vào NeXT hoặc cả vào những công ty đang phát triển phần mềm chạy trên máy tính NeXT. Do đã dự tính sẽ đầu tư vào một công ty phần mềm nên tôi liên lạc với các nhà lập trình và các chuyên gia máy tính. Tôi cho rằng tôi hiểu lĩnh vực tin học và mọi nhà lập trình đều nói rằng máy tính NeXT là nền tảng tốt nhất cho các nhà phát triển, một hệ thống điều hành tốt nhất, một sản phẩm tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất. Nó có mọi ưu điểm trừ một nhược điểm là không tương thích với Microsoft Windows trong khi các sản phẩm của Microsoft luôn thống trị trên thị trường. Vì bất kỳ mục đích hay toan tính gì Microsoft là một mục tiêu không thể với tới được.
Nếu xem cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm màn hình từ năm 1988 đến năm 1991, bạn có thể phát hiện ra những màn hình có dải màu xám dễ phân biệt của NeXT nhưng chúng hầu như đã biến mất vào khoảng năm 1993. Tôi mất 5 triệu đô la nhưng so với các nhà đầu tư khác như Ross Perot, các trường đại học Carnegie - Mellon, Stanford và Compaq Computer thì đó chỉ là một số tiền ít ỏi. Tôi thừa nhận ngay từ đầu rằng đó không phải vụ đầu tư tôi áp dụng Quy tắc số 1 bởi vì cả NeXT và cả công ty phần mềm tôi đều không tuân theo quy tắc trả lời câu hỏi về bốn chữ cái M.
Kinh nghiệm này dạy cho tôi hai bài học quý giá: (1) những công ty không có truyền thống lâu đời để ta có thể dự đoán được tương lai vốn chứa đựng rủi ro và (2) đừng lao vào những công ty bạn không am hiểu. Nếu Warren Buffett thừa nhận rằng ông sẽ không đầu tư vào Microsoft bởi vì ông không hiểu công nghệ máy vi tính thì tôi đầu tư vào phần mềm cho một máy tính hoàn toàn mới để làm gì? Tôi là người trẻ tuổi ngốc nghếch và tôi cho rằng tôi có thể phá vỡ quy tắc này. Nhưng bây giờ, tôi đã già dặn hơn và khôn ngoan hơn… dù sao đi nữa cũng có kinh nghiệm hơn và tôi muốn giúp bạn tránh những sai lầm tôi từng phạm phải.
Bạn sẽ bắt đầu quá trình này bằng cách nghiên cứu những công ty bạn nghĩ là bạn am hiểu và từ đó bạn sẽ tiến hành nghiên cứu. Hãy cố gắng tránh những tiếng nói tình cảm hay tiếng nói ngạo mạn có thể dẫn bạn đi sai đường. Quy tắc số 1 đơn giản và dễ hiểu đến mức nhiều người cho rằng có thể mở rộng được. Nếu bạn cố làm như vậy, bạn sẽ mất tiền.
Bạn không cần phải sử dụng Internet khi tiến hành nghiên cứu ban đầu. Điểm xuất phát hiệu quả để tìm ra những công ty bạn am hiểu đơn giản chỉ là xem xét những nơi bạn dừng lại mua hàng nhiều lần và những sản phẩm bạn mua nhiều lần. Bạn có thể không hiểu sự rắc rối, phức tạp của những ngành như ngành công nghiệp giày nhưng nếu bạn chỉ đi giày của hãng Nike và mua những sản phẩm của hãng Nike (và thường thích mọi thứ bạn nhìn và nghe về Nike) thì đó là một sự khởi đầu tốt. Hãy nhìn vào bảng kê khai thẻ tín dụng và sổ séc của bạn để biết bạn thường tiêu tiền vào những khoản mục nào. Sau đó, hãy tự hỏi mình “Tôi tự hào khi sở hữu cái gì?” Tôi đoán rằng bạn sẽ có trong danh sách của mình hơn 15 sản phẩm phục vụ cho cuộc sống và công việc của bạn.
(Trích cuốn "Triết lý kinh doanh 101", do Công ty Alpha Books phát hành).
Bí kíp kiếm tiền tỷ trên thị trường chứng khoán
Tham gia cuộc chơi trên thị trường chứng khoán, ngoài sự thông minh thì một chiến thuật hợp lý, linh hoạt theo biến động của thị trường và một tâm lý vững vàng là những điều tối cần thiết.
Các nhà đầu tư phải làm thế nào để chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trên thị trường và đầu tư thành công? Đáp án duy nhất cho câu hỏi trên là họ cần có một chiến sách mang đậm bản sắc riêng, được xây dựng dựa trên một chiến lược cơ bản. Nói cách khác, nhà đầu tư không chỉ cần hiểu rõ bản thân mình mà trước hết còn phải có kiến thức cơ bản về các phong cách đầu tư được đúc kết từ kinh nghiệm thành công của các nhà đầu tư đi trước hay cùng thời.
Ai cũng biết, trong một chừng mực nào đó, giá cổ phiếu có liên quan đến doanh thu. Nhưng thực tế, giá cổ phiếu tăng hay giảm lại phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của thị trường về lợi nhuận của cổ phiếu trong tương lai và mức độ tin tưởng vào khả năng đạt được doanh thu đó của các nhà đầu tư. Nếu biến động giá cổ phiếu chỉ phụ thuộc vào việc một công ty có đáp ứng được các mục tiêu doanh thu hay không thì giá cổ phiếu của một công ty không đạt được mục tiêu doanh thu trên một cổ phiếu (EPS) dù chỉ là một xu sẽ giảm mạnh theo cùng một tỷ lệ. Ví dụ, nếu công ty A dự đoán kiếm được 12 xu trong quý hai (mức dự đoán theo thỏa thuận) nhưng chỉ đạt được 11 xu, thấp hơn 8% so với dự đoán. Như vậy, giá cổ phiếu của công ty cũng sẽ giảm xấp xỉ với tỷ lệ phần trăm như vậy. Nhưng thực tế lại thường khác hẳn.
Khi doanh thu của một công ty thấp hơn dự đoán 1 xu, giá cổ phiếu của công ty đó sẽ giảm 30, 40 hay thậm chí 50% hoặc hơn nữa. Tại sao vậy? Bởi vì doanh thu giảm xuống là điềm báo chẳng lành cho những gì sắp diễn ra trong thời gian tới (chẳng hạn, công ty không đạt được mức tăng trưởng doanh thu mục tiêu). Nói cách khác, các nhà đầu tư lo sợ tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng 20% của công ty trong vài năm tới sẽ chỉ còn là 10 hay 15%. Nhận thức này tuy không hợp lý nhưng vẫn làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng doanh thu trong tương lai của công ty, do đó, dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng của giá cổ phiếu.
Bạn có thể cho rằng mức sụt giảm 30, 40 hay 50% giá cổ phiếu mỗi quý là cái giá quá đắt và không công bằng đối với một công ty chỉ thiếu 1 xu trong kế hoạch, nhưng nó có ảnh hưởng đến sự thay đổi mức tăng trưởng kỳ vọng trong tương lai. Nếu bạn xem lại biểu đồ I.1 trong Phần giới thiệu, bạn sẽ thấy khoản đầu tư 10.000 đô la sẽ tăng trưởng tương ứng với từng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận khác nhau. Với tỷ lệ tăng lợi nhuận 20%, khoản đầu tư của bạn sẽ tăng 16 lần trong hơn một năm, gấp bốn lần so với mức tăng lợi nhuận 10%. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tăng trưởng của công ty đang giảm từ 20% xuống 10%, tức là giảm một nửa, thì không có nghĩa là giá cổ phiếu của công ty sẽ giảm 50% hoặc nhiều hơn.
Như bạn thấy, doanh thu hiện tại là nhân tố dễ nhận biết nhất khi định giá cổ phiếu trên thị trường. Vỏ bọc cấu trúc dễ đổ vỡ này là nhận thức của thị trường về các khoản doanh thu trong tương lai và niềm tin đạt được chúng của các nhà đầu tư.
Nhận thức của thị trường bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Một bản báo cáo nghiên cứu tuyệt vời với các khoản doanh thu cao có thể khiến thị trường bất ngờ và chú ý đến công ty đó. Điều tương tự cũng diễn ra khi một công ty tung ra sản phẩm mới hay có sự tham gia của đội ngũ quản lý mới, năng động và tháo vát. Các yếu tố này đều được coi là động lực tăng doanh thu trong tương lai. Mối quan hệ này được thể hiện trong tỷ số giá trên thu nhập (P/E). P/E được tính bằng cách chia giá cổ phiếu của công ty cho thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm trước đó. Trên thực tế, P/E là mức thị trường đồng ý trả cho doanh thu tương lai của công ty và phụ thuộc vào nhận thức của thị trường về những khoản doanh thu đó. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần xem xét sự chênh lệch lớn giữa tỷ số P/E của các loại cổ phiếu.
Hãy xem xét ví dụ về Công ty Phần mềm Advent và Công ty Morgan Stanley. Theo dự đoán, lợi nhuận thu về khi mua cổ phiếu Advent trong năm tài khóa 2001 là khoảng 0,9 đô la. Cũng trong năm đó, lợi nhuận dự đoán của Morgan Stanley là 3,88 đôla. Tháng 8/2001, khi chúng tôi viết chương này, tỷ số P/E của Advent là 51, dựa trên lợi nhuận dự kiến và giá cổ phiếu là khoảng 46 đôla cho mỗi cổ phiếu. Còn Morgan Stanley có tỷ số P/E bằng 13, dựa trên lợi nhuận dự kiến và giá cổ phiếu khoảng 50 đôla một cổ phiếu. Các con số này cho thấy, thị trường sẵn sàng trả giá cao gấp 51 lần lợi nhuận cho Advent nhưng chỉ cao gấp 13 lần lợi nhuận cho Morgan Stanley. Tại sao lại như vậy? Tại sao các nhà đầu tư lại trả giá cho loại cổ phiếu chỉ có lợi nhuận là 90 xu cao gần bằng cổ phiếu đem lại lợi nhuận xấp xỉ 4 đôla? Đó chính là do nhận thức của thị trường về doanh thu của Advent trong tương lai!
Thị trường nhận thấy tỷ lệ tăng doanh thu tương lai của Advent sẽ cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình hiện nay. Trên thực tế, tăng trưởng doanh thu của Advent trong năm 2002 đạt gần 40%, tăng trung bình 33%/năm trong ít nhất là năm năm. Ngược lại, kỳ vọng tăng trưởng đối với cổ phiếu của Morgan Stanley lại thấp hơn nhiều. Tỷ lệ tăng trưởng EPS trong năm năm trước (1995-2000) của công ty là 14%, nhưng người ta dự đoán tỷ lệ này chỉ còn 5% trong hai năm tới. Thực tế, dự báo doanh thu năm 2001 sẽ giảm khoảng 20% so với năm trước.
Tăng trưởng doanh thu
Internet là nguồn cung cấp thông tin phong phú về các khoản doanh thu trong quá khứ và doanh thu dự kiến. Doanh thu trong quá khứ thường được được xem xét dựa trên tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong một, ba và năm năm trước. Khoảng thời gian càng dài và tỷ lệ tăng trưởng càng nhanh, niềm tin của các nhà đầu tư càng được củng cố. Dự đoán doanh thu được đưa ra cho quý sau, năm hiện tại và những năm tài khóa sắp tới. Một dự đoán rất quan trọng khác là dự đoán tỷ lệ tăng EPS trong một đến năm năm tới (bạn có thể so sánh tỷ lệ tăng EPS dự kiến với tỷ số P/E khi muốn xác định xem tỷ số P/E có hợp lý hay không). Hãy chắc chắn là bạn luôn có trong tay thông tin của một số nhà phân tích.
Năm nhà phân tích sẽ đáng tin cậy hơn một người. Bạn sẽ thấy tin tưởng hơn khi cả năm cùng dự đoán một mức doanh thu giống nhau, thay vì xem xét các dự đoán tràn ngập khắp mọi nơi. Do đó, dự đoán chung này sẽ được coi là mục tiêu thống nhất hay “chính thức” mà công ty đó cần đạt được.
Giá cổ phiếu Advent giảm hơn 20% sau khi công ty thông báo doanh thu tháng 9.
Nhận thức của thị trường có thể thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng, nhưng biến động giá cổ phiếu cần có thời gian mới trở thành một làn sóng nhận biết tràn ngập khắp thị trường. Đầu tiên, sự nhận biết và quan tâm chỉ giới hạn ở một vài người. Chẳng hạn, một nhà phân tích theo đuổi một loại cổ phiếu quyết định tăng mức dự đoán của mình về doanh thu trong tương lai. Đầu tiên, thông tin đó chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư thân tín của công ty mà nhà phân tích này làm việc. Làn sóng nhận biết lan rộng khi thông tin này trở nên phổ biến hơn. Các nhà môi giới cổ phiếu sẽ thông báo cho một số ít khách hàng thân tín của họ. Rồi sau khi được thêm thắt, chỉnh sửa, các dự đoán này được đưa lên phương tiện truyền thông. Đến thời điểm đó, công chúng mới bắt đầu biết được thông tin “mới” này.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy làn sóng thông tin trở nên mạnh hơn là khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Thực tế, giá cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm. Giá mở cửa có thể cao hơn hoặc thấp hơn 10-20% so với giá đóng cửa ngày hôm trước. Nhưng sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để sự thay đổi nhận thức thị trường tác động đến giá cổ phiếu. Lý do của sự chậm trễ này là các nhà đầu tư theo tổ chức mất nhiều thời gian để củng cố (hay giảm bớt) vị thế của họ đối với một loại cổ phiếu thông qua số lượng cổ phiếu họ đang nắm giữ. Do đó, sự thay đổi trong nhận thức của thị trường chỉ hoàn tất cho đến khi các tổ chức củng cố hoặc giảm bớt vị thế của họ đối với cổ phiếu.
Niềm tin của các nhà đầu tư cũng là một bức tường chắn trong hệ thống định giá cổ phiếu. Để duy trì giá trị của một chứng khoán, sự tin tưởng vào doanh thu tương lai cũng có ý nghĩa quan trọng như khả năng nhận thức tỷ lệ tăng EPS của thị trường. Hãy suy nghĩ về điều này. Với một chứng khoán mà bạn chắc chắn rằng giá của nó sẽ tăng 30%/năm, bạn sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn một loại cổ phiếu mà bạn không thực sự tin chắc, đúng không? Dĩ nhiên, càng tin tưởng chắc chắn vào việc sẽ đạt được doanh thu hay tỷ lệ tăng trưởng, bạn càng sẵn lòng “đánh cược” rằng điều đó sẽ xảy ra.
Sự tin tưởng thường không đến và đi nhanh chóng. Nếu có một làn sóng nhận biết làm thay đổi nhận thức của thị trường về một công ty, thì cũng có một làn sóng tin tưởng thay đổi theo thời gian. Sau khi công ty kế toán Euron phá sản vào mùa thu năm 2001, tình trạng mất lòng tin tràn ngập thị trường, dẫn tới sự sụt giảm giá cổ phiếu của hàng loạt công ty gặp rắc rối về tài chính.
Nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của nhà đầu tư về mức tăng trưởng doanh thu trong tương lai của một công ty là những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và tỷ số P/E. Những thay đổi của một trong hai hoặc cả hai yếu tố sẽ gây ra sự biến động giá cổ phiếu.
Những sự kiện làm thay đổi nhận thức hay niềm tin
Đôi khi, doanh thu quá khứ và doanh thu dự kiến chính là những số liệu đáng tin cậy mà bạn có thể dựa vào để đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu. Song, bạn vẫn cần theo dõi danh mục đầu tư để đề phòng những sự kiện có thể thay đổi nhận thức của thị trường hoặc niềm tin của các nhà đầu tư. Hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu một yếu tố bị ảnh hưởng, yếu tố còn lại cũng bị ảnh hưởng theo.
Dưới đây là mười sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến nhận thức của thị trường cũng như niềm tin của các nhà đầu tư.
1. Thông báo doanh thu: Bạn sẽ đánh bại thị trường phố Wall hay thị trường phố Wall sẽ hạ gục bạn?
Những con số được bàn tán
Một hoặc hai tuần trước khi một công ty thông báo doanh thu hiện tại, mọi người thường bán tán về những con số doanh thu được các nhà môi giới cổ phiếu và nhà phân tích dự đoán và trao đổi qua điện thoại, khi ăn trưa, tại các bữa tiệc cocktail. Trước đây, những con số được bàn tán là thông tin mật của các chuyên gia trên thị trường phố Wall. Còn giờ đây, chúng được công bố rộng rãi trên mạng. Những con số được bàn tán có lẽ dựa trên các tin đồn về một sự kiện quan trọng hay các cuộc thảo luận không chính thức giữa những người trong nội bộ công ty. Dù những con số này bắt nguồn từ đâu, chúng vẫn là kỳ vọng “thực” của thị trường về doanh thu của công ty và nếu một công ty không đạt được những con số được bàn tán đó, giá cổ phiếu có thể tụt dốc rất nhanh.
Doanh thu hàng quý của một công ty là yếu tố hàng đầu tác động đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, mặc dù không phải lúc nào bạn cũng dự đoán được hướng thay đổi này. Chúng tôi vừa nói về những rắc rối có thể xảy ra khi một công ty không đạt được dù chỉ là 1 xu doanh thu theo đúng mục tiêu. Nhưng đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy một công ty có mức doanh thu vượt chỉ tiêu nhưng giá cổ phiếu của công ty đó vẫn đi xuống chứ không phải đi lên? Thực tế trái ngược với trực giác này một lần nữa là do nhận thức của thị trường về doanh thu trong tương lai của công ty. Doanh thu có thể vượt chỉ tiêu nhưng dường như thị trường lại mong đợi những con số lớn hơn dựa trên “những con số được bàn tán”. Kết quả là, một dấu hiệu có vẻ là thông tin tích cực lại được cho là tiêu cực. Việc công ty không đạt được các con số như đồn thổi là một lời cảnh báo sớm về việc công ty đó khó có thể đạt mức doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng trong tương lai.
Báo cáo doanh thu có thể tạo ra những thay đổi tiêu cực trong nhận thức hay sự tin tưởng. Báo cáo có thể đưa ra một dấu hiệu tiêu cực rõ ràng như lời cảnh báo công ty sẽ gặp khó khăn trong các quý tiếp theo. Đôi khi, giá cổ phiếu sụt giảm lại là do báo cáo đã bỏ sót những chi tiết khả quan của công ty. Như sau này, khi nói về các phong cách đầu tư, chúng tôi có nói đến mối nguy hiểm khi mua cổ phiếu của những công ty được kỳ vọng cao có giá cổ phiếu dựa trên những dự đoán doanh thu cao khác thường trong tương lai xa. Thậm chí, một thay đổi rất nhỏ trong nhận thức của thị trường hay mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư cũng gây ra biến động lớn cho giá của những cổ phiếu kiểu như vậy.
Nếu một công ty thường xuyên thông báo doanh thu đạt hay vượt quá kỳ vọng của thị trường, giá cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng rất nhanh và mạnh nhờ nhận thức và niềm tin của các nhà đầu tư về tương lai tươi sáng của công ty này.
2. Khi các nhà phân tích thay đổi dự đoán
Nhiều cuốn sách đã chứng minh rằng một trong những yếu tố dự đoán chính xác biến động tích cực hay tiêu cực của giá cổ phiếu nhất chính là sự thay đổi dự đoán của các nhà phân tích trong một tháng. Báo cáo nghiên cứu đầu tiên của nhà phân tích thường mang tính tích cực. Thông thường, nhà phân tích này làm việc cho công ty và tìm kiếm những điều tốt đẹp để ca ngợi. Sự thay đổi những dự đoán đó rất có ý nghĩa, bởi vì nhà phân tích này đã tiên phong khi nói rằng: “Tôi vừa thay đổi suy nghĩ” hay “Tôi đã sai”. Chẳng hạn, nếu một nhà phân tích nói rằng: “Tháng trước tôi nói công ty sẽ thu được 1 đô la trên mỗi cổ phiếu và bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy”. Đây là một nhận xét rất tích cực vì hai lý do. Trước hết, nhà phân tích này đã đi đầu trong việc tăng mức dự đoán và thứ hai, thông báo này cho thấy một vài sự kiện mới hay sự tiến bộ của công ty. Không quá ngạc nhiên khi mức dự đoán doanh thu tăng cao dẫn tới những thay đổi tích cực của giá chứng khoán.
Thay đổi tiêu cực trong việc dự đoán của các nhà phân tích tác động tới giá cổ phiếu mạnh hơn những thay đổi tích cực. Thực tế, tính phá hủy của nó rất lớn. Một nhà phân tích phải rất dũng cảm mới dám dự đoán thấp đi, vì những điều họ nói không có lợi cho khách hàng của công ty.
Số nhà phân tích thay đổi dự đoán cũng rất quan trọng. Nhiều nhà phân tích thay đổi mức dự đoán sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu hơn là một nhà phân tích đưa ra thay đổi.
3. Công ty cảnh báo: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo với các bạn…”
Khi một công ty thông báo không đáp ứng được mức doanh thu dự kiến thì hãy coi chừng! Năm 2001, việc các công ty cảnh báo mình không thể theo đúng kế hoạch như dự kiến thường xuyên xảy ra. Đây là lý do giải thích vì sao trong quý ba chúng ta lún sâu vào thị trường đầu cơ giá xuống. Các công ty lần lượt đưa ra những dự đoán thấp hơn về tình hình hoạt động trong tương lai của mình. Điều đó sẽ gây bất lợi cho giá cổ phiếu, nhất là khi đó là sự thật. Tìm hiểu thông tin từ công ty là một trong những cách chính xác nhất để biết chuyện gì có thể xảy ra với doanh thu của công ty trong tương lai.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Một số công ty, chẳng hạn như Microsoft, gây sức ép cho các nhà phân tích để buộc họ đưa ra những dự đoán thấp hơn mức thực tế mà công ty có thể đạt được. Rồi sau đó, công ty này liên tiếp đáp ứng được hay vượt quá mong đợi của thị trường phố Wall. Tuy nhiên, nhìn chung, nếu một công ty thông báo sẽ khó hoạt động tốt như mong đợi, bạn hãy tin lời cảnh báo đó.
4. Lãi suất thay đổi: Khi Greenspan lên tiếng
Việc cắt giảm tỷ lệ lãi suất có thể gây ra hai tác động đến cổ phiếu. Cả hai tác động này thường mang tính tích cực. Khi tỷ lệ lãi suất giảm, người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu, còn các doanh nghiệp cũng thu được lợi nhuận cao, nên họ sẵn sàng bỏ tiền vào các chương trình nghiên cứu sản phẩm mới và mở rộng quy mô. Tất cả các hoạt động này đều kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Việc kỳ vọng những khoản lợi nhuận cao hơn sẽ dẫn đến tăng doanh thu. Do đó, các nhà đầu tư sẽ thấy tin tưởng hơn vào tiềm năng doanh thu trong tương lai của công ty. Như vậy, tỷ lệ lãi suất thấp tác động tích cực lên cả nền kinh tế. Đó là lý do tại sao Quỹ Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất trong năm 2001 với hy vọng bảo vệ quốc gia khỏi một cuộc suy thoái.
Tác động tích cực thứ hai của việc cắt giảm lãi suất không liên quan đến nhận thức của thị trường hay sự tin tưởng của các nhà đầu tư về doanh thu trong tương lai. Cắt giảm lãi suất đơn giản chỉ khiến các nhà đầu tư không muốn mua nhiều tiêu sản mà chuyển sang mua cổ phiếu thường, do đó đẩy giá cổ phiếu của tất cả cách ngành lên cao.
Việc tăng lãi suất chắc chắn có tác động ngược lại. Lãi suất cao khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, còn lợi nhuận của các công ty giảm sút khiến chi tiêu hạn chế. Tất cả những điều này đều có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Khi lãi suất vẫn tiếp tục tăng cao, các nhà đầu tư sẽ rút bớt tiền ra khỏi thị trường cổ phiếu sang các công cụ nợ. Dĩ nhiên, một số công ty và ngành kinh doanh sẽ hưởng lợi khi lãi suất tăng cao, chẳng hạn như ngành ngân hàng. Do đó, những công ty và những ngành này có thể có phản ứng khác khi lãi suất thay đổi.
5. Giao dịch nội bộ: Những người trong nội bộ chắc chắn biết nhiều hơn chúng ta
Nếu những người trong nội bộ công ty đem khoản tiền họ vất vả kiếm được để mua cổ phiếu trên thị trường tự do thì đó là dấu hiệu tốt cho thấy họ tin tưởng doanh thu trong tương lai của công ty sẽ cao hơn kỳ vọng của thị trường. Hay ít nhất, dấu hiệu này cũng cho thấy giá cổ phiếu của công ty vào thời điểm đó rất thấp. Tóm lại, ai có thể hiểu rõ triển vọng của công ty hơn những người đứng đầu bộ máy đó? Dĩ nhiên, không phải lúc nào họ cũng đúng. Đôi khi, những điều xảy ra trong tương lai không giống như những gì họ mong đợi. Thậm chí, nếu có vấn đề gì xảy ra thì đôi khi, thị trường không thể nhận biết được như họ. Do đó, giá cổ phiếu có thể xuống rất thấp. Nhìn chung, quyết định mua cổ phiếu của nhân viên công ty là một trong hai yếu tố dự đoán tốt nhất về biến động tích cực của cổ phiếu trong tương lai (yếu tố còn lại là sự thay đổi dự đoán của các nhà phân tích).
Ngược lại, quyết định bán ra của nội bộ công ty tuy không phải là dấu hiệu tốt nhưng cũng chưa chắc là dấu hiệu xấu. Có rất nhiều công ty thường đưa ra các chính sách lương thưởng cho các ủy viên Hội đồng quản trị dựa trên cổ phiếu. Điều này khiến họ chỉ có thể bán cổ phiếu nếu muốn mua nhà mới hay nuôi con học đại học. Hơn nữa, trong mỗi quý, họ chỉ có một vài tuần để tiến hành việc bán lại. Luật lệ không quá cứng nhắc và hầu hết các công ty cổ phần thường cho phép những người trong công ty giao dịch cổ phiếu trong khoảng thời gian từ khi công bố doanh thu quý trước đến trước khi công bố doanh thu quý sau. Mục đích của việc này là ngăn chặn việc bán thông tin chưa được phổ biến ra công chúng. Tuy nhiên, việc bán ra đó lại cho thấy dấu hiệu của sự tin tưởng vào tương lai công ty và nếu những người trong công ty đang bán ra số lượng lớn cổ phiếu thì đó lại là dấu hiệu ngược lại.
6. Hiệu ứng lan tỏa tin tức trong ngành
Tình hình hoạt động của một nhóm ngành có thể củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và nhận thức của thị trường. Nếu gần như tất cả cổ phiếu trong một ngành đang tăng giá thì có nghĩa là tất cả cổ phiếu trong ngành đó đang gặp thuận lợi. Do đó, những tin tức tác động đến toàn ngành có thể đẩy mạnh tăng trưởng hay gây nguy hại đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của các nhà đầu tư về tất cả cổ phiếu trong ngành đó.
Hãy xem xét ngành công nghiệp dầu mỏ vào thời điểm cuối năm 2000, đầu năm 2001. Lần lượt từng công ty dầu mỏ báo cáo doanh thu tăng mạnh vì lý do đơn giản là giá năng lượng vừa tăng. Đây đúng là một dự báo tốt về doanh thu trong tương lai cho hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu nhiều công ty trong một ngành công nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhờ một sự kiện chung thì “tin tức tốt lành” đó cũng có thể mang lại lợi ích cho các công ty khác trong ngành.
Tin xấu cũng có ảnh hưởng lan tỏa tương tự như vậy. Chẳng hạn, giảm giá có thể là tin tốt cho người tiêu dùng nhưng lại là tin xấu đối với lợi nhuận của công ty. Sự kiện giá máy tính cá nhân (PC) giảm năm 2001 đã làm suy giảm sự kỳ vọng và tin tưởng của các nhà đầu tư trong toàn ngành sản xuất PC.
7. Lợi nhuận thay đổi: Tin tốt hay xấu?
Khi doanh thu tăng, thông thường, lợi nhuận cũng sẽ tăng theo. Nói chung, lợi nhuận tăng chứng tỏ công ty đã mua nguyên liệu thô với khối lượng lớn và mức giá rẻ hơn hoặc cùng một chi phí cố định nhưng lại tạo ra doanh thu lớn hơn. Điều này cũng chứng tỏ công ty đó hoạt động rất tốt. Lợi nhuận tăng có thể do hai nguyên nhân là tăng giá bán hoặc giảm chi phí. Cả hai yếu tố đều là dấu hiệu tốt và cả hai đều làm tăng kỳ vọng vào một kết quả sẽ được cải thiện trong tương lai.
Ngược lại, lợi nhuận giảm chủ yếu là do khối lượng hàng bán giảm, dẫn tới giá giảm mạnh hoặc do chi phí cho nguyên vật liệu thô tăng. Các công ty hiếm khi công bố rộng những biến động lợi nhuận nhưng những tin tức về giảm giá sẽ được công bố rộng rãi trên truyền thông. Cuộc chiến giá cả sẽ khiến lợi nhuận giảm và làm thay đổi nhận thức của thị trường về sự tăng trưởng trong tương lai của các công ty. Bạn có thể tìm dấu hiệu giảm sút lợi nhuận qua nghiên cứu báo cáo tài chính năm 10Q và báo cáo tài chính quý 10K của công ty hoặc bằng việc sử dụng thông tin cổ phiếu trên mạng.
8. Thay đổi trong khối lượng hàng tồn kho: Dấu hiệu để hiểu kỹ hơn về công ty
Sự thay đổi khối lượng hàng tồn kho của công ty có thể ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai, do đó ảnh hưởng đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Khối lượng hàng tồn kho lớn là dấu hiệu chắc chắn cho thấy doanh số bán hàng giảm sút và đó không phải là điềm lành cho các khoản doanh thu trong tương lai.
Khối lượng hàng tồn kho giảm không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu tương lai. Nhìn chung, lượng hàng tồn kho giảm là dấu hiệu tốt. Song, lượng hàng tồn kho giảm có thể vì nhiều nguyên nhân như những rắc rối trong quá trình sản xuất. Nếu bạn thấy có sự thay đổi về lượng hàng tồn kho trong báo cáo 10Q hay 10K của một công ty, bạn cần tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra.
9. Công nghệ và sản phẩm: Đổi mới là tốt
Đột phá công nghệ chắc chắn sẽ tăng kỳ vọng về doanh thu trong tương lai của một công ty. Sản phẩm mới cũng vậy. Nếu Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn cho loại thuốc mới của một công ty dược phẩm hay một loại khoai tây mới của một hãng sản xuất khoai tây chiên, thì các nhà đầu tư sẽ luôn tin tưởng những khoản doanh thu kếch xù trong tương lai của công ty đó sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, bạn cần biết thời điểm nên tung những đột phá công nghệ hay sản phẩm mới vào thị trường. Thông thường, quá trình tung những đột phá công nghệ hay sản phẩm mới gồm ba bước.
Bước thứ nhất, công ty công bố việc phát triển một sản phẩm mới dựa trên những đột phá về công nghệ. Thông báo này thường mang tính tích cực và làm tăng kỳ vọng về doanh thu trong tương lai.
Bước thứ hai bắt đầu khi sản phẩm đã hoàn thiện hay được FDA chấp nhận cho lưu hành. Lúc này, sự tin tưởng của nhà đầu tư tăng lên bởi tiềm năng doanh thu của công ty đang dần trở thành hiện thực.
Bước thứ ba bắt đầu khi sản phẩm đã có mặt trên thị trường và mang lại lợi nhuận. Giả định rằng doanh thu và lợi nhuận đều cao, khi đó, mức độ tin tưởng sẽ tiếp tục tăng và tác động tích cực đến doanh thu của công ty.
10. Sản phẩm thất bại: Sai lầm chết người hay nhất thời?
Sản phẩm thất bại ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của các nhà đầu tư hơn là sản phẩm thành công. Chẳng hạn, nếu một sản phẩm bắt buộc phải có sự chấp thuận của FDA trước khi tung ra thị trường thì việc FDA không phê chuẩn có thể sẽ khiến giá cổ phiếu giảm. Nếu một sản phẩm thất bại vì bất kỳ lý do nào và không được tung ra thị trường theo đúng kế hoạch thì chắc chắn dự đoán tăng doanh thu trong tương lai của công ty không thể trở thành hiện thực và giá cổ phiếu sẽ giảm.
Dĩ nhiên, vẫn có những ngoại lệ.
Luôn có những ngoại lệ khiến nhiều các nhà đầu tư ngạc nhiên. Đôi khi, một thông báo về việc dây chuyền sản xuất bị tạm ngừng hoặc một bộ phận bị đóng cửa sẽ tác động tích cực đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Trong những trường hợp như vậy, sự tin tưởng của các nhà đầu tư càng được củng cố do sự thua lỗ đã được khắc phục và đó được coi là một sự kiện tốt.
Những yếu tố được đề cập ở trên chỉ là một phần trong các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức của thị trường và sự tin tưởng của nhà đầu tư về doanh thu tương lai của công ty. Điều quan trọng là bạn cần nhận thức được rằng chính các khoản doanh thu trong tương lai và/hoặc sự tin tưởng vào các khoản doanh thu đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong tương lai. Chiến lược đầu tư của bạn phải tính đến các yếu tố này.
(Trích cuốn "Chiến lược đầu tư chứng khoán" do Công ty Alpha Books phát hành)
Thursday, July 24, 2008
Thuốc tăng 'khả năng đàn ông' cũng gây bất lực
Ảnh: Corbis.
Nhiều quý ông sử dụng thuốc chứa hoóc môn sinh dục nam testosterone để tăng sức mạnh trong chuyện chăn gối, không ngờ rằng nó có thể làm suy thoái cơ quan sinh dục.
"Tinh hoàn của anh có vấn đề về thể tích, sinh tinh yếu. Đưa tôi xem loại thuốc anh dùng trước đây!", vị bác sĩ tại phòng khám Nam khoa hỏi anh Minh Thành, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM.
Thành vội lấy từ trong túi ra hai viên thuốc màu hồng. Anh còn nhớ lời người bạn nói cách đây hơn một năm: "Cái này là quà đặc biệt ông anh mua từ nước ngoài về. Tớ chia cho cậu dùng thử, đảm bảo nội lực của cậu sẽ được cải thiện". Quả thật, anh thấy loại thuốc này có tác dụng rõ rệt. Từ đó, mỗi lần bạn bè ra nước ngoài, anh lại gửi mua dùm.
Theo giải thích của bác sĩ, thuốc anh Thành sử dụng thực chất là viên chứa testosterone. Khi uống vào, bạn sẽ cảm thấy rạo rực và muốn "lâm trận" ngay tức khắc.
Testosterone là hoóc môn đóng vai trò quan trọng trong bộ máy sinh dục nam, giúp tăng cường ham muốn tình dục. Khi bị stress, bệnh tật.., cơ thể sẽ thiếu nội tiết tố sinh dục này, dẫn đến tình trạng các quý ông cảm thấy uể oải, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương.
Nam giới ở độ tuổi 20-30 có năng lực sản xuất testosterone dồi dào nhất. Sau tuổi 30, năng suất này sẽ giảm dần. Trong một số trường hợp, lượng nội tiết tố sinh dục nam trong máu giảm quá mức, gây mãn dục sớm. Lúc đó, người bệnh sẽ được các bác sĩ cho áp dụng liệu pháp testosterone dưới dạng dán, tiêm, thoa hoặc uống.
Trên nguyên tắc, việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng và xem nó như bảo bối chốn phòng the, và truyền tai cho người khác dùng. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì có thể khiến các quý ông phát triển ngực như phụ nữ, teo tinh hoàn, vô sinh.
Trong trường hợp của anh Thành, thực chất cơ thể anh không hề thiếu testosterone. Việc tự ý sử dụng thuốc lâu dài khiến cơ thể luôn nhận được testosterone từ bên ngoài, gây ức chế việc sản xuất nội tiết tố trong cơ thể. Hậu quả là tinh hoàn sản xuất tinh trùng ít đi. Khi tinh hoàn lười hoạt động, chuyện teo, suy sẽ xảy ra.
Bác sĩ Lê Tấn Cảnh, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, khuyên rằng khi gặp vấn đề trong quan hệ phòng the, quý ông nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nam để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Rối loạn cương có thể do nhiều nguyên nhân như tiểu đường, stress, thuốc... và việc điều trị phải tùy từng nguyên nhân chứ không phải cứ dùng hoóc môn sinh dục nam là được.
Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm (SSRI) như Sertraline, Paxil, Fontex, Cipramil. Loại thuốc này được sử dụng để điều trị xuất tinh sớm, nhưng cũng là thủ phạm gây ra hầu hết các trường hợp chậm hoặc không xuất tinh.
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)
Thursday, July 17, 2008
Phong độ
Muốn duy trì 'phong độ', quý ông phải 'yêu' thường xuyên
![]() |
Càng quan hệ nhiều, chức năng cương cứng của đàn ông đứng tuổi càng được duy trì. Ảnh: iStockphoto. |
Người nào quan hệ tình dục ít hơn 1 lần mỗi tuần thì nhiều khả năng mắc chứng rối loạn cương.
Lời khuyên mới của các nhà nghiên cứu Phần Lan là: các quý ông đứng tuổi muốn duy trì phong độ chăn gối hãy "yêu" thường xuyên.
Các nhà khoa học ở Đại học Tampere đã theo dõi gần 1.000 người đàn ông Phần Lan đứng tuổi (từ 55 đến 75) trong vòng 5 năm, và nhận thấy những ai thường xuyên ái ân ở đầu thời kỳ nghiên cứu thì cũng ít có nguy cơ phát triển chứng rối loạn cương ở cuối giai đoạn này.
Trên thực tế, càng năng quan hệ, nguy cơ bị bệnh 'trên bảo dưới không nghe' càng thấp.
Cụ thể, những ai quan hệ tình dục ít hơn 1 lần mỗi tuần thì khả năng mắc rối loạn cương sau 5 năm tăng gấp đôi so với ai "yêu" ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Rối loạn cương xảy ra khi có những trục trặc của dòng máu chảy tới dương vật. Việc quan hệ tình dục thường xuyên có thể giúp duy trì chức năng của mạch máu trong các mô cương. Điều này đặc biệt quan trọng với nam giới đứng tuổi.
Đây có thể chỉ là vấn đề "dùng hay là mất", các nhà nghiên cứu ví von. Giống như việc luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe, hoạt động chăn gối thường xuyên có thể giúp các quý ông bảo vệ chức năng cương cứng của mình.
Một số nhân tố khác cũng góp phần gây rối loạn cương, đó là tuổi tác, bệnh tiểu đường và bệnh tim.
T. An (theo ABC, Reuters)
Hầu hết chúng ta đều đạo đức giả
![]() |
Ảnh: blog.omy.sg |
Đa số chúng ta, dù có thừa nhận hay không, đều đạo đức giả. Chúng ta đánh giá người khác khắt khe hơn nhiều khi đánh giá bản thân mình.
Điều gì chịu tránh nhiệm cho việc chúng tự khoan dung với mình hơn.
Để tìm hiểu điều này, một nghiên cứu mới đây đã đề nghị người tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ. Một được mô tả là tốn thời gian, còn việc kia, dễ dàng và nhanh gọn hơn nhiều. Các tình nguyện viên sẽ phải chia việc cho bản thân mình hoặc cho người bên cạnh. Họ có thể làm việc này hoặc là độc lập hoặc là trên máy tính (theo đó máy sẽ phân việc ngẫu nhiên).
Kết quả là, 85% người tham gia bỏ qua lựa chọn của máy tính và tự chọn cho mình công việc đơn giản hơn - cũng có nghĩa là nhường việc khó khăn cho một người khác.
Hơn thế nữa, họ đều cho rằng quyết định của mình là công bằng. Tuy nhiên, khi 43 tình nguyện viên khác xem những người này ra quyết định tương tự, họ cho rằng điều đó là bất công.
Nhóm nghiên cứu sau đó "cưỡng ép nhận thức" bằng việc yêu cầu các tình nguyện viên ghi nhớ nhanh những chuỗi số dài. Trong nhiệm vụ rất khó khăn, cấp bách này, các tình nguyện viên trở nên công bằng hơn. Họ nghĩ rằng nhiệm vụ của mình cũng chỉ kinh khủng như của những người khác.
Điều này chứng tỏ chúng ta chỉ đạo đức qua trực giác, nhưng "khi chúng ta có đủ thời gian để nghĩ về nó, chúng ta lập tức tranh luận việc tại sao chúng ta không làm một việc dễ dàng hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Piercarlo Valdesolo từ Đại học Northeastern, cho biết.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng bản năng đạo đức là kết quả của chọn lọc tiến hóa đối với những người sống theo nhóm. Việc công bằng sẽ làm củng cố mối quan hệ thuận lợi hai chiều và nâng cao cơ hội sống sót của chúng ta.
T. An (theo LiveScience)
Đàn ông thường gặp khủng hoảng khi ngoài 30 tuổi
![]() |
Ảnh: news.com.au. |
Thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống của cánh mày râu ngày càng đến sớm hơn, với nhiều anh chàng trải qua giai đoạn khó khăn khi ngoài 30 tuổi.
Nhưng họ không tìm đến xe hơi, những kiểu đầu mới, hay quần áo bóng lộn để chống chọi với thời gian. Thay vào đó, họ chi trung bình 2.000 bảng Anh để được tư vấn về cuộc sống, tìm đọc các quyển sách giáo dục và làm một chút thẩm mỹ.
Cuộc khảo sát mới do hãng bảo hiểm Norwich Union tại Anh thực hiện trên 1.500 đàn ông đã tìm thấy phái nam luôn cảm thấy sức ép to lớn phải thành công trong tài chính, sự nghiệp và gia đình. Họ có xu hướng gặp khủng hoảng giữa cuộc đời cao gấp 3 lần phụ nữ - 76% so với 24%.
Hơn 1/3 những anh chàng ngoài 30 tuổi đã chứng kiến cộng sự hay bạn của mình trải qua giai đoạn khốn khó. Vấn đề tài chính là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 74%, tiếp đến là đổ vỡ tình cảm - 63%. Bỏ lỡ một cơ hội thăng tiến hoặc cảm giác tự ti khi gặp lại những bạn học cũ cũng nằm trong số những nguyên nhân.
71% các anh chàng nhận thấy khủng hoảng đến với họ sớm hơn và độ tuổi hơn 30 thường là mốc khó khăn.
53% tự nhận thấy mình thua kém khi so sánh với những người bạn thành đạt khác.
M.T. (theo Daily Mail)
Người nói hấp dẫn có thân hình cân đối hơn
![]() |
Nhiều người cho rằng vẻ ngoài quyết định sự hấp dẫn. Nhưng họ có thể không nhận ra rằng họ đang sử dụng cả cảm giác về âm thanh để đánh giá ai đó. Ảnh: L.S. |
Người có giọng nói quyến rũ và sexy dường như có cơ thể cân xứng hơn trong mắt người đối diện. Điều này chứng tỏ những gì ta nghe được từ ai đó cũng ảnh hưởng mạnh đến những gì ta nhìn thấy ở họ.
"Giọng nói của một người tiết lộ thông tin đáng kể về mặt sinh học", Susan Hughes, một nhà tâm lý tiến hóa từ Trường Albright (Mỹ) nói. "Nó có thể phản ánh giá trị làm bạn tình của một người".
Hughes cũng lưu ý rằng một giọng nói hấp dẫn không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc người này có khuôn mặt hấp dẫn.
Trong nghiên cứu mới của Hughes, khoảng 100 tình nguyện viên được nghe các giọng nói qua băng ghi âm, và độc lập đánh giá chúng dựa trên 9 đặc điểm quan trọng trong việc lựa chọn bạn tình: sự dễ gần, địa vị, sức khỏe, sự chân thật, sự thông minh, khả năng để kết hôn, sự trưởng thành, độ sexy và ấm áp.
Những người tham gia thường đồng ý với nhau về cái gì khiến cho một giọng nói trở nên hấp dẫn. Nhưng khi Hughes sử dụng một ảnh phổ để phân tích những giọng nói này theo các đặc điểm âm học khác nhau như âm vực, cường độ..., bà không thể tìm thấy một đặc điểm chung nào khiến những giọng nói này có vẻ hấp dẫn.
Điều đó chứng tỏ hệ thống giác quan của chúng ta có thể tiên tiến hơn các nhà khoa học tưởng.
"Chúng tôi có thể đồng ý về cái gì làm nên một giọng nói hấp dẫn, tuy nhiên tôi không thể dùng máy tính để làm điều đó", Hughes nói.
T. An (theo LiveScience)
Bí ẩn những viên ngọc cổ Trung Hoa
![]() |
Tương truyền, thái hậu Từ Hy giữ được sự trẻ trung là do dùng ngọc. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Khi khai quật nhiều ngôi mộ cổ ở Trung Quốc, các nhà khoa học ngạc nhiên thấy xác chết sau mấy nghìn năm vẫn nguyên vẹn. Họ cho rằng ngọc thạch, được cho vào rất nhiều trong quan tài, đã làm nên điều kỳ diệu đó.
Khi nhận xét về thú sử dụng ngọc ở Trung Quốc, một nhà khảo cứu về kim hoàn ở phương Tây, tiến sĩ Alfred Doodan (Mỹ) đã viết: Người Trung Hoa cho rằng ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng.
Do đó ngọc được tôn sùng. Ngày xưa, chỉ những nhà quyền quý mới có được ngọc. Vua chúa dùng nó làm biểu tượng cho quyền lực, địa vị tối cao (như ngọc tỷ - con dấu riêng của hoàng đế dùng đóng dưới các văn kiện quan trọng). Có thời, dân thường không được dùng bạch ngọc làm của riêng, bởi nó chỉ được dùng làm ngọc tỷ, ngọc bội.
Khoảng 300 năm trước Công nguyên, ở nước Sở, vào triều Lệ Vương, có Biện Hòa là một thường dân may mắn có được một viên ngọc thô (chưa được trau chuốt). Ông ta biết chắc đó là viên ngọc cực quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy viên ngọc thô thiển, có ý xem thường, bèn bảo một tay thái giám mài thử xem thật giả. Tên thái giám sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái hơn mình nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất một chân.
Lệ Vương chết, Vũ Vương nối ngôi. Biện Hòa lại xin vào dâng ngọc. Viên quan được vua sai thử ngọc có tư thù với ông nên lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm viên ngọc, lao đầu vào tường toan tự tử. Vũ Vương ngăn lại, đích thân xem xét viên ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng đã muộn, vì Biện Hòa đã tàn phế, máu của ông đã loang đỏ sân triều. Từ đó, viên ngọc quý này được gọi là “ngọc bích Biện Hòa”, viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.
Còn có một loại ngọc rất kỳ bí, chỉ ở Trung Quốc mới có. Đó ngọc chôn theo người chết, mà người phương Tây gọi là Grave Jade (ngọc dưới mồ). Theo niềm tin của người Trung Hoa, ngọc thạch có một tính năng siêu phàm: trị bệnh, giúp trường sinh bất lão, giữ xác chết mãi mãi nguyên vẹn, mang lại phúc lành...
Trong các ngôi mộ cổ được khai quật gần đây ở miền trung Trung Quốc, người ta tìm thấy rất nhiều ngọc thạch. Có một điều hết sức lạ là ở những mộ có nhiều ngọc thạch chôn theo, xác chết vẫn còn nguyên vẹn dù đã hơn 2.000 năm.
Chẳng hạn như trường hợp của hoàng tử Liêu Thân và vợ là Tôn Vãn thuộc triều Hán, đã được chôn ngót 2 thiên niên kỷ. Khi khai quật, những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc bởi cả hai xác chết vẫn còn nguyên vẹn, chẳng khác gì các xác ướp trong hầm mộ của người Ai Cập cổ đại. Các thi thể chẳng hề được tẩm ướp bất cứ thứ gì, nhưng bên cạnh có rất nhiều ngọc. Sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khai quật cho rằng, chính ngọc thạch đã giữ được sự nguyên vẹn của thi hài.
Một điều lạ nữa là những viên ngọc chôn một thời gian dài dưới mồ ấy sau khi đào lên có sự biến đổi khác thường: Bạch ngọc từ trong suốt trở nên trắng đục hơn, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng, giống như những sợi chỉ máu. Cẩm thạch từ màu xanh lục biến thành sẫm hơn, ửng hồng như nhuộm với máu. Riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc... màu sắc cũng sẫm thêm nhưng khi đặt dưới ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn, chúng rực lên một thứ ánh sáng lung linh kỳ dị, như từ một cõi u minh nào đó. Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và tinh khí từ cơ thể người, hay đúng hơn là thấm hồn người chết. Do đó nó càng trở thành vô giá, cực kỳ linh thiêng.
Ngọc còn được coi là giúp duy trì tuổi trẻ và sắc đẹp. Tương truyền, Từ Hy Thái hậu vẫn giữ được sự tươi trẻ, uy nghiêm khi sắp qua đời là nhờ có khả năng kỳ diệu của ngọc thạch.
Từ Hy được một nhà sư Tây Tạng bí mật chỉ cho cách dùng ngọc để giúp làn da mãi tươi nhuận, dù già vẫn không có nếp nhăn: Dùng ngọc trai nấu nhừ, tán nhuyễn, pha với sữa của phụ nữ có con so rồi thoa lên mặt, lên da mỗi buổi sáng và tối. Và quả thực Từ Hy khi đã trên 60 tuổi vẫn có nhan sắc của một phụ nữ trẻ.
Người ta cho rằng sự tươi trẻ đó một phần cũng nhờ hai viên bạch ngọc thuộc loại quý hiếm nhất, có kích cỡ bằng quả trứng mà thái hậu luôn mang theo người. Chính các Lạt ma bảo đảm với Thái hậu rằng, khi nào bà còn giữ được hai viên bảo ngọc đó trong người thì sinh lực sẽ luôn dồi dào, đẩy lùi được mọi bệnh tật...
Đúng hay sai về truyền thuyết trên, cho đến nay chưa ai chứng minh được. Nhưng người Trung Quốc ngày nay vẫn tin rằng ngọc thạch có nhiều khả năng kỳ lạ, huyền bí nên tiếp tục tôn sùng thứ bảo thạch đó và đem cái đam mê này truyền sang cho rất nhiều người trên thế giới.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
6 thói quen khiến xe hao xăng
Chạy bám đuôi xe khác hay tăng tốc quá nhanh sau khi chờ đèn đỏ là một trong những nguyên nhân khiến ôtô "uống" xăng nhanh hơn.
![]() |
Chạy bám đuôi vừa không an toàn vừa hao xăng. Ảnh: CNN. |
Những lo ngại về giá nhiên liệu tăng cao khiến các tài xế cố gắng tìm cách tiết kiệm. Tuy nhiên, đôi khi những thói quen lại đi ngược với mong muốn đó.
Dưới đây là 6 thói quen không tốt theo đánh giá của CNN.
Tăng tốc quá nhanh sau khi chờ đèn đỏ
Đèn xanh bật lên, nhiều tài xế nhấn chân ga hết cỡ theo thói quen để xe vọt đi. Tuy nhiên, họ không nhớ ra càng nhấn sâu chân ga bao nhiêu, xe càng tốn xăng bấy nhiêu.
Nếu muốn tiết kiệm, nên nhấn ga từ từ cho đến khi đạt được tốc độ cần thiết.
'Lao' tới đèn đỏ
Nếu nhìn thấy đèn đỏ phía trước hay biển báo dừng, việc đầu tiên bạn nên làm là thả chân ga càng sớm càng tốt. Để xe từ từ lăn bánh đến đèn đỏ sẽ tiết kiệm hơn nhiều việc nhấn ga sau đó lại phải dùng phanh.
Rất nhiều người biết nguyên lý này, nhưng ít ai thực hiện một cách thường xuyên.
Lẫn lộn đường cao tốc với đường đua
Trong bất cứ trường hợp nào, tăng tốc đột ngột không bao giờ tiết kiệm. Càng đi nhanh, dòng không khí tạo nên sự cản trở khí động học càng lớn, do chênh lệch áp suất giữa phần đầu và đuôi xe.
Theo thử nghiệm của Consumer Reports, chỉ cần giảm vận tốc từ 121 km/h xuống 105 km/h, bạn sẽ đi thêm được từ 1,3 km đến 2 km cho mỗi lít xăng.
Bám đuôi xe khác
Đây là cách cầm lái tồi do nhiều yếu tố. Đầu tiên là không an toàn do tài xế giảm cơ hội xử lý khi xe trước đi chậm hoặc dừng đột ngột. Điều đó chưa kể bạn phải quan sát ở tầm gần nên không để ý tới những nguy cơ từ hai bên hông xe.
Ngoài ra, thói quen này còn khiến xe hao xăng. Mỗi khi xe phía trước nhấp phanh, bạn cũng phải thực hiện theo với số lần nhiều hơn do ở thế bị động. Sau đó bạn lại phải tăng tốc để đạt tốc độ mong muốn.
Theo các chuyên gia, bạn nên giữ khoảng cách 2 giây so với xe phía trước, bằng cách đếm thời gian xe phía trước và xe bạn vượt qua một nào đó trên đường, như cầu vượt chẳng hạn.
Để xe nổ khi đang đỗ
Có thể bạn cho rằng khởi động lại sẽ tốn xăng hơn nhiều so với việc để động cơ chạy khi dừng. Thực tế có thể đúng nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Với hệ thống phun xăng điện tử mới, mỗi lần khởi động hết rất ít xăng, trong trường hợp động cơ đã được làm nóng.
Trong khi đó, mỗi phút để xe nổ cầm chừng sẽ tiêu tốn lượng xăng mà đáng lẽ bạn đi được gần 1 km, theo nghiên cứu của Hội năng lượng California, Mỹ. Điều này lý giải tại sao xe lai hybrid lại tắt động cơ xăng khi dừng, thậm chí trong khoảng thời gian rất ngắn.
Những dẫn chứng trên không có nghĩa phải luôn tắt động cơ khi dừng xe. Nếu thời gian ngắn thì nên để xe nổ. Với thời gian tương tự như chờ người đồng hành vào nhà vệ sinh công cộng, tắt máy là giải pháp tốt nhất.
Đi đoạn đường ngắn
Nếu không quá cần thiết, việc làm dụng xe hơi trên những đoạn đường ngắn sẽ tiêu hao xăng ghê gớm, do phải thường xuyên tắt - bật, tăng tốc rồi phanh và động cơ không được làm nóng lên nhiệt độ cần thiết.
Nếu bắt buộc phải đi đoạn ngắn, hãy chạy xe một đoạn khá dài để động cơ lên nhiệt độ ổn định. Sau đó bạn thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc đạt nhiệt độ vận hành giúp xe dễ khởi động, hiệu quả và bền bỉ hơn.
Nguyễn Nghĩa (theo CNN)
Thiết bị tiết kiệm xăng
Được bàn tán nhiều trên các diễn đàn và chợ phụ tùng lâu nay, song phải đến khi xăng lên giá, các thiết bị chống hao xăng mới thực sự khiến dân đi xe máy tại Sài Gòn quan tâm.
Mua được "con" mô tô 150 phân khối, ưng ý về kiểu dáng nhưng anh Tùng, ngụ ở quận 1 lại lo lắng khả năng ngốn xăng của chiếc môtô này. Qua bạn bè giới thiệu, cuối cùng anh Tùng tìm được chiếc đĩa chống hao xăng.
Anh Tùng cho biết, từ khi lắp đĩa vào xe, anh đã có thể tiết kiệm được đến 20% nhiên liệu do những lúc xe đã có trớn, anh nhả ga mà bánh xe sau vẫn quay nhờ chiếc đĩa thông minh.
Theo nhà sản xuất, ngoài bánh răng nối với dây xích xe, chiếc đĩa có một lõi quay gắn với trục bánh xe. Khi người lái giảm ga hoặc trả về số 0, lõi này sẽ quay độc lập kéo theo bánh xe quay mà không bị lực cản của động cơ.
Nhờ nguyên lý này mà trên những đoạn đường bằng phẳng hoặc những đoạn đường xuống dốc, xe vẫn chạy dù máy gần như không hoạt động, xăng không bơm vào động cơ nên ít tốn xăng.
![]() |
Chân dung chiếc đĩa tiết kiệm xăng. Ảnh: Thiên Chương. |
Tuy nhiên theo một số khách hàng đã từng sử dụng loại đĩa này, người lái cần chuẩn bị sẵn bộ thắng thật tốt vì khi trượt dốc, xe chỉ dừng lại nhờ thắng chứ không bằng lực cản của động cơ khi người lái trả số.
Hiện đĩa chỉ tương thích với các xe chạy số với giá mỗi chiếc là 350.000 đồng.
Ngoài đĩa chạy trớn, loại nam châm tiết kiệm xăng do ông Ngô Thời Đệ ở quận 3 chế tạo và thử nghiệm cũng được nhiều dân chơi xe máy quan tâm bởi có thể tiết kiệm đến 25% nhiên liệu động cơ và máy chạy rất êm.
Thiết bị tiết kiệm xăng này thực hiện trên nguyên lý hai khối nam châm cực mạnh sẽ thanh lọc toàn bộ tạp chất kim loại có trong xăng, đồng thời sắp xếp lại trật tự của các ion xăng trước khi đi vào bộ chế hòa khí khiến nhiên liệu được đốt hoàn toàn. Hiện tượng nghẹt xăng, thiếu lửa cũng sẽ được khắc phục hoàn toàn.
Ca sĩ Tiến Đạt, người sử dụng thử khối nam châm tiết kiệm xăng từ 6 tháng nay trên chiếc Yamaha Mio Ultimo tỏ ra rất hài lòng với thiết bị. "Cụ thể là ga nhẹ hơn giúp tăng tốc rất nhanh", Tiến Đạt nói.
Khảo sát độ tiết kiệm nhiên liệu trên đoạn đường khoảng 130 km từ TP HCM đến Vũng Tàu, ca sĩ Tiến Đạt cho biết anh chỉ mất 40.000 đồng tiền xăng.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bửu, nhà ở quận Tân Phú, sau khi gắn thiết bị, chiếc Future II của ông đạt được 50 km cho một lít xăng, hơn trước kia 5 km. Ông Bửu cho biết, ngoài khả năng tiết kiệm, tiếng máy xe của ông nghe êm hơn trước, tăng tốc những khi cần thiết cũng "bốc" hơn thấy rõ.
Trao đổi với VnExpress, nhà sáng chế Ngô Thời Đệ cho biết vẫn chưa đặt tên và định giá cho thiết bị vì đang thử nghiệm. Tuy nhiên theo ông này, sau khi đã đăng ký nhãn hiệu và độc quyền giải pháp công nghệ, giá của mỗi "cục tiết kiệm xăng" sẽ không quá 2 triệu đồng.
Cũng theo ông Đệ, thiết bị này sử dụng cho tất cả loại xe, kể cả ôtô chạy xăng và dầu. Hiện ông Đệ đang chờ kết quả thử nghiệm trên xe Toyota Innova.
Ngoài 2 món hàng độc trên, dân chơi xe còn dùng thêm một số giải pháp tiết kiệm xăng khác như bộ chế hòa khí (bình xăng con) chống hao xăng; bugi loại đánh lửa nhạy...
Với bình xăng nhãn hiệu Centa, nhà sản xuất cam đoan sẽ đạt mức tiêu hao đến 65 km một lít xăng cho các loại xe Dream, Wave. Còn với bugi Iridium của NGK giá 180.000 đồng, xe luôn có lửa điện mạnh mẽ. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhóm lái xe ôm tại Bến xe Chợ Lớn, quận 5, cần phải kết hợp một lúc nhiều giải pháp thì hiệu quả mới cao.
Riêng các thành viên tham gia trên những diễn đàn xe máy thì cho rằng, hãy xem lại cách điều khiển xe trước khi săn tìm thiết bị chống hao xăng. "Người chạy tay ga mà cứ vặn ga liên tiếp, hoặc người chạy xe số mà cứ "nẹt" ga thường xuyên thì dù có trang bị đủ đồ chơi cũng bằng thừa", một thành viên cho biết.
Thiên Chương
Monday, July 14, 2008
Sự thật về sự thất bại của những thương hiệu nổi tiếng
Quá trình thiết lập thương hiệu được phát triển để bảo vệ các sản phẩm tránh khỏi sự thất bại. Tuy nhiên, việc thiết lập thương hiệu không còn đơn giản là một cách để tránh khỏi thất bại mà thực tế là các công ty sống hay chết là tùy thuộc vào sức mạnh thương hiệu đó.
Để hiểu rõ quá trình này, chúng ta hãy trở về thế kỷ thứ 19 với các thương hiệu khởi thủy. Trong thập niên 1880, các công ty như Campbell’s, Heinz và Quaker Oats bắt đầu lo lắng về phản ứng của người tiêu dùng về các sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Các đặc trưng thương hiệu được thiết kế không chỉ giúp cho những sản phẩm này có chỗ đứng riêng mà còn làm giảm đi nỗi lo của công chúng về các sản phẩm được sản xuất đại trà.
Bằng cách thêm vào một yếu tố “nhân bản” cho sản phẩm, việc thiết lập thương hiệu đã làm thư giãn đầu óc của những người mua hàng của thế kỷ 19. Họ đã từng có lúc đặt niềm tin vào một chủ cửa hàng thân hữu thì nay họ có thể đặt sự tin tưởng đó vào tự thân các thương hiệu và những gương mặt tươi cười của các Cậu Ben và Cô Jemima bên các kệ hàng. Sự thất bại của các mặt hàng sản xuất đại trà mà các chủ nhà máy lo sợ đã không bao giờ xảy ra. Các thương hiệu đã cứu chuộc cái ngày ấy.
Enron - Phản lại sự thật
Không còn gì nhiều để nói về sự thành công và thất bại đầy tai tiếng của ông trùm năng lượng Enron ở Texas. Trong một thời gian ngắn 15 năm, Enron đã bắt đầu từ con số không để trở thành một công ty lớn thứ bảy ở Mỹ và là nhà cung cấp năng lượng nổi tiếng thế giới. Họ sử dụng hơn 21 nghìn nhân viên và hiện diện ở hơn 40 nước trên toàn thế giới.
Cùng với việc sản xuất năng lượng, họ cũng tạo nên một đặc trưng thương hiệu mạnh mẽ. Enron giành được giải thưởng “Công ty Đột phá Nhất nước Mỹ” của tạp chí Fortune sau sáu năm hoạt động, họ cũng được xếp hạng cao trong biểu đồ “Những công ty tốt nhất để làm việc” cũng của tạp chí này. Công ty cũng cổ vũ hình ảnh của một công dân tốt của cộng đồng và ấn hành các báo cáo xã hội và môi trường nhắm vào những hoạt động của công ty với sự cẩn trọng đối với những hệ quả môi trường của công việc, các chính sách chống hối lộ và tham nhũng cùng những mối quan hệ đồng sự.
Trong nhiều năm, Enron chứng tỏ họ là một công ty lớn mạnh và có lợi nhuận cao. Và rồi trong thời gian 2001-2002, những chứng tỏ này hóa ra chỉ là dối trá - một vụ dối trá lớn nhất trong lịch sử các công ty. Những công bố về lợi nhuận của công ty được minh chứng là không có thật, họ có những món nợ khổng lồ không được thể hiện trong sổ sách của công ty. Công ty kiểm toán cho Enron, Arthur Andersen, cũng dính líu vào việc che giấu các hồ sơ liên quan đến tài khoản của Enron, có nghĩa là những tác động của vụ tai tiếng trở thành thảm họa đối với danh tiếng của cả công ty này nữa. Cùng với vụ việc được tiết lộ, các nhà đầu tư và chủ nợ rút lui, đẩy công ty đi đến chỗ phá sản vào tháng 12/2001. Khi sự thực được phơi bày ra ánh sáng, những người điều hành của Enron lại làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn khi từ chối việc kiểm chứng và tuyên bố là họ không tin là sẽ được xét xử một cách công bằng.
Vụ tai tiếng của Enron cũng có những dính líu chính trị trong đó bởi những quan hệ gần gũi của công ty này với Nhà Trắng. Enron đã ủng hộ nhiều triệu đô la vào chiến dịch tranh cử năm 2000 của George Bush. Mặc dù cá nhân ông Bush là một người bạn của vị Giám đốc điều hành Kenneth Lay của Enron, ông này mau chóng cách ly với mọi dính líu có thể gây tai tiếng với công ty này.
Những tác động lâu dài của vụ tai tiếng này sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm nữa và cái tên Enron là không thể hồi phục và mãi mãi sẽ là đồng nghĩa với sự “vô trách nhiệm tập thể”.
Các bài học từ vụ phá sản của Enron:
- Không dối trá. Hình ảnh của công ty được ghi nhận bởi sự dối trá đã được chứng tỏ của Enron. Mọi việc dối trá đều không thể che giấu lâu dài.
- Tính hợp pháp. Một bài học rõ ràng, nhưng là một bài học vẫn luôn bị bỏ qua ở mọi cấp độ của tổ chức.
- Không che giấu. Enron đã làm cho một trường hợp tệ hại trở thành thảm họa khi từ chối nhìn nhận sai lầm sau khi sự thật được phơi bày.
Arthur Andersen - Xẻ vụn một danh tiếng
Nếu vụ tai tiếng Enron có thể minh chứng cho một điều gì thì đó là bản chất dính líu lẫn nhau của thế giới kinh doanh hiện đại. Cuối cùng thì Enron có vô số những quan hệ tập thể, đặc biệt là ở tiểu bang quê nhà của họ, Texas. “Ở một mức độ nào đó thì rõ ràng là mọi người đều có dính líu với Enron”, Richard Murray, giám đốc trung tâm Chính sách Công cộng của viện đại học Houston, khẳng định.
Dù sao, trong lúc tổ chức Enron có một tác động tiêu cực với cộng đồng kinh doanh Texas thì với những công ty trực tiếp dính líu đến Enron trong việc kinh doanh, hậu quả thật sự là thảm họa. Với công ty kiểm toán cho Enron, Arthur Andersen, việc dính líu này có một tác động chết người.
Hơn nữa, vụ tai tiếng Enron có liên quan đến việc kiểm toán. Đặc biệt là việc che giấu hồ sơ liên quan đến tài khoản và những món nợ khổng lồ của Enron, một thực tế về sự đồng lõa của công ty kiểm toán. Sự đồng lõa này càng rõ ràng hơn khi David Duncan, kế toán trưởng của Enron ở Andersen, bị buộc phải có mặt trong cuộc điều tra đầu tiên đã từ chối nói chuyện để cố chạy tội cho bản thân. Ngay cả khi Joseph Berardino, trưởng ban điều hành của Andersen, ngang ngạnh bảo vệ cho vai trò của công ty ông trong việc này cũng không thể tránh được những tổn thương bắt buộc. Một khi họ đã bị cáo buộc là có tội trong việc hủy hoại chứng cớ, công ty gánh chịu sự tổn thương thương hiệu nghiêm trọng và những chấn động vẫn còn cảm nhận được trong toàn ngành công nghiệp kiểm toán.
Các bài học từ Arthur Andersen
- Hiểu là các công ty đều dính líu lẫn nhau. Không một công ty nào là hoàn toàn độc lập với những công ty khác. Những hoạt động của Enron và Andersen là không thể tách rời, ít nhất là trong tâm trí của công chúng.
- Đừng đưa ra những thông điệp mù mờ. Thậm chí những ghi nhận khác nhau về các sự kiện cũng nảy sinh ngay từ trong nội bộ của Andersen.
Planet Hollywood - Nhân vật mạnh, thương hiệu yếu
Những chứng nhận danh tiếng có thể hỗ trợ lớn trong việc thúc đẩy mãi lực của một sản phẩm hay dịch vụ. Chẳng hạn như khi Oraph Winfrey, một tên tuổi danh tiếng trong giới truyền hình, giới thiệu sách qua câu lạc bộ sách của cô ấy - những cuốn sách đó hầu như được bảo đảm là sẽ bán chạy. Một số thương hiệu cũng được hưởng lợi từ danh tiếng của người tạo lập.
Cũng có những trường hợp, những người danh tiếng dùng tên tuổi của mình để hỗ trợ hay gầy dựng việc kinh doanh. David Bowie đã cho USABancshares.com, một ngân hàng trên mạng, mượn tên tuổi của mình để tung ra các cuốn chi phiếu hay thẻ tín dụng Bowie. Ngài Alex Ferguson của Manchester United là cổ đông của toptable.com.uk, một địa chỉ dịch vụ đặt chỗ và thông tin về các nhà hàng. Ban nhạc U2 sở hữu một khách sạn và hộp đêm. Bill Wyman là chủ một nhà hàng…
Một ví dụ nổi tiếng nhất trong các vụ mạo hiểm với danh tiếng cá nhân là thuộc về chuỗi nhà hàng chủ đề Hollywood, Planet Hollywood. Với những người đầu tư nổi tiếng như Bruce Willis, Demi Moore, Whoopi Goldberg, Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone, chuỗi nhà hàng này được bảo đảm với sự phô trương tối đa khi nó được khai trương vào năm 1991. Công ty này phát triển rất nhanh và mau chóng có được gần 80 nhà hàng trên khắp thế giới. Năm 1999, công ty này phá sản và các nhà hàng của họ ở khắp nơi trên thế giới lần lượt đóng cửa.
“Planet Hollywood đã phơi xác” Malcolm Gluck, nhà phê bình rượu, bày tỏ trên tờ Guardian. “Những người ăn thịt, ăn chay, phê bình món ăn và các chủ nhà hàng đủ loại sẽ vui mừng với cái tin chuỗi nhà hàng lớn nhất trong lịch sử các bếp ăn đã bị nướng sống”. Cùng lúc với tin tức được truyền rao, Planet Hollywood càng mất thêm nhiều khách hàng và chỉ còn hoạt động thực sự ở một vài nhà hàng đầu tiên với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư mới từ Ả rập Xê út với những món tiền không đáng kể.
Vậy tại sao một thương hiệu phát triển nhanh như vậy lại mau chóng đi vào đường cùng trong vòng chưa đến một thập niên?
Trước hết, công ty đã khuyếch trương quá nhanh, mở ra các nhà hàng mới trong khi lợi nhuận chưa kịp thu hồi bao nhiêu ở những nhà hàng cũ. Kế hoạch của họ là đến năm 2003 phải đạt đến con số 300 nhà hàng trên toàn thế giới.
Một yếu tố khác nữa là thức ăn. Hầu hết người ta đi ăn ngoài là vì thức ăn, nhưng Planet Hollywood chưa hề bao giờ quảng cáo về yếu tố này trong việc kinh doanh của họ. Để có thể đạt được thành công lâu dài, thức ăn và thức uống phải là chủ đề chính. Ngay cả McDonald’s chủ đề cũng phải là về thức ăn, cho dù giá cả và sự thuận tiện của chúng mới là yếu tố tiên quyết.
Sự thành công của Planet Hollywood chỉ hình thành từ những khách hàng một lần duy nhất, những người bị hấp dẫn bởi yếu tố mới mẻ. “Sức hút đơn thuần là để được có mặt ở một nơi như thế và nhìn xem những nhân vật nào có mặt ở đó”, Malcolm Gluck kể lại. “Với hy vọng được nhìn thấy những người danh tiếng hay những người bạn của những người danh tiếng, hay ngay cả những người ham danh tiếng (những người chỉ đến một lần vì cơ hội công luận hay chỉ vì một bữa ăn và rồi không bao giờ thấy lại)”. Nhưng đó không phải là căn bản để xây dựng một công cuộc kinh doanh lâu dài với những khách hàng lặp lại, điều mà bất cứ một nhà hàng nào cũng phải có để có thể tồn tại lâu dài. Không có một lý do nào để họ quay lại với Planet Hollywood thêm một lần nữa.
Các bài học từ vụ Planet Hollywood
- Danh tiếng vẫn chưa đủ. “Những người ngây thơ này nghĩ rằng chỉ với danh tiếng của họ thôi là đủ để kinh doanh. Không đủ đâu các cậu ạ!”, Malcolm Gluck mỉa mai.
- Truyền miệng là nguy hiểm. Việc truyền miệng là quan trọng hơn là phô trương quảng cáo hay truyền thông, đặc biệt là trong việc đi ăn ngoài.
- Chủ đề phải kết dính với sản phẩm chính. Thức ăn phải là chủ đề chứ không phải là một ghi nhận mơ hồ về Hollywood.
Exxon - Không nói một lời
Nhiều công ty và tổ chức đã từng phải đối phó với một khủng hoảng trong thời gian tồn tại của họ. Dù sao cũng chỉ có một số ít đã thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu khả năng đối với một sự kiện quan trọng. Công ty xăng dầu Exxon là một trong những trường hợp này.
Năm 1989, tàu chở dầu Exxon Valdez gặp tai nạn và làm tràn dầu ra ở bên ngoài bờ biển Alaska. Chỉ trong một thời gian ngắn, một lượng dầu đáng kể của 1,26 triệu thùng được vận chuyển đã loang ra mặt biển tạo thành một vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vào lúc sự cố xảy ra, một người không được phép điều khiển con tàu trong những vùng biển tương tự, thuyền phó ba - Gregory Cousins đang ở trong khoang lái. Tung tích của thuyền trưởng Joseph Hazelwood trong lúc đó không được giải thích. Một điều tra viên của đội bảo vệ bờ biển đã làm xét nghiệm máu của cả hai người này. Kết quả là nồng độ rượu trong máu của viên thuyền trưởng là vượt mức cho phép cho dù lúc đó đã là tám tiếng đồng hồ sau sự cố. Viên thuyền trưởng này sau đó đã bị phạt và kết án 90 ngày tù giam, một bản án mà nhiều người cho là còn quá nhẹ.
Những nỗ lực kiểm soát vụ tràn dầu đã là chậm chạp ngay từ lúc khởi đầu. “Những ứng phó đầu tiên là không đủ để ngăn chặn và không phù hợp đối với những đo lường về lượng dầu tràn”, một viên thanh tra của cơ quan Bảo tồn Môi trường Alaska cho biết, “24 giờ sau thảm họa, chúng tôi vẫn chưa thấy được dấu hiệu về một kế hoạch ngăn chặn đầy đủ”. Theo như những người quan sát thì Exxon đã thể hiện quá ít và quá trễ. Không chỉ trong những nỗ lực ngăn chặn vụ tràn dầu mà công ty này còn từ chối hợp tác với báo giới. Chủ tịch Lawrence Rawl của Exxon đã quá nghi ngờ giới truyền thông nên đã có những phản ứng phù hợp với cách suy nghĩ đó.
Một vài giờ sau sự cố, các phóng viên đã tràn ngập khu vực này để thực hiện việc đưa tin của họ. Một phát ngôn viên của Exxon chỉ vào sự hiện hữu của quy trình ngăn chặn để thay cho câu trả lời về những gì sẽ diễn biến. Những quy trình mà sau đó các đoạn phim truyền hình cho thấy là vô ích. Khi được yêu cầu phỏng vấn trên truyền hình, Rawls đã trả lời là ông ta không có thời gian cho những chuyện linh tinh đó.
Trong lúc công ty có những khởi đầu hoàn toàn bất lợi với báo giới như vậy thì trên mặt biển, công cuộc ngăn chặn vụ tràn dầu đi vào chỗ bế tắc. Khoảng 240.000 thùng dầu đã tràn ra mặt biển, hàng triệu thùng khác trên con tàu vẫn còn đó. Trong hai ngày đầu, với thời tiết yên bình, chẳng có được bao nhiêu động thái cho cuộc ngăn chặn dầu tràn. Cuộc tràn dầu này đã lan rộng ra và làm ố bẩn hơn 12 dặm vuông mặt biển.
Một tuần sau đó, Exxon vẫn ngậm tăm. Tổng thống Bush tuyên bố cuộc tràn dầu là một thảm kịch và Frank Iarossi, Giám đốc chuyển vận của Exxon bay đến thị trấn Valdez để chủ trì một cuộc họp báo. Cuộc họp báo trở nên tồi tệ khi một ít chứng cớ tốt đẹp được Exxon đưa ra lập tức bị phản đối bởi những con mắt nhân chứng của các nhà báo và ngư dân có mặt tại hiện trường.
John Devens, Thị trưởng của thị trấn Valdez, bình luận rằng cộng đồng cảm thấy bị phản bội vì những phản ứng của Exxon đối với thảm họa. “Bao nhiêu năm qua họ luôn hứa sẽ làm mọi việc để dọn sạch một vụ tràn dầu và gìn giữ chất lượng đời sống của chúng tôi. Tôi thấy rõ ràng là lúc này chúng tôi đang đối mặt với một sự hủy hoại hoàn toàn môi trường sống của mình”. Ngay cả Stephen McAlpine, Thống đốc bang Alaska cũng cho rằng ông vô cùng thất vọng trước đáp ứng của Exxon trong vụ này, “cho dù họ có nói gì, tôi cũng không thể tin được nữa”.
Cuối cùng, ông chủ của Exxon cũng buộc phải xuất hiện trên truyền hình. Khi được hỏi về những nỗ lực sau hết để dọn sạch ô nhiễm trong buổi phỏng vấn trực tiếp, Rawls tỏ ra hoang mang. Hóa ra ông này không hề để ý đến những việc này và cho thấy một thực tế là công việc của một vị chủ tịch không phải là để đọc các báo cáo tương tự. Ông ta đổ lỗi cho báo chí thế giới là đã làm cho thảm họa trở thành quá đáng hơn. Định phận thê thảm của Exxon thế là hoàn tất.
Các hệ quả cho Exxon về cả thảm họa lẫn cách mà họ thu xếp nó là hết sức to lớn. Tổng chi phí chi cho thảm họa tràn dầu này là 7 tỷ đô la. Phần lớn là tiền phạt vì vô trách nhiệm với cộng đồng.
Tuy khó mà lượng định, nhưng tổn thất về tiếng tăm của công ty còn nghiêm trọng hơn. Exxon đã từ vị trí một công ty xăng dầu lớn nhất thế giới rơi xuống hạng ba. ‘Exxon Valdez’ trở thành đồng nghĩa với sự ngạo nghễ tập thể và câu chuyện vẫn còn được rao truyền đến cả năm sau. Trong cuộc thăm dò ở Mỹ vào năm 1990, 65% người trả lời đã cho là cuộc tràn dầu Valdez là yếu tố chính làm gia tăng nhận thức của công chúng về những vấn đề môi trường.
Các bài học từ Exxon
- Sống với lời hứa của bạn. Exxon đã thất bại trong việc minh chứng những khả năng hiệu quả để thu xếp thảm họa - và họ cũng cho thấy khả năng tránh né một khi vấn đề không có chứng cứ rõ ràng.
- Hành động như một công dân tốt. Exxon đã tỏ ra thờ ơ với sự hủy hoại môi trường và vì vậy cũng không làm được bao nhiêu để hỗ trợ cho trường hợp của công ty.
(Trích cuốn "Sự thật về những thất bại thương hiệu lớn nhất mọi thời đại" do First News phát hành)