Friday, March 28, 2008

TÂM VŨ TRỤ - Phụ lục A và B


magnify
PHỤ LỤC A
HỎI ĐÁP VỀ TRIẾT HỌC TÂM VŨ TRỤ

Sau khi viết xong bản thảo của từng chương, tác giả đã gửi cho một số nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và bạn bè nhằm lấy ý kiến góp ý, nhận xét phản biện. Tác giả đã rất biết ơn những đóng góp ý kiến chân thành đồng thời đã tiếp thu, trao đổi và tranh luận với những ý kiến đó. Để làm sáng tỏ một số vướng mắc, tác giả sẽ ghi chép lại một cách trung thành dưới dạng hỏi đáp những tranh luận trên giữa tác giả (ĐXT) và độc giả. Sau đây là nội dung chi tiết.

HỎI: Ông đặt tên cho tác phẩm triết học của ông là Tâm vũ trụ. Mới nghe, người ta dễ hiểu lầm ông là một nhà Vật lý hoặc Thiên văn. Ông hãy giải thích rõ cho độc giả của chúng tôi về sự khác nhau rất cơ bản giữa khái niệm Vũ trụ của ông và Vũ trụ của thiên văn vật lý.

ĐXT: Trước hết, đối với Vật lý và Thiên văn học, Vũ trụ của họ được cấu thành từ những hạt cơ bản và giới hạn của họ là hạt Quắc (cho tới thời điểm 2002). Còn Vũ trụ theo quan điểm của chúng tôi nó bao gồm mọi thứ (nó là gộp của mọi đối tượng) trong đó có thể chỉ ra một cách rất cụ thể chẳng hạn là ý thức! Và đối với chúng tôi, vật chất và ý thức là thống nhất. Chúng tôi không chém chúng ra để nghiên cứu. Vũ trụ của chúng tôi tổng quát hơn Vũ trụ của Vật lý học và Thiên văn học rất nhiều lần. Làm sao Vũ trụ của Vật lý lại có thể chứa được một làn điệu dân ca như Vũ trụ của chúng tôi!

HỎI: Như vậy là cái miền nghiên cứu của ông vô cùng rộng lớn. Ông, một TS cơ học ứng dụng và như ông đã nói, ở lời nói đầu là ông không thừa kế bất kỳ tư tưởng triết học nào của thế giới (ĐXT gật đầu). Thế thì làm thế nào mà độc giả của chúng tôi có thể tin được ông? Làm thế nào người ta có thể tin được một con người bình thường lại nói về những thứ vô cùng cao siêu như vậy?

ĐXT: Trước hết đừng quên rằng: Tâm vũ trụ có trong mọi đối tượng vì nó là miền giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ. Nó tồn tại và duy nhất. Hiểu được Tâm vũ trụ là có thể hiểu và làm chủ được cả Vũ trụ. Mà Tâm vũ trụ chính là bản chất của mọi đối tượng, là thuộc tính của mọi đối tượng là cái mà tạo hoá ban cho mọi đối tượng trong Vũ trụ. Nó chính là Chân lý tối thượng, ý niệm tuyệt đối, là Tạo hoá, là Thượng đế, là cõi Niết bàn và là hạt nhỏ nhất trong các hạt cơ bản của Vật lý v.v...

Nhưng, (ĐXT mỉm cười sảng khoái) nó có trong mọi đối tượng. Hay nói một cách khác là từ bà quét rác cho đến các nhà bác học. Từ cậu bé nằm trong bụng mẹ đến các bậc vĩ nhân râu tóc bạc phơ v.v... đều có thể hiểu được Tâm vũ trụ, đều được “ban phát” bởi Tâm vũ trụ.

Một cách cụ thể là... ông có tin rằng có những nền văn minh ngoài Trái đất không? (PV gật đầu). Ông không tin sao được! Bởi ông không tin ông sẽ rơi vào thuyết Địa tâm mà Côpécníc đã đập cho tan tành... Mối liên hệ giữa các nền văn minh là có thật nhưng không thô thiển như người ngoài hành tinh đến Trái đất mà là sự lan truyền sóng ý thức. Một con người sinh ra được thừa hưởng 3 yếu tố:

Gien di truyền của bố mẹ

Sự giáo dục của xã hội (loài người)

Sự lan truyền ý thức từ các nền văn minh ngoài Trái đất đến Trái đất, hoặc từ chính Tâm vũ trụ đến.

Tóm lại, có thể tôi đã viết Triết học Tâm vũ trụ trong trường ý thức rất gần Tâm vũ trụ lan truyền đến Trái đất và tôi đã "bắt được” cái “sóng” đó.

Hơn nữa tôi chỉ viết nên những quy luật phổ quát nhất_Triết học. Vâng, nó là môn khoa học chỉ nghiên cứu những quy luật chung nhất của Tự nhiên, Xã hội và Tư duy.

HỎI: Ông thử đọc một sự “mách bảo” của Tâm vũ trụ hoặc chí ít là của một nền văn minh ngoài Trái đất?

ĐXT: Ông rất nhầm lẫn! Trước hết các "sóng ý thức" được truyền từ những “quần tụ ý thức” ngoài Trái đất hoặc chính từ Tâm vũ trụ mới chỉ là các "hạt" cấu thành các ý niệm, cấu thành các tư duy, cấu thành "sự mách bảo" mà ông vừa mô tả. Nó sẽ trở thành tư duy, là ý thức khi mà ta tập trung tư tưởng tìm kiếm Tâm vũ trụ (phép thiền).

HỎI: Dường như cách chứng minh định lý Vũ trụ là duy nhất của ông chưa chặt chẽ và hoàn chỉnh. Ông tính sao khi người ta không công nhận nó?

ĐXT: Ông thử chỉ ra một Vũ trụ thứ 2 xem.

HỎI: Ví dụ như PGS. TS. Phạm Công Hà đã nói: Có thể có Vũ trụ đang nở ra có thể có Vũ trụ đang co lại v.v... thì ông tính sao? Hoặc có hàng nghìn vụ nổ Big Bang thì sao?

ĐXT: Thực ra ông đang nói đến Vũ trụ Vật lý. Nhưng kể cả điều đó tôi cũng giải thích được. Nếu ta xem Vũ trụ nở ra và Vũ trụ co vào chỉ là các đối tượng thì theo định nghĩa Vũ trụ của chúng tôi: Vũ trụ là hợp của mọi đối tượng nên nó chỉ là một thành tố tạo nên Vũ trụ theo định nghĩa của chúng tôi. Còn Vũ trụ (theo định nghĩa của chúng tôi) chỉ có một.

HỎI: Định lý 1.2: Giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng tồn tại một mối liên hệ. Ông chứng minh định lý này như một sự chơi chữ và ông hứa sẽ chứng minh đẹp đẽ hơn. Nhưng cả Chương 1 không thấy ông chứng minh lại. Bây giờ ông có thể chứng minh đẹp đẽ hơn được không?

ĐXT: Có chứ! Vì vận động là thuộc tính của mọi đối tượng theo tiên đề 1.2 đã khẳng định nên nó là mối liên kết giữa bất kỳ đối tượng nào trong Vũ trụ. Đây là cách chứng minh tương đối đẹp đẽ:

Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ => A và B đều vận động => vận động là mối liên hệ của A và B => đ.p.c.m.

HỎI: Công cụ mà ông dùng để diễn tả triết học Vũ trụ là phương pháp tiên đề của Toán học. Nhưng Toán học chỉ là một khoa học bị bao trùm bởi triết học. Ông không sợ rằng nó không chứa nổi triết học của ông sao vì suy cho cùng Toán học là một trò chơi khôn ngoan nhất về số và lượng. Nếu ông công nhận luật chơi mà tôi quy định (các tiên đề) thì ông phải công nhận những định lý và hệ quả mà tôi nêu ra! Ông nghĩ sao về điều đó?

ĐXT: Trước hết ông đã hiểu rất sai về Toán học, đặc biệt là Toán học hiện đại. Nhưng điều này tôi sẽ tranh luận với ông sau.

Theo các giáo lý của đạo Cơ đốc thì "Mọi con đường đều dẫn tới Rôma” ý của họ nói rằng bằng bất kỳ con đường nào cũng có thể đến với Chúa trời. Đây là một sự tổng kết sâu sắc. Ở đây Chúa trời của họ là những lời dạy của Giêsu. Đối với chúng tôi cũng gần tương tự như vậy. Nếu ta đi bằng bất cứ con đường nào: Văn học, triết học, Toán học, Hoá học, Vật lý học v.v... mà hướng Tâm vũ trụ thì cũng sẽ dẫn đến chân lý tuyệt đối. Tức là ta cứ đặt các câu hỏi Tại sao và trả lời. Rồi lại hỏi để rồi lại vắt óc ra để trả lời... Cứ như thế ta sẽ đi đến Triết học Tâm Vũ trụ.

Toán học với lôgic mờ tập mờ có thể mô tả (ở thời điểm hiện tại) được hầu như hết những tư tưởng triết học vĩ đại nhất. Tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn nhắc độc giả ý nghĩa của chúng không nên hiểu hời hợt mà sâu sắc vô cùng. Toán học đối với chúng tôi chỉ như một vật mang tin; chỉ như một tác động gây nên một suy tưởng sâu xa đối với những gì mà người ta đang đọc.

HỎI: Ông công nhận sự tồn tại của linh hồn do đó triết học của ông là duy tâm. Tại sao ông không công nhận điều này?

ĐXT: Trước hết khái niệm Duy Vật và Duy Tâm đối với chúng tôi là hết sức vô nghĩa. Ví dụ một ông Duy Tâm hỏi tôi: "Linh hồn là gì?" thì tôi sẽ trả lời: "Linh hồn là tập hợp các siêu hạt cơ bản cấu thành. Những siêu hạt này nhỏ như hạt cát nếu ví hạt Quắc là trái đất”. Ngược lại một ông Duy Vật hỏi tôi rằng: "Mặt trời có ý thức không?" thì tôi sẽ trả lời là có! Và rằng mọi vật, kể cả những vật vô tri nhất như các ông tưởng, đều có linh hồn.

HỎI: Theo ông thì đến một ngày nào đó loài người có thể bắt được “sóng ý thức” từ các nền văn minh ngoài trái đất không?

ĐXT: Ông nên nhớ, trong chương 2 chúng tôi đã khẳng định rằng hàng ngày, hàng giờ, hàng giây thậm chí micro giây loài người luôn luôn nhận được những sóng ý thức từ các nền văn minh ngoài Trái đất. Tuy nhiên để tạo ra một thiết bị thu được sóng ý thức đó thì không thể sử dụng các vật liệu hữu hình.

HỎI: Ông có cảm giác rằng ông là một vĩ nhân không? Ông có cho rằng dân tộc ông là một dân tộc thượng đẳng không?

ĐXT: Tôi không bao giờ coi tôi là vĩ nhân. Tôi cảm thấy tôi bình thường như tất cả những người khác. Tôi chỉ may mắn là được sống trong một trường ý thức của một nền văn minh mạnh hơn Trái đất hoặc chính từ Tâm vũ trụ. Nhưng điều đó thì ai cũng có thể sống trong trường đó nếu họ vô cùng kiên trì và nhẫn nại rèn luyện tư duy của họ.

Dân tộc tôi cũng vậy. Trước hết tôi khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không thua kém bất kỳ dân tộc nào về trí thông minh. Các quy luật phổ quát của Vũ trụ (tức là gần Tâm vũ trụ) thường nằm ở miền giao của các cực đối lập. Dân tộc tôi suốt một nghìn năm qua bao giờ cũng là dân tộc đứng lên cầm vũ khí, quyết dành và giữ lấy quyền sống của mình khi cái chết đang treo lơ lửng trên đầu như một hòn núi. Hai cực đối lập Sống _ Chết đó vẫn có miền giao là Tâm vũ trụ nên dân tộc tôi sống và tư duy ở những thứ gần Tâm Vũ trụ nhất . Dù cho trước đây dân tộc tôi chưa có một triết học viết thành văn nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim, từ trong sâu thẳm của linh hồn, dân tộc tôi đã thấu hiểu các quy luật phổ quát ở lân cận Tâm Vũ trụ.

Tôi chỉ là người may mắn được ghi chép lại những tư tưởng đó.

Và như ông đã biết khi một dân tộc hiểu được các quy luật đó thì sợ gì không giầu, không mạnh và không nhân ái.

Phụ lục B

CÁC CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI TRÊN BLOG CỦA THỌ


1. Về Tiên đề 1.1 - Vũ trụ là vô cùng:

Vũ trụ đang giãn nở/hoặc co lại (kể từ vụ Big Bang), vậy vũ trụ đang có một giới hạn nhất định! Do đó, kể cả khi vũ trụ của TS. Thọ là hợp của các vũ trụ đang co hay giãn kia, thì nó vẫn có giới hạn, chứ không phải là vô cùng!

2. Định lý 1.1 - Vũ trụ là duy nhất:

Điều này thì đơn giản quá!

3. Định lý 1.5 -

Đối tượng sinh ra từ đâu? đã giải thích chưa?

"Tồn tại" có nghĩa là "không bị mất đi vĩnh viễn" chăng?

4. Hệ quả 1.2 - Đối với mọi tôn giáo chỉ có một Chúa Trời:

Nghe có vẻ tuyệt vời! Nhưng liệu Giáo hội Phật giáo và Hồi giáo thế giới có chịu nghe Vatican không? Và bao giờ (mấy thiên niên kỷ nữa ấy mà)?

5. Kết luận của Chương 1 - "Những cái đầu mạnh nhất của loài người chỉ có thể hiểu được những vùng lân cận của Tâm Vũ trụ, Hiểu được Tâm vũ trụ là hiểu được cả Vũ trụ":

Nếu ta không hiểu về nó, liệu có nên nói về nó ở thức khẳng định không?

6. Hệ quả 3.1 - Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của các đối tượng trong Vũ trụ:

Thế thì, liệu có mâu thuẫn với sự việc Tâm vũ trụ có trong mọi đối tượng và sinh linh không? Bởi vì, năng lượng này là vô cùng lớn!

TRẢ LỜI NHANH CỦA TS. ĐXT:

Rất cảm ơn về những câu hỏi của các bạn. Sau đây là những trả lời vắn tắt của tác giả:

1.Tiên đề Vũ trụ là vô cùng vô tận là hoàn toàn tự nhiên.

Nếu chúng ta hình dung toàn bộ vũ trụ mà vật lý đề cập(Vũ trụ Einstein ký hiệu là V1) chỉ là một lá phổi của một sinh vât N1 nào đó. Sự nở ra/ co lại chỉ là viêc N1 đang thở. Đến lượt mình N1 cùng đồng loại lại sống trong một vũ trụ V2 nào đó. Ở đó cũng có các thứ tương tự như loài người thấy vũ trụ V1 bây giờ. Chỉ có điều V2 lớn khủng khiếp. Đến lượt mình vũ trụ V2 lại chỉ là một nội tạng của sinh vật N3 khổng lồ hơn... v.v... Cứ như vậy vũ trụ Vn với n tiến tới vô cùng thì Vũ trụ Vt của Đỗ Xuân Thọ là hợp của các vũ trụ trên sẽ là vô cùng vô tận.

2. Điều đơn giản này nhiều người không hiểu bởi nó không đơn giản chút nào.

3. Đối tượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tư nhiên mất đi. Chúng chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác.

4. Ngay trong thiên niên kỷ này chúng ta sẽ chứng kiến sự hợp nhất các tôn giáo vì TÂM VŨ TRỤ là DUY NHẤT.

5. Câu hỏi này xem phần phụ lục

6. Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của Vũ trụ. Vì việc truyền năng lượng này cho các đối tượng là tức thời nên ta có cảm giác năng lượng đó là tự có trong các đối tượng. Như đã nói trong tác phẩm các đối tượng dường như chỉ chứa "ảnh" của Tâm Vũ trụ. Vì rất khó phân biệt ảnh TVT và chính TVT do vận tốc truyền ảnh là tức thời. Vậy năng lượng của các đối tượng tuy thuộc vào "độ gần" của đối tượng đó đến TVT.

Các câu hỏi tiếp theo, tính đến ngày 30.09.2007:

- ThS. Nguyễn Việt Cường (Cựu học sinh A0 chuyên toán ĐH Tổng hơp hiện là GV ĐH Kiến trúc)hỏi: Định nghĩa 1.1 "Vũ trụ là hợp của mọi đối tượng" của anh liệu có phạm vào nghịch lý Canto hay không? Vì Canto chứng minh: Không có tập hợp nào là hợp của của mọi tập hợp.

- TS.Đỗ Xuân Thọ: Trước hết "đối tượng" không phải là "tập hợp", sau là tôi dùng phép hợp (U) của toán học như một sự gợi mở cho những tư duy triết học sâu xa hơn chứ không khiên cưỡng. Do đó định nghĩa đó không mâu thuẫn.

- Ts. Nam Hà (cựu học sinh A0 Chuyên toán ĐH Tông hợp, hiện là giảng viên ĐH GTVT): TS. Đỗ Xuân Thọ đã đánh gục Einstein bằng cách chỉ ra "tư duy" có vận tốc nhanh hơn tốc độ ánh sáng hàng tỷ tỷ lần, vậy theo logic thuần tuý một tiên đề của Einstein bị đánh gục có kéo theo cả thuyết Tương Đối bị đánh gục hay không?

- Bạn Lê T. Thiện (Hokid) sinh viên ĐH Victoria University, Melbourne - Australia: Hỏi về "Vũ trụ là duy nhất"

Chứnh minh: Giả sử A và B là hai Vũ trụ khác nhau. Khi đó ta chọn V = A ∪ B thì V là Vũ trụ. Nếu chỉ ra một Vũ trụ C nào đó khác V thì ta lại lấy hợp của chúng:

V’ =V ∪ C ... Cứ làm như vậy cuối cùng được một Vũ trụ duy nhất. (Điều phải chứng minh (đ.p.c.m)).

Theo Hokid tác giả đưa ra lí luận rất chặt chẽ, và cuối cùng đã suy ra vũ trụ là duy nhất. Vậy tại sao người ta gọi Vũ Trụ là Vũ Trụ mà không gọi tên khác. Giống như con người là con người tại sao lại có phân biệt khác nhau với con vật. Vậy Con Người và con vật nằm trong tập hợp Động Vật. Động Vật sống trên trái đất, vậy trái đất bao gồm động vật. Một lần nữa lại đổi tên thành Trái đất. Trong hệ mặt trời ngoài Trái Đất ra thì còn có các hành tinh khác như Sao Thổ, Sao Mộc, Mặt Trăng, v.v... Tập hợp các hành tinh trên người ta có tên gọi riêng là Vũ trụ. Vì khả năng khoa học của con người còn hạn chế, nếu trong tương lai người ta lại tìm ra được vũ trụ khác thì sao? Ví dụ các nhà khoa hoc tìm ra một vũ trụ khác và đặc tên là Hokid. Vậy theo giả thuyết của tác giả Hokid là vô cùng và không có giới hạn hay sao? (còn comment nữa)

- "Giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ".
Hokid đồng ý với ý kiến này, Vậy điều này càng chứng minh là vũ trụ không phải là duy nhất. Giữa hai vật cùng tồn tại và tác động lẫn nhau, có đặc tính khác nhau thì làm sao mà góp thành một được?

- TS. Đỗ Xuân Thọ trả lời Hokid:
Một khái niêm khi "rơi" vào đầu ta bao giờ cũng có ít nhất 2 phần: NỘI HÀM và NGOẠI DIÊN. Nội hàm là cái bản chất của khái niệm còn ngoại diên là toàn bộ những hiện tượng và sự vật ứng với nội hàm của khái niệm đó. Tên gọi chỉ là định nghĩa. Không ai hỏi tai sao lại đặt tên bạn là Hokid mà không đặt là TẠI SAO. Vũ trụ chỉ là một cái tên, một ngoại diên. Còn cái định nghĩa Vũ trụ mới là nội hàm.
Cái duy nhất của vũ trụ đã chứng minh chặt chẽ. Tuy nhiên hiểu được điều đó không phải dễ dàng. Hokid đi đến điều trăn trở đó là đã gần Tâm Vũ trụ hơn nhiều người khác rồi.

- TS. Nam Hà bình luận: Việc định nghĩa và chứng minh Tâm Vũ trụ là tồn tại và duy nhất của TS Đỗ Xuân Thọ là một định nghĩa và chứng minh hay nhất cho sự tồn tại và duy nhất của THƯỢNG ĐẾ.

- PGS. TS Hoàng Hà, ĐH GTVT Hà Nội:Tại sao không dịch tác phẩm "Tâm vũ trụ" ra tiếng Anh? Tại sao TS. Thọ chỉ muôn dành tác phẩm này cho dòng họ Đỗ dòng họ Phạm và cho dân tộc Việt Nam?

- Hokid: Thời xưa có người cho rằng trái đất là hình vuông, nhưng về sau các nhà khoa học có thể chứng minh là trái đất hình tròn. Và hình tròn của trái đất quá quen thuộc với thế hệ ngày nay, nên mọi người cho rằng bình thường. Cũng như con người ngày nay chưa có khả năng khám phá ra thế giới bên ngoài vũ trụ thì cho rằng vũ trụ là vô hạn. Điều này Hokid không cần tranh luận vì ngay cả các nhà khoa hoc chưa có khả năng khám phá ra điều đó huống chi là một kẻ thiếu kiến thức như Hokid.

- Định lí 2.3 "Vận tốc của ánh sáng c ≈ 300.000 km/s không phải là giới hạn vận tốc của các thông tin trong Vũ trụ":
TS. Thọ dùng cách chứng minh rất là "Buồn cười", hi vọng khi nào TS chứng minh lại Định Lí 2.3 thì báo cho Hokid, để Hokid có thể học thêm một điều mới đó là, vận tốc F lớn hơn hàng triệu triệu lần so với vận tốc ánh sáng.

- TS. Đỗ Xuân Thọ trả lời Hokid:
Thực ra trong Toán học, để phủ nhận một điều nào đó, chỉ cần chỉ ra một PHẢN VÍ DỤ. Cách chứng minh định lý 2.3 là chấp nhận được chứ không đến nỗi "buồn cười". Thú thật với bạn có một chứng minh do tôi nghĩ ra "Tuyệt đẹp" nhưng không được lộ bí mật QG mong Hokid thông cảm.

Càng ngày tôi càng thích Hokid (đừng nghĩ Thọ nịnh nhé, tính cách của Thọ rất trung thực nên không tiến thân được). Hãy bình luận và gửi cho Thọ những câu hỏi. Mong muốn tột cùng của Thọ đến cuối đời là xây dựng cho Việt Nam một triết học của riêng mình. Một mình Thọ làm không nổi mong rằng bạn bè anh em cùng chung tay.

No comments: